PHỐ NGÀN LAU
Phượng là chỗ dựa cho bé Út, cho cu Bin. Còn Phượng, Phượng sẽ dựa vào đâu khi mỏi mệt?
***
Minh về nhà đã ba hôm, rảnh rang đến độ cuồng tay cuồng chân. Gọi đứa bạn nào cũng bận, sao mà điên thế không biết. Mẹ bận bế bé Ty con chị hai nên bảo Minh ghé dì Tâm lấy thức ăn giúp. Đang chưa biết gửi thời gian buổi sáng vào đâu, Minh vui vẻ gật đầu. Ghé gian hàng dì Tâm, ký ức ùa về, hình ảnh Phượng, cô bạn cùng lớp mới thân thương làm sao.
Nhà Phượng ở đâu bạn bè trong lớp không ai biết. Chỉ thấy tan học bạn lủi thủi đi bộ về khu trọ sau chợ. Bạn bè đi về cùng đường, muốn đồng hành cho vui, khi gần đến ngõ khu trọ thì Phượng xua: “Về đi… Đừng để cậu mợ tớ nhìn thấy”. Học cùng nhau ba năm cấp 3 nhưng trong lớp chẳng ai biết gì về gia cảnh của Phượng, chỉ biết bạn ở nhà cậu mợ cho tiện học hành.
Ba năm học chung, bạn bè rủ nhau đi chơi, đi thăm cô Chủ nhiệm bị bệnh, đi tập Văn nghệ… Phượng đều từ chối. Lực học trung bình, môn nào cũng thường thường đủ điểm lên lớp mà thôi. Được cái các khoản đóng góp trong lớp thì chưa bao giờ bị nhắc, riêng quần áo và đồ dùng học tập của Phượng có vẻ cũ kỹ và lỗi thời nhưng sạch sẽ.
Từ bữa mẹ bị té bong gân, hôm nào tan học Minh cũng phải ghé dì Tâm, em ruột mẹ bán hàng bông ngoài chợ lấy thức ăn. Đồ ăn dì Tâm đã mua sẵn, để đấy chờ Minh đến thì treo vào tay cầm. Túi đồ ăn lủng là lủng lẳng theo từng vòng quay xe đạp. Hôm ấy thằng Liêm nhờ Minh chở về giúp, xấu hổ với bạn nên Minh chạy về nhà luôn. Mẹ đã nấu cơm, chờ Minh mang thức ăn về, thấy Minh về không mẹ mới nhắc. Minh quày quả quay xe lại chỉ lí nhí bảo “con quên”.
Minh vừa dừng xe, dì đang cân dưa leo cho khách nên bảo “chờ dì tý” thì chợt nghe tiếng quát gian hàng cá sau lưng: “Nhanh lên con rùa kia…” “Của cô đây ạ, hai mươi lăm nghìn ạ….” Giọng nói quá đỗi thân quen, Minh bất giác quay lại, thì ra là Phượng, bạn vẫn mặc chiếc áo trắng đồng phục, đang làm cá cho khách. Thấy Minh, Phượng cúi gằm giả tảng không quen…
Chiều ấy mẹ bảo Minh chở bao khoai mỡ ra cho dì Tâm. Minh lại để ý xem có Phượng ở đấy không. Thì thấy Phượng đang lúi húi cắt đầu mớ cá kìm cho khách, tay kéo thoăn thoắt. Không biết có người đứng sau đang chăm chú nhìn mình, bất giác ngước lên, thấy Minh Phượng bối rối cúi xuống.
Dì Tâm nhìn sang rồi nhẹ nhàng: “Bạn học hả…” Hỏi chỉ để hỏi vậy thôi chứ nhìn phù hiệu nơi vai áo đồng phục chắc chắn dì biết hai đứa chúng tôi học cùng lớp. Đưa xấp tiền để Minh mang về cho mẹ, dì Tâm chép miệng: “Con nhỏ siêng năng vầy mà bị mắng hoài…”.
Tối đó Minh lò dò sang nhà dì Tâm, hỏi thăm về Phượng mới biết nhà Phượng đâu tuốt trong rẫy, xa hơn mười mấy cây số. Ba Phượng mất sớm, má gửi Phượng cho cậu mợ bán cá ở chợ. Má Phượng nói với cậu mợ chỉ mong Phượng học hết cấp ba. Phượng ham học nhưng không có thời gian, vì một buổi đến lớp một buổi phải phụ cậu mợ bán hàng. Cậu mợ nuôi không, còn cho tiền đóng học đầy đủ nên cô không thể xao nhãng việc nhà, cơm nước giặt giũ xong thì ra chợ phụ mợ hàng họ.
Bây giờ thì Minh hiểu vì sao nét mặt Phượng có vẻ già dặn, lo toan và phảng phất buồn. Ngoài giờ học thì mọi hoạt động của lớp Phượng đều không tham gia… thì ra là vậy…
Hôm sau vừa thấy Minh, Phượng đi tới rồi nhét nhanh mảnh giấy bé xíu vào tay Minh. Chờ không ai để ý, Minh mới mở ra xem, có mấy chữ viết vội nhưng vẫn mềm mại uyển chuyển, đúng là nét chữ của con gái. “Ông đừng nói cho ai biết tui bán cá ngoài chợ nghe”. Minh thấy thương Phượng quá. Mình ra chợ lấy thức ăn đã mắc cỡ, Phượng ngồi bán cá chắc còn mắc cỡ hơn mình, tội nghiệp bạn ấy thiệt.
Trống tiết cuối, các bạn í ới gọi nhau đi uống trà sữa, ăn bánh tráng trộn, Minh thấy Phượng lặng lẽ, ôm ngang cặp sách lầm lũi bước. Minh lấy xe, đạp đuổi theo, bảo Phượng: “Lên tớ cho quá giang, tớ cũng ra chợ đây”. Phượng lắc đầu: “Ông không đi ăn uống chơi với các bạn, theo tui làm gì. Kệ tui, tui đi bộ quen rồi”.
Phượng không tỏ ra thân thiện thêm, cũng không xa lánh Minh. Hai đứa vẫn như hai cái bóng bên nhau. Minh thương bạn nhưng chỉ biết dõi theo rồi thôi.
Sau tốt nghiệp cấp 3 thì không thấy bóng Phượng ngoài chợ nữa. Hỏi thăm dì Tâm thì nghe nói Phượng về nhà rồi. Minh biết Phượng không thi Đại học vì Phượng không hề làm hồ sơ như chúng bạn.
Minh rời quê về thành phố Hồ Chí Minh học Đại học. Bao lo toan ở môi trường mới, các mối quan hệ mới, bạn bè mới… Minh quên béng cô bạn học thuở nào…
Hôm nay đứng đây mới thấy nhớ Phượng, muốn biết về Phượng, Minh hỏi thằng Tiến, em họ Phượng đang lúi húi cắm điện sục ô xy mấy thau cá, thau tôm. “Chiều vô nhà chị Phượng chơi đi, em cũng có việc vô đó, em dẫn anh đi….”.
Hai anh em đi hết mười cây số đường nhựa thì rẽ trái, con đường đất đỏ dài ngút mắt và thẳng tăm tắp. Hai bên đường là những lô cao su đang mùa khai thác, tỏa bóng rợp cả đường đi. Đi hết đám cao su già, trước mắt Minh là một cánh đồng xanh non dịu vợi. Các cây cao su non chừng 3 năm tuổi, yếu ớt nghiêng nghiêng trong nắng chiều tà. Đặc biệt là trong lô người ta trồng xen cây gì xanh tốt lắm. Hỏi Tiến đấy là cây gì,Tiến cũng lắc đầu “chịu”. Thân cây cao như cây lau, lá xanh non mơn mởn. Hình ảnh cả cánh đồng xanh mượt như nhung, nhấp nhô gợn sóng hai bên đường mới đẹp làm sao. Minh lẩm nhẩm: Phố ngàn lau…
Đi thêm một đỗi nữa thì đến nhà Phượng. Một căn nhà cấp 4 nhỏ, cũ kỹ, lọt thỏm giữa vườn điều già. Mấy gốc điều to đến cả người ôm, từng nhánh vạm vỡ xoải nghiêng tứ phía, lá rậm rì xanh um. Trong nhà có tiêng ru, dỗ dành con trẻ. Minh và Tiến bước vào, trên tay Phượng là một bé trai chừng hai tuổi đang quấy khóc. Nhìn Phượng hốc hác, đen nhẻm, áo quần nhếch nhác…
Phượng có con rồi ư?
Phượng vừa dỗ dành đứa bé vừa kéo ghế mời khách. Thằng Tiến lấy thiệp cưới ra mời Phượng rồi xin phép đi sang nhà cô Tám. Minh ngồi yên, đầu quay cuồng vì không biết phải mở lời thế nào cho phải.
Phượng cũng lúng túng một lúc rồi hỏi Minh học xong chưa, đã có ý định xin việc ở đâu chưa hay về quê, cưới vợ chưa… Minh cười cười: “Phượng hỏi nhiều vậy làm sao tui trả lời kịp…”
Thằng bé lại mè nheo: “Mẹ… mẹ… ăn bánh…”. Phượng với tay xé bịch bánh thằng Tiến mới cho, thằng bé tụt xuống đất ngồi một mình ăn ngon lành.
Thấy Minh nhìn thằng bé chằm chằm, Phượng mới mở lời: “Con chị hai tui đó. Anh chị li dị khi cu Bin mới thôi nôi. Nó được tuổi rưỡi thì chị hai tui bị tai nạn. Tui trở thành mẹ của nó từ bấy đến nay. “Má Phượng đâu…”, đang thắc mắc trong đầu chưa dám hỏi thì Phượng tiếp: “Má tui mất sau khi tui tốt nghiệp vài tháng. Giờ tui đang lo cho bé Út học Đại học với thằng nhóc này đây. Bé Út nó học giỏi hơn tui, nó đi học thay cho tui. Như vầy là nối dài ước mơ ngày còn đi học dùm tui đó mà…”. Rồi Phượng trầm ngâm: “Vài năm nữa nó ra trường có việc làm, khi đó đám cao su cũng cạo được thì tui mới hết lo…
Phượng là chỗ dựa cho bé Út, cho cu Bin. Còn Phượng, Phượng sẽ dựa vào đâu khi mỏi mệt?
Hàn huyên chuyện nọ xọ chuyện kia, nhìn ra sân đã thấy lũ gà về đòi ăn, vài con đã nhảy lên chuồng. Minh vội từ biệt ra về. Đèn xe quét qua quét lại soi rõ đoạn đường lô thẳng tắp ngút mắt. Minh biết phía sau những hàng lô cao su xanh non mơn mởn kia là một tương lai tươi đẹp với bao gia đình trồng cây công nghiệp trên mảnh đất Đồng Xoài – Bình Phước này. Minh thở phào nhấn ga lướt nhanh, đèn xe, đèn đường sáng choang.
Hình ảnh đồng cỏ nhấp nhô gợn sóng xanh biếc bên đường in đậm tâm trí Minh. Ngày mai ngày kia hoa sẽ nở, chắc chắn sẽ nở. Sắc hoa trắng xóa mượt mà như hoa lau, Minh đoán thế, chúng sẽ đẹp biết dường nào. Phố ngàn lau – loài cây “lấy ngắn nuôi dài”, giúp người nông dân có thu nhập trong khi chờ cao su đủ sức cứng cáp cho dòng nhựa quý. Phố ngàn lau thật mộc mạc và yên bình làm sao!
Ngô Thị Ngọc Diệp