“Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa…” câu hát rất nổi tiếng và đi vào tiềm thức của nhiều người. Mưa tháng sáu là thế, không biết phải dùng cung bậc cảm xúc nào để diễn tả. Mưa tháng sáu cứ thế đi vào thi ca, vào từng dòng tình ca, để rồi phải làm cho người ta nhớ mãi…
Có bao nhiêu “Tháng sáu trời mưa”?
Nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyên Sa (1932 – 1998) đã đi vào lòng người hàng chục năm qua. Thế nhưng giới yêu nhạc dường như vẫn còn đôi chút ngộ nhận về tác giả của ca khúc này: Ngô Thụy Miên (SN 1948) hay Hoàng Thanh Tâm (SN 1960)?
BÀI THƠ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’ CỦA NGUYÊN SA
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu
Thật ra, cả 2 nhạc sĩ đều phổ nhạc bài thơ này, sáng tác của Ngô Thụy Miên hoàn thành năm 1984, còn đứa con tinh thần của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987. Nhưng gần như tất cả những bản thu âm “Tháng sáu trời mưa” mà chúng ta nghe được cho đến ngày nay là nhạc phẩm của Hoàng Thanh Tâm.
Trong một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm kể rằng, “Tháng sáu trời mưa” là nhạc phẩm tiêu biểu, gắn liền với cuộc đời sáng tác của ông. Và đây cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của ca khúc này.
Năm 1987, khi còn sinh sống tại thủ đô Canberra (Úc). Một buổi chiều cuối tuần tháng sáu êm ả, Hoàng Thanh Tâm lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library). Tại đây, ông bất ngờ tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, quy tụ những bài thơ tình mà ông và những bạn trung học Pétrus Ký đã chuyền tay nhau trong lớp để cùng đọc.
“Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức tôi, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời áo trắng sân trường. Tôi đã photocopy bài “Tháng sáu trời mưa” của Nguyên Sa trong tập thơ và mang về nhà để nghiền ngẩm”, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm kể.
Trong niềm cảm xúc dâng trào của đêm mưa tháng sáu tại Canberra, từ trong căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân ở O’Connor, Hoàng Thanh Tâm đã trải lòng mình bằng những nốt nhạc chứa chan kỷ niệm của một thời niên thiếu, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Để rồi từ đó, tình khúc “Tháng sáu trời mưa” ra đời.
Nhạc phẩm này nằm trong album “Tình ca Hoàng Thanh Tâm 2”, gồm 12 tình khúc mang chủ đề: “Khúc nhạc sầu cho em”, phần hòa âm và phối khí của nhạc sư Lê Văn Thiện, do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1987.
“Thật may mắn cho tôi, dù Thái Hiền (ái nữ của nhạc sĩ Phạm Duy) không phải là một ca sĩ đang ăn khách lúc đó, nhưng cô đã giúp tôi chắp cánh cho bài hát bay thật xa, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, để trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm cho biết.
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vào thập niên 1980.
Khán giả trong nước lúc bấy giờ cứ tưởng rằng, ca khúc này là của Ngô Thụy Miên. Và chính lúc ấy, Hoàng Thanh Tâm cũng không hề biết nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa cũng lấy tên “Tháng sáu trời mưa” trước đó 3 năm (1984), nhưng không được nhiều ca sĩ hát (ca sĩ Hải Lý hát đầu tiên).
Ca khúc “Tháng sáu trời mưa” của Ngô Thụy Miên có giai điệu nhẹ nhàng, đều đều, chậm hơn so với bản của Hoàng Thanh Tâm. “Tháng sáu trời mưa” của Ngô Thụy Miên giống cuộc hẹn hò của những người mới bắt đầu yêu, muốn mượn mưa làm cơn cớ để được ngồi bên nhau mãi. Bài hát của Ngô Thụy Miên phổ nhạc khổ thứ 2 trong bài thơ của Nguyên Sa mà bản của Hoàng Thanh Tâm không có: “… Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại/ Mười ngón tay đừng tà áo mân mê/ Đừng hỏi anh rằng có phải đêm đã khuya/ Đừng hỏi anh rằng có phải đêm đã khuya…”
Khác với Ngô Thụy Miên, ca khúc “Tháng sáu trời mưa” của Hoàng Thanh Tâm đến với công chúng lần đầu tiên qua giọng hát Thái Hiền với giai điệu mượt mà, đắm đuối như những “tối tân hôn”: “Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến/ Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn/ Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi/ Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn…”.
Yêu thơ Nguyên Sa bao nhiêu, công chúng lại thích ca khúc nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” của Hoàng Thanh Tâm bấy nhiêu. Cái hay của Hoàng Thanh Tâm là giữ nguyên những câu thơ “gợi niềm chăn chiếu” của Nguyên Sa. Để rồi ca từ và giai điệu cứ quấn quýt vào nhau, chẳng dứt ra được, cho dù mùa xuân đang về đến bên thềm: “… Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân/ Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân/ Vì anh gọi tên em là nhan sắc…”.
Với nét nhạc tài hoa và sự đồng điệu trong tâm hồn, Hoàng Thanh Tâm đã thành công trong việc đưa ý tưởng của Nguyên Sa thành một tình khúc bất hủ. Hơn 30 năm sau, giai điệu ấy cứ chảy mãi trong tâm thức của mỗi người khi nhớ về những đêm mưa mùa hạ thuở ấy: “… Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt/ Trời không mưa em có lạy trời mưa/ Anh vẫn xin mưa phong kín đường về/ Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu”.
Chiều nay, mưa tháng sáu…
Những chiều mưa tháng 6, ai đó ngồi trầm tư bên cửa sổ nhìn mưa rơi thả hồn lãng đãng, ai đó ngồi ở hiên nhà nghe giọt rơi tí tách, ai đó ngồi trong quán cà phê ngắm dòng người xuôi ngược trong mưa… Tất cả hình như đều nhớ.
Tháng sáu, mưa! Lại có người ngồi trầm ngâm ngắm những con phố loáng ướt, những bàn chân, vòng xe vội vã trong mưa, hay bâng khuâng trước những giọt nước long lanh còn đọng lại đâu đó… Nỗi nhớ và kỷ niệm chợt ùa về.
Những cơn mưa mùa này chỉ nhẹ nhàng đem mướt xanh cho cây, cho cỏ. Chúng chẳng đem lại nhiều phiền toái. Mưa hiền lành chẳng muốn làm phiền lụy ai. Mưa nhẹ nhàng mơn mát da thịt. Mưa chỉ vừa đủ làm ướt nhẹ cánh áo, lấm tấm hạt trên tóc người khách qua đường. Để họ chẳng ngần ngại mà không ung dung bước tiếp, họ đâu cần hối tiếc vì đã lỡ quên mang theo chiếc dù che chắn hôm nay.
Mưa tháng sáu là vậy, lành tính thú vị cho những kẻ mang chút tính biếng lười, chút tính lãng mạn và nhất là tính hay tẩn mẩn lục lọi tìm những điều tưởng chừng đã cất rất lâu trong trí.
Bản nhạc “Tháng sáu trời mưa”
Với ai đó, tháng sáu trời mưa đã thành kỷ niệm, mưa mãi không dứt trong tâm tưởng. Trên “con đường tình sử” đã có những cơn mưa lưu giữ lại bước chân người thương thì suốt đời làm sao quên được. Khi xa nhau, những cơn mưa tháng sáu, mưa vào thời gian xưa cũ càng diết da thêm. Để rồi nỗi nhớ dài không dứt như mưa ngoài trời và mưa trong lòng.
Từ bao giờ những cơn mưa tháng sáu thường đem đến cái cảm giác thèm thuồng được nhâm nhi một ly cà phê. Và phải là một ly cà phê thật nóng dù đang giữa mùa hè. Để chi, để chờ cho nó nguội dần, để có cớ được ngồi lâu hơn trong quán mà nhìn xuyên qua tấm kính cửa, thấy mưa bay bay. Rồi nhìn xa xa dường như chỉ có sương giăng giăng, có mây trôi lững lờ và có những điều khác không rõ nét…
Và dường như trong cái sóng sánh huyền đậm nơi ly cà phê, bỗng có sự liên tưởng giữa sắc màu cà phê với những vờn khói thuốc mong manh, là một suối tóc nhánh thẫm ôm chầm một gương mặt chữ V… Diệu vợi, ngái xa trong một man mác.
Tháng sáu chiều nay ngồi đây nhìn mưa giăng. Những giọt nước trên mặt kính ngăn giữa trong và ngoài quán cà phê vẫn đều đặn hình thành rồi vỡ tan. Đều đặn đến và đi không báo trước, không giã từ.
sưu tầm