Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mất xe đạp vì mê… thơ

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sinh ngày 11-11-1924, tại Đà Nẵng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhắc đến Phan Huỳnh Điểu là nhớ đến những ca khúc nổi tiếng như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông, em cuối sông, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu…


Rất nhiều các bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lời từ các tác phẩm thơ và đều rất thành công. Nhạc sĩ tâm sự: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ… Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn… Vì vậy, tôi rất thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên…”.

Với suy nghĩ ấy, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất yêu thơ, quý thơ. Tuần nào ông cũng đến các hiệu sách để tìm đọc và mua những tập thơ mới xuất bản. Không chỉ chọn, mua thơ của các tác giả nổi tiếng, mà của cả các tác giả lạ, mới, miễn là thơ hay để cùng nhạc của ông cất cánh.

Chỉ vì mê thơ mà người nhạc sĩ tài hoa này mất hai chiếc xe đạp trong những lần đến hiệu sách mua thơ. Một lần, nhà báo Lưu Phong đến nhà Phan Huỳnh Điểu chơi, nhưng ông không có nhà. Vợ nhạc sĩ bảo: – Anh ấy vừa đạp xe đi, chắc là ra hiệu sách, chỉ một lát là về thôi! Nghe vợ nhạc sĩ nói vậy, nhà báo Lưu Phong ở lại chờ nhạc sĩ về. Trong khi chờ đợi, nhà báo Lưu Phong ngồi lẩm nhẩm lời bài hát quá quen thuộc và nổi tiếng của Phan Huỳnh Điểu khi nhạc sĩ sáng tác ở tuổi hai mươi: Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi/ Là có sá chi đâu ngày trở về… Vừa dứt câu thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về, nhưng không phải là ngồi trên xe đạp mà ngồi trên xích lô. Mọi người đang còn ngơ ngác thì nhạc sĩ kể: – Mình ghé vào hiệu sách, xem có tập thơ mới nào không? Đang mải xem thì chiếc xe đạp gác cạnh đấy bị bọn trộm dắt đi mất lúc nào không biết!

Chị Điểu nói với Lưu Phong:

– Đã mấy lần anh ấy mất xe đạp vì yêu thơ đấy.

Mất xe nhưng nhạc sĩ cũng không quá buồn, ông còn hào hứng kể thêm cho khách và vợ nghe:

– Một lần mình vào hiệu sách, cô gái bán sách hỏi “Ông là nhạc sĩ mà sao chỉ chọn mua sách thơ?”. Mình bảo nếu cứ có thơ hay là tôi mua hết.

Không phải khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng ông mới mê thơ, Phan Huỳnh Điểu mê thơ từ khi đang ở tuổi mười lăm, mười sáu là học sinh của TP. Đà Nẵng. Năm 18 tuổi, ông đã có thơ và truyện ngắn đăng ở báo Tin Mới (Hà Nội).

Chính từ sự yêu thơ và làm thơ từ thời còn rất trẻ, điều đó đã làm nên một tên tuổi nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu hôm nay, gắn liền với những ca khúc phổ thơ như: Bóng cây Kơnia (phổ thơ Ngọc Anh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (phổ thơ Dương Hương Ly), Hành khúc ngày và đêm (phổ thơ Bùi Công Minh), Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông, em cuối sông (phổ thơ Hoài Vũ)…

Nếu không mê thơ, yêu thơ như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì khán thính giả cả nước đâu được thưởng thức những bản tình ca say đắm lòng người đến thế!

sưu tầm

Bình luận Facebook