Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu là ái nữ của thi sĩ, nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi gặp và quen biết chị qua nhà thơ Trần Mai Hường khi các chị ra Hà Nội dự Đại hội X – Hội Nhà văn Việt Nam. Kết thúc Đại hội, chị Hồng Cầu có một tâm nguyện trở về Phủ Lạng Thương xưa, nay là Bắc Giang để tìm lại ký ức nơi cha mình – thi sĩ Nguyễn Bính từng đi qua và ở lại sân ga Kép, huyện Lạng Giang.
Ga Kép.
Theo tài liệu ghi chép, bài thơ “Những bóng người trên sân ga” được sáng tác vào năm 1937 ở ga đầu cầu chợ Đồng Xuân – Hà Nội. Nhưng theo hồi ức của chị Hồng Cầu, tác phẩm trên có thể được sáng tác và lấy thi hứng từ sân ga Kép. Có lẽ chính vì vậy mà các chị đã lặn lội từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi quyết định lên Bắc Giang để tìm đến nơi khởi nguồn của thi phẩm.
Ga Kép là nhà ga cũ nằm nép mình bên ngôi làng nhỏ cách thị trấn Kép 2 km. Từ TP Bắc Giang đến ga Kép khoảng 15 km, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Từ đây cũng có tuyến đường sắt Kép – Lưu Xá chạy qua các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình và điểm cuối là nhà ga Lưu Xá nằm ở phía Nam TP Thái Nguyên.
Thị trấn Kép xưa và bây giờ là tuyến giao thông quan trọng của khu vực Đông Bắc bộ. Ga Kép còn có một tuyến đường sắt đi Quảng Ninh nhưng chủ yếu vẫn là vận chuyển hành khách, hàng hóa từ ga Hà Nội đi Lạng Sơn và ngược lại.
Chúng tôi men theo con đường nhỏ để vào sân ga. Buổi chiều trên sân ga nắng vàng như lụa, xa xa là đoàn tàu đang dừng nghỉ. Từng tốp học sinh đang đùa chơi trên sân vắng, những cô cậu học trò mặt còn non tơ, ríu rít chụp ảnh cho chúng tôi. Các cô cậu như những con sẻ nâu ngơ ngác khi nghe cô giáo, nhà thơ Huệ Triệu giới thiệu chị Hồng Cầu là con gái cả của nhà thơ Nguyễn Bính.
Chị chia sẻ với các em về thi sĩ Nguyễn Bính; về chất hồn quê, vừa trữ tình, nhẹ nhàng, vừa lắng đọng, da diết, chất chứa bao nỗi niềm trong thơ ông. Ông có rất nhiều bài thơ nổi tiếng như: “Chân quê”, “Lỡ bước sang ngang”, “Cô hái mơ”, “Tương tư”, “Mưa xuân”, “Cô lái đò”, “Ghen”… Và bài thơ hay nhất được đề tựa cho một tập thơ xuất bản năm 1937 là bài “Những bóng người trên sân ga” có thể được viết ở đây, nơi các em đang đứng bây giờ.
Nhà thơ Trần Mai Hường đã say mê đọc bài thơ “Những bóng người trên sân ga” trong một buổi chiều lấp xấp nắng trên sân ga Kép, khiến ai nghe cũng phải bồi hồi: “… Có lần tôi thấy hai cô gái/Sát má vào nhau khóc sụt sùi/Hai bóng chung lưng thành một bóng/Đường về nhà chị chắc xa xôi?”. Ôi, những cuộc chia ly giữa hai người bạn dưới ngòi bút của thi sĩ mới thổn thức, thương cảm làm sao. Nó như một tiếng vọng đa thanh từ xa xăm “Đường về nhà chị chắc xa xôi?”.
Có rất nhiều giai thoại về thi sĩ Nguyễn Bính nhưng tôi nhớ trong một bài viết, nhà văn Lê Hoài Nam có kể rằng Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương nhảy tàu hỏa lên Bắc Giang. Ở đây thi sĩ có một người bạn là nhà thơ Bàng Bá Lân cùng nhóm thơ mới lập gọi là “Tao đàn Sông Thương” và Nguyễn Bính là người rất dễ yêu song cũng hay thất tình. Mỗi lần thất tình, chia ly, đổ vỡ, ông thường trút nỗi niềm vào thơ.
“Những bóng người trên sân ga” là bài thơ nói về những cuộc chia ly với nỗi niềm đầy cảm xúc và nó được mặc định là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 với những câu thơ như một sự va chạm vào ký ức, vào cuộc sống của mỗi người: “Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu một buổi chiều/ Ở một ga nào xa vắng lắm/ Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu…”. Ga nào? Liệu đó có phải là sân ga Kép này năm xưa?
Tôi thấy trong mắt chị Hồng Cầu với ánh nhìn xa xôi đang hướng về những toa tàu đã gỉ sét, tôi thấy trong mắt cô học sinh một giọt mắt long lanh như sương sớm. Những cuộc chia ly tiễn biệt từ đây ư? Nếu thực sự bài thơ xuất phát từ sân ga Kép theo tâm thức và trí nhớ của con gái thi sĩ thì cũng thật vinh dự và tự hào cho Phủ Lạng Thương xưa.
Trong tất cả những cuộc chia ly, đưa tiễn, có lẽ không có cuộc chia ly nào buồn hơn trên sân ga. Nó buồn bởi chỉ nghe tiếng còi tàu vào ga thôi đã thấy lòng quặn thắt. Nó buồn như tiếng thở dài của người đàn bà ngồi bên bậu cửa những ngày mưa. Sân ga đông đấy mà sao lòng buồn vậy: “Có lần tôi thấy vợ chồng ai/ Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài/ Chị mở khăn giầu anh thắt lại/ Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi”.
Những ai đã từng một lần trong đời đưa tiễn người thân trên sân ga cũng thấy lòng hoang hoải, nhất là lúc chiều tàn, những khi hoàng hôn ngả bóng, những đêm đông se lạnh. Buồn hơn nữa là cảnh vợ chồng xa nhau, mẹ già xa con: “Có lần tôi thấy một bà già/ Đưa tiễn con đi trấn ải xa/ Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”. Những câu thơ có sức dung chứa quá lớn về tình mẫu tử, đạo vợ chồng trên một chiều sân ga. Ai biết được chuyện sinh, ly, tử, biệt trong những ngày tháng đất nước còn bị đô hộ, lâm nguy.
Có lẽ cuộc trở về sân ga Kép lần này làm chị Hồng Cầu vô cùng xúc động và mãn nguyện. Chị đứng lặng trên đường ray và hồi ức lại những điều đã qua đi và những gì còn lại. Sân ga đấy mà người xưa đâu? Trong tiếng vọng xa xăm, chị một mình lặng lẽ băng qua nhà ga. Chỉ còn lại đoàn tàu và những khoảnh khắc trên sân ga là mãi trường tồn vĩnh cửu.
Trong cuốn hồi ức của mẹ chị – bà Hồng Châu thì cái tên Nguyễn Bính Hồng Cầu của chị bây giờ là do thi sĩ khi đi làm giấy khai sinh đặt, ông nhất quyết thêm chữ “Bính” vào, thành Nguyễn Bính Hồng Cầu. Ông lý giải thời buổi loạn lạc, đặt tên như vậy để sau này dễ tìm nhau. Vậy là đã hơn 80 năm bài thơ ra đời và chị đã 70 tuổi, hôm nay chị mới có dịp tìm về sân ga Kép, tìm lại dấu người xưa.
Bài thơ “Những bóng người trên sân ga” dù sáng tác ở đâu, hoàn cảnh nào thì cũng mãi trường tồn trong lòng độc giả và bao thế hệ. Nó mãi như một cánh buồm căng gió trên cánh đồng thi ca.
Nguồn báo Bắc Giang
NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA
Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…
Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
“- Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai chàng tôi thấy tiễn chân nhau,
Kẻ ở sân toa, kẻ dưới tàu,
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa.
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết vì đâu, nghĩ ngợi gì!
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay,
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
*
Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy,
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
Hà Nội, 1937
Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Nước giếng thơi, NXB Hội Nhà văn, 1957
2. Nguyễn Bính, Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940
3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính – thơ và đời, NXB Văn học, 2003
5. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986