NHỚ KHÔNG KHÍ ĐỌC SÁCH NGÀY XƯA

Nhân chuyện cậu học trò nói chuyện bán sách cũ trên sachxua, tôi mới sực nhớ hình như ước mơ nghề nghiệp đầu tiên của mình có lẽ là làm nghề bán sách và cho thuê sách…

Tranh vẽ một hiệu sách cũ của họa sĩ Phạm Bình Chương.

Tôi còn nhớ, hồi mình học lớp 3 – 4, hàng tháng bố mẹ vẫn cho một khoản tiền nho nhỏ để mua sách. Tôi thích nghe chương trình thiếu nhi trên đài phát thanh, khi đó vào thứ năm hay thứ bảy hàng tuần luôn có mục đọc truyện cho em nghe hoặc giới thiệu sách dành cho trẻ nhỏ. Những cuốn sách thuở đó tôi mua giờ vẫn còn nhớ như: Vùng mỏ, Đất rừng phương Nam, Quê nội, Tảng sáng, Về thăm bà ngoại, Con chó săn của dòng họ Baskville, Hồi đó ở Sa Kỳ… Bây giờ không rõ chương trình trên đài còn có mục nào như thế nữa không vì từ rất lâu rồi tôi chỉ nghe VOV giao thông.
Khi số sách tích lũy được đến độ 20-30 cuốn, tôi đã nảy sinh ý định là cho thuê sách, bằng cách treo những cuốn sách mình có được lên khung cửa sổ, để thu hút bọn trẻ con hàng xóm. Những hình như không ai thuê cả. Nhưng câu chuyện đó cho thấy từ nhỏ mình cũng thực dụng với sách vở chứ chả có yêu sách vở trong sáng, thuần khiết gì cho cam.

Hồi đó, khu tôi ở đã là một khu có nhiều quầy bán sách, bán báo. Từ trường Cát Linh cho đến triển lãm Giảng Võ phải có đến 6 – 7 cửa hàng. Tôi nhớ có lần đã phải năn nỉ xin bố mình tiền để mua truyện Hoa nắng của Vũ Tú Nam chỉ vì sau khi nghe đọc trích đoạn tả cảnh biển trong tập truyện này hay quá.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, đời sống tinh thần của con người cũng chưa phong phú nên sách vở dường như là nguồn giải trí duy nhất. Ở khu nhà tôi, ngay cả một cô bán nước cũng đọc sách. Trong xóm, mọi người chuyền tay nhau đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay Cuốn theo chiều gió. Tôi còn nhớ ở hiệu sách Giảng Võ khi đó, cuốn sách đắt nhất là Hoàng hậu Mac-gô giá 150 đồng.

Cái không khí đọc sách vô tư, hồn nhiên của cả một cộng đồng khi ấy giờ nhớ lại… sao mà tiếc! Cái cảm giác người trong một xóm sang nhà nhau hỏi mượn sách giờ đây có lẽ là một điều xa xỉ. Sau này, khi nghiên cứu văn học, tôi chợt nhận ra ý nghĩa rất lớn của những cuốn truyện bình dân nước ngoài được dịch và được đọc rộng rãi khi ấy. Đó chính là những tác phẩm góp phần vào quá trình thế tục hóa đời sống. Tiếng chim hót trong bụi mận gai chắc chắn không phải một kiệt tác gì to tát nhưng có lẽ ít có cuốn sách nào tạo nên cơn sốt trong đông đảo người đọc như thế. Nó chạm vào tất cả những vấn đề mà khi đó văn học Việt Nam còn đang rất rụt rè như tình yêu, tình dục, sự trỗi dậy của con người cá nhân với tinh thần chống lại các thiết chế xã hội…

Phong trào đọc sách trong xóm tôi ở khi đó hình như có lắng đi một thời gian, rồi lại trỗi dậy vào đầu những năm 1990. Khi đó, độc giả chủ yếu lại là phụ nữ. Xóm tôi khi ấy (kể cả đến bây giờ) vẫn là xóm lao động, phụ nữ đa phần làm nội trợ, bán quán, bàn hàng ăn. Những loại truyện khi đó hút khách chính là các truyện diễm tình theo phong cách Quỳnh Dao như: Xóm vắng, Hải Âu phi xứ… với các tác giả Việt Nam như Minh Kim, Lê Duy Phương Thảo, Đỗ Thị Thanh Hương…

Nhan đề những cuốn sách này nghe rất kêu, sau tôi mới phát hiện ra là chúng ảnh hưởng từ cách đặt tên sách, tên ca khúc từ trước năm 1975. Nào là Sau giấc mơ hồng, Ru lại tình gần, Người về từ nghìn trùng, Yêu nàng áo trắng… Chị cả tôi tuy phải nghỉ học sớm ở nhà nhưng lại rất chăm đọc loại sách này. Và tôi khi đó vì tò mò, cũng đã đọc được đến chục quyển tiểu thuyết diễm tình, dù hồi đó đã vừa đọc vừa tỏ ra coi thường khi cho rằng đó chỉ là “tiểu thuyết ba xu”.

Văn chương não tình một thuở tưởng chừng như đã không còn đất sống khi các tiệm cho thuê sách như vậy đã “tuyệt chủng” ở Hà Nội thì nay lại được tái sinh trong những hình thức sang trọng hơn. Đó là các tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc với những cái tên không kém phần ướt át, nào là Ánh trăng không hiểu lòng tôi, Hồng hạnh thổn thức, Bên nhau trọn đời,… và các tiểu thuyết a dua theo phong trào này của các nhà văn Việt Nam. Một chút ướt át, một chút ngông ngạo, bất cần, một chút sex siếc (điều mà các tiểu thuyết diễm tình trước đó ít miêu tả), một chút xì tin… Nhưng chị tôi giờ không còn đọc sách nữa, các cô, các chị trong xóm tôi giờ không đọc sách nữa. Đối tượng của văn ngôn tình giờ là ai? Nó không còn là những câu chuyện ướt át giải trí cho những phụ nữ quần quật cả ngày ở xóm lao động. Nó dành cho “gái văn phòng”, cho các em teen teen mới lớn… Một sự chuyển dịch về đối tượng tiếp nhận cũng đáng chú ý.
Hết cấp ba, khi thi đại học, tôi còn định thi vào khoa thông tin thư viện, vì nghĩ mình thuộc loại thích đời sống khép kín, lại mê đọc sách, làm thư viện để được đọc sách cả ngày. Đó quả thật là một tư tưởng ấu trĩ. Giờ tôi phát hiện ra một nghịch lý là hình như chính những người phải dính dáng đến văn chương, sách vở lại là những người cực kỳ ngại đọc sách, có khi cả năm chả đọc cái gì mới ngoài những thứ gắn với công việc dạy dỗ của mình. Mà dạy dỗ thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ ngần ấy cái đã có. Đó là một thực tế.

Giờ tôi cũng không còn đọc sách nhiều như thời sinh viên nữa. Bị phân tán thời gian và sức lực cho nhiều thứ quá. Nhìn một cuốn sách dày, tôi đã bắt đầu e ngại. Thời sinh viên có thể đọc đi đọc lại một cuốn sách cho đến khi có thể cảm được phần nào về nó như cuốn Con đường xứ Flandres của Claude Simon thì giờ đây sự kiên nhẫn ấy đã bắt đầu phai nhạt. Nhưng tôi vẫn ham mua sách như ham đi shopping. Và lắm lúc nhìn số sách mua về, tôi có một cảm giác hơi lạnh sống lưng khi nghĩ đến lúc mình chết đi, có những cuốn sách chưa bao giờ đọc, vẫn còn nguyên trên giá.

Theo Thethaovanhoa.vn

Bình luận Facebook