Sinh nhật của chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố vào năm 1946. Khi đó, miền Bắc vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp nhưng đất nước vẫn còn bị chia cắt. Và 19/5/1946, một sinh nhật được tổ chức không chỉ để kỉ niệm mà còn để biểu thị khối đại đoàn kết của nhân dân quanh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Trong những năm sau đó, sinh nhật của Người thật đơn giản: khi là đi thăm một trại trẻ mồ côi, khi là đi thăm một ngôi chùa, có khi ở một địa điểm bí mật ở chiến khu với một bó hoa của người chiến sĩ thân cận…
Và có những lần Bác làm thơ tự trào để đáp lại tình cảm của nhân dân với mình.
Vào 19/5/1949, đáp lại lời đề nghị tổ chức sinh nhật, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:
Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta
Sau hôm ấy, Bác còn gửi thư cảm ơn tới đồng bào và hẹn vào ngày đất nước hoàn toàn thắng lợi sẽ ăn mừng và kèm theo đó là một kỷ niệm nho nhỏ – sinh nhật Bác. Thế mới thấy Bác Hồ của chúng ta thật vĩ đại. Cả cuộc đời người chỉ lo cho vận mệnh quốc gia mà quên cả những năm tháng đã qua đi của cuộc đời.
Đến sinh nhật lần thứ sáu mươi, Bác làm bài thơ tự cảm nhận về tuổi tác mình:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên!
Đọc vị mỗi bài thơ của Bác đều thấy ẩn chứa niềm say mê với cuộc sống, niềm lạc quan và yêu đời rất mực. Nếu đọc thơ Bác, độc giả không ai nghĩ đây là những vần thơ của vị nguyên thủ một quốc gia đang đối đầu với bao thử thách chống lại nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm.
Dịp sinh nhật tuổi 63 (19/5/1953), Bác làm một bài thơ chữ Hán:
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão
Ngã kim thất cửu chính khang cường
Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường”.
Nhà thơ Xuân Thủy dịch:
Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đang trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung
Dường như thời gian đã bị bỏ quên trong những vần thơ giản dị nhưng tràn đầy nhựa sống của Người. Những lo toan đã được cất giấu song vẫn bộc lộ những tình cảm sâu nặng, những trăn trở về vận mệnh ngày mai của dân tộc.
Vào sinh nhật 19/5/1965, trong dịp sang Trung Quốc, Bác thăm Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử và làm bài thơ “Phỏng Khúc Phụ”:
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ
Cổ tùng cổ miếu lương y hy
Khổng gia thế lực kim hà tại
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.
Đặng Thai Mai dịch:
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Đây là bài thơ cuối cùng Bác tự làm trong sinh nhật mình. Từ đó đến nay có biết bao vần thơ mà thế hệ con cháu dâng lên chúc mừng sinh nhật Bác, và cảm ơn Người đã hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sưu tầm