google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Ở LẠI ĐÂY, CÙNG VỚI NHAU - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Ở LẠI ĐÂY, CÙNG VỚI NHAU

Tớ có quá ngu ngốc khi chờ một người mà họ đã đi rất xa?

***

1. Cô gái bé nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

Tháng mùa thu, rộn ràng trên facebook và các mạng xã hội đăng tải về hoa sữa Hà Nội. Từ bé đến giờ, tôi chưa một lần đặt chân ra đất thủ đô vì vậy hoa sữa là một loài hoa vô cùng xa lạ. Có người bảo hoa sữa rất thơm và yêu thích nó, nhưng cũng có người bảo mùi hoa sữa rất hắc và khó ngửi nên không thích. Giữa những ý kiến trái chiều khác nhau, tôi bắt đầu tò mò về một loại hoa bé tí ti trong xa ngoảnh lại như những vệt sữa trắng thơm của chúa trời ban tặng. Thế là tôi lên mạng tìm kiếm những thông tin về chúng, lưu lại những bức ảnh về chúng…

Rồi mùa hoa bay đi. Năm tháng bay đi. Thu qua, đông đến, xuân về, hạ sang…Và Thu lại đến thêm nhiều lần sau đó. Hoa sữa lại “nở” khắp mạng xã hội khi tháng mùa thu mới vào chu kì chưa đầy một tuần. Tôi tự dưng nhớ hoa sữa như một người bạn lâu năm gặp lại. Bỗng dưng tôi thấy mình như được ngửi cái mùi thơm hăng hắc đặc trưng mà chưa một lần biết đến….hoa sữa là gì.

Kíttttttttttt…Kíttttttttttt….

Tiếng phanh xe buýt gắt lên rồi dừng lại ở trạm cuối cùng. Tôi rời mắt khỏi màn hình điện thoại rồi ngơ ngẩn nhìn cảnh vật qua ô cửa sổ. Những con đường về kí túc xá hôm nay sao lạ đến ngỡ ngàng. Trời đã nhá nhem tối trong tiếng ồn ào của động cơ xe. Người đã xuống hết, xe lại lướt đi vào bến đỗ. Tôi vội rút tai phone đang nghe ra khỏi tai rồi ngoái nhìn những biển hiệu trên đường. Tôi biết mình đã lên nhầm xe buýt! Tôi đã lên Sài Gòn khá lâu, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa hiểu rõ hết các tuyến đường mà xe buýt đi qua. Lúc mới đi loại xe công cộng này, tôi luôn bị các chú mắng cho một trận tơi tả vì đón nhầm bến, nói sai trạm hay không biết cách soát vé tự động. Xe buýt ở Sài Gòn nhiều vô kể, cái màu xanh trắng cứ lích nhích khắp nơi ở mọi con đường của thành phố.

Tôi bước xuống đường nhìn dòng người chen nhau trên khắp ngã ở Sài Gòn nhưng không một ai quen thuộc. Nhìn vào đồng hồ đeo tay, đã hơn 6 giờ 30 tối, và chẳng còn xe về quận 7. Nhấc điện thoại và gọi cho Đăng, anh bạn học chung từ cấp II đến đón. Hơn 30 phút sau, Đăng đã đạp xe lọc cọc đứng trước chợ Bến Thành đón tôi.

– Sao hôm nay em lơ đễnh thế? – Đăng hỏi tôi.

– Em cũng không biết nữa…- Tôi bối rồi.

– Thôi, lên xe nhanh đi, anh đưa em về, tối lắm rồi.

Tôi nhanh nhẹn vòng ra phía sau rồi ngồi yên trên chiếc xe đạp leo núi màu đỏ của cậu. Khi tôi đã ngồi yên phía sau, Đăng chầm chậm nhấn pê-đan chở tôi trên những con đường ngùn ngụt xe để về kí túc xá. Tôi ngoái đầu lại phía sau, ngắm vô vàn những thứ khác đang chuyển động quanh mình. Bất chợt, những dòng suy nghĩ cứ miên man trong lòng nối tiếp nhau ùa về. Tự nhiên tôi thấy lòng nhẹ nhàng đến lạ, cảm thấy yêu Sài Gòn hơn mọi ngày. Bởi tôi nhận ra, Sài Gòn vào đêm lung linh hơn trong những bức tranh mà tôi từng thấy. Từ xa, cổng trường bằng bảng điện tử Đại học Tôn Đức Thắng hiện ra rất rõ trong đêm tối. Tôi đưa tay về phía trước chỉ hướng cho Đăng rẽ vào đường đến cổng kí túc xá. Đến nơi, tôi bước xuống và không quên một câu cảm ơn.

– Này! Chi…

– Sao hả anh?

– Em còn nhớ hôm nay là ngày gì không?

Tôi nhẹ nở nụ cười buâng quơ rồi nói.

– Làm sao em quên được chứ.

2. Những năm tháng vẫn còn đâu đó ở trong tim.

Câu chuyện mà Đăng gợi nhắc chính là những năm tháng cấp II điên cuồng và lúc ấy tôi nghịch như chưa bao giờ biết mệt. Lúc ấy, Đăng là một anh chàng sao đỏ.

– Em cho tôi biết tên và lớp.

– Quỳnh Chi, 8B7.

Lúc tôi bị anh chàng sao đỏ ấy bắt lại, không biết lũ bạn đi từ xa nhìn thế nào lại rú gầm lên. Cũng chẳng phải, chàng trai ấy đang là hình tượng mà các nàng trường tôi đang theo đuổi. Không ít các nàng nhiều lần đi ngang qua chàng mà không dám nhìn rõ vào mặt. Mỗi lần nhìn chàng chơi bóng rổ, nếu như không có tường rào thì anh ta cũng chẳng còn toàn thây mà về nhà. Bởi lũ con gái chúng nó lúc ấy không khác gì một bầy chó dại mà bổ nhàu đến tấn công. Nhiều khi tôi không hiểu anh ta có sức hấp dẫn gì mà kéo các nàng đến cong queo như thế. Không ít các nàng cố ý sai nội qui về đồng phục để được ” trò chuyện” với chàng mỗi buổi sáng. Còn tôi không cố ý kiểu đó mà cố tình hẳn hoi, diện ngay quần tây áo sơ mi gắn đầy nơ, nhuộm tóc đỏ và mang dép lê đến trường. Tôi cáu gắt quát chúng bạn cười rũ rượi hệt như một bầy khỉ rồi bảo anh ấy nhìn tôi bằng đôi mắt trìu mến đúng nghĩa. Trìu mến đúng nghĩa hay viên đạn đúng chất? Tôi rống gầm lên cãi. Cả đám cãi nhau từ cổng trường, leo lên lầu, đi qua dãy văn phòng…cuộc cãi vả cũng chưa dừng lại. Và để kiểm chứng điều đó, lũ bạn và tôi cá với nhau xem ánh mắt đó có phải là trìu mến thật sự hay không. Ngay ngày hôm sau, tôi vẫn đến trường với mớ áo quần và tóc tai rất dị.

“Stop!”

Vâng, chàng trai đã rơi vào trò cá cược.

“Nguyễn Quỳnh Chi!”

“Chuyện gì?”

“Sai trang phục”.

Tôi cố biện minh cho chính mình bằng những lí lẽ chỉ có tôi mới nghĩa ra. Nào là áo dài bị dính bẩn, quần bị rách, nhà thì xa, bla…bla…bla…Anh ta chẳng nói gì, chờ đến khi tôi đưa ra hết lí do thì đưa cho tôi quyển sổ nội quy, lật một cái vèo là ngay trang đồng phục, rà tay một cái vèo là ngay dòng quy định đồng phục cho nữ. Tôi bí lí. Ngước mắt nhìn hắn với đôi mắt long lanh như sương đêm vướng trên ngọn cỏ.

1 giây

5 giây

15giây.

30 giây.

Mắt tôi cay xè. Đỏ choét. Nhưng anh ấy vẫn hằn học nhìn tôi chằm chằm. Đấy, đấy – rõ là anh ta không hề nhìn tôi trìu mến nhé. Tôi thắng cược rồi nhé. Cả đám phải bao tôi một chầu chè đấy nhé! Tôi vui mừng quay sang khoe với lũ bạn. Lũ nó nấp ở hàng rào dâm bụt cạnh nhà xe bỗng nhảy nhào lên vỗ tay.

“Hô hô hô…hô hô hô…”

“Dính bẫy rồi mậy ơi…”

“Tấm hình này coi bộ ngon à nhe…”

Tôi ngu ngơ nhìn chúng nó. Và chỉ loáng trong 5 giây thôi, tôi đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khỉ gió! Hóa ra mình lại bị chúng nó lừa vào vở kịch này. Tưởng mình đi lừa người ta nhưng không ngờ lại bị lừa ngược lại. Hóa ra chúng nó nói anh ta nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến là bịp, chủ yếu là chúng nó muốn chụp ảnh tôi và anh kia để… chọc Tú. Tôi còn chưa năn nỉ xong anh sao đỏ về lỗi vi phạm của mình, đã phải nhếch mép lên rồi rượt chúng nó chạy tóe khói trên sân trường vào buổi sớm mai.

Tôi vừa trong nhà vệ sinh bước ra thì bức ảnh đã lên vèo tới điện thoại của Tú. Và Tú cũng đã đến trước cửa nhà vệ sinh đợi tôi nhanh hơn tên lửa.

– Anh đã xử thằng cờ đỏ kia rồi, sẽ không ai dám ghi tên em nữa đâu. – Tú nhìn tôi và nói hệt như độc thoại nội tâm, không một cảm xúc cũng chẳng bận tâm tới tôi.

– Cái gì? – Tôi hét lên. – Anh ta có làm gì em đâu!

– Không làm gì cũng được nhưng ai bảo nó ôm em! – Tú giương mắt nhìn tôi.

– Hồi nào?

Bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên cái bức ảnh mà lũ bạn yêu quái chụp lúc sáng. Chẳng biết chúng nó canh me bằng bao nhiêu cái điện thoại và bao nhiêu phút mới ra được cái góc độ chàng trai cờ đỏ cuối đầu xuống và vòng tay ra sau tôi, còn tôi thì ngước mắt ngẩn lên …hệt như ôm nhau?! Lúc biết được điều đó tôi đã giật ngay điện thoại để xóa ảnh. Cứ ngỡ ảnh đã xóa, màn kịch đã kết thúc nhưng tôi quên đếm chúng nó có đến mười hai đứa ?!

– Không! Không! Không phải như thế đâu anh.- Tôi đưa tay phân bua vô cùng kịch liệt.- Anh ta là anh họ của em mà.

– Thật không? Sao nhỏ Ngọc bảo hai đứa đang hẹn hò?

– Anh họ! Là anh họ em thật mà. Anh không tin em sao?- Tôi cố nghiêm nét mặt để cho Tú biết điều tôi nói là một sự thật – dù đấy là giả tạo. Tú im lặng nhìn vào mắt tôi trong chốc lát rồi trầm ngâm.

– Ờ…thôi anh tin. Nhưng anh lỡ tay đánh nó khi nãy rồi.

– Trời ạ!

 

***

Tôi khẽ cười. Tay lật sang một trang khác trong quyển nhật kí.

Chiều tối, sau khi học xong tiết tăng cường chuẩn bị thi học kì xong. Tôi vội vã chạy ra ngoài cổng vì Đăng đang đợi. Hôm nay, Đăng hứa sẽ đưa tôi về nhà. Vừa xuống những bật cầu thang, tôi bị bật ngược vào tường một cú rất mạnh. Tôi trật chân rồi lăn xuống trước khi có thể đứng dậy. Nhưng những gì tôi có thể làm được là bò và che người lại. Có tiếng hăm họa kèm theo những cú đá, đánh và nắm tóc mình.

– Này con kia! Mày tưởng mày là ai mà có thể hẹn hò với Đăng. Đăng là của tao. Đụng vào thì đừng có trách! Nhớ chưa! Nhớ chưa.

Tôi không đủ thời gian để thanh minh rằng mình đang hẹn hò với ai nhưng tôi có đủ khả năng để thét lên. Câu nói chưa dứt thì những cú tát tới tấp trên mặt. Tôi nhắm tịt mắt lại rồi vùng vẫy. Nhưng tay mình bị những người không quen biết nắm giữ rất chặt. Tôi cố gắng thoát ra nhưng vô vọng. Lúc ấy, Đăng vừa chạy đến. Các bạn tôi cũng đến. Nhưng trái lại vẻ nghiêm nghị của một chàng sao đỏ, Đăng chỉ lóng ngóng nhìn tôi rồi vụt chạy tìm thầy giám thị. Tôi bỗng òa lên khóc vì thấy bị bỏ rơi bởi chẳng ai đến cứu mình. Tất cả những người đứng đấy đều bàn tán, chỉ trỏ vào ngực tôi vì áo dài đã xé toạt.

– Chúng mày làm gì thế? – Một giọng nói vang lên. Tôi vội ngẩn đầu lên nhìn. Là anh – Quang Tú.

Anh nhảy bổ vào kéo tôi về bên anh. Nhanh như cắt, anh cởi chiếc áo sơ-mi ngay ngáy mùi thuốc lá đưa cho tôi . Tôi choàng lấy rồi nép vào vai anh đầy sợ sệt. Chúng nó sấn tới định kéo em ra thì bị anh chặn lại và tát vào mặt. Ngã nhào xuống nền gạch. Ngay lúc thầy giám thị và Đăng vừa đến. Tú bảo Đăng đưa tôi về. Còn anh ở lại và lên văn phòng. Khi Đăng đư tôi đi, tôi quay lại nhìn anhvới ánh mắt đầy lo lắng. Hai ngày hôm sau, thầy giám thị mời tôi lên văn phòng đọc biên bản và kí xác nhận gì đấy. Tôi không rõ. Năm học ấy, anh buộc thôi học vì tôi.

***

Tôi gập quyển nhật kí được viết cách đây khá lâu và đã hoen màu cũ kĩ. Có những trang giấy tôi chỉ vẽ mà không biết dùng từ để diễn tả. Nhưng có những trang giấy tôi không viết gì nhưng vẫn bẩn. Những tháng ngày ấy, đã trôi xa mãi trong tôi. Dù tôi có muốn được quay về thì quy luật vẫn không ưu ái cho bất kì ai – một người cũng không.

3. Hoài nghi.

Một sáng chủ nhật. Bên Hội sinh viên của trường cử người tham gia chương trình “Sunwah và Những người bạn” . Đó là ngày hội lao động xã hội mà hầu hết sinh viên ở tất cả các trường đại học trong thành phố đều tham gia. Giữa hàng ngàn người ở đó, tôi vô tình va phải anh – chàng trai tóc xoăn với đôi mắt màu xanh dương với giọng nói của người miền ngoài. Cứ mỗi khi tôi nhìn lại phía sau thì bắt gặp ngay ánh mắt ấy cứ nhìn tôi mãi không rời. Sau khi dự buổi ra quân, tất cả mọi người đều được chia ra thành từng nhóm, ở nhiều mặt trận khác nhau. Có nhóm thì đạp xe đi tuyên truyền, có nhóm thì đi làm thiệp tặng các em mắc bệnh hiểm nghèo, có nhóm đi trang trí lớp học còn nhóm của tôi thì tham gia nhặt rác ở công viên Hoàng Văn Thụ. Tôi và anh ta tham gia cùng một nhóm.

Suốt cả buổi hoạt động, tôi cứ như người mất hồn mỗi khi nhìn thấy anh. Nếu như mái tóc không xoăn, da không trắng, đôi mắt không xanh, miệng không cười tươi, và quản trò không hay thì chắc tôi đã chạy đến ôm chầm lấy anh, xin anh chữ kí và chụp hình lưu niệm với anh. Hệt như một người nổi tiếng!

Khi ngày hội kết thúc, trong lúc đang đợi xe buýt về trường thì anh ta lại lù lù xuất hiện bên cạnh tôi thêm một lần nữa. Tôi chỉ đưa mắt nhìn mà không hỏi thêm bất cứ điều gì, mãi cho đến khi anh ta vô tình đạp vào chân tôi.

– Ơ…xin lỗi bạn!

– Mắt anh có vấn đề à?

– Bạn không sao chứ? – Anh ta luống cuống nhìn tôi.

– Không sao! Anh để lại họ và tên, mã số sinh viên và trường đang theo học cho tôi.

– Để làm gì? – Anh ta ngơ ngác.

– À…làm quen! – Tôi hạ giọng, bât cười. Sau khi anh ta hiểu ra vấn đề cũng bắt đầu cười nhưng lúc đó tôi đã không còn cười nữa. Hai sự cười không ăn ý đó khiến hai chúng tôi nhìn nhau đơ đơ vài giây, rồi cười lại một lần nữa. Lần này thì hợp gu phết! Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về buổi lao động đầy ý nghĩa, cho biết tên và nick facebook của nhau trước khi xe buýt đến.
Vừa về đế kí túc xá, tôi gọi điện thoại và kể cho Đăng nghe. Tôi hứa với Đăng nếu Đăng tìm được thông tin về chàng trai ấy, tôi nhất định sẽ làm mai Hoa Trà cho cậu. Đăng cười đểu tôi rồi bảo tôi từ bỏ ước mơ đi. Cậu bảo tôi gặp ai cũng yêu, sao không yêu cậu cho đỡ phiền phức. Tôi hậm hực thêm vài câu rồi dập máy. Còn về phần Trà, đó là một cô bạn rất đáng yêu mà tôi quen trên facebook cũng khá lâu. Trà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô nàng cũng yêu hoa sữa như tôi.

Tôi lên phòng kí túc xá, như bao ngày, ôm laptop ra ngoài hành lang rồi online. Hoa Trà online. Tôi nhấn vào khung chat và gửi cho cô ấy một emo hình cười thiệt to.

Hoa Trà: Này, có chuyện gì vui à?

Bí Ngô: Hình như tớ cảm nắng một anh chàng có đôi mắt xanh dương cậu ạ…

Hoa Trà: Anh chàng nào tốt số vậy?

Bí Ngô: Tóc anh ta xoăn tít và đôi mắt màu xanh dương cậu ạ?

Hoa Trà: Tên?

Bí Ngô: Không dám hỏi >”<

Hoa Trà: Nơi ở?

Bí Ngô: Quên…

Hoa Trà: Thôi…bao giờ tớ vào trong ấy rồi tớ đi tìm dùm cho :))

Bí Ngô: Tớ nôn quá :))

Hoa Trà: Nôn gì?

Bí Ngô: Nôn như gặp được người iêu ^^”

Tôi và Trà đã kết bạn với nhau hơn 4 năm dài. Đó là những ngày đầu năm cấp III, khi facebook của tôi nhận được một yêu cầu kết bạn từ một cô gái vô cùng xa lạ. Khi tôi nhấn vào chấp nhận, đột ngột khung chat nhấp nháy màu xanh dương cùng với một lời chào. Tôi và Trà chỉ trò chuyện với nhau qua facebook mà thôi. Nội dung của cuộc trò chuyện là mọi thứ trên đời và nhiều nhất là những chuyến đi. Tôi và cô ấy đều mê chủ nghĩa phượt. Tôi mong lắm được một lần được đặt chân đến Tây Bắc, nơi có những chùm hoa ban đỏ, những chiếc váy thổ cẩm như nhưng con bướm xòe, những cung đường ngoằn nghèo trên những thung lũng hoa cải vàng rực nắng. Còn cô ấy muốn đến miền Tây để lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ. Chúng tôi thỉnh thoảng trao đổi những bức ảnh cho nhau rồi lại trò chuyện. Bất chuyện gì bất ổn, tôi đều hỏi ý kiến cô ấy nên hay không cho hành động đang suy nghĩ trong đầu. Cứ như thế, như thế, ngoài Đăng ra Trà là người thứ hai mà tôi gọi là bạn thân.

3. Vỏ ốc bị bể

– Không thể đổ lỗi cho mình Chi được…- Tôi cố kìm nén cơn tức bằng cách vừa nói vừa nhìn hờ hững ra ngoài sân cỏ.

– Vậy là lỗi của ai, của Đan à?

Tôi im lặng.

Cả nhóm xôn xao.

– Nếu Chi không làm được thì phải nói để mọi người tìm cách giải quyết chứ.- Đan lên tiếng.

Cả nhóm vẫn xù xì to nhỏ.

Việc tôi nhận nhiệm vụ thuyết trình cho bài thi cuối kì của nhóm không thành công như mong đợi khiến cả nhóm phải quơ một con 4 và nhận xét là trung bình trừ từ giảng viên. Tôi biết mình có lỗi, đó là tự xung phong thuyết trình nhưng đã không làm được. Tôi nhớ ở cấp III, khi thuyết trình tôi chỉ chuận bị khoảng 30 phút là có thể diễn tả đầy đủ trọn ý. Nhưng tôi đã quên một điều, kĩ năng lâu ngày không giũa nó sẽ tự mài mòn. Tôi sai vì tự cao trong quá khứ mà hiện tại không có sự cố gắng nào. Nhưng nếu như lúc ấy cái máy chiếu quái quỉ không bị hỏng và bài thuyết trình lưu trong USB không bị lũ virut kia nuốt chửng thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều.

– Nếu chúng ta không hợp nhau, thì Chi sẽ xin chuyển nhóm. – Tôi đứng phắt dậy rồi đùng đùng bỏ đi.

Tôi bỏ trực ở văn phòng Đoàn, không thèm đi họp nhóm Truyền thông sinh viên mặc cho chuông điện thoại cứ réo gọi tôi mãi. Về lại phòng kí túc xá, tôi và con bạn cùng phòng cãi nhau vì phân chia lịch trực. Phòng bẩn. Cả phòng bị lập biên bản. Họ đổ lỗi nhau. Tôi kháng cự. Lại cãi nhau.

Tôi online. Và kể cho Trà nghe tất cả. Cậu ấy khuyên tôi một câu rất ngắn.

Hoa Trà: Về nhà đi Chi. Nhà là nơi an toàn nhất dù nó có chật hẹp hay không?

Bí Ngô đã xem.

Tôi gập máy tính. Lang thang một mình với những tủi hờn và uất hận từ những kẻ xa lạ mang đến, tôi chực trào nước mắt. Giữa một Sài Gòn rộng lớn ai sẽ là người chở che cho tôi? Giá như mình cứ bé nhỏ, được sống trong vòng tay của bố mẹ mãi thì hạnh phúc lắm. Có những khi trên xe buýt, bác tài xế bật lên những bản nhạc đã đi vào tuổi thơ tôi một thời. Thưở còn bé, mẹ vẫn hay hát ru tôi ngủ. Những bài hát như đưa tôi về những tháng ngày bé con được chạy lon ton theo mẹ ra đồng, ngày đó, ngày đó…hình như đã trôi xa lắm rồi. Tôi đã rời khỏi vòng tay của mẹ tự lúc nào tôi cũng chẳng còn nhớ, chỉ biết giờ đây khi ngoảnh lại, vòng tay ấy vẫn còn nhưng xa vời trong kí ức. Những lúc mệt nhoài vì áp lực cuộc sống, tôi chỉ biết im lặng rồi lặng lẽ gạt nước mắt khi giả vờ ngủ trên giường. Nhưng cuộc đời này đã được thời gian kéo đi, để con người phải lớn lên và tự lập, gặp thất bại mới đến được với thành công. Tôi rẽ vào quán nhậu trước cổng trường. Mấy anh chàng phục vụ nhìn tôi như người từ hành tinh khác đến.

– Em chọn món đi. – Một nhân viên phục vụ bước đến và chìa ra trước mặt tôi quyển menu toàn những món ăn xa lạ.

– Cho một dĩa lạc rang và …5 chai bia.

– Em còn dùng gì nữa không?

– Không! – Tôi hờ hững đáp.

” Cho hai đĩa lạc. Và 5 chai bia.” – Một giọng nói chen ngang.

Trong lúc tôi xoe tròn mắt nhìn chàng trai ở ngày hội Sunwha thì anh đã ngồi xuống cạnh tôi.

– Là anh ư?

– Em bất ngờ lắm phải không?

– Hơn cả bất ngờ là đằng khác.Sao anh lại ở đây?

– Anh đang có chuyện buồn và muốn đi đâu đó tâm sự…

– Hóa ra buồn cũng có bạn. Em cũng thế…- Tôi vừa nói vừa tung lạc rang vào miệng đầy chuyên nghiệp. Mạnh Tùng bỗng bật cười.

– Hóa ra em cũng biết tung lạc à? Xem anh này…- Mạnh Tùng tung lạc vào miệng rồi quay sang tôi đề nghị.- Hay là chúng ta thi tung lạc nhỉ, ai thua sẽ trả chầu này…

Tôi gật gù cái đầu rồi vừa tung lạc vừa đếm. Mạnh Tùng cũng thế. Chúng tôi vừa tung lạc rang vừa đố nhau vài câu đố ngốc xít. Khi đoán ra được đáp án là những thứ rất gần gũi với mình, tôi và Mạnh Tùng cười bật tan cả nỗi buồn.

ảnh minh họa

***

– Anh sắp đi rồi…- Tú hút xong điếu thuốc rồi vứt xuống biển.

– Anh đi đâu?

– Có lẽ là Hà Nội, anh ra ở với dì. Mẹ cưới chồng mới rồi.

– Anh đi rồi ai sẽ bảo vệ em?

– Chính em phải bảo vệ mình.

– Nếu em không làm được?

– Nếu một ngày nào đó em cảm thấy cả thế giới xoay lưng lại với mình, thì hãy về nhà. Nhà là nơi an toàn nhất.

– Bao giờ anh về?

– Hình như Đăng thích em đấy, cố mà lấy lòng được nó, rồi học tập chăm chỉ lại để lên cấp III rồi còn đại học nữa. – Tú phớt lờ câu hỏi của tôi, đáp lời bằng một ý khác.- Yêu thằng Đăng đi, nó có thể giúp em quên đi những chuyện buồn về gia đình đó.

Tôi mở tròn xoe đôi mắt nhìn anh trong chốc lát. Nghĩ suy gì ấy, rồi tôi gật đầu. Tôi và anh chính thức không đi cùng nhau nữa, tờ giấy giao ước bảo vệ nhau cũng xé nốt. Biển hiền hòa tung lớp sóng kéo những mảnh giấy ra tít xa rồi chìm vào quên lãng. Tôi lặng yên nhìn.

– Hình như anh là mối tình đầu của em đấy, không phải Đăng đâu.

Tú nhìn tôi bất chợt cười, nụ cười phảng phất nỗi buồn và điều chi luyến tiếc lắm. Tôi nghiêng đầu tựa vào vai anh. Bờ vai ấy có một vết thương dài vẫn chưa lành vì cứu tôi thoát khỏi mấy tên say rượu trong một quán bar. Tôi yêu anh. Yêu cả bờ vai đã tươm máu vì tôi.

Lúc ấy là 00:00

Nhưng anh kiên nhẫn ngồi yên cho tôi ngủ bởi đó là lần cuối cùng tôi được tựa vào bờ vai anh. Lúc ấy, tôi 15 tuổi.

***

“- Em nhớ anh lắm…

– Đừng đi…

– Tú ơi đừng đi…”

Tôi thức dậy bởi tiếng thì thào của chính mình. Đó là những câu nói mà dù có say tôi vẫn nói thật lòng mình. Tôi bước khỏi giường sau một giấc mơ đã ám ảnh chính mình suốt một thời gian dài. Đó là ký ức. Ký ức khi tôi 15 tuổi. Tuổi 15 lúc ấy còn quá bé khiến tôi không đủ niềm tin để yêu thương một ai đó. Nhưng bây giờ tôi đã hơn 20. Đã rất nhiều đêm tôi tự hỏi rằng vì sao tôi lại chấp nhận lời chia tay mặc cho tôi đã yêu chàng trai thích đánh nhau ấy. Nhưng rồi đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Và tôi vẫn tin rằng đến một lúc nào đó khi tôi tìm được một người luôn bên tôi mỗi khi quay đầu lại thì tôi mới trả lời được tại sao ngày hôm nay tôi phải xa anh. Hôm ấy, tôi không đến giảng đường. Tôi nằm ườn ra như một chú mèo ngủ đông và nghĩ suy về những vấp ngã của mình. Ngày sắp tàn, tôi cũng đứng dậy được và dọn đồ…bước lên xe về với nhà. Mệt mõi của tôi đã đến giới hạn tối đa và nếu như tôi không chạy khỏi Sài Gòn thì tôi tin chắc rằng mình sẽ gục ngã.

4. Về nhà.

Khi về đến nhà, tôi giấu mẹ những giọt nước mắt mà tôi đã khóc suốt đoạn đường cô đơn hôm ấy. Nhưng làm sao tôi có thể giấu một người đã và đang yêu tôi dù tôi có hư hỏng đi chăng nữa. Lòng mẹ vẫn mãi là nơi bình yên nhất, an toàn nhất, ấm áp nhất để tôi gục đầu vào và kể.

Sau khi khóc, tôi ngã mình trên chiếc giường nệm có mùi thơm nhè nhẹ và ngủ một giấc cho đến sáng. Lúc mở mắt dậy, tôi giật mình bởi sự yên lặng đáng kinh ngạc mà bấy lâu nay tôi muốn đi tìm. Bước lững thững từ phòng ngủ ra phòng khách, căn nhà hơi tối vì các cửa đều đóng. Tôi gọi tìm mẹ và bé Mai nhưng không có ai trả lời. Tôi bước đến cửa sổ rồi bật tung chúng để đón nắng mai. Ánh nắng ngoài đó như chực chờ ngoài khung cửa để khi tôi vừa hé một khe nhỏ, thì chúng đã ùa vào, bừng sáng cả một căn phòng. Tôi xoay người đi vào bếp thì thấy bữa ăn sáng kèm theo một mẩu giấy nhỏ: ” Mẹ đi làm và em Mai đi học. Con ăn sáng rồi muốn đi đâu đó cho khuây khỏa cũng được. À, chiều 4 giờ 30 con đến trường đón em Mai dùm mẹ nha!”. Ngày đầu tiên ở căn nhà lại là một ngày cô đơn và tẻ nhạt như vậy đấy.

Chiều, khi tôi vừa đến cũng là lúc Mai vừa ra đến cổng trường. Tôi còn chưa kịp nói với con bé câu gì thì nó đã quay sang bên cạnh kéo một cậu nhóc lại và nói.

– Chị Chi cho bạn Lâm về nhà chúng ta chơi nhé, hôm nay mẹ Lâm bận đi công tác nên sẽ về trễ.

– Thế mẹ em có biết em đến nhà chị không Lâm? – Tôi cúi người hỏi cậu bé. Một cậu nhóc bụ bẫm nhưng đầy nét tinh nghịch và đáng yêu.

– Có ạ! Lúc sáng em đã xin phép mẹ rồi ạ!

– Thế thì ngoan, đi về nhà thôi! Hôm nay chị sẽ nấu cơm cho hai đứa ăn. – Tôi nhẹ cười nhìn hai con thỏ đã bỏ tôi chạy ù lên phía trước mà trêu chọc nhau. Tôi lại thấy nhớ những kỉ niệm mà mình từng đi qua.

– Đẹp không Mai?

– Đẹp…đẹp…

Tôi bất giác nhìn lại lũ nhóc đang nhảy nhót phía trước, chúng cứ tung tăng mãi nên tôi cũng mệt bở hơi tai.

– Hai đứa ngắm cái gì mà háo hức thế?

– Hoàng hôn chị ạ. – Lâm quay lại nhìn tôi và trả lời.-Đẹp đúng không chị?

Khi nghe cậu bé nói, tôi quay nhìn về phía tây, nhìn những cánh chim bay về tổ trên bầu trời vàng cam rực màu nắng. Ánh nắng yếu ớt cuối ngày chỉ còn rọi sáng một vùng trời, nhưng cũng đủ làm những chùm hoa bằng lăng tím trái mùa đậm màu hơn trên nền trời cô đơn ấy. Chưa bao giờ tôi thấy được điều này ở Sài Gòn. Khi chiều ở Sài Gòn buông xuống, nắng cam vàng bị những tòa nhà cao tầng hứng ở lưng chừng thành phố, không cho chạm đến mặt đất. Người nối người chìm trong biển xe, rồi bơi đi theo nhiều ngả. Nơi đấy ồn ào chết đi được, khó chịu chết đi được. Nhưng nếu Sài Gòn không có những điều như thế thì…nhạt nhẽo đến mức không nghĩ đang sống ở Sài Gòn.

Lâm và bé Mai ăn cơm tối trước tôi và mẹ. Cả hai cùng nhau làm bài tập trên lớp rồi xem phim hoạt hình trên kênh Disney. Tôi ngồi canh hai đứa nhóc vì chúng hay cãi nhau vì những chuyện rất vặt vãnh. Lâm hơi nghịch, thằng nhóc hay kéo tóc em Mai còn Mai thì hay cào vào tay Lâm. Nhưng chưa bao giờ Mai khóc và Lâm cũng không giận Mai bao giờ. Chúng tôi đang xem phim hoạt hình thì mẹ Lâm đến đón. Tôi và Mai cùng nhau ra ngõ tiễn Lâm. Lúc Lâm đã đi, tôi cõng em Mai lững thững vào nhà và không quên hỏi một câu ngớ ngẩn.

– Bạn Lâm hay kéo tóc Mai, nhưng sao Mai lại cho Lâm về nhà đợi mẹ thế?

– Lâm chỉ thích kéo tóc Mai thôi nhưng Lâm tốt lắm, ở trên lớp mỗi khi Mai bị những đứa kia bắt nạt là Lâm giơ nắm đấm lên dọa, chúng nó sợ chạy tóe khói. Bởi vậy, không ai dám ăn hiếp Mai nữa.

Tôi nhẹ cười không hỏi em nữa. Chúng tôi quay vào nhà rồi xem tiếp bộ phim đang chiếu dở. Tôi chợt nhớ đến ” Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” của Cửu Bả Đao đã từng đọc, nếu như Thẩm Giai Nghi là hiện thân của tuổi thanh xuân, tuổi trẻ trong Kha Cảnh Đằng thì Mai và Lâm lại là hiện thân của tôi và Tú, về một kí ức học trò đầy nụ cười và nước mắt về những tháng ngày dại khờ đã qua.

Tôi chỉ còn ở lại đây nốt hôm nay nữa là phải quay về Sài Gòn tiếp tục học tập. Ngày cuối cùng giống như ngày đầu tiên, mẹ đi làm và em Mai đi học, một mình tôi thui thủi trong nhà. Hôm nay, tôi đã thức dậy sau một giấc mơ dài. Trong giấc mơ ấy, tôi đã thấy mình đi tìm anh trên một cánh đồng cỏ bao la không một bóng người. Nơi ấy chỉ có gió và những ngọn cỏ xước chân tôi. Nơi ấy chỉ có mình tôi với đôi chân trần đẫm máu. Tỉnh giấc. Máu là nước trên khóe mắt mình. Tôi đã mơ rất nhiều giấc mơ về những cuộc tìm kiếm, khi thì trên cánh đồng, khi thì trên bãi biển và có khi trên những vách đá cheo leo. Tất cả những nơi ấy, tôi đều cô đơn với những bước chân đầy máu.

Tôi muốn khóa cửa lại và đi lang thang đâu đó. Tôi lấy chiếc xe đạp cũ kĩ trong nhà kho rồi dắt bộ ra tiệm bơm hơi. Sau khi hai bánh được căng no, nó vẫn là chiếc xe đạp chiến từng trải qua những năm tháng học trò cùng tôi. Tôi rẽ xe vào một con đường đất hai bên là những giàn hoa tigon dại mọc um tùm. Đã lâu rồi tôi đi vào những con đường ấy, cũng bởi vì chẳng biết nơi đó dẫn về đâu. Tôi vừa nhấn pê-đan đạp từng vòng từng vòng vừa đeo headphone để nhạc ầm ĩ trong đầu. Rồi những vòng xe ấy đưa tôi đến cuối con đường mà trước kia tôi đã đi rất nhiều lần.

Tôi dừng lại trước một ngôi nhà khép kín cửa, rêu phong đã lên màu cũ kĩ và đầy u ám. Tôi dựng xe trước cửa rồi khẽ đẩy cánh cổng để bước vào. Bởi chủ căn nhà đã bỏ nó đi tự rất lâu và không còn ai đến, dây leo quấn quanh khiến cánh cửa không thể nào mở ra được nữa. Tôi ngắm nhìn căn nhà với những chiếc lá vàng phủ đầy sân một lâu rồi quay đi. Chợt cơn gió mùa đông nhè nhẹ lướt qua, những cánh hoa tigon khẽ đung đưa, rớt rơi vài cánh hoa mỏng tang xuống đất.

Tôi thấy lòng chơi vơi.

***

Bí Ngô: Ngày mai tớ sẽ trở về Sài Gòn. Mọi thứ vẫn ổn.
Hoa Trà hiện không online.

6. Dọn dẹp lại tim mình.

Tôi trở về Sài Gòn và xin chuyển ra khỏi kí túc xá. Tôi tìm một căn nhà nhỏ để thuê trên đường Nguyễn Thị Thập. Đăng tặng tôi một chú chó con để chúc mừng tôi đã thoát qua những ngày u ám. Tôi đặt tên nó là Min và mua một vài chậu cây nhỏ để bên bậu cửa sổ. Sau khi dọn dẹp lại mớ hỗn độn trong tâm trí, tôi bắt Đăng chở mình đi tìm việc làm thêm. Mãi hơn một tuần sau đó, tôi mới tìm được một việc làm phù hợp nhưng cũng gần trường. Đó là công việc thu ngân ở tiệm bánh ABC. Đăng cũng hay đến tiệm bánh mua ủng hộ tôi, cuối ngày lại đến thêm một lần nữa để chở tôi về, và lúc đó Đăng đưa cho tôi ổ bánh mì đã mua. Không chút chần chừ, tôi cắn ngay một nữa nhai trong miệng, bẻ đôi một nửa đưa cho Đăng. Rồi số tiền dành dụm cũng đủ để tôi mua một chiếc xe đạp cho tiện đi lại. Nhưng thỉnh thoảng Đăng vẫn hay về cùng tôi. Chúng tôi chạy sóng đôi với nhau, vừa đi vừa hát hệt như những tháng ngày đã qua.

Tôi đã lãnh tiền lương đầu tiên sau một tháng dài làm việc. Tôi viết chi chít vào quyển sổ tay về những việc mình cần làm mà vẫn không quên dành một phần nhỏ để khao Đăng. Nhấc điện thoại lên gọi cho cậu thì không liên lạc được. Tôi cất số tiền để khao Đăng vào một chú heo nhỏ rồi nhét nó vào sâu gầm bàn. Để khi nào cậu ấy đến, tôi sẽ dẫn cậu ấy đi ăn lẩu và đi tung tăng ở đâu đó như bao ngày. Tôi nhìn vào màn hình điện thoại để xem giờ. 17 giờ 45 phút. Nắng vẫn còn những tia sáng ấm áp trải dài trên đại lộ. Sau khi suy nghĩ một phút, tôi vội vã khóa cửa phòng rồi lững thững đi ra con hẻm nhỏ đón xe buýt để mua thêm một châu cây nữa. Những chiếc xe buýt lù lù di chuyển như một con gấu trong biển xe cuối ngày đầy khó nhọc. Và tôi chen trên chuyến xe đông người ấy để đi mua niềm vui cho chính mình. Tôi bước đến chiếc ghế duy nhất còn lại trên xe thì xe lại đến bến khác. Một bà cụ dẫn theo một cô nhóc mắt tròn xoe bước lên. Tôi vội đứng dậy nhường lại chiếc ghế ấy cho hai bà cháu rồi đứng nép mình cạnh cửa gió. Chợt tôi nghe.

– Chi! – Một giọng nói quen thuộc vang lên. Tôi giật mình quay lại.

– Anh đi đâu đây?

– Dạo Sài Gòn, chán rồi về!

– Còn em?

– Em đi mua hoa.

– Xa không?

– Em không biết. Nơi nào có bán thì em mua.

– Cho anh đi theo được chứ?

Tôi không đáp lời chỉ mỉm cười, gật đầu rồi bước nhanh đến chiếc ghế mà Mạnh Tùng đã nhường cho tôi. Gió cuối ngày luồn qua ô cửa tung chiếc váy cam của tôi đầy kiêu hãnh.

Xe dừng lại ở trạm. Tôi và Mạnh Tùng bước xuống. Tôi im lặng đi trước. Mạnh Tùng lặng lẽ đút tay vào túi quần theo sau. Tôi bước sang trái hai bước. Anh bước sang trái hai bước. Tôi bước sang phải ba bước. Anh bước sang phải ba bước. Tôi dừng lại, quay quoắt ra sau nhìn anh.

– Này! Đang trêu em à?

– Anh chỉ đi theo em thôi mà. Em cứ làm những việc mà em thích…

– Vậy thì em đi lùi!

Nói rồi tôi xoay người lại rồi bước thụt lùi về phía sau. Anh không làm thế mà vừa bước thảnh thơi vừa đưa tay che miệng. Tôi không hiểu anh cười điều gì mãi cho đến khi tôi va phải thùng rác. Đồ hắc ám!

Sau khi ghé một chỗ bán hoa, lựa cho mình một chậu hướng dương còn chưa nở và mang về nhà. Tôi đặt nó trên bệ cửa, nơi tôi có thể tìm những vì sao mờ nhạt rồi ngồi đếm khá lâu. Lúc ấy, Min vừa thức giấc, chạy lại cào vào chân tôi. Tôi bật cười thành tiếng và bế nó lên, kể cho nó nghe chuyện hôm nay trên xe buýt rồi ôm nó vào lòng đầy yêu thương. Có lẽ tôi đã giam mình trong bóng tối quá lâu đủ để khó khăn với ánh sáng như thế nào. Cuộc sống gắn liền với máy tính đã tạo cho mình một cuộc sống ảo, khiến tôi cảm thấy hụt hẫng khi đối diện với những gian nan thật, vấp ngã thật. Cuộc sống này vốn dĩ không phải như một chiếc máy tính để có phím delete cho những gì ta không muốn.

Một ngày như bao ngày, Sài Gòn buồn hơn bởi những cơn mưa bất chợt ùa về như mùa thu rơi lá. Dòng người đi trên phố mỗi khi mưa đến như hối hả hơn, gấp gáp hơn. Trên những chiếc giỏ xe, có những chiếc áo mưa được gấp gọn gàng nhưng cũng có những chiếc áo cuốn tròn vội vã vì vừa dùng xong. Trời Sài Gòn mưa, ABC vắng khách, tôi đưa mắt nhìn dòng người thưa thớt trên phố, sắc cam đèn cao áp nhòe đi trong đêm.

Rồi bất chợt cánh cửa mở ra. Chàng trai có đôi mắt xanh dương – Mạnh Tùng xuất hiện!

– Chào em, chúng ta lại gặp nhau.

– Em nghĩ chúng ta có duyên đấy chứ. – Tôi nhẹ nở một nụ cười nhìn anh.

Kể từ ngày hôm ấy, Mạnh Tùng xuất hiện đều đặn hơn ở tiệm bánh và chọn một chiếc bánh Bơ duy nhất. Chúng tôi trò chuyện với nhau khá thân, dù chỉ là một vài câu và trong vài phút tính tiền ngắn ngủi.

Một ngày, Mạnh Tùng bất ngờ đưa ra lời đề nghị đi cafe cùng tôi. Tôi ậm ừ và mỉm cười đồng ý. Chiều chủ nhật, tôi đón xe buýt ra Bến Thành đợi anh. Trời đang nóng hung hãn như thiêu như đốt ấy vậy mà trong phút chốc sấm đã vang rền trời. Mưa kéo đến sau đó ít phút. Phố phường ngập nước sau đó ít giây. Tôi nép mình vào mái hiên nhà chờ ở trạm, đợi xe đi qua rồi về nhà. Tôi đang nhắn tin cho Mạnh Tùng hủy buổi đi chơi vì trời mưa. Tin nhắn chưa gửi thì có một chiếc taxi vừa tấp vào trạm đã mở nhanh cửa, Mạnh Tùng chạy vọt ra rồi kéo tôi vào trong. Hệt như một cuộc bắt cóc tống tiền.

– Đường ngập thế mà anh vẫn đến à? – Tôi xoe tròn mắt nhìn Mạnh Tùng

– Thì em cũng đến đó thôi.

Tôi im lặng, không nói thêm những gì cho đến khi chiếc taxi dừng lại trước Aquarius. Đó là một quán cafe nhỏ nằm trên đường Trường Chinh, nội thất không có gì đặc biệt ngoài việc được trang trí bằng cung hoàng đạo Bảo Bình. Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau khá lâu cho đến khi mưa tạnh thì đi xem phim ở Pandora. Xem xong phim tôi ghé tạt vào khu vui chơi rồi ngoắc tay chỉ Mạnh Tùng đến khu bowling. Chơi bowling xong tôi nắm tay kéo Mạnh Tùng vào khu ăn uống, mà quên mất rằng mình đang đi chơi với người lạ. Trong lúc nhâm nhi kem, Mạnh Tùng tranh thủ online facebook, tôi khẽ nhìn anh ta. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy một người rất quen ẩn sâu trong anh. Là ai thì tôi không biết. Chỉ là có cảm giác gì đấy rất đỗi thân thuộc. Mạnh Tùng bất chợt ngẩn đầu nhìn tôi. Tôi luống cuống quay nhìn ra phố, miệng lẩm bẩm:

– Phố đã lên đèn, người xa lạ bỗng chốc thành quen!

Khi tôi đi cùng Mạnh Tùng, tôi nói rất nhiều còn anh thì khá im lặng. Tôi không hiều vì sao anh ta rất ít khi ngẩn đầu nhìn tôi, mỗi lần bước đi đều cúi gầm mặt xuống như sợ ai đó nhìn thấy mặt mình. Lúc đầu tôi thường len lén nhìn anh, nhưng rồi anh cao hơn tôi cả một cái đầu nên tôi thôi nhìn nữa. Tầm nhìn của mình chỉ ngang ngửa bờ vai anh. Mỗi khi đi cạnh nhau, tôi chỉ nhìn bờ vai ấy. Nơi mà hương thơm của sự mạnh mẽ tỏa ra!

Những ngày sau đó, tôi bắt đầu thấy những điều bất ngờ xuất hiện trong giỏ xe của mình sau giờ làm. Ai đó đã đặt một chiếc bánh Bơ thơm lừng vào đấy. Không phải Đăng. Vì dạo này Đăng bận làm đề tài chuẩn bị ra trường nên rất ít đến tiệm bánh, thậm chí Đăng còn bỏ xó tôi vào những buổi tối tan ca.

Mạnh Tùng lại xuất hiện.

– Là anh mua bánh để vào giỏ xe của em đúng không? – Vừa tính tiền, tôi vừa hỏi.

– Sao em lại nghĩ anh làm điều đó?

– Em có làm kí hiệu trên vỏ giấy đựng bánh…Anh không chối được đâu nhé!

Bối rối, ngập ngừng: – Em…thích không?

Tôi cười, không đáp, đưa bánh cho Mạnh Tùng. Anh nhận lấy rồi quay đi. Chứng minh thư của anh rơi xuống đất.

Những ngày kế tiếp ấy, tôi rất muốn được gặp anh ta. Nhưng chẳng hiểu vì lí do gì, anh ta không còn xuất hiện ở ABC nữa, số điện thoại cũng khóa nốt. Nhiều đêm tôi tự hỏi mình: Anh là ai? Là người ngoài từ hành tinh khác đến nơi này chăng? Nhiều ngày cuối tuần tôi đến Aquarius để tìm anh, vì anh bảo đó là quán cafe duy nhất mà anh thích kể từ khi vào Sài Gòn. Nhưng đã nhiều ngày cuối tuần như thế, tôi đã lãng phí đi rất nhiều thời gian mà không thu về được một lợi ích gì. Rồi tôi thôi đi tìm anh nữa.

Nói với mình rằng anh đã đi rất xa.

7. Dưới những cơn mưa.

Rồi Sài Gòn lại vào đông thêm một lần nữa mà không một dấu hiện giao mùa, cũng giống như Mạnh Tùng và tôi tình cờ gặp lại nhau trên một con đường nhưng hai hướng đối lập nhau. Lúc nhận ra ánh mắt ấy là của anh cũng là lúc tôi đang ở trên xe buýt, còn anh đang chạy xe máy bên cạnh. Anh và tôi nhìn nhau không lời giữa lúc những giọt mưa cuối mùa rơi rớt trên vai. Chỉ ngăn cách bởi một tấm kính thôi nhưng đó là hai thế giới khác biệt nhau hoàn toàn. Cuộc sống của anh ồn ào, tấp nập, còn tôi yên lặng, nhẹ nhàng và đầy mơ mộng. Dù tôi có kêu gào, dù anh có thấy…thì hai thế giới ấy vẫn mãi không hòa trộn lại được với nhau. Tất cả được phá tan khi và chỉ khi chỉ khi có một người hi sinh bước vào thế giới của người còn lại. Hai xe vẫn cứ lướt qua nhau, mỗi lúc một xa nhưng tôi vẫn ngoảnh lại nhìn cho đến khi chẳng còn nhìn thấy anh giữa hàng ngàn người vội vã trong mưa. Cứ thế, cứ thế tôi và anh xa dần nhau trên phố cuối mùa.

– Cho con xuống trạm phía trước!

Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó thôi, tôi chỉ muốn xe đến trạm thật nhanh . Thời gian qua, tôi và anh xa nhau đã quá lâu rồi. Tôi chỉ sợ xe chạy xa thêm, tôi và anh lại lạc lối mất nhau thêm một lần nữa. Trạm dừng. Cánh cửa vừa mở, tôi chạy nhanh lại con đường đã đi qua. Trời bỗng chốc tuôn ào như ai khóc. Dòng người hối hả nhấn còi bim bim lướt đi nhiều phương ngã. Ai cũng khoát áo mưa. Và trong một màu trắng xóa, tôi không còn nhìn thấy anh nữa. Tôi thất vọng dầm mưa đi bộ về nhà mặc cho chiếc áo mỏng tang dính sát vào người. Mưa tấp vào mặt nên không ai biết tôi đang khóc. Mà ngay cả chính mình, tôi cũng không biết mình đang khóc hay đang vui. Vui vì đã tìm thấy anh ở Sài Gòn. Khóc vì biết đến bao giờ mới nói được những điều mình muốn. Về đến nhà, tôi nằm ườn ra đấy. Không hiểu vì sao, ánh mắt của Mạnh Tùng lại ám ảnh tôi đến như vậy. Và tôi rất muốn gặp anh ta để đi tìm một bí mật…

Tiếng mưa ti tách, ti tách mỗi lúc một nhỏ dần rồi im bặt.

Tôi dừng nghĩ suy, bước đến cửa sổ rồi mở toang, mấy chậu hướng dương đã bắt đầu héo úa sau khi đã nở hoa thật tươi. Phương tây, ráng chiều vàng ửng ở một góc trời trắng xóa vì mưa. Tôi thấy lạnh lẽo. Trống vắng. Cần một ai đó để trò chuyện.

Nhìn vào màn hình laptop. Hoa Trà online.

Bí Ngô: Tớ có quá ngu ngốc khi chờ một người mà họ đã đi rất xa?

Hoa Trà: Nếu cậu đã đợi được chừng ấy thời gian thì tại sao hôm nay không thể. Chẳng ai giới hạn thời gian đợi chờ như giới hạn thời gian sử dụng của một viên kẹo.

Bí Ngô: Nhưng đã đến lúc tớ phải cất kí ức cũ kỉ đó để yêu một người khác thôi.

Hoa Trà: Nếu hôm ngày mai chàng trai ấy xuất hiện thì cậu nghĩ sao?

Bí Ngô: Đó là ngày cuối cùng tờ chờ người con trai ấy.

“Tít tít tít”.

Điện thoại có tin nhắn

1 tin nhắn đến.

+01212246890

” Tớ đã vào Sài Gòn. 3h chiều mai mình gặp nhau ở cafe Lilo quận 7 được chứ?”

Tin nhắn từ một số lạ. Người nhắn không để lại tên. Nhưng tôi biết đó chính là Hoa Trà. Cô ấy đã đến Sài Gòn và thực hiện lời hứa với tôi. Tôi không mong cô ấy mang hoa sữa vào đây cho mình, bởi Sài Gòn cũng có hoa sữa cơ mà. Nhưng tôi chỉ mong cho ấy mang chút niềm vui vào cho mình. Thổi cho cuộc sống của tôi bớt đi những hạt bụi…Như bao lần trò chuyện trên facebook. Tôi nhấc điện thoại lên gọi cho Đăng về cuộc hẹn ngày mai với Hoa Trà. Đăng đồng ý sẽ đến Lilo cùng tôi vào sáng mai.

” Hoa Trà đến Sài Gòn. Cafe Lilo quận 7.”

Tít…Tít….Tít…

” Hoa Trà đến Sài Gòn. Cafe Lilo quận 7.”

Tít…Tít….Tít…

” Hoa Trà đến Sài Gòn. Cafe Lilo quận 7.”

Lời nhắc nhở nhấp nháy trên màn hình điện thoại kéo một hồi chuông dài đánh thức tôi dậy vào một sáng mùa đông. Tôi bật dậy khỏi giường, gạt đi nước mắt rồi chọn cho mình bộ quần áo xinh xắn nhất và không quên gọi điện thoại cho Đăng. Tôi kéo theo Đăng vào quán cafe đã hẹn với Hoa Trà trước đó. Tần ngần, bước vào quán. Chị nhân viên phục vụ đôi mắt to tròn với mái tóc ngố ngang trán bước ra mỉm cười. Gọi cho mình một tách capuchino. Không phải để uống, đơn giản chỉ để được ngửi mùi thơm của nó. Mùi thơm của cà phê hòa vào với những bản nhạc không lời, cộng với không khí se lạnh của một ngày ẩm ương vì mưa.

8 giờ 30 phút.

Khi đẩy cửa bước vào Lilo, tôi chẳng thấy cô gái nào tóc xoăn màu hạt dẻ nào cả. Tôi nghĩ mình đến sớm. Trong lúc đợi Trà, tôi và Đăng ngồi kể chuyện phiếm cho nhau nghe.

10 giờ .

Trời lại đổ mưa. Lấy điện thoại ra gọi cho Trà thì lại không liên lạc được, tôi đưa đôi mắt buồn đầy thất vọng nhìn những vệt nước gạch xóa phố phường.

– Về thôi anh, chắc cô ấy không đến! -Trong phút chốc, tôi quyết định không đợi Trà nữa và hối thúc Đăng ra về.

Đăng không nói gì, cúi đầu vào màn hình điện thoại rồi soạn tin nhắn cho ai đấy. Xa quá, tôi chỉ loáng thoáng đọc được vài câu: ” Sao còn chưa đến.” Tôi biết mình hơi bất lịch sự nên không gọi Đăng nữa, chỉ biết cúi người rồi loay hoay mang lại giày. Đúng lúc Lilo có thêm khách, cánh cửa mở kéo theo làn gió lạnh toát ùa vào khắp gian phòng. Tôi ngoái đầu lại nhìn. Là Mạnh Tùng. Người anh ướt lem nhem.

– Chào em! Anh có thể ngồi cùng được chứ?

Tôi nhẹ gật đầu đồng ý nhưng vẫn nhìn anh bằng ánh mắt xa lạ.

– Chắc em đã đợi anh lâu rồi đúng không? – Mạnh Tùng hỏi tôi.

– Không! Em đợi Hoa Trà.- Tôi thản nhiên đáp. Nhưng vẫn không quên xoáy sang điều bí mật muốn biết.- Em chẳng bao giờ phí thời gian cho một người không quen biết cả.

– Nếu như anh nói rằng chúng ta đã quen nhau hơn 4 năm…À không! Phải là hơn nữa thì em tin không?

– Không! – Tôi lạnh lùng đáp.

– Nếu như anh nói số điện thoại của anh là 01212246890 thì em có tin không?

– Anh chính là… Hoa Trà! – Tôi lắp bắp nói.

Mạnh Tùng nhìn tôi rồi gật đầu.

– Anh không muốn giấu em nữa. Vì nếu như cứ tiếp tục là Hoa Trà thì anh sẽ mãi mãi mất đi cô gái mà anh đang yêu!

– Không đúng! Hoa Trà phải là con gái! Anh không phải là Hoa Trà, đừng lừa dối em.

– Cậu ấy chính là Hoa Trà…- Đăng chen ngang, giọng đầy chắc nịch. – Là anh đã đưa nick facebook của em cho cậu ấy cách đây 4 năm.

Tôi ngơ ngác quay nhìn sang Đăng. Nhưng Đăng không nói gì.

– Các anh thật quá đáng! – Tôi hét lên đầy giận dữ.

Tôi không tin vào mắt mình trước một sự thật khó tin như thế. Một cô bạn hơn 4 năm trò chuyện với nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ trên đời, họa chăng chỉ có con gái mới hiểu những điều đó. Thế những bức ảnh, những thông tin …không lẽ là giả tạo cả sao? Tôi tức giận bước ra khỏi cửa, mặc cho cơn mưa đang tuôn ào xuống phố.

– Em đi đâu? – Mạnh Tùng hét lớn.

– Đuổi theo nó đi! – Đăng quay sang Mạnh Tùng quát.

Mạnh Tùng vội vã đuổi theo tôi.

– Quỳnh Chi! Đợi đã em…

Nhưng tôi vẫn mặc kệ, lao đi trong cơn mưa trắng xóa đầy buốt lạnh. Anh chạy thật nhanh đến rồi kéo tay tôi lại. Cái kéo tay ấy mạnh đến mức tôi phải giật người ra sau và nếu anh không đứng ở đấy tôi đã té nhào xuống đường. Và tôi đã vô tình chạm vào bờ vai ấy. Bờ vai có một vết sẹo chạy dài mà nguyên nhân chỉ có tôi mới hiểu . Lúc ấy, cơn mưa tuôn đủ nước khiến mái tóc của Mạnh Tùng duỗi thẳng ra. Bàn tay thô cứng ấy cầm lấy tay tôi. Tôi bất giác nhìn sâu vào đôi mắt anh bằng một ánh mắt kì dị rồi đưa ra một yêu cầu.

– Anh đừng đeo lens có được không?

Mạnh Tùng im lặng.

Tôi khóc nấc lên hệt như một đứa con nít.

Mạnh Tùng vẫn im lặng.

– Sao anh không tự nhận đi. Còn bắt em phải nói ra thì anh mới chịu đấy à?

Tôi chìa ra trước mắt Mạnh Tùng là chứng minh thư mà anh đã làm rơi ở ABC.

– Nếu như em không nhặt được chứng minh thư này, thì em sẽ không bao giờ tin anh đang ở đây. Mà em sẽ buộc lòng mình tin rằng, đó là một ai khác, chỉ là một ai đó giống anh mà thôi. Còn anh thì đã đi đâu đó rất xa…Khi em nhặt được nó, em biết rằng trên đời này chẳng chàng trai có đôi mắt màu xanh dương, tóc xoăn mang tên Mạnh Tùng quan tâm Quỳnh Chi nhiều như thế cả. Tất cả đều giả tạo. Chỉ duy nhất có Quang Tú là thật thôi. Em chẳng còn nhìn ra chàng trai thích gây gổ, đánh nhau, ăn nói thô lỗ ngày nào trong anh nữa rồi. Phải không anh?

Mưa đông, mưa dầm mưa dề tràn về trên phố. Tiếng mưa ti tách, từng giọt nước lóng lánh rơi xuống lá rồi vỡ òa trên tay. Tay anh, thay vì nắm lấy tay tôi nhưng chẳng hiểu vì lại chộp lấy eo rồi kéo tôi lại rất gần. Anh nhìn tôi trong khoảng cách rất ngắn nhưng đã chạm đến đáy lòng nhau. Như một phản xạ, tôi càu nhau nhăn nhó bảo anh buông ra nhưng bỗng chốc tôi bị ép ngược bằng đôi môi vẫn nồng vị cafe đắng. Không như những cô gái khác sẽ vùng vẫy, cố gắng thoát khỏi nụ hôn đầu bất ngờ như thế. Tôi nhón nhẹ gót chân, tay anh siết nhẹ vào eo tôi hơn nữa. Mưa bỗng ngưng lại rơi. Và lúc ấy, hai đôi môi mới chịu rời xa nhau.

Lập đông, mọi thứ thật tĩnh lặng và yên bình.

17-2-2014.

Tiểu Duyên

Bình luận Facebook