google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Những vụ tự sát gây chấn động văn đàn thế giới - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Những vụ tự sát gây chấn động văn đàn thế giới

Nhà văn không phải là cái nghề hoàn toàn êm đềm và yên bình như mọi người vẫn tưởng. Họ lao động tinh thần, suy tư trong cô độc rất nhiều, nên mong manh trước chấn động.

Chưa có con số thống kê chính xác nhưng tôi tin rằng trong giới văn nghệ sĩ, các nhà văn là những người tự sát nhiều nhất. Vì sao vậy, vì công việc của họ chủ yếu là lao động tinh thần và quá trình suy tư trong cô độc rất nhiều, có lẽ chính vì thế mà khi có một chấn động lớn nào đấy, nhà văn là người rất dễ tự sát!

Bất mãn thời cuộc, chọn cái chết để giữ sự trong sạch

Có lẽ vụ tự tử nổi tiếng nhất là vụ trẫm mình xuống dòng sông Mịch La của nhà thơ vĩ đại người Trung Quốc, Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là nhà thơ người nước Sở, là tác giả của những tập thơ vào loại nổi tiếng nhất của văn học Trung Quốc cổ điển như Ly Tao, Sở Từ, một mẫu mực của thơ ca cổ điển và thậm chí nhắc đến Ly Tao, từ ấy có thể thay thế cho khái niệm thơ ca cổ đại nói chung.

Vì sao Khuất Nguyên lại tự tử? Ông nổi tiếng và vĩ đại thế kia mà. Khuất Nguyên từng làm quan nước Sở nhưng thường xuyên bị kẻ xấu hãm hại, vu cáo, ngay cả nhà vua cũng không tin tưởng ông, cách chức, đày ông đi biệt xứ. Khuất Nguyên đã tuyệt vọng trẫm mình xuống dòng Mịch La vì ông cho rằng đời đục cả, có mình ông trong, người ta say hết, có mình ông tỉnh. Sự khác biệt quá lớn như thế thì làm sao ông không mất chức, không bị ghen ghét. Và nhà thơ đã ôm một hòn đá lao xuống sông Mịch La trầm mình để giữ khí tiết trong sạch, không chịu lấm bẩn với đời.

Cái chết của Khuất Nguyên là một cú chấn động lớn đương thời, người ta xót thương ông lập đàn cúng tế, tổ chức Tết Đoan Dương để tưởng nhớ ông. Ngày Tết mùng 5 tháng năm âm lịch có nguồn gốc từ cái chết bi thảm của nhà thơ vĩ đại người Trung Quốc.

Một người cũng tự sát với lý do gần giống với Khuất Nguyên là nhà văn nổi tiếng người Áo gốc Do Thái Stefan Zweig. Zweig sống chủ yếu ở những năm đầu và giữa thế kỉ 20, khi chủ nghĩa phát xít đang bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu và toàn thế giới, tính mạng của dân tộc Do Thái đang bị đe doạ nặng nề. Nước Áo ở ngay bên rìa nước Đức và sau này trở thành đồng minh thuộc loại thân thuộc nhất của nước Đức phát xít, thậm chí Hitler đã sáp nhập nước Áo vào nước Đức.

Cảm thấy sự an nguy của dân tộc Do Thái đang đến gần và mặc dù Stefan Zweig lúc ấy đã là một nhà văn rất nổi tiếng, là một trong những nhà văn viết tiếng Đức được dịch ra nhiều nhất các thứ tiếng khác trong thế kỉ 20, ông đã tuyệt vọng về tương lai của loài người, của dân tộc Do Thái nói chung và bản thân ông nói riêng, ông đã ra nước ngoài sinh sống nhưng vẫn không ngừng suy tư, đau đớn về thời cuộc.

Hai ngày sau khi hoàn thành tác phẩm cuối cùng của mình Thế giới của ngày hôm qua, Stefan Zweig và vợ đã quyết định tự vẫn cùng với một lá thư tuyệt mệnh. Trong thư ông đại ý viết rằng, tôi nên kết thúc khi mọi thứ vẫn còn tương đối tốt đẹp, tôi vẫn còn đủ sức chịu đựng, lao động tinh thần vẫn còn là niềm vui và tự do cá nhân của con người vẫn còn là khát vọng của loài người.

Những dự cảm thiên tài của Stefan Zweig là hoàn toàn chính xác. Chỉ ít lâu sau đó, chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ dữ dội khắp châu Âu và cả thế giới, hàng triệu người Do Thái bị tàn sát, bị đưa vào các trại tập trung vô cùng tàn khốc, trong số đó có rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng.

Nhiều nhà văn Nhật chọn cái chết

Thất bại vì lý tưởng mà tự sát có thể kể thêm nhà văn người Nhật Bản, Yukio Mishima. Ông là một người tôn sùng Nhật hoàng và nền quân chủ phong kiến. Sau khi Nhật bị thua trận nặng nề sau thế chiến thứ hai, chịu hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật phải bồi thường chiến phí, bị chiếm đóng, quân đội bị tước rất nhiều quyền lực. Yukio Mishima đã rất buồn chán, ông tham gia “Hiệp hội lá chắn” với tinh thần võ sĩ đạo, ủng hộ Nhật hoàng và ca ngợi chủ nghĩa quốc gia.

Sau đó “Hiệp hội lá chắn” đã chiếm lấy Cục phòng vệ Nhật Bản và kêu gọi quân đội đảo chính nhưng bất thành. Không được quân đội ủng hộ và phẫn chí, Yukio Mishima đã quyết định tự sát theo nghi lễ sepuku của võ sĩ đạo khi mới 45 tuổi. Ông lấy kiếm tự mổ bụng mình nhưng làm thế vẫn không đủ chết, ông đã nhờ một người đồng chí chém đầu mình để hoàn thành công việc. Khi ấy Yukio Mishima đã là một nhà văn rất nổi tiếng của Nhật Bản, từng được để cử Nobel văn học. Những tác phẩm thuộc loại nổi tiếng nhất của Yukio Mishima là Ngôi đền vàng và Người thuỷ thủ bị biển khước từ đều đã được dịch sang tiếng Việt.

Tự sát để giữ vững đỉnh cao sự nghiệp của mình là trường hợp của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari. Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel văn học vào năm 1968 với những tác phẩm nổi tiếng: Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, Người đẹp say ngủ… Kawabata Yasunari là nhà văn tiêu biểu cho cái đẹp Nhật Bản với một thứ văn chương u buồn, da diết có gắn bó với những dục vọng của con người.

Ông có một thời ấu thơ cực kỳ buồn tủi, cha chết, mẹ chết từ lúc rất nhỏ, sau đó bà nội và em gái cũng chết, Kawabata sống với người ông mù lòa. Tưởng chừng với từng ấy những đau khổ thì không có gì khiến ông có thể gục ngã được nữa nhưng Kawabata vẫn quyết định tự sát sau những vinh quang tột bậc của mình. Nhiều người cho rằng, ông tự sát vì cảm thấy những tác phẩm sau này của mình không còn hay như những tác phẩm trước đó. Kawabata quyên sinh bằng khí gas vì muốn được nhớ đến với những lúc vinh quang nhất trong sự nghiệp của mình.

Nước Nhật nổi tiếng là quốc gia có nhiều người tự sát và các nhà văn Nhật cũng là những người tự sát nhiều nhất. Ngoài hai nhân vật kể trên thì các nhà văn nổi tiếng khác như Ryunosuke Akutagawa, một trong bậc thầy nổi tiếng nhất về truyện ngắn cũng tự sát năm 35 tuổi khi đang ở lúc sung sức nhất của đời văn. Nhà thơ Kitamura Tokoku tự sát khi mới 25 tuổi và đặc biệt là Dazai Osamu tự tử bốn lần mới thành.

Mỗi lần tự sát không thành là mỗi lần vô cùng đau đớn và tủi nhục của nhà văn. Lần cuối cùng Dazai Osamu tự tử ở tuổi 45 cùng với người tình bằng cách trầm xuống một chiếc hồ ở Tokyo. Văn chương của Dazai Osama mang chất buồn u uất, trụy lạc và nhân vật của ông cũng có nhiều nét giống cuộc đời ông. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Dazai Osama là Tà dương và Thất lạc cõi người đã được dịch sang tiếng Việt.

“Đời tôi để lịch sử xử”

Ngay cả các nhà văn ở các nước phương Tây cũng không thiếu những vụ tự sát. Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nhận giải Nobel văn học năm 1954, tác giả của Chuông nguyện hồn ai, Ông già biển cả, Giã từ vũ khí… đã tự sát vì những rối loạn tinh thần của mình và chịu ảnh hưởng của “truyền thống tự sát” trong gia đình. Ernest Hemingway từng là một quân nhân trong Chiến tranh thế giới thứ nhất với rất nhiều vết thương trên người và khi từ giã cuộc đời ông cũng sử dụng công cụ quen thuộc với mình thời chiến tranh: Dùng súng để tự kết thúc cuộc đời.

Còn nhà văn người Áo Thomas Bernhad, người nổi tiếng với những tác phẩm tự “nói xấu” tổ quốc mình như Diệt vong, Đốn hạ thì tự tử bằng cách uống thuốc ngủ quá liều. Nổi tiếng là một người cực đoan và cá tính, trước lúc mất, Thomas Bernhad vẫn thể hiện một thái độ “cứng đầu” với chính tổ quốc của mình. Ông đã để lại di chúc cấm xuất bản tác phẩm của mình ở nước Áo cho đến tận thời điểm hết thời hạn bảo vệ tác quyền. Ông từng viết về những thói tật xấu xa của nước Áo như theo hùa phát xít, thói trưởng giả của các nghệ sĩ thành Vienna và từng bị kiện ra toà vài lần về những tác phẩm của mình.


Tranh vẽ Nhất Linh của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Ở Việt Nam, cũng từng có nhà văn tự sát. Nhất Linh là chủ soái của “Tự lực văn đoàn”, một trong những tổ chức văn chương quy tụ được nhiều nhà văn nổi tiếng bậc nhất trước năm 1945 như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thế Lữ… Tự lực văn đoàn và có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà về ngôn ngữ tiếng Việt cũng như thúc đẩy tự do cá nhân con người qua các tác phẩm của mình.

Bản thân Nhất Linh cũng là một nhà văn có nhiều đóng góp với những tác phẩm nổi tiếng như Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt… Nhất Linh từng là đại biểu quốc hội khoá I (đặc cách) và là Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến của Hồ Chí Minh. Năm 1958, Nhất Linh chuyển về sống ở Sài Gòn làm báo và sau đó ủng hộ phái quân đội lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1960 nhưng đã thất bại.

Chính phủ của Ngô Đình Diệm giam lỏng Nhất Linh ở nhà ba năm liền và đến tận năm 1963 mới gọi ông ra toà xét xử. Nhất Linh khi nhận được trát của toà đã pha thuốc độc vào rượu uống để quyên sinh. Trong thư tuyệt mệnh ông có để lại một lời trăng trối nổi tiếng: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả…”

Nhà văn không phải là cái nghề hoàn toàn êm đềm và yên bình như mọi người vẫn tưởng. Vẫn có những hiểm nguy và tai nạn rình rập. Và hơn nữa có lẽ các nhà văn là những người sống bằng tinh thần nhiều nhất trong giới văn nghệ sĩ, họ đắm chìm trong con chữ, lý tưởng, nhân vật và câu chuyện của mình và có thể điều đó rất đáng sợ khi họ thất vọng, vỡ mộng. Độc giả chờ đợi những tác phẩm tinh thần lớn lao của những người cầm bút nhưng có lẽ viết thì cứ viết. Nhà văn, xin đừng… tự sát!

Theo Zing

Bình luận Facebook