Những chuyện bất ngờ và thú vị về ‘Bài ca hy vọng’
Nhạc sĩ Văn Ký – tác giả ca khúc nổi tiếng Bài ca hy vọng. Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Văn Ký đã viết hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Ông đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” ngay đợt đầu tiên cho chùm năm bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về.
Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể tới ca khúc Bài ca hy vọng, nhạc phẩm được nhận định làm nên tên tuổi của cố nhạc sĩ. Ca khúc ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Ký kể, ông viết “Bài ca hy vọng” từ năm 1958, lúc đó tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, hai miền bị chia cắt, phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ. Song tôi vẫn tin, không lâu nữa, ngày mai sẽ tươi sáng. Ca từ cứ thế mà trào ra: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin. Đường ta đi xanh thắm mộng đời…
“Vài tháng sau tôi mang đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời. Tôi cũng định chỉnh sửa nhưng đọc đi đọc lại thấy không chỉnh được. Thế là tôi mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên – Trưởng ban Âm nhạc bố trí để tôi trực tiếp dàn dựng”. Chính Văn Ký cũng không ngờ, sau này, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã lưu bản viết tay “Bài ca hy vọng” như là một kỷ vật lịch sử và được trưng bày trang trọng.
Bản viết tay Bài ca hy vọng
Nhạc sỹ Văn Ký, quê xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) gia nhập quân đội năm 1948, sau đó được điều động về công tác tại Quân khu IV, trở thành cán bộ lãnh đạo Đoàn Văn công Quân khu IV. Tại đây, Văn Ký có điều kiện phát triển tài năng âm nhạc.Ông sáng tác các ca khúc “Bình Trị Thiên quật khởi”, “Tình hậu phương”, “Chiến thắng Hoà Bình”, “Dân công lên đường”… phục vụ kháng chiến. Các sáng tác sau này của ông mang âm hưởng anh hùng ca với ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh và tính nhân văn sâu sắc như: “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Hà Nội mùa xuân”, “Trời Hà Nội xanh”, “Nha Trang mùa thu lại về” cùng nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc múa, ca kịch nổi tiếng… Ông được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2001.
sưu tầm