Những bài thơ hay của Phùng Quán
Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt nam (tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội).
Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Lời mẹ dặn, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe…
Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội.
Năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.
Tác phẩm
Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết, 1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007
Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (thơ, 1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007
Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết, 1988) – Giải thưởng Nhà nước 2007
Trăng hoàng cung (tiểu thuyết thơ, 1993)
Thơ Phùng Quán (thơ, 1995)
Ba phút sự thật (ký, 2006)
Lời mẹ dặn
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
– Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
– Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! Những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(1957)
Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe
Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích
Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi
Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan
Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!
Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!
Vụng về… tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương
Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt… ((Những ý thơ Đỗ Phủ))
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha ((Bành Nha hành, một tác phẩm của Đỗ Phủ))
Vô gia Thuỳ Lão biệt… ((Vô gia biệt và Thùy lão biệt, hai bài thơ của Đỗ Phủ, cùng Tân hôn biệt được gọi chung là Tam biệt))
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.
Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm.
Xưng tụng cây chổi
(Tặng nam nữ công nhân vệ sinh trên khắp thế gian)
…”Tôi muốn làm những câu thơ
Cục cằn như cái chổi
Quét dọn sạch sành sanh rác rưởi”…
(Trích “Thi sĩ và công nhân” đăng trong “Giai phẩm mùa xuân” 1956)
Không rõ nguyên cớ gì
Tôi có một nỗi ghê tởm mênh mông
Với mọi loài rác rưởi
– Rác rưởi làm tôi buồn nôn
– Rác rưởi làm tôi tức giận đến nổi khùng!
Có lẽ từ ngày còn trong bụng mẹ
Tôi đã nhiễm tính khí của Người
Sống sạch
Mẹ tôi sống sạch đến khó tin
Người sống sạch đến tột cùng của sự sạch
Ba mươi năm không gặp con
(Mà lại là con một)
Nhắm mắt, Người chỉ để lại một lời trăng trối:
“Hãy chôn mẹ trên một vùng đất sạch
Dù cho xa chót núi đầu nguồn…”
Tôi được nhiều địa phương mời đến đọc thơ
Hễ được bồi dưỡng chút tiền còm
Là tôi tìm ngay ra chợ
Chọn mua chổi
Như các cô gái đến tuổi lấy chồng
Chọn mua quần áo, phấn son…
Ba mươi năm qua đi xa về gần
Quà tôi tặng bạn hữu, người thân
Độc một món quà CHỔI!
Như những tỷ phú tích trữ vàng
Tôi tích trữ chổi!
Trong nỗi kinh khiếp mênh mang
Một ngày nào đó chợ búa thế gian
Không nơi nào bán CHỔI!
Như những tay sành ăn
Thuộc lòng các cửa hàng đặc sản
Tôi thuộc lòng đặc sản chổi các địa phương….
Miền Tây, miền Đông châu thổ sông Cửu Long
Chổi tàu cau, cọng dừa hình giẻ quạt
Quãng Ngãi, Quảng Nam: Chổi chít
Thừa Thiên, Quảng Trị: Chổi rành
Chổi xể: Quảng Bình
Phú Thọ, Tuyên Quang: Chổi cọ
Kinh Bắc, Thái Bình: Chổi lông, chổi rơm
Yên Bái, Cao Bằng: Chổi mây, chổi giang…
Nếu kiếp sau tôi được tái sinh
Tôi nguyện ước tái sinh làm cây chổi
Một cây chổi không cùn, không mòn
Một cây chổi quét dọn, bền gan…
Nếu đất nước thành lập Nhà – xuất – bản – Chổi
Tôi tình nguyện làm biên tập viên không lương
Tôi sẽ phấn đấu đạt chức trưởng phòng biên tập
Niềm mộng mơ ám ảnh đời tôi
(Nói ra xin các bạn đừng cười…)
Một ngày nào trên trang tư báo hàng ngày
Mục tin buồn:
“Nhà thơ Phùng Quán
Vừa được đề bạt “quyền” Phó Giám Đốc nhà xuất bản Chổi
Nhiễm độc hại môi trường công tác
Bạn hữu, gia đình tận tình cứu chữa
Nhưng đã từ trần
Ngày… tháng… năm…
Tưởng lệ lòng trung thành với “Sự nghiệp chống rác rưởi”
Ban lãnh đạo cắt “quyền” cho nhà thơ
Đồng truy tặng huân chương cao quý:
Huân Chương “Cây Chổi hạng Ba.”
Hôn
Trời đã sinh ra em
Ðể mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Ðể yêu em tha thiết
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Ðôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.
Cỏ
Giấy trắng quá
Và
Mắt em trong quá
Liệu thơ tôi có xứng trắng trong này…
Đây đâu phải thơ
Chỉ là những tiếng tôi thì thầm lúc buồn khổ
Để nguôi đau, tôi chẳng muốn ai hay…
Nhưng em đã đến
Mắt trong và giấy trắng
Trưa Hồ Tây, mặt trời nở đỏ vườn
Chỉ một lý do ấy
Tôi đã không từ chối được
Hát cho em nghe những tiếng tôi nấc thầm…
Nếu em cứ bảo đó là thơ
Thì hãy coi thơ này hát lên từ lá cỏ
Lá cỏ vệ đường
Lá cỏ không tên
Người này lặng im nghe cỏ hát
Người kia xéo giày, dẫm đạp lên…
Nhưng không sao cả em ơi
Cỏ sinh ra là để gót giầy dẫm đạp
Để vô danh
Để xanh
Và
Để hát.
Say
(Rượu là bậc thiên tài tạo nên ảo tưởng)
Tăm tăm tình bạn
Chếnh choáng tình đời
Líu lưỡi tình người
Nôn nao thân phận!…
Chiếu rách ta ngồi
Lắc lư thuyền sóng
Cái giường long mộng
Một giòng sông trăng…
Ta cũng Lý Bạch!
Vồ trăng đáy sông
Mạn thuyền vừa cúi
Râu tóc bỗng lừng
Mắm tôm, chanh, ớt…
Trăng ta vồ được
Một mảnh ni lông!
Ta hơn Lý Bạch
Ta vồ được trăng!
Trăng ta đem gói
Nào dồi nào lòng…
Bên ta mỹ nữ
Mặt hoa che đàn
Ta Bạch-Cư-Dị!
Khách bến Tầm Dương..
Tư mã Nghi Tàm
Lệ đầm áo rách
Câu thơ bị biếm
Mềm môi ngâm tràn
Giai nhân! Giai nhân!
Mặt hoa ửng đỏ
Vì cảm thơ ta
Hay vì men lửa
Nghiêng đàn tỳ bà
Trăng rọi mặt hoa…
Ta nhìn xuống mâm
Lòng dồi như vét…
Vừng trăng nhoe nhoét
Một đống tỳ bà!
Ta nhìn giai nhân
Té mụ nạ giòng
Ta quen biết cũ
Nghiêng đàn tỳ bà
Té ra bát đũa
Tay gắp miệng và…
Ha ha, ha ha!
Cười đâu ta khóc…
Ta cười Lý Bạch
Cười dòng sông trăng
Cười Bạch Cư Dị
Cười bến Tầm Dương
Ta cười giai nhân
Mặt hoa che đàn…
Ta cười thân ta
Thiên sinh ngã tài…
Mà ta vô ích
Vô ích! vô ích!
Ta cười rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh!…
Chống tham ô lãng phí
Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bới đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa…
Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết!
Để được ăn no có thịt
Một ngày… một ngày…
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Run lẩy bẩy chui hầm xí tối
Vác những thùng phân…
Thuê một vạn một thùng
Mấy ai dám vác?
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con…
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm từ bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi Cách Mạng!
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo…
Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
Đảng đã phê bình trên báo
Còn bao tên chưa ai biết ai hay?
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…
Chúng nảy nòi, sinh sôi như giòi bọ!
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo Nhân dân!
Tôi đã dự những phiên toà xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, em gái…
Còng lưng rỏ máu lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết.
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi!
Đi trong hàng ngũ tiên phong.
Hoa sen
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
….Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tất cả là trong cái chữ “gần”
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả!…
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…
Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!