Phạm Tiến Duật là nhà thơ gắn liền máu thịt với con đường Trường Sơn một thời binh lửa. Người ta luôn tìm thấy trong thơ ông chất lính trẻ trung đầy lạc quan trong những năm tháng hào hùng, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thơ Phạm Tiến Duật in đậm chất sử thi của một thế kỷ đầy biến động. Người lính cầm bút ấy đã gieo vào lòng người đọc sự tin tưởng vào những phẩm chất tốt đẹp nơi trái tim con người trước mọi thử thách lịch sử.
Phạm Tiến Duật và những năm tháng tuổi trẻ phiêu bạt đó đây
Phạm Tiến Duật từng tâm sự rằng, cuộc đời mình là một cuộc phiêu bạt cùng số kiếp. Từ nhỏ đã đi bộ tới hơn mười cây số để đến trường, điều đó đã nuôi trong tâm trí nhà thơ mầm mống của kẻ lang bạt đó đây.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông bắt đầu khoác ba lô vào chiến trường như những thanh niên yêu nước cùng thời. Ban đầu, Phạm Tiến Duật nhập ngũ vào Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ Tây Bắc, về sau lại xin chuyển về vận tải quân sự tại Tổng cục hậu cần.
Trong quãng thời gian chiến tranh khốc liệt, ông rong ruổi theo những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, tiếp phẩm, tiếp đạn vào chiến trường. Chuyến hành trình ấy bắt đầu từ trạm 10 ở Thanh Hóa, sau lại đến Binh trạm 11 của Nghệ An, Binh trạm 12 tại Quảng Bình.
“Tất cả giấy tờ, quân số của tôi để lại ở Cục Vận tải, tôi cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Tôi không hề biết lái ôtô, tôi chỉ cùng với những người lính vận tải, bám theo xe nọ, nối gót theo xe kia. Không có ai cử đi công tác mà tôi tự đi, tôi theo những người lính vào mặt trận.” – Nhà thơ Phạm Tiến Duật
Theo lời kể của “con chim lửa của đường Trường Sơn huyền thoại” thì chuyến phiêu bạt đó khá dài. Nhà thơ vào Củ Chi, sau giải phóng Buôn Mê Thuột lại trở ra rồi tiến vào nội thành Sài Gòn, lang thang mãi tới tận hơn nửa năm sau mới quay trở về đơn vị cũ.
Cơ duyên đến với cánh rừng Trường Sơn cùng những sáng tác đầu tay
Trong mười bốn năm tại ngũ thì Phạm Tiến Duật đã có tới tám năm gắn bó với Trường Sơn tại Đoàn 559. Ông được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại những năm tháng chống Mỹ cứu nước.
Sự nghiệp văn chương của Phạm Tiến Duật khởi nguồn từ tuyến đường mòn Trường Sơn 559 khi tham gia chiến đấu với tư cách phóng viên mặt trận, quãng thời gian đó đã cho ông nhiều kinh nghiệm và tư liệu về thực tế đời sống nơi chiến trường.
“Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn.” – Nhà thơ Phạm Tiến Duật bộc bạch
Ông cho rằng thời gian gắn bó với Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất của mình. Nhà thơ chứng kiến sự ác liệt, cảm nhận được nỗi đau thể xác cũng như tinh thần mà những người lính nơi đây phải gánh chịu.
Phạm Tiến Duật có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, bắt trọn và ghi lại vẻ đẹp của người lính lái xe, hình ảnh cô thanh niên xung phong, người mẹ Pa Cô, Vân Kiều. Có thể nói, mỗi chiến sĩ Trường Sơn thời ấy đều soi thấy mình trong câu thơ của ông.
“Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ. Thơ ông có sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận.” – nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Trường Sơn đã cho Phạm Tiến Duật một kho báu và ngược lại, ông đã dùng các vần thơ, con chữ để làm sáng đường Trường Sơn. Những nguyên mẫu đời thường hồn nhiên đi vào trong từng trang thơ, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của tuổi trẻ thời đại chống Mỹ.
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là bài ca bất tử thôi thúc thanh niên lên đường
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là tác phẩm đã đi vào tiềm thức của hầu hết người dân Việt Nam. Bài thơ này được Phạm Tiến Duật viết vào năm 1969 tại làng Cổ Giang ven bờ sông Son, tỉnh Quảng Bình.
Sáng tác bất hủ này được viết sau nhiều chặng đường vượt rừng gian nan. Ngay khi mới ra đời, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đã luôn có mặt trong túi áo của mỗi người lính trên tuyến lửa.
Khi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, thi phẩm bắt đầu vang khắp chiến trường như lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu trái tim rực lửa của thanh niên Việt Nam lên đường. Biết bao người lính đã xông pha nơi tiền tuyến, từ đó lập công và giải phóng đất nước.
Mở đầu bài thơ là lời tự tình của đôi lứa yêu nhau song phải chịu chia cách bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tuy nhiên, họ vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí quyết chiến quyết thắng trên mặt trận mưa bom bão đạn.
“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.” – Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Đối mặt với bom đạn, chết chóc là điều những người lính Trường Sơn phải thường xuyên trải qua. Chính cuộc sống đau thương thời binh lửa đã tôi luyện họ, cái chết như nhẹ tựa lông hồng, tất cả bi kịch đều hiện ra dưới một lăng kính tếu táo lạ thường.
“Đông sang Tây không phải đường như
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.” – Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Cho tới bây giờ, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây vẫn là bài thơ có sức sống lâu bền trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Niềm tin chiến thắng, luôn hướng về độc lập, tự do của Phạm Tiến Duật đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đối với thanh niên trẻ.
Trong thơ ông, tình yêu đôi lứa luôn hòa quyện với tình yêu đất nước. Tuy bom rơi đạn lạc nhưng tác giả vẫn giữ cho mình khoảnh khắc riêng tư trong tâm trí, đó là nỗi nhớ về người bạn gái đang hành quân bên sườn Đông dãy Trường Sơn.
Những vần thơ mang âm hưởng đời thường nhưng vẫn đậm chất người lính. Cấu trúc dễ nhớ, dễ thuộc, tính trữ tình hòa quyện với tính hùng ca đã nói lên cảm xúc của cả một thời đại, truyền lửa vào trái tim mỗi người ra trận.
Chùm thơ Vầng trăng quầng lửa là dấu mốc đáng nhớ trên thi đàn Việt Nam
Từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX, Phạm Tiến Duật đã có thơ đăng báo. Tuy nhiên tác phẩm mà ông sáng tác lúc này vẫn chưa có chất riêng, còn lẫn với giọng của nhiều người và chưa đủ nổi trội để ghi dấu ấn.
Phải đến cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức vào năm 1969 – 1970, tác giả mới thực sự ghi tên tuổi vào thi đàn Việt Nam bằng chùm thơ Vầng trăng quầng lửa. Tác phẩm của Phạm Tiến Duật đoạt giải Nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bằng phong cách khác lạ.
“Sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật đã làm xôn xao đời sống thơ ca vốn có. Thơ Phạm Tiến Duật đã cổ vũ cho cuộc chiến đấu theo cách riêng của mình và đã đón nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều phía.” – Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Chùm thơ Vầng trăng quầng lửa gồm bốn bài, thu hút nhiều chú ý bởi sự độc đáo từ chất liệu, thi liệu tới giọng điệu. Phạm Tiến Duật đã miêu tả thành công tâm trạng của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt bên cạnh tình yêu đất nước, tình đồng đội.
Nổi bật nhất trong tập thơ là tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhan đề khá dài nhưng đó lại chính là điểm sáng để thu hút độc giả. Nó gợi chất thơ của cuộc sống nơi chiến trường trong tâm hồn những người lính lái xe.
Bài thơ như lời nói chuyện nho nhỏ về cuộc đời chiếc xe không kính, bom đạn chiến đấu ác liệt đã tàn phá những chiếc xe vốn rất tốt. Sau đó, phụ tùng của chúng dần không còn được bền đẹp như xưa nữa.
Từng thứ một đã hỏng hóc trước những áp lực công suất bom đạn chiến tranh tàn phá, để xe dần trở nên không có kính, không mui, không đèn. Qua đây, nhà thơ đã cho chúng ta thấy được trong gian khổ, ý chí của người lính cụ Hồ lớn đến nhường nào.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Tuy bao tấn bom đạn dội xuống mảnh đất Trường Sơn để tàn phá con người và thiên nhiên nhưng không thể làm lung lay ý chí quật cường cũng như tinh thần quyết chiến của những người lính trẻ.
Không màng đến sự thiếu thốn vật chất, hiểm nguy nơi chiến trường khốc liệt, họ vẫn sẵn sàng mặc áo lính, hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ. Những chiến sĩ ấy càng làm tỏa sáng lên phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, khí chất mạnh mẽ và đầy gan dạ.
Lời thơ mộc mạc, giản dị như câu chuyện hàng ngày, góp phần hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của người lính Trường Sơn những năm chống Mỹ. Tác phẩm kết thúc bằng một hình ảnh đầy thi vị, khi hiện thực nghiệt ngã hòa vào chất lãng mạn bay bổng.
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.” – Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Tất cả những tận tụy, quên mình vì nhiệm vụ đều bởi một lý tưởng cao cả “vì miền Nam thân yêu”. Lòng yêu nước nồng cháy cùng sự căm thù quân giặc chính là cội nguồn sức mạnh để các chiến sĩ mang lại hòa bình, độc lập cho quê hương.
Bên cạnh đó, bài thơ Cái cầu trong tập Vầng trăng quầng lửa cũng là tác phẩm đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Lời thơ chân chất, thật thà, gần gũi, mỗi chiếc cầu đều được miêu tả với những nét đặc sắc khác nhau.
Từ hình ảnh cây cầu trong thư cha, người con nhớ tới những cây cầu khác gắn với bao kỉ niệm thân thuộc như cầu tơ nhỏ, cầu ngọn gió, cầu lá tre, cầu vồng lẫn cầu treo. Những cây cầu ấy gắn với kỉ niệm tuổi thơ, tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương đất nước.
“Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê !
Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ
Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió
Con kiến sang ngòi bắc cầu lá tre.” – Cái cầu
Câu chuyện giữa người mẹ và con sau khi nhận thư cha, kể về chiếc cầu cha mới xây cùng những cây cầu thân thuộc khác. Cây cầu đặc biệt đó gợi lên trong người con hình ảnh về các kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương.
Tình yêu thiết tha với đất nước được tác giả bộc bạch qua từng lời thơ hồn nhiên. Những cây cầu giản dị ở miền quê không chỉ gợi nhắc kỷ niệm mà nó còn là nơi chứa đựng tình cảm của bạn nhỏ đối với cha mẹ, gia đình, quê hương.
“Yêu hơn cả cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi cái cầu của cha.” – Cái cầu
Chùm thơ Vầng trăng quầng lửa được nuôi dưỡng bằng chất liệu hiện thực, tươi trẻ, tô đậm không khí mặt trận dữ dội nhưng đầy tự tin quyết thắng. Việc tạo dựng giọng thơ mộc mạc mà hóm hỉnh cũng là một trong những yếu tố làm nên sự mới mẻ của thơ Phạm Tiến Duật.
Những sáng tác tiêu biểu của cánh chim lửa Trường Sơn thời bình
Sau khi đất nước giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, Phạm Tiến Duật trở về sống tại Hà Nội. Ông đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó nhà thơ còn thử sức ở lĩnh vực truyền hình, dẫn chương trình một chuyên mục dành cho người cao tuổi của Đài VTV.
Đất nước giải phóng, ông trở lại với cuộc sống đời thường và tiếp tục làm thơ bằng chính những trải nghiệm của mình về ranh giới giữa sự sống và cái chết. Những năm tháng đẹp nhất, từng người đồng đội thân thương nhất vẫn luôn sống mãi trong tim nhà thơ.
Tập thơ nổi tiếng Tiếng bom và tiếng chuông chùa của Phạm Tiến Duật ra đời trong giai đoạn này. Tác phẩm đã ghi lại những sáng tác của tác giả sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nếu trong chiến tranh, giọng thơ của Phạm Tiến Duật gân guốc, vui tươi thì thời gian này, thơ ông lại mang đầy tính triết lý sâu xa, thâm trầm và chiêm nghiệm. Đó là sự nối dài những năm thời chiến cùng ký ức về con đường Trường Sơn một thời bom lửa.
Nhà thơ nhớ lại câu chuyện khi những người lính từng xếp hàng để sẵn sàng hiến máu cho một người đồng đội bị trọng thương, bây giờ họ lại cùng nhau tiễn chiến sĩ ấy đi xa mãi.
“Trước nghĩa trang sớm nay thấy đồng
đội
xếp hàng
Tôi lại nhớ anh, nhớ một thời máu lửa
Xưa tiếp máu cho anh, giờ xếp hàng trước mộ
Tiếp máu cho những người đang sống
lại là anh…” – Tiếp máu
Chiến sĩ Phạm Tiến Duật năm ấy cũng không bao giờ quên những ngày tháng bên đồng đội nơi núi rừng. Người lính ngã xuống, dù trong thời chiến hay thời bình thì cũng đều để lại giá trị tinh thần to lớn. Quá khứ tình nghĩa, thủy chung luôn được nhà thơ nhớ mãi và nhắc lại.
Cả một quãng thanh xuân tươi đẹp, các chiến sĩ đã cống hiến cho Tổ Quốc, giờ đây dù đã nằm xuống nhưng họ truyền lại nguồn năng lượng tích cực, năng lượng sống mạnh mẽ cho những người ở lại.
“Có lẽ vong hồn bạn bè đã quở trách tôi
Trót nhãng quên dải rừng già suốt
mười năm bom nổ
Lá bứa quên chua, củ nâu quên chát
Nên tôi giữa thị thành cơn sốt lại bùng lên
…Bạn ở nơi nào trong khoảng rừng đen
Khoảng rừng tối, khoảng rừng mưa,
khoảng rừng trở gió
Đã là đồng đội một thời dẫu âm dương
cách trở
Mong ước của bạn năm xưa còn ở trái tim này.” – Cảm ơn cơn sốt
Bên cạnh hồi ức về thời chiến, Phạm Tiến Duật cũng dành những vần thơ của mình để viết về con người lao động bình thường trong thời bình. Không chỉ dừng lại quan sát, miêu tả và thương cảm, ông còn đi đến tận cùng trong việc khám phá thân phận nhân vật.
Người lính thời hậu chiến phải làm những công việc bốc vác nặng nhọc ngoài chợ, cuộc sống khó khăn, mưu sinh thì vất vả. Từng câu thơ chân thực mà nhức nhối, đặt ra một bi kịch mới không dễ tháo gỡ.
“Các anh đứng đó thưa dần trong chiều muộn
Chỉ còn lại một người, tôi bỗng nhận ra anh
Đức kiên trì đứng cùng vết sẹo
Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc
chiến tranh.” – Chợ lao động ở Giảng Võ
Phạm Tiến Duật trước năm 1975 có khá ít các tác phẩm thơ tình. Tình yêu trong thơ ông vừa phải, kín đáo, luôn được đặt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc.
Trở về thời bình, tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật mới thực sự cất tiếng. Tâm hồn con người lúc ấy thực sự thư thái, tự do, sống vì bản thân nhiều hơn và nỗi niềm riêng tư mới được bộc lộ rõ.
Trong bài thơ Em đi về phía biển, tác giả thừa nhận tình yêu như một định mệnh. Ông viết nên những câu thơ thấm thía nỗi nhớ và sự cô đơn khi xa cách người thương.
Cũng thật là thiếu sót nếu bỏ qua những góp của Phạm Tiến Duật trong thể loại trường ca. Tiếng bom và tiếng chuông chùa là hai tác phẩm nổi tiếng của ông, xuất bản năm 2000 với hơn bảy trăm câu thơ.
Bản trường ca này viết về những nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ ở Trường Sơn và giờ trở về với gia đình. Tuy nhiên đau xót thay, họ không thể lấy chồng mà cũng chẳng sinh được con, cuối cùng cắt tóc đi tu là sự lựa chọn duy nhất.
“Nhưng tại sao, tại sao họ lại đi tu?
Những đồng đội của anh, của tôi, tại sao lại thế?
Chẳng lẽ trong trái tim chúng ta, chẳng lẽ
Không còn chỗ nào cho đồng đội nữa hay sao?
Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm
Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ
Sao sư thầy không gõ mõ
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình.” – Tiếng bom và tiếng chuông chùa
Ông sáng tác dựa trên câu chuyện có thật, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Phương thuở nào nay trở thành sư thầy Đàm Phương, cô thanh niên xung phong Lê Thị Thân ngày trước nay gọi là sư thầy Đàm Thân.
Cả tuổi xuân của họ đã cống hiến cho Tổ quốc, vậy mà bây giờ lại lặng lẽ âm thầm, cô đơn lẻ bóng. Chính điều đó trở thành nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong lòng những người chiến sĩ ấy.
Không chỉ thành công với các tác phẩm thơ giai đoạn kháng chiến mà Phạm Tiến Duật còn cống hiến không nhỏ cho nền văn chương nước nhà trong thời hậu chiến. Những sáng tác của ông mang giá trị nhân đạo sâu sắc cùng nỗi trăn trở khôn nguôi về số phận con người.
Phạm Tiến Duật với phong cách thơ hồn nhiên pha chút tinh nghịch
Anton Pavlovich Chekhov đã từng nói, nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả, nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ. Đối với nhà thơ Phạm Tiến Duật, điều đó hoàn toàn đúng đắn.
Giai đoạn kháng chiến có không ít tác giả viết về đề tài chiến tranh và người lính cụ Hồ, dẫu vậy Phạm Tiến Duật vẫn ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi phong cách độc đáo của riêng mình.
Giọng thơ ông đặc trưng bởi sự hồn nhiên, ngang tàn pha chút tinh nghịch. Sáng tác của Phạm Tiến Duật như cuộn phim sống động, cách thức lựa chọn góc độ mới mẻ, đưa những nguyên mẫu đời thường trở thành biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp thế hệ trẻ thời chống Mỹ.
Thơ ông là cả một Trường Sơn thu nhỏ, là anh chiến sĩ lái xe quả cảm, là người lính công binh gan dạ mở đường, là những cô thanh niên lãng mạn, yêu đời. Cuộc phiêu bạt của số phận đã giúp cho nhà thơ gặp gỡ được biết bao kỷ niệm đẹp trong đời.
“Những đồng chí công binh lầm lì
Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát
Trên áo giáp lấn đầy đất cát
Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm.” – Vầng trăng và những quầng lửa
Thơ của Phạm Tiến Duật sớm được quần chúng đón nhận bởi ông dám sống, dám viết về những năm tháng đã trải qua. Hồn thơ đồng hành với cuộc chiến, vang vọng suốt cánh rừng Trường Sơn đại ngàn.
Thời hậu chiến, thơ Phạm Tiến Duật có nhiều sáng tạo và đổi mới, ông đã khoác một tấm áo tươi tắn hơn cho thi ca thời chống Mỹ. Sau này có một số tác giả tiếp bước con đường ấy song hầu như không ai vượt qua được “cánh chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”.
Mùa xuân năm 2007 là mùa xuân cuối cùng của Phạm Tiến Duật. Những vần thơ cũng khác xưa nhiều, mang nỗi khắc khoải khi con người bước qua tuổi lục tuần. Tuy vậy, vẫn có một điều không đổi khác, đó là ký ức Trường Sơn trong tâm khảm một đời thơ trận mạc.
Theo lời bà Phạm Thị Thanh Bình, một người bạn cũ của nhà thơ kể lại rằng khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn giữ chất lính, đối diện với bệnh tật một cách lạc quan, yêu đời.
“Phạm Tiến Duật vẫn còn nhiều ước vọng, nhiều khát khao với cuộc đời. Ngay cả những ngày tháng lâm trọng bệnh, Phạm Tiến Duật luôn tin tưởng rằng, mình sẽ vượt qua được những giây phút nan nguy nhất của bệnh tật để sống như đã từng vượt qua hòn tên mũi đạn ở chiến trường.” – Bà Phạm Thị Thanh Bình
Phạm Tiến Duật là nhà thơ đi qua những vinh quang, cay đắng, hạnh phúc rồi lại khổ đau. Thơ ca ông đã lưu lại dấu son đáng nhớ trong lịch sử văn học thời kháng chiến chống Mỹ một cách đầy tự hào và kiêu hãnh.
Sự nghiệp thi ca của Phạm Tiến Duật gắn bó với con đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những vần thơ ông viết đã nhắc lại thời kỳ hào hùng, giúp độc giả hiểu hơn giá trị tuyệt vời mà thế hệ đi trước làm nên.
Tiểu Mai