Những mẩu chuyện đời thường đáng yêu về nhà thơ Xuân Diệu

Trên văn đàn Việt Nam buổi canh tân, cái tên Xuân Diệu đã vụt lên sáng chói, lấp lánh như một ngôi sao đầy tài hoa với một hồn thơ đậm đà tình yêu, khát khao được sống và được yêu. Bên ngoài hạt địa văn chương, ông hoàng thơ tình cũng có những nét tính cách rất đỗi đời thường, gần gũi và đáng yêu tới lạ kỳ!

Tiết kiệm, “thâm canh”

Khác với nét phóng khoáng đậm dấu ấn cá nhân trong thi ca, đời sống của Xuân Diệu lại giản dị, tiết kiệm đến lạ thường. Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Cát đã có lần tâm sự: “Xuân Diệu là một người suốt đời tiết kiệm. Tiết kiệm tới mức tối đa. Bất cứ cái gì là của cải do con người làm ra, Xuân Diệu cũng luôn luôn là người trân trọng và tiết kiệm cho tới khi không thể tiết kiệm hơn được nữa. Một đoạn dây buộc, một tờ giấy báo cũ…ông cũng cất vào nơi cẩn thận. Thành ngữ ông thường nhắc mọi người nhớ là: ‘Lâm sự có khi dùng’.”

Thậm chí, nhà thơ tận dụng mặt giấy trắng phía sau các bản tin tham khảo, hoặc các tờ giấy vẽ của người cháu đã bỏ đi để viết thật nhiều bài văn xuôi. Và nếu có ai thấy Xuân Diệu mặc quần đùi vá, áo may ô cũ chắp sửa lại, đi dép nhựa vá… thì cũng là một chuyện bình thường.

Đối với các nhà thơ trẻ kế cận, Xuân Diệu không những chỉ dẫn cho họ làm thơ sao cho hay, mà còn làm sao để tối đa lợi nhuận thu được từ tác phẩm của mình.


Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)

Cụ thể, thi sĩ đã nói rằng cần phải “thâm canh” bài viết bằng cách khi gửi bản thảo cho Đài phát thanh thì các nhà thơ cần được yêu cầu đọc trực tiếp trước máy. Nhà thơ Xuân Diệu từng chia sẻ “Thế là, vừa được diễn tả theo đúng ý mình vừa được nhuận bút lại được ‘nhuận mồm’. Tiếp đó, mình mới gửi đi in báo. Sau cùng, tập hợp in thành sách. Như vậy một bài mình viết có thể được nhiều lần nhuận bút, lại có nhiều người nghe, người đọc, chẳng tốt hơn sao?”. Như vậy, chỉ với một bài thơ, Xuân Diệu đã có thể “sáng tạo” ra nhiều cách để sản phẩm của mình thu được không những nhiều lần nhuận bút, mà còn thu hút được nhiều độc giả, thính giả khác nhau.

Tuy tiết kiệm là thế, nhưng ông hoàng thơ tình vẫn luôn rộng lòng, hào phóng với người thân. Lúc nhà thơ Hoàng Cát bị thương ở chân, Xuân Diệu đã không ngần ngại gửi cho gia đình 200 đồng để chạy chữa, mà 200 đồng ở thời ấy là lớn lắm. Lại nói đến u già, người giúp việc của ông, trong ngăn kéo bàn làm việc của ông thường để sẵn những đồng xu tiền lẻ để hàng ngày thanh toán tiền chợ hết sức sòng phẳng với u già giúp việc. Nhưng cũng chính ông đã bỏ cả tiền nghìn để lo hậu sự, mồ yên mả đẹp cho u già mãi tận quê Nam Định.

Hay như đám cưới nhà thơ Trần Trương, ông cũng không ngần ngại tặng quà, mà phải là quà có ý nghĩa. Trong đám cưới Trần Trương, nhà thơ đã nói riêng với chú rể: “Tớ quý cậu lắm, tớ sẽ tặng hai vợ chồng cậu thứ gì đấy nhỏ mà rất đẹp. Thứ nhất, tặng cậu chiếc bật lửa ‘con bướm’ nhỏ xinh này để cậu luôn giữ được ‘lửa ấm’ của tình yêu. Thứ hai, tặng vợ cậu lọ nước hoa nhỏ xíu này để cô ấy luôn giữ được ‘hương thơm’ của tình yêu. Vậy là đám cưới của cậu sẽ có đủ cả hương thơm và lửa ấm hạnh phúc!”. Hai món quà ý nghĩa này của Xuân Diệu làm Trần Trương còn xúc động mãi đến tận giờ.

Một tài năng trẻ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đã quá nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, người nâng bước cho cậu bé Khoa từ những ngày đầu làm thơ không ai khác chính là thi sĩ họ Ngô.

“Có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân Diệu. Không phải tôi đến với ông mà chính ông tìm đến với tôi. Trong quan hệ, ông đối xử với tôi rất bình đẳng. Ông gọi tôi bằng ‘cháu’, đôi khi hứng lên bằng ‘em’. Nhưng trong sáng tác, ông coi tôi như một người bạn đồng nghiệp. Còn tôi thì luôn biết mình là một người học trò nhỏ bé của ông”, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong “Chân dung và đối thoại”.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên của hai “thầy trò” ở Đại hội cháu ngoan Bác Hồ diễn ra tại Nam Sách. Xuân Diệu, theo lời Trần Đăng Khoa kể, đã “quên hết cái hội nghị đầy tiếng cóc nhái ấy đi”, đến nhà cậu bé Khoa, mượn cây đèn đi ra mảnh vườn nhỏ. Ông soi từng giàn trầu, gốc cau, luống mía và mấy cây bưởi cốt. Bởi hành động này của ông “nhà báo” (lời mẹ của Khoa), nên mẹ Trần Đăng Khoa đã vội khuyên con: “Khổ, thế nào thì cứ nói thế ấy, đừng đặt điều thêm ra, kẻo lại mang tiếng là mình ăn ở không thật thà. Thấy bác ấy kiểm tra, tao lo quá. Thế có làm sao không, hả con? Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa cho rắc rối ra. Cứ đi cày như bố mày là yên chuyện”. Thật ra, Diệu chỉ muốn kiếm tra xem trí tưởng tượng của Khoa phong phú đến đâu thôi.

Có lần Trần Đăng Khoa được Xuân Diệu cho đọc bản chép tay bài “Dấu nằm”, trong đó có hai câu:

“Ghe lui để lại dấu dầm
Người yêu dẫu vắng dấu nằm còn đây”

Trần Đăng Khoa đã nhận xét ngay: “Thơ chú hay lắm, nhưng cái cô gái này rất dở. Không thể mê được… Cháu nghĩ, con gái phải gọn ghẽ, kín đáo. Con gái mà nằm ngủ tênh hênh là hỏng rồi. Em gái cháu mà như thế mẹ cháu giết. Cái cô gái này đã đi xa rồi, mà còn để nguyên dấu vết của mình bề bộn trên giường, thế là cô gái vô ý, là đoảng, chú ạ!”.

Nghe thế Xuân Diệu vặn lại: “Cậu chả hiểu gì cả. Yêu nhau rồi, say đắm nhau rồi thì còn gì là đoảng nữa. Đến cái mùi hôi nách của nó cũng thành hương nhài, hương huệ. ‘Lỗ mũi mười tám gánh lông / Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho’. Đấy, lấy nhau rồi mà còn thế, huống hồ nữa là đang yêu”. Rồi thi sĩ hỏi vặn ngược lại cậu bé Khoa: “Mà Khoa đã yêu chưa?”

Kế hoạch hoá gia đình

Có thể gọi Xuân Diệu là một người đàn ông tiến bộ, bởi khi xã hội Việt Nam còn quan niệm trời sinh voi sinh cỏ thì ông đã quan tâm đến việc kế hoạch hóa gia đình trên diện rộng: “Cả nước thành một cái trại gà công nghiệp. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, rồi túng quẫn đâm ra cắn xé lẫn nhau. Cả đời chỉ cắm mặt xuống đất, bới cái ăn, chẳng hiểu gì xung quanh, chẳng biết Bach, Beethoven, Hugo, Shakespeare, những vẻ đẹp mà cả nhân loại ngưỡng mộ, sùng kính”.

Thậm chí nhà thơ còn phán quyết: “Đẻ vô tội vạ như thế là rất ngu, là rất ngu!… Bọn đàn ông chúng mình nói chung là ngu lắm. Đẻ thế, vợ nó yêu con nó, chứ nó yêu đếch gì mình”. Không chỉ vậy, khi biết anh trai của Trần Đăng Khoa là nhà thơ Trần Nhuận Minh đã có ba đứa con, Xuân Diệu trợn mắt lên: “Thế thì còn làm thơ làm quái gì nữa. Đẻ thế là thành con vịt rồi”. Thật ra, điều ông quan tâm nhất không phải chỉ là kế hoạch hóa gia đình, mà ông cho rằng anh em thi sĩ sinh hoạt điều độ, không để sức khỏe ảnh hưởng đến công việc làm thơ.

Xuân Diệu còn nổi tiếng với tình bạn cùng nhà thơ Huy Cận. Cả hai quen thân nhau từ lúc còn học ở Trường Quốc học Huế. Thường mỗi chiều sau giờ học, họ rủ ra sân cỏ phía sau trường đi dạo và đọc thơ mới sáng tác cho nhau nghe. Vừa chia sẻ mà cũng vừa góp ý, “rút kinh nghiệm” nhằm nâng cao trình độ về thơ. Thật ra, tình bạn của Xuân Diệu và Huy Cận bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa dân tộc, rồi sau này là tình yêu cách mạng. Những tình yêu này, thật ra chỉ là một.

Tình bạn đặc biệt với Huy Cận

Như đã từng ngậm ngùi thừa nhận “cơm áo không đùa với khách thơ”, năm 1940, Xuân Diệu buộc phải vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh. Năm 1942, khi Huy Cận đỗ kỹ sư, làm việc ở Sở nghiên cứu tằm tang, Xuân Diệu điện ra hỏi: “Diệu từ chức được chưa?”, Huy Cận trả lời: “Từ chức ngay! Về Hà Nội ngay”. Từ đó, đôi bạn ở 61 phố Hàng Bông. Những tác phẩm của Xuân Diệu, Huy Cận thời đó thường có dòng “Huy Xuân xuất bản” trên bìa sách.


Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu thời trẻ

Nói về việc viết của ông, có một dạo ông ít đi nói chuyện thơ. Khi Trần Đăng Khoa hỏi, ông đáp: “Vì mình không còn nhiều thì giờ, phải viết nữa chứ. Mình đã viết xong bài về thơ Huy Cận rồi. Bây giờ nếu chết cũng chết được rồi, không còn có gì phải ân hận nữa. Mình chỉ sợ chết mà không viết xong được cho Huy Cận”.

Vào lúc 7 giờ 40 phút ngày 18/12/1985, Xuân Diệu mất, đúng lúc ấy, Huy Cận đang ở Dakar (Senegal) đột ngột bị xuất huyết nặng. Nhắc lại chuyện này, Huy Cận cảm thán mà nói rằng: “Điều mà người ta gọi là thần giao cách cảm là có thật”.

“Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu”

sưu tầm

Bình luận Facebook