Những bóng hồng trong cuộc đời người thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính

Một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ, đi đến đâu là ông có thơ đến đó.

Nguyễn Bính (1918 – 1966) là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc – Trung – Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay, ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

Về cuộc đời, Nguyễn Bính có nhiều nét rất đặc biệt. Ông là một con người nghệ sĩ vô cùng đa tình đào hoa. Có thể nói, hiếm có nhà thơ nào có được cuộc sống giang hồ lãng mạn đến tận cùng như Nguyễn Bính. Ông có 4 người con và 4 người vợ, gồm vợ đầu: Nguyễn Lục Hà (Tức Nguyễn Hồng Châu), vợ hai: Mai Thị Mới, vợ ba: Phạm Vân Thanh (không chính thức) và người vợ tư: Trần Thị Lai.

Những bóng hồng trong cuộc đời” người thi sĩ giang hồ” thông qua những nhạc phẩm phổ nhạc từ thơ của ông.

Khách mời của chương trình – nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – con gái của thi sĩ Nguyễn Bính bắt đầu chương trình với chuyện tình sét đánh của cha mẹ mình.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – con gái của thi sĩ Nguyễn Bính và người vợ cả

Được biết, thi sĩ Nguyễn Bính và bà xã Nguyễn Hồng Châu tình cờ gặp nhau trong một chiều mưa, trên đường đi công tác tại miền tây.

Ngay từ lần gặp đầu tiên, Nguyễn Bính đã đem lòng yêu Hồng Châu vì si mê nhan sắc của bà. Ít lâu sau, ông nhờ người mai mốt đến gặp Hồng Châu. Con gái của cặp đôi kể: “Bà ngoại rất vui khi biết con rể tương lai là một sĩ phu yêu nước và là một nhà thơ nổi tiếng, nên bà vui vẻ gật đầu ngay, gả con gái mà như “cho không”.

Trước đó, trong cuốn hồi ký Đi qua tâm bão, bà Hồng Châu từng tiết lộ giai thoại thú vị về việc đặt tên con gái đầu lòng. Khi ấy, Nguyễn Bính gợi ý với vợ sẽ đặt tên con là Anh Thơ (trùng tên người yêu cũ của ông) nhưng bị bà xã phản đối.

Bà Hồng Châu tôn trọng mối tình trước đó của chồng, nhưng không vì vậy mà con bà mang nặng đẻ đau lại lấy tên Anh Thơ đặt cho con của hai người. Bà muốn tên con bà phải do chính bà đặt. Nhận thấy mình có lỗi nên cuối cùng nhạc sĩ đa tình bèn giao kèo rằng: Tên con trai sẽ do chồng đặt, tên con gái sẽ do vợ đặt.

Cuối cùng, bà Hồng Châu sinh con gái, bà đặt tên con là Nguyễn Hồng Cầu. Khi đến ngày làm giấy khai sinh, Nguyễn Bính nhất quyết phải thêm chữ “Bính” vào, thành Nguyễn Bính Hồng Cầu. Ông lý giải, trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, đặt cái tên này cho dễ tìm nhau cũng như gởi gắm một ước mơ thống nhất đất nước.

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, vợ và con gái ở lại Sài Gòn. Năm 1966, Nguyễn Bính đột ngột qua đời. Bà Hồng Châu có một ước nguyện làm nhà lưu niệm lưu giữ những kỷ vật của thi sĩ Nguyễn Bính. Sau giải phóng, bà đi khắp nơi, từ Nam chí Bắc, nơi nào có dấu chân ông thì bà đến, thứ nhất là tìm bản thảo các tập thơ, thứ hai là bà nghe người ta nói Nguyễn Bính đào hoa, bà muốn đi tìm, “gom góp máu thịt của ông nếu còn ở đâu đó”.

Khi bà Hồng Châu ra Bắc, gặp được người vợ sau và con trai của Nguyễn Bính. Tất cả những kỷ vật của Nguyễn Bính đều được người vợ sau giao lại cho bà. Trong đó, có hai kỷ vật đáng giá là bức tranh thêu bài thơ Đôi mắt và một cây viết.

Bức tranh thêu bài thơ Đôi mắt do bà Vân Thanh – cũng là một mối tình của Nguyễn Bính – thêu lại theo nét chữ của ông; còn cây viết là của nữ sĩ Mộng Tuyết tặng cho Nguyễn Bính khi còn ở Nam bộ kháng chiến. Bà Hồng Châu nhận bức tranh thơ mang về cất giữ như một báu vật, còn cây viết bà để lại cho con trai Nguyễn Bính. “Hai bà đối với nhau rất cao thượng. Riêng tôi, những người đàn bà mang lại hạnh phúc cho bố, tôi đều xem như mẹ”, chị Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết.

Nói về cố thi sĩ, bà Nguyễn Hồng Châu, người vợ đầu của Nguyễn Bính từng chia sẻ: “Tôi hiểu anh Bính, anh ấy rất lãng mạn, lãng tử nhưng rất có lòng nhân ái, là người tốt, thương người và chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm”.

Trong khi đó, con gái nhà thơ – bà Nguyễn Bính Hồng Cầu tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi cũng giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi vỡ lẽ, đời ba tôi bất hạnh nhiều. Nhiều vợ nhưng không ai hiểu ông. Và ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao thừa năm 1966”.

Hiện nay, chị Hồng Cầu và chị Nguyễn Hương Mai (con gái của vợ 2 thi sĩ) đã đi tìm các người em của mình về, kể cả Nguyễn Hiền đã mất tích từ hơn 60 năm trước và Nguyễn Mạnh Hùng hiện sống ở Nga (là con trai út) để chị em “quy về một mối”, cùng dìu nhau trong tình thân huyết thống và cùng chung tay làm rạng rỡ thêm tên tuổi người cha thiên tài của họ.

Nguồn:Anh Thư/ Dân Việt 

Bình luận Facebook