Ông Chế bình thơ
Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, Chế Lan Viên viết khỏe, viết đều, và dù luôn bám chắc mục tiêu phục vụ chính trị, thơ ông vẫn có những tìm tòi đổi mới rất đáng kể, đủ để ông đồng hành được và trở thành một trong vài nhà thơ lớn nhất của thời đại.
Không những thế, trong bối cảnh của một nền phê bình văn học cách mạng còn tương đối mỏng về đội ngũ, thì Chế Lan Viên, với kiến văn uyên bác, với tư duy chính luận sắc sảo, với bề dầy của “văn hóa thơ”, và nhất là với ý thức kiên trì đeo bám đời sống sáng tác, đã thực sự đóng vai trò của một cây bút phê bình thơ chủ lực, một người thẩm thơ đầy uy tín trên thi đàn.
Nhìn vào các cuốn sách mà Chế Lan Viên đã cho in: “Nói chuyện văn thơ” (1960), “Phê bình văn học” (1961), “Vào nghề” (1962), “Suy nghĩ và bình luận” (1962 – 1970), “Bay theo đường dân tộc đang bay” (1963 – 1976), “Kinh nghiệm tổ chức sáng tác” (1951), “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân” (1976 – 1980), “Nàng tiên trên mặt đất” (1978 – 1983), “Ngoại vi thơ” (1975 – 1986) ta sẽ thấy rằng sách của ông, ngoài một vài cuốn thực chất là sách phổ biến kiến thức văn chương, sách “dạy nghề” sáng tác, còn lại là tiểu luận phê bình văn học “chính ngạch”, mà chủ yếu là viết về thơ.
Điều này, ngoài nhu cầu tự nhận thức vốn rất mạnh ở con người sáng tác Chế Lan Viên, còn có một lý do khá dễ hiểu: với uy tín văn chương và vị trí của một cán bộ “có gang có thép” trong làng văn nghệ, ông có nhiều điều kiện để được viết (và phải viết) hơn nhiều người khác. Viết lời tựa cho các tập thơ theo đề nghị của nhà xuất bản. Viết bài bình luận thơ do các báo đặt. Viết tham luận nhân các hội thảo, hội nghị văn học trong và ngoài nước. Vậy, phê bình thơ của Chế Lan Viên thực sự là gì trong khoảng 1954 – 1975?
Để nói một cách ngắn gọn quan điểm của người viết bài này về phê bình thơ Chế Lan Viên có thể mượn nhan đề tham luận ông viết tại Đại hội các nhà văn năm 1963, “Suy nghĩ trong những điều Đảng nghĩ”, diễn đạt thành: “Phê bình thơ trong những điều Đảng nghĩ”. Theo tôi, cây phê bình thơ Chế Lan Viên dù có rậm rịt cành nhánh đến đâu thì vẫn từ gốc này mà ra, nó là cái chủ đạo, xuyên suốt.
Ngay trong tham luận này, ông tâm đắc trích dẫn tác giả Trường Chinh: “Nghệ sĩ tốt theo quan điểm của chúng ta là nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa có tính Đảng cao, sống có lý tưởng, có hoài bão lớn: lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, hoài bão góp phần giải phóng cho nhân dân, giải phóng cho Tổ quốc, giải phóng cho loài người thoát khỏi mọi áp bức bóc lột…” và thư Trung ương: “Văn nghệ xã hội chủ nghĩa của ta phản ánh cái mới và đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Không những nó chỉ thể hiện cuộc sống mới và con người mới, mà nó còn tích cực góp phần thúc đẩy cuộc sống mới phát triển, góp phần sáng tạo và giáo dục con người mới” (Chế Lan Viên toàn tập, tập IV, NXB Văn học, 2009. Các trích dẫn trong bài đều lấy từ toàn tập). Đó là lời dặn, mà cũng là lời yêu cầu, thậm chí là mệnh lệnh đối với các văn nghệ sĩ cách mạng. Nó không nằm ngoài những quyết định luận cơ bản: Văn nghệ phải cổ vũ ca ngợi cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ phải hướng về công nông binh, vừa như đối tượng phản ánh vừa như đối tượng phục vụ.
Phê bình thơ của Chế Lan Viên, những phán đoán giá trị về thơ của ông, có thể nói, phần chủ yếu nhất chính là được xác định trong hệ tọa độ này. Đứng trước một tập thơ, dường như điều khiến Chế Lan Viên quan tâm nhất là tác giả/ những tác giả của nó đã thực sự “sống” hay chưa, tức là đã thực sự cùng một chiều chiến đấu nghĩ suy với quần chúng, đã thực sự thấm những gian khổ và vinh quang trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng, đã thực sự hòa làm một với quần chúng hay chưa? Nếu thực hiện được yêu cầu đó, thơ sẽ đạt tới hai giá trị lớn: “phản ánh lịch sử” và “thực”.
Viết lời tựa cho tập thơ “Nhân dân tuyến lửa” (NXB Văn học, 1970), ông sung sướng vì những tiếng thơ từ đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh đã phản ánh hiện thực lịch sử anh hùng của đất nước chống Mỹ tới độ cần thiết: “Quảng Bình, Vĩnh Linh không có bề rộng của cả nước, nhưng đã có bề sâu và bề cao anh hùng. Và những bài thơ nào, câu thơ nào tả được những hiện thực cao cả hay sâu xa ở đây thì nơi khác đều có thể tiếp nhận, thưởng thức”. (Bài “Thơ của nhân dân, thơ đầu tuyến lửa”, tập IV).
Trong bài “Cái sáo trong thơ”, ông trích mấy câu của tác giả NN tả giấc mơ của vợ một người chiến sĩ đã hy sinh: “Đứa con nửa đêm giật mình khóc/ Người vợ tưởng đâu còn năm trước/ Hơi thở của chồng ra ấm áo/ Quờ tay mới biết là chiêm bao/ Nhớ lại chồng xưa hay hút thuốc/ Mùi hơi năm ấy thoảng đi đâu”, và bình luận: “Tả một giấc mơ, nhưng thật xa các giấc điệp mơ màng từ trước, thật là giấc mơ của một người đàn bà nông dân, chính vì tác giả đã hiện thực bằng những chi tiết rất sát đúng thực tế”.
Cũng như, tập thơ của nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh sở dĩ phản ánh được hiện thực lịch sử anh hùng và thuyết phục được ông đến thế, vì nó là lời kể chân thực của những người trong cuộc về cuộc sống chiến đấu đang diễn ra của chính họ: “Họ làm thơ như họ đánh giặc, cấy cầy, lấp hố bom, đi dân công tải đạn, hồn nhiên thì cũng hồn nhiên như vậy, và ý thức thì cũng ý thức như kia” (Bài “Thơ của nhân dân, thơ đầu tuyến lửa”, tập IV).
Năm 1961, viết “Mấy vấn đề về thơ qua Tuyển tập” (Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 – 1960), sau khi đã gác sang một bên những trường hợp thành công, Chế Lan Viên băn khoăn về đại cục: “Tôi có cảm tưởng là những nhà thơ chúng ta chưa thật nhuần nhuyễn với thời đại chúng ta, như những nhà thơ thời Thơ Mới đã nhuần nhuyễn với giai cấp của họ, hoàn cảnh của họ”. Ông lý giải băn khoăn này bằng cách nêu một băn khoăn khác: “Ta đã hiểu thời đại ta rồi, tốt lắm. Ta đã yêu thời đại ta rồi, tốt hơn. Nhưng ta còn phải “mê” thời đại của ta hơn nữa. Lý trí, tình cảm ta đã gắn liền với nó, nhưng còn máu huyết, thịt da ta?”.
Năm 1965, viết lời tựa cho tập thơ “Sức mới” của các tác giả trẻ thời chống Mỹ (Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Phạm Ngọc Cảnh v.v…), ông đòi hỏi: “Chúng ta cần thấy chất thép sắc nhọn hơn, và tiếng xung phong hào hùng hơn trong thơ các bạn. Phải cất cao hơn tiếng nói của lý tưởng cách mạng trong thơ. Cái lý tưởng thôi thúc ám ảnh đến thành một tâm trạng” (Bài “Đốt cháy hơn nữa ngọn lửa lý tưởng trong thơ bạn trẻ”, tập IV). Cần phải ghi nhận một điều trên phương diện này: Chế Lan Viên dường như ít khi bằng lòng với sự thể hiện tư tưởng, cả về mức độ cũng như nghệ thuật thể hiện, của các tác giả “bình thường”. Với một nhà phê bình thơ sắc sảo, đầy chất lý tính và đầy “nghiêm khắc” như Chế Lan Viên, đạt tới độ chuẩn mực, trở thành mẫu hình điển phạm cho thơ ca của thời đại cách mạng chỉ có hai nhà thơ, nhà hoạt động chính trị: Hồ Chí Minh và Tố Hữu.
Không thể không nói tới Chế Lan Viên ở mảng phê bình về thơ của những người cùng thế hệ, cùng điểm xuất phát với ông: Những nhà thơ trong phong trào Thơ Mới lãng mạn. Cụ thể, Chế Lan Viên đã viết bài “Trời mỗi ngày mỗi sáng của Huy Cận” (1959, tập III) và bài “Một nhà thơ qua 15 năm cách mạng: Tế Hanh” (1960, tập III). Ông luôn cố gắng tạo ra những liên hệ, đối chiếu giữa thơ lãng mạn trước kia và thơ cách mạng bây giờ, giữa thơ của những tác giả trước kia là lãng mạn và bây giờ là cách mạng. Chú ý tới giọng điệu, phong cách, cá tính sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ, song khi viết về những tác giả này Chế Lan Viên quan tâm hơn cả là quá trình lột xác của họ, quá trình họ gột rửa cái cũ để hòa mình vào cái mới, sống với cái mới, thấm cuộc sống lao động và chiến đấu của quần chúng, của toàn dân tộc. Trong sự nhìn nhận của nhà phê bình Chế Lan Viên, sự thay đổi này chính là thước đo giá trị nghệ thuật cơ bản nhất đối với thơ của những nhà thơ “cũ”.
Ông vui mừng: “Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, nữ thi sĩ Anh Thơ… là những người từ thế giới một người đến với thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương ra đến cánh đồng vui, là những người xưa kia tự xé da thịt mình, nay đi vá lại thịt da và xây dựng mùa xuân”. Vượt lên chính mình, những nhà thơ “cũ” đã nhịp bước cùng thế hệ nhà thơ “mới”, đồng hành cùng dân tộc và góp phần làm nên một nền thơ cách mạng tràn đầy sức sống (Bài “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, tập III).
Chế Lan Viên là một nhà thơ viết phê bình chứ không phải một nhà phê bình viết phê bình. Nhưng đại đa số những vấn đề Chế Lan Viên “sờ tới” đều là những vấn đề nằm ở trung tâm của nền thơ ca đương thời. Trong bối cảnh ấy, cần phải khẳng định rằng ông Chế đã xuất hiện với tư cách nhà bình thơ lớn của một thời.
sưu tầm