google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Phùng Quán một đời thơ lạ - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Phùng Quán một đời thơ lạ

Khi tôi gặp Phùng Quán lần đầu tiên ở nhà Văn Cao, những câu chuyện ly kỳ về ông, tôi đã nghe qua các quán rượu khá nhiều. Ngay cả lần gặp ấy, ông cũng làm tôi ngạc nhiên. Ông đọc cho tôi và Văn Cao nghe bài thơ về một tiểu đội bị sốt rét. Và để chống lại cái cơn sốt ấy, cả tiểu đội đồng ca bằng tiếng rên của người sốt rét bài “Tiến quân ca”.

Ông cứ thế rên thật xúc động theo giai điệu bài “Quốc ca Việt Nam”. Sau lần gặp ấy, ông đưa vợ đến căn gác 60 Hàng Bông nhà tôi uống rượu. Hóa ra bà Trâm, vợ ông lại là giáo viên dạy Văn ở trường Chu Văn An mà vợ tôi từng là học sinh. Bởi thế mà thành gần gũi. Phùng Quán ngoài râu tóc bạc phơ còn có “mốt thời trang” riêng là chuyên mặc quần áo Chàm. Đấy là những bộ quần áo ông có được khi một mình lên trông nom một trại sản xuất của Bộ Văn hóa ở vùng núi Thái Nguyên. Ông là một người hay chuyện, nhất là khi có hơi men. Chuyện đời ông quả là ly kỳ, hấp dẫn. Mười ba tuổi đã bỏ chăn trâu đi theo Vệ Quốc đoàn để làm liên lạc ở chiến trường Bình Trị Thiên. Đã từng làm người dẫn đường cho Phạm Duy, Ngọc Bích đi thực tế sáng tác ca khúc kháng chiến. Chỉ nghe anh em tù Côn Đảo mà viết thành tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” được giải ba Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955, rồi trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” viết về nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu được giải nhất cuộc thi sáng tác hưởng ứng Festival Thanh niên – Sinh viên thế giới Warsawa (Ba Lan)… Nhưng ly kỳ hơn là những tác phẩm này được Phùng Quán viết ra là sau chuyến đi bộ từ Thanh Hóa ra Hà Nội lịch sử. Rất may ra đến Hà Nội với cái bụng đói lép kẹp, ông lại gặp Hoàng Cầm rồi gặp Vũ Tú Nam được bố trí ở lại Hà Nội viết. Những mẩu chuyện ly kỳ về đời ông kể qua hết cuộc rượu này đến cuộc rượu khác, hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết. Đó là những năm tháng gặp tai nạn Nhân văn – Giai phẩm phải sống trong cảnh “cá trộm – văn chui – rượu chịu” ra sao. Rồi lấy vợ mà hai vợ chồng vẫn mỗi người mỗi nơi dằng dặc bao năm tháng… Điều nữa cũng không kém phần hấp dẫn là nó được kể bằng cái giọng truyền cảm lúc hùng hồn, lúc bi thiết của ông. Anh em xung quanh uống rượu hóng chuyện ông cứ luôn trong tâm trạng khóc dở, mếu dở vì những mẩu đời “tang thương ngẫu lục” của ông. Chuyện nào cũng khiến ta ứa nước mắt. Ấy thế mà Phùng Quán cứ kể thản nhiên, cười cợt như không. Lạc quan là phẩm chất gốc trong tâm hồn Phùng Quán. Nếu không lạc quan, chắc Phùng Quán đã gục ngã từ lâu lắm rồi. Nó còn ngấm cả vào những sáng tác ông phải viết “văn chui” dưới nhiều cái tên khác nhau, ví dụ: Tập truyện thiếu nhi “Như con cò vàng trong cổ tích” ký bút danh Vũ Quang Khải (em ruột vợ) và đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin, do hãng Thông Tấn Novoxti (Liên Xô cũ) tổ chức năm 1970. Khi nhận giải, Phùng Quán đã phải thuyết phục cậu em vợ đi nhận hộ chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô và một bộ vét-tông com-plê rất oách. Chiếc xe đạp ấy ông đã đi tới phút không đi được nữa. Ông và bà Trâm vợ ông – một thiếu nữ nết na của phố Hàng Cân, Hà Nội đã sống lay lắt, điêu đứng bao năm ở căn nhà vốn là cái xưởng học cụ của trường. Ấy vậy mà với chất lạc quan trong mình, Phùng Quán lại dựng lên ở nơi ven hồ Tây ấy một căn gác gỗ gọi là “chòi ngắm sóng” hay là “chòi ngóng sóng” đều được. Và kết tinh của chất lạc quan ấy là những câu thơ mời rượu “Bác Ba Vì”: “Thôi bác cứ ngồi yên ở đó/ Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây/ Tôi thì làm thơ, bác làm núi/ Nhớ nhau tưới rượu xuống hồ Tây”, là sự âm thầm viết bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” gồm 3 tập, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987, được xưởng phim Giải Phóng dựng thành phim do đạo diễn Vinh Sơn thực hiện và đoạt Huy chương Bạc trong Liên hoan phim 1990.

Cũng chính với sự lạc quan ấy, ngày bước vào thời kỳ đổi mới, Phùng Quán đã không ngại ngần đưa in “Trường ca cây cà” trên tờ Quảng Nam – Đà Nẵng gây xôn xao dư luận đầu 1987. Làn sóng đổi mới đã khiến Phùng Quán trẻ lại, nhất là khi đã được phục hồi Hội tịch cùng Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt. Ông tạo ra cuộc đi đọc thơ xuyên Việt rất hoành tráng.

Tôi rất đồng tình với một nhận định của ông bạn Đỗ Quang Hạnh viết trên tờ Lao Động số 18 (1.2.1997): “Phùng Quán, anh là nhà thơ cởi trần… đi với bụt hay đi với ma đều cởi trần”. Cốt cách ấy chính là bài thơ hơn tất cả mọi bài thơ ông viết ra. Bởi thế, ông luôn làm cho những người nhút nhát hoảng sợ. Giữa tháng sáu năm 1989, tôi và Trần Tiến tổ chức một đêm thơ – nhạc từ thiện đầu tiên ở Hà Nội, tôi mời ông đọc thơ. Đến lượt ông, ông cứ thế đi chân đất từ cánh gà ra sân khấu của Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ (nhà Khai Trí – Tiến Đức cũ) và đọc vang lừng “Lời mẹ dặn”: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét”.

Nghe ông đọc, ở dưới vỗ tay vang dội. Còn những anh em trong ban tổ chức thì lại lo giải trình với cơ quan chức năng.

Tôi rất kính trọng Phùng Quán khi ông lặn lội về Thái Bình thăm ông Nguyễn Hữu Đang – nguyên Trưởng ban tổ chức Lễ Quốc Khánh 2.9.1945 – đã từng bị đi cải tạo suốt 15 năm ròng ở vùng núi cao. Đấy là dịp giáp Tết Canh Ngọ 1990, một chuyến đi cực kỳ phiêu lưu vì Phùng Quán đâu có biết Nguyễn Hữu Đang ở đâu. Vậy mà nhờ tài quyền biến khi tự giới thiệu mình làm thương nghiệp ở Hà Nội đã về hưu, Phùng Quán đã tìm ra được địa chỉ và đến thăm ông Đang. Mấy năm sau, khi ông Đang lên Hà Nội, chính vợ chồng Phùng Quán lại tổ chức mừng thượng thọ ông tại ngay “chòi ngắm sóng” nhà mình. Cũng nhờ nhiệt thành của ông và ông Đang, tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung đã được Nhà xuất bản Văn Hóa ấn hành.

Phùng Quán cũng rất yêu quý Hoàng Cầm. Dịp Hoàng Cầm bị nghi là đưa “tập thơ” “Về Kinh Bắc” ra nước ngoài và bị tạm giữ ở Hỏa Lò mất mấy năm, khi được trở về, Hoàng Cầm bị sa sút về tinh thần khá nặng. Ông dường như bị trầm cảm, không muốn nói, không muốn tiếp xúc và không muốn làm thơ. Phùng Quán đã làm thơ động viên Hoàng Cầm rất chân thành: “Tôi có một niềm tin/ Chắc như đinh đóng cột/ Ngày mai anh nhắm mắt/ Đi sau linh cữu anh/ Ngoài bạn hữu gia đình/ Có cả con sông Đuống/ Sông Đuống mặc đại tang/ Khóc bên bồi bên lở/ Sóng vỗ bờ nức nở/ Ngàn đời chịu tang anh…”.

Nhờ tình cảm của người thân, bè bạn và cũng nhờ làn sóng đổi mới, Hoàng Cầm đã gượng được và hồi phục sáng tạo trong suốt thập kỷ cuối thế kỷ cũ và thập kỷ đầu thế kỷ mới.

Phùng Quán lạc quan và chân thành như vậy, nên nhiều anh em bằng hữu rất mến ông. Nhờ thế, trong chuyến đi xa nhà trọn một năm, ông đã đem về một tiểu thuyết tình 13 chương mang tên “Trăng Hoàng cung”, năm 2003, đã được in trọn vẹn trong tập sách dày dặn “Nhớ Phùng Quán” do Ngô Minh sưu tầm, tuyển chọn và công ty Phương Nam đứng ra ấn hành tại Nhà xuất bản Trẻ. Có lẽ đây là tác phẩm lạ nhất của Phùng Quán trong suốt đời thơ lỳ kỳ của ông. Nó cũng có đầy những sự ly kỳ nằm ở các chương cả thơ và văn xuôi trộn lẫn vào nhau. Vẫn là giọng thơ quảng trường vang vang hào sảng. Vẫn là những đoạn văn xuôi được kể bằng cái duyên Phùng Quán.

Niềm khát sống trong Phùng Quán luôn khiến ta có cảm giác nó có thể trào ra chan chứa bất cứ lúc nào. Ngay cả khi ông bị mắc chứng xơ gan cổ chướng. Không ngồi viết được thì nằm viết. Ông luôn lạc quan rằng, mình sẽ khỏi. Nhưng giữa những cơn đau vật vã, định mệnh đã gõ cửa đưa ông ra đi khỏi trần thế ngày 22.1.1995.

Đã nhiều năm qua ông đi xa. Nhớ ông, xin ghi lại bài thơ làm tặng ông khi ông phục hồi Hội tịch: “Này em vừa dậy thì/ Có lên cầu thang đang bắc/ Đừng nhìn thế đừng cười thế/ Nhỡ đổ mất cái chòi Ngóng Sóng/ Mất ba mươi năm ta quanh quẩn đây/ Lên gác rồi xuống gác/ Sóng gió hồ Tây nhuốm dần chòm râu bạc/ Chợt lay lay hơi rượu nồng nàn…”.

Nguồn: Nguyễn Thụy Kha

Bình luận Facebook