Những chuyện chưa kể về nhà văn Vũ Trọng Phụng

Nhà văn Vũ Trọng Phụng – người nổi tiếng với tiểu thuyết “Số đỏ”. Người con gái duy nhất của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng đã qua đời nhiều năm nay, nhưng con rể nhà văn – ông Nghiêm Xuân Sơn, vì lòng say mê văn chương, vì sự yêu kính với người cha vợ tài hoa của mình, vẫn hết lòng gìn giữ những di sản mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại.

“Ông vua phóng sự đất Bắc” trước lúc chết chỉ mong được ăn một miếng bít tết

Nhà văn Vũ Trọng Phụng giờ đang nằm yên nghỉ trong khu vườn của gia đình họ Vũ tại làng Giáp Nhất – phường Trung Hòa – Nhân Chính. Đây cũng là nơi mà nhà văn tài hoa, đoản mệnh của đất Bắc đã sống những ngày cuối đời.

Tuy người con gái duy nhất của nhà văn “Số đỏ” đã qua đời, nhưng ông Nghiêm Xuân Sơn – con rể của Vũ Trọng Phụng đã hết lòng thay người vợ đã khuất làm tròn nghĩa vụ của một người con với vong linh nhà văn.

Có nhiều người nói, nhà văn Vũ Trọng Phụng đoản mệnh, khi mất mới 27 tuổi, chỉ có một mụn con gái cũng sớm qua đời vì bệnh tật, thế nhưng nhà văn Vũ Trọng Phụng lại có một người con rể hết lòng với gia đình bên vợ.

Ông Nghiêm Xuân Sơn về làm rể nhà văn Vũ Trọng Phụng năm 1956, tức là khi nhà văn đã mất được gần 20 năm. Không được biết mặt cha vợ, nhưng là một người yêu thích văn chương, tiếng tăm lừng lẫy của “ông vua phóng sự đất Bắc” đã khiến cho ông Sơn vô cùng kính trọng và cảm phục.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hà Nội, quê gôc ở làng Bần, Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Thân thế của nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhiều điều đến nay vẫn còn chưa có lời giải.

Ông Nghiêm Xuân Sơn kể: “Khi tôi về làm rể nhà họ Vũ, bà nội tôi (bà Phạm Thị Khách – thân sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng – PV) và mẹ vợ tôi (bà Vũ Mỵ Nương – PV) vẫn còn sống. Qua lời kể của bà nội và mẹ vợ, cũng như lời kể của bạn bè văn chương sống cùng thời với bố vợ tôi trong suốt mấy chục năm qua, tôi đã biết thêm nhiều câu chuyện về người cha vợ tài hoa nhưng mệnh đoản của mình.


Nhà văn Vũ Trọng Phụng

Bà nội tôi sống đến năm 1964 mới mất, nhưng có một điều lạ là, bà cụ không bao giờ nói một lời nào về chồng mình. Suốt 8 năm sống cùng với bà cụ, tôi chưa từng thấy bà cụ nhắc đến gia đình bên nội, cũng chưa từng thấy bà cụ nói về việc giỗ chạp hay đi thăm mộ ông nội tôi.

Khi bố vợ tôi còn sống, ông có nhắc về mẹ và vợ mình rất nhiều trong những tác phẩm của ông, nhưng cũng tuyệt nhiên không nói về cha ruột của mình. Bạn bè văn chương thân thiết của ông cũng không ai biết về thân thế của ông.

Sau này, khi bà nội tôi mất, tôi đã từng lần tìm gia phả họ Vũ, tìm hiểu về ông nội mình, nhưng cũng không thấy. Người họ Vũ còn sống cũng đưa ra nhiều thông tin khác nhau, nhưng các thông tin đều có vẻ không xác tín.

Linh cảm đó có thể trong câu chuyện này còn có uẩn khúc nào khác, nên sau này, tôi cũng không cố gắng tìm hiểu thêm. Tôi cho rằng, nếu đó là điều mà cả bà nội tôi và bố vợ tôi đều không muốn nhắc đến, dù với bất cứ lý do gì, thì hãy coi như đó là bí mật của gia đình họ Vũ”.

Từ nhỏ đến lớn, nhà văn Vũ Trọng Phụng sống một cuộc đời nghèo khó. Khi còn trẻ, ông thuê một căn nhà ở phố Hàng Vôi, hết làm thư ký cho hãng buôn, làm đánh máy ở nhà in, rồi lại viết báo kiếm tiền để nuôi bà ngoại và mẹ.

Tuy nghèo khổ, nhưng tài văn chương của ông đã sớm được bộc lộ. Từ năm 18 tuổi, ông đã trở thành cây bút có tiếng trên nhiều tờ báo: Hà Thành ngọ báo, Nhật Tân, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Đông Dương tạp chí, Tao Đàn tạp chí.

Đến khi qua đời năm 27 tuổi, Vũ Trọng Phụng đã để lại một gia tài văn chương khổng lồ với 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch và hơn 30 truyện ngắn, trong đó có nhiều tiểu thuyết, nhiều tập phóng sự như: “Số đỏ”, “Giông tố”, “Làm đ.ĩ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”,… đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng trong văn học Việt Nam đến giờ.

Chỉ tiếc là vì lao lực để kiếm cái ăn nuôi cả gia đình, vì phải ăn uống kham khổ, Vũ Trọng Phụng đã mất khi mới 27 tuổi vì bệnh lao phổi. Trước khi mất, ông đã phải thốt lên với người bạn văn Vũ Bằng: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này”.

Khi qua đời ở tuổi 27, nhà văn Vũ Trọng Phụng để lại một người mẹ già, một người vợ trẻ góa bụa và một cô con gái nhỏ mới được 1 tuổi. Bà Vũ Mỵ Nương – vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phải tần tảo suốt cuộc đời mình để nuôi mẹ chồng và đứa con gái nhỏ.

Ông Nghiêm Xuân Sơn kể, bà Vũ Mỵ Nương là con gái của một gia đình khá giả. Anh trai bà có một cửa hàng thuốc Bắc trên phố cổ. Gia đình bà sống ở làng Giáp Nhất, quận 5 (nay là phường Trung Hòa – Nhân Chính – quận Cầu Giấy) vốn là một gia đình có của ăn của để.

Là con gái gia đình khá giả, lại có nhan sắc, bà Vũ Mỵ Nương được nhiều người hỏi cưới. Nhưng vì mê tài văn chương của nhà văn – nhà báo nghèo Vũ Trọng Phụng, bà đã gắn bó cuộc đời mình với ông, dù bà biết ông phải rất chật vật mới nuôi được gia đình bằng những đồng nhuận bút còm cõi của mình.

Cuộc hôn nhân của bà Vũ Mỵ Nương và nhà văn Vũ Trọng Phụng không phải một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, nhưng lại được mẹ bà Vũ Mỵ Nương rất ủng hộ, vì mẹ vợ của nhà văn cũng rất ngưỡng mộ những tiểu thuyết, những bài phóng sự sắc sảo của ông.

Năm 1936, nhà văn Vũ Trọng Phụng kết hôn với bà Vũ Mỵ Nương. Đó cũng là năm đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của ông với “Số đỏ”, “Giông tố” và “Làm đĩ”. Theo lời ông Nghiêm Xuân Sơn – con rể “vua phóng sự đất Bắc”, thì nhà văn Vũ Trọng Phụng là người có sức làm việc phi thường.

Năm 1936, vì muốn có tiền cưới vợ, ông đã cật lực làm việc ngày đêm và cho ra đời 3 bộ tiểu thuyết nổi tiếng này. Tiền tổ chức đám cưới của ông, một đám cưới rất linh đình, có mặt gia đình, họ hàng và các bạn bè văn chương của ông, chính là lấy từ khoản tiền nhuận bút ấy.

Sau khi kết hôn, cuộc sống của gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng ngày càng khó khăn, nhất là khi con gái của ông – Vũ Mỵ Hằng chào đời. Nhà văn phải nuôi bà, nuôi mẹ già, nuôi vợ và con gái, nên ngày đêm ăn uống kham khổ, làm việc đến mức lao lực, sức khỏe ngày càng hao mòn.

Thương con gái và con rể, mẹ vợ ông đã cho vợ chồng ông về sống cùng trong cái trái nhà nhỏ của gia đình bên vợ ở làng Giáp Nhất. Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời những tác phẩm cuối cùng của nhà văn và chứng kiến những ngày cuối đời ốm đau bệnh tật của ông.

Sau khi nhà văn Vũ Trọng Phụng mất, vợ ông – bà Vũ Mỵ Nương đã ở vậy nuôi mẹ chồng và con gái, dù ở độ tuổi nhan sắc mặn mòi, người góa phụ trẻ một con ấy vẫn được rất nhiều người đàn ông để ý. Con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng kể:

“Khi tôi về làm rể gia đình họ Vũ, tôi đã chứng kiến tình cảm mẹ con rất cảm động giữa bà nội tôi và mẹ vợ tôi. Giữa bà và mẹ không hề có những mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Bà và mẹ tôi rất hợp nhau, cả hai đều ít nói, ít than phiền, và tuyệt nhiên không bao giờ cãi nhau.

Cả hai sống hòa bình trong suốt mấy chục năm sau khi bố vợ tôi mất. Ngày ấy nhà nghèo, mẹ vợ tôi phải chạy chợ để nuôi sống gia đình. Thương mẹ tôi vất vả, nên bà nội tôi dù già yếu vẫn cố gắng đỡ đần con dâu.

Ngày ngày khi mẹ tôi chuẩn bị đi chợ, bà nội tôi lại cùng mẹ tôi quẩy gánh hàng hóa ra chợ. Có những buổi tối mùa hè trời nắng nóng, oi bức, bà tôi không ngủ, bà ngồi đầu giường con dâu và phẩy quạt đuổi muỗi cho con dâu. Sau này tôi từng nghe mẹ vợ tôi kể, bà nội tôi là người sống rất tình cảm.

Khi bố vợ tôi còn sống, những lúc ông thức đêm để viết báo, viết văn, bà tôi cũng ngồi bên cạnh phẩy quạt cho con trai như thế. Sau này, người con trai duy nhất mất đi, bà dồn hết tình yêu thương cho con dâu, đêm này qua đêm khác phẩy quạt cho con dâu”.

2 người con trai giả và một người con rể thật

Ông Nghiêm Xuân Sơn cũng là người làng Giáp Nhất. Tuy học ngành kế toán, nhưng là người yêu thích văn chương, nên từ thời còn thanh niên, ông Sơn đã biết danh tiếng nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Một lần vô tình gặp mặt cô Vũ Mỵ Hằng, nghe một người bạn giới thiệu đó là con gái nhà văn tài hoa Vũ Trọng Phụng, lại ấn tượng bởi vẻ đẹp thùy mị, lành hiền của cô Vũ Mỵ Hằng, ông đã đem lòng yêu thương.

Thời gian đầu mới nên vợ nên chồng, ông Sơn đưa vợ về sống cùng với gia đình mình cũng ở làng Giáp Nhất, nhưng sau vì thương bà nội vợ và mẹ vợ sống cô đơn, không người chăm sóc, lại nghĩ nhà mình đông con, ông đã xin phép bố mẹ đẻ cho về ở rể gia đình họ Vũ.

Ông trở thành người đàn ông đầu tiên xuất hiện trong gia đình họ Vũ sau gần 20 năm nhà văn Vũ Trọng Phụng mất. Kể từ đó cho đến nay, ông cũng thay bà, thay mẹ, thay vợ, gánh vác toàn bộ trách nhiệm với gia đình.

Thời bao cấp khó khăn, dù cuộc sống còn chật vật, ông Nghiêm Xuân Sơn và vợ vẫn dành một khoản tiền để đi mua sách. Hai vợ chồng ông cũng rất ý thức trong việc tìm gặp những bạn bè cũ của nhà văn Vũ Trọng Phụng và tìm lại những di cảo của nhà văn.

Những năm 1980, khi cụ thân sinh ra nhà văn Vũ Trọng Phụng và vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đều đã qua đời, vì hoàn cảnh công tác, vợ chồng ông chuyển vào miền Nam công tác một thời gian dài:

“Ban đầu chúng tôi có ý định định cư ở trong Nam, nhưng sau này, tôi nghĩ đến phần mộ của gia đình bên vợ ở ngoài Bắc không ai chăm lo hương hỏa, lại nghĩ nếu di chuyển vào Nam thì khổ cho vong linh người đã khuất, nên cuối cùng, cả hai lại bàn bạc và thống nhất quay trở lại miền Bắc”.

Mộ phần của nhà văn Vũ Trọng Phụng giờ an nghỉ ngay trong khuôn viên gia đình họ Vũ tại làng Giáp Nhất. Trên khu đất rộng hơn 1000 mét vuông này, ông Sơn cũng cho xây một khu nhà tưởng niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Ông Sơn kể, sau khi về làm rể gia đình họ Vũ, mỗi khi tích cóp được một chút tiền, vợ chồng ông lại mua đất để mở rộng khu đất gia đình. Nhà văn Vũ Trọng Phụng khi sống phải chịu cảnh nghèo khó, khi chết cũng không được mồ yên mả đẹp.

Vì bom đạn chiến tranh, vì chuyện làm đường sá, đã 3 lần mộ phần của nhà văn bị di dời hết chỗ này đến chỗ kia. Vì muốn bố vợ mình được an nghỉ, ông Nghiêm Xuân Sơn đã cùng với vợ đưa mộ phần của nhà văn Vũ Trọng Phụng về trong khu đất của gia đình. Mộ của bà nội và mẹ vợ ông cũng được xây ngay bên cạnh.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX. Ông nổi tiếng ở cả trong nước và nước ngoài. Nhiều người vì yêu mến văn chương của ông, nên rất quý mến những người có mối quan hệ máu mủ, ruột thịt với nhà văn.

Có lẽ vì nắm bắt được điều đó, nên đã có ít nhất 2 người người bỗng dưng xuất hiện, tự nhận là “con trai” nhà văn, hy vọng sẽ được hưởng chút lợi lộc từ tiếng tăm đó.

Sinh thời, nhà văn Vũ Trọng Phụng là người sống rất kham khổ, chuẩn mực. Dù viết rất nhiều những phóng sự nổi tiếng về thú ăn chơi ở thành thị, nhưng kỳ thực ông chưa bao giờ lao đầu vào những chốn ăn chơi đó, cũng không bao giờ phản bội lời thề chung thủy với vợ.

Vậy mà, đến khi chết, “ông vua phóng sự đất Bắc” vẫn còn chịu không ít chuyện tai bay vạ gió vì những đứa con trời ơi đất hỡi. Nhà văn Vũ Bằng kể, những năm 1960, có một thanh niên lêu lổng, nghiện ngập bỗng dưng nhận làm con trai nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Khi đó người này đã đi ôn nghèo kể khổ khắp nơi, kể lể về số phận bi đát của mình. Một người nghe được chuyện đó, đã mắng nhà văn Vũ Bằng – người bạn thân thiết của nhà văn Vũ Trọng Phụng không tiếc lời, vì xót xa cho số phận “con trai Vũ Trọng Phụng”.

Nhà văn Vũ Bằng không nói gì, ông lẳng lặng đi quyên tiền các bạn văn chương để giúp đỡ “con trai” Vũ Trọng Phụng. Nhưng khi đưa tiền cho “con trai” nhà văn “Số đỏ”, Vũ Bằng đã mắng: “Nhưng thưa ông con trai Vũ Trọng Phụng, tôi xin nói thẳng cho ông biết ông là một thằng khốn nạn! Một ngàn lần khốn nạn.

Ông khốn nạn vì mặt mũi sáng sủa, mà nghe giọng ông nói thì ra vẻ người có học hành, ông lại phải giở cái hạ kế ra để mà đánh lừa người khác. Không bịp cách gì được, ông lại tự nhận là con trai Vũ Trọng Phụng để cầu lấy lòng thương của người quen và xin một chút từ tâm của những người bạn cũ của Vũ Trọng Phụng, hay những người đã đọc và yêu văn Vũ Trọng Phụng.

Đáng thương thay cho Vũ Trọng Phụng, một người chết trong bệnh tật, một người bị cuộc đời bóc lột đến tận xương tủy, đến lúc chết vẫn bị người ta mang tên tuổi ra lợi dụng…”. Nghe nói sau đó, người “con trai” này của Vũ Trọng Phụng đã lặn mất tăm, không ai biết tung tích.

Hơn 40 năm sau, lại có một người tên là Vũ Trọng Khanh tự nhận là con trai trưởng của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Người này sống ở bên Mỹ, khi gặp những người yêu mến văn chương Vũ Trọng Phụng ở Mỹ đã kể ra một tiểu sử ly kỳ về nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông Sơn – con rể nhà văn kể:

“Theo lời anh Vũ Trọng Khanh nói trên mạng, thì bố vợ tôi trước khi lấy mẹ vợ tôi – bà Vũ Mỵ Nương đã có một đời vợ và sinh được một người con trai. Người vợ này tên là Phụng, vì yêu vợ nên ông mới đổi tên thành Vũ Trọng Phụng.

Nhưng tôi vẫn còn giữ giấy khai sinh của bố vợ mình, ghi rõ tên Vũ Trọng Phụng. Điều đó cho thấy thông tin của anh Vũ Trọng Khanh rất sai lệch. Không chỉ thế, anh Khanh còn bôi nhọ gia đình tôi khi nói mẹ vợ tôi là một người đàn bà xấu xí, dị tật.

Những thông tin anh Khanh đưa ra khiến tôi vô cùng bức xúc. Nhất là có nhiều thông tin hoàn toàn không ăn khớp với những gì gia đình tôi có về ông cụ. Tôi đã nhờ những người bạn bên Mỹ tìm đến nhà anh Khanh, liên lạc với anh Khanh, nhưng khi đến địa chỉ anh Khanh cho thì không gặp được.

Tôi cũng có gửi lời đến anh Khanh qua mạng: nếu anh Khanh thật sự là con cái của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi mong anh Khanh hãy về Việt Nam, thắp cho ông cụ một nén hương và đưa ra những bằng chứng của mình, dù chỉ là một tấm ảnh, hay một lá thư.

Nếu không có, gia đình chúng tôi sẵn sàng xét nghiệm ADN. Anh Khanh không có tiền mua vé máy bay, tôi sẽ sang Mỹ gặp anh Khanh, hoặc gửi tiền cho anh mua vé máy bay về nước… Đáng tiếng là sau khi tôi có những lời phản hồi đó, đến giờ anh Khanh vẫn im lặng.

Bạn bè của tôi ở Mỹ nói, vì ở bên Mỹ, tác phẩm của bố vợ tôi rất ăn khách nên anh Khanh có ý định muốn nhận là con trai ông để ăn chia tiền nhuận bút. Điều đó khiến tôi rất buồn lòng”.

Ông Nghiêm Xuân Sơn nói, gia đình họ Vũ dường như có số đoản mệnh. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mất khi mới 27 tuổi. Vợ ông Sơn, cũng là con gái nhà văn – bà Vũ Mỵ Nương cũng qua đời khi còn rất trẻ.

Sau khi vợ qua đời, ông Sơn còn phải chứng kiến sự ra đi của một người con trai và một người con gái. Trách nhiệm với gia đình họ Vũ giờ dồn hoàn toàn lên vai ông. Lo cho gia đình bên vợ, đôi khi ông Sơn quên cả trách nhiệm với gia đình mình.

Ông Sơn tâm sự: “Năm nay sức khỏe tôi đã yếu đi nhiều, chẳng biết còn sống được bao lâu. Nhiều năm nay, tôi đi xin khắp nơi, chỉ mong có được 3 chữ “Cấm xâm phạm” cho phần mộ của bố vợ và khu tưởng niệm của ông mà chưa được.

Tôi lo là, dù là khu đất gia đình, nhưng hết đời con, đời cháu tôi, có thể đời chắt, đời chít sẽ quên đi truyền thống gia đình và không làm tròn trách nhiệm với di sản của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Điều đó sẽ khiến tôi vô cùng áy náy.

Trong lúc chờ đợi, tôi chỉ còn biết cố gắng dạy con cháu mình thật tốt và hy vọng chúng sẽ luôn nhớ đến truyền thống gia đình”.

Nguồn: Bình Nguyên/ TB.VHNTVN

Bình luận Facebook