Phú Quang và mùa thu của riêng mình
Nhạc sĩ tự sự: “Mối tình đầu của tôi thuộc về Hà Nội. Và giờ Hà Nội cũng chính là nơi tôi dừng bước trong cuộc phiêu lưu tình ái, bởi tôi đã tìm thấy “mùa thu” cho riêng mình”.
“Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Để cuối con đường anh kịp nhận ra em…”.
Đó là những giai điệu nằm trong ca khúc “Mùa thu giấu em” mà nhạc sĩ Phú Quang viết tặng riêng cho người vợ hiện tại của mình.
Nhưng cũng giống như nhiều ca khúc khác của vị nhạc sĩ tài hoa này, “Mùa thu giấu em” nhất định phải đi kèm một tình yêu khác: Tình yêu Mùa thu Hà Nội. Chính như lời tự sự của người nhạc sĩ được xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014: “Mối tình đầu của tôi thuộc về Hà Nội. Và giờ Hà Nội cũng chính là nơi tôi dừng bước trong cuộc phiêu lưu tình ái, bởi tôi đã tìm thấy “mùa thu” cho riêng mình”.
Gần nửa thế kỷ làm nhạc, có thể dễ nhận ra rằng, hầu hết những ca khúc về tình yêu, về Hà Nội của Phú Quang có sự xen lẫn, kết hợp rất hài hòa. Tình yêu nào cũng lớn, cũng da diết hết.
Đó có thể là sự tiếp nối cảm xúc từ những tứ thơ của người khác như “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ), “Nỗi nhớ mùa đông” (thơ Thảo Phương), “Khúc mùa thu” (thơ Hồng Thanh Quang), “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phạm Thị Ngọc Liên)… hay chính như ca khúc mà ông tự viết ca từ như “Mùa thu giấu em”.
Như theo cách nói của Phú Quang thì đó chính là “cách viết thư tình của riêng tôi”. Cho dù đôi lúc khó phân biệt được Phú Quang tỏ tình với Hà Nội hay là với giai nhân. Mà có khi hai mà một cũng nên, bởi với vị nhạc sĩ, mùa thu Hà Nội cũng là một giai nhân quá yêu kiều.
Phú Quang kể rằng, những bóng hồng đi qua đời ông đều ít nhiều bảng lảng hương hoa sữa, phố cổ mặc trầm, từng hàng cây góc phố, lác đác lá thu vàng rơi… Tất cả mang hơi thở của một Hà Nội xa xưa, quá vãng.
Với “Mùa thu giấu em” cũng vậy. Cho dù khi viết ca khúc này đã không phải xúc cảm của một gã trai mới bước vào đời như ở trong “Chuyện bình thường cuối cùng”, mà là sự chiêm nghiệm của một người Hà Nội đang được tái sinh trong tình yêu: “Rồi tình yêu lại rưng rưng bên khung cửa nhỏ/ Và con đường lại xao xác gió heo may”.
Hẳn, định mệnh đã an bài cho ông, khi sinh ra để trở thành nhạc sĩ của Hà Nội. Người nhạc sĩ rời quê mẹ vào thành phố mang tên Bác để lập nghiệp, nhưng vẫn quay quắt nhớ về nơi mình lớn lên, nơi chứng kiến những mối tình và là nơi hàn gắn những mảnh vỡ tâm hồn.
Phú Quang đã viết về những người đàn bà ở lại hoặc đi qua cuộc đời ông trong hàng trăm ca khúc. Gần như mỗi một bản tình ca của ông đều có bóng dáng một giai nhân nào đó, bên cạnh “giai nhân” Hà Nội.
“Trong những bài hát của tôi thường có rất nhiều bóng dáng giai nhân. Bạn hỏi tôi họ là những ai ư? Họ là những chị, những em, những người con gái tôi đã quen hoặc chưa quen, tôi đã nhớ hoặc chưa là nỗi nhớ.
Họ ở trong tôi như bóng dáng của Hà Nội, cổ xưa mà hiện đại, yêu kiều mà trang nhã. Tôi đã yêu họ như yêu một vùng đất nguồn cội, như yêu một phần đời của mình, tuổi trẻ của mình”, nhạc sĩ tâm sự.
“Mùa thu giấu em” cũng là một tuyệt phẩm mang dấu ấn Hà Nội, nhưng đặc biệt hơn khi đây là “bức thư tình” của ông khi đã qua dốc bên kia của cuộc đời.
Là người tạo ra những bản tình ca, nhưng người đời lại chứng kiến cuộc sống hôn nhân của vị nhạc sĩ tài ba này vô cùng lận đận. Yêu vợ, thương con nhưng sự “cọc cạch” về một khía cạnh nào đó khiến cho cuộc hôn nhân của Phú Quang với hai người phụ nữ đầu tiên không dừng lại ở “bến bình yên”.
Ví mình như “con chim sợ cành cong”, Phú Quang từng tự nhủ lòng mình sẽ chẳng bao giờ kết hôn nữa. Ông sợ sự tổn thương. Nhưng có lẽ là định mệnh. Phú Quang – Giai nhân – Mùa thu Hà Nội không thể tách rời.
Bẵng đi một thời gian khá dài, cho đến lúc nhạc sĩ tài hoa này bước vào tuổi 60 với album ghi dấu ấn “The best of 6.0” thì đồng thời, công chúng lại được biết thêm tên một người phụ nữ nữa của Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang và vợ
Trịnh Anh Thư – người đàn bà kém Phú Quang hơn hai chục tuổi chưa từng lướt qua trong bất kỳ ca khúc nào của ông đã ở lại trong ngôi nhà và trái tim người nhạc sĩ đào hoa này, trở thành “giai nhân Hà Nội của riêng Phú Quang”, một “mùa thu của riêng mình”.
Ông trải lòng: “Năm nào cũng vậy, cuối thu đầu đông tôi lại trở về Hà Nội, để nói lời yêu thương và tỏ bày nỗi nhớ bằng đêm nhạc của chính mình. Trong tôi, Hà Nội là nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông không ngừng chảy, lúc êm đềm, lúc lại cồn cào con sóng…
Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội. Ấy là người bạn gái trong trẻo thầm lặng dành bánh mỳ luộc cho tôi mỗi sáng. Rồi chúng tôi đi qua đời nhau… Và giờ Hà Nội cũng chính là nơi tôi dừng bước trong cuộc phiêu lưu tình ái, bởi tôi đã tìm thấy “mùa thu” cho riêng mình”.
Hiện, tổ ấm của nhạc sĩ Phú Quang và Anh Thư nằm “ở nơi đầy chất nhạc” tại đường Âu Cơ, ngay sát bờ sông Hồng. Đây là nơi ông vẫn đều đặn cho ra những ý tưởng, sản phẩm, chương trình âm nhạc của riêng mình về một Hà Nội cũng của riêng mình.
Nguồn: Hà Minh/NNVN