Những tình khúc ghi dấu ấn của Thanh Tùng

Lối cũ ta về”, “Giọt nắng bên thềm” hay “Giọt sương trên mí mắt”… qua các giọng ca Hồng Nhung, Thanh Lam… làm thổn thức nhiều thế hệ khán giả.

Sáng 15/3, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời sau 12 ngày nhập viện. Trước đó vào năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, Thanh Tùng mất khả năng đi lại và nói chuyện. Ông cũng bị bệnh tiểu đường và thận. Suốt hơn tám năm chiến đấu với bệnh tật, phải ngồi trên xe lăn, Thanh Tùng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan.

Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008. Đến những ngày cuối đời, ông vẫn giữ hình ảnh tươm tất, lối sống phong lưu và có tình yêu lớn với gia đình, đặc biệt là người vợ đã khuất.

Tình yêu cuộc sống, con người in đậm trong mỗi tác phẩm của ông.

Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Quý Đoàn.

Lối cũ ta về 

Đây là một trong ba bài hát làm nên tên tuổi Thanh Lam và cũng là một trong những ca khúc hit của nền nhạc nhẹ thập niên 1990. Giai điệu nhẹ nhàng, thong thả trong đoạn đầu bài hát như nhịp bước chân của chàng trai trên con đường kỷ niệm. Mỗi hình ảnh quen thuộc đều khiến anh nhớ tới cuộc tình xưa. Bài hát nói về những hoài niệm đẹp trong tình yêu đã đi vào trái tim của nhiều chàng trai, cô gái.

Giọt nắng bên thềm

Khoảng giữa những năm 1980, Thanh Tùng sáng tác ca khúc Giọt nắng bên thềm. Ca khúc lấy cảm hứng từ không gian sống của nhạc sĩ trong căn biệt thự tại TP HCM. Ca từ đậm chất thơ và chiêm nghiệm, nói về những xúc cảm tình yêu và cuộc sống. Những hình ảnh đóa hồng, tiếng chim, giọt nắng bên thềm, sỏi đá… gần gũi mà đầy thi vị. Giọt nắng bên thềm giúp Thanh Lam ghi dấu ấn rõ nét trong làng nhạc Việt. Nữ ca sĩ từng chia sẻ được thầy Thanh Tùng trực tiếp dạy hát ca khúc này khi cô thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991. Trong cuộc thi đó, cô nhận được số điểm tuyệt đối từ năm vị giám khảo.

Em và tôi

Ca khúc Em và tôi nằm trong album cùng tên được phát hành năm 1988 của Thanh Lam. Một năm sau đó, nữ ca sĩ cùng ban nhạc phương Đông thực hiện liveshow mang tên bài hát của Thanh Tùng. Ca khúc viết về những đối cực trong tình yêu, giữa những con người yêu nhau. “Em và tôi, một đêm trăng sáng, một ngày chiều tàn. Em – sao mai đầu non. Còn tôi – sao hôm mỗi tối. Em và tôi, xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn. Em và tôi, những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn”. Tuy trái dấu nhưng giống như vòng xoáy âm dương, hai nửa cuộc đời ấy hòa quyện với nhau bằng tình yêu.

Một mình 

Năm nhạc sĩ 40 tuổi, vợ nhạc sĩ qua đời, để lại ông với cảnh gà trống nuôi con. Một mình được viết từ nỗi thương mình, thương vợ. Người đầu tiên thể hiện ca khúc là Hồng Nhung. Nữ ca sĩ nhận được văn bản bài hát trong một buổi chiều ngồi trên bãi biển Đà Nẵng. Ca từ, giai điệu đơn giản nhưng đầy chất thơ và tình cùng những kỷ niệm có vói gia đình nhạc sĩ đã làm rung động cô Bống. Không được nhạc sĩ chỉ cho hát, Hồng Nhung đã tự tìm thấy sự đồng cảm với tình yêu trong bài hát của ông mà hát lên một cách chân thành, mộc mạc nhất. Đôi bạn thân Thanh Tùng – Trịnh Công Sơn đều thừa nhận với nhau ca khúc “Một mình” là dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung.

Giọt sương trên mí mắt

Giọt sương trên mí mắt được Hồng Nhung thể hiện thành công trong chương trình Tình ca 19 năm 1994. Ca khúc sau đó lọt vào Top Ten Làn sóng xanh 1997 cùng nhiều bảng xếp hạng âm nhạc khác. Bài hát là những chiêm nghiệm của nhạc sĩ về cách con người đối diện những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, với ca từ giản dị nhưng nhiều ý nghĩa.

Hát với chú ve con 

Giai điệu vui tươi của Hát với chú ve con được thế hệ thanh niên một thời ngâm nga mọi lúc, mọi nơi. Ca khúc nói về tình yêu cuộc sống cũng như ước mơ được cống hiến của tuổi trẻ. Đây cũng là một trong những ca khúc gắn liền giọng hát Hồng Nhung.

Mưa ngâu 

Bài hát của cố nhạc sĩ mang đến hình ảnh duyên dáng của một cuộc hẹn hò, mà cơn mưa ngâu như chất xúc tác để những người yêu nhau trở nên gần gũi hơn. Ca khúc từng được Ý Lan đưa lên sân khấu hải ngoại, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.

Hoa tím ngoài sân 

Bài hát kể về tình yêu thầm kín của một chàng trai với một cô gái. Nhưng tình yêu mới chớm nở đơn phương thì đã hóa xa cách. Lời hát cũng bày tỏ sự ngậm ngùi của chàng trai vì chưa kịp nói lời yêu.

Trái tim không ngủ yên 

Tác phẩm như lời thổn thức về tình yêu của một chàng trai. Bài hát một lần nữa lý giải cho sự mâu thuẫn, trái ngược trong tình yêu. Ở đó, khán giả được nhìn thấy mong ước lớn nhất của đôi lứa là gần gũi, yêu thương nhau. Song ca Bằng Kiều – Mỹ Linh được khán giả yêu thích khi hòa quyện

Lời tỏ tình của mùa xuân

Bài hát lần đầu tiên được Hồng Nhung thể hiện vào năm 1988, sau này được nhớ tới nhiều hơn bởi giọng ca Mỹ Linh. Ca khúc nói đến niềm vui khi thấy đất nước, con người đang biến chuyển ngày một tích cực, lạc quan, tin tưởng vào tương lai cũng như tình yêu đôi lứa tốt đẹp.

Đức Trí|VNE

Bình luận Facebook