Nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 1982) quê Nam Định, nhưng qua “Nhật ký Nguyên Hồng” và “Bước đường viết văn” của ông, ngoài Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội thì vùng mỏ Quảng Ninh cũng là vùng đất Nguyên Hồng gắn bó.
Nhà văn Nguyên Hồng với văn nghệ sĩ Quảng Ninh và cán bộ ngành Than. Từ trái sang: Nguyễn Sơn Hà (thứ 2), Nguyên Hồng (thứ 5), Lý Biên Cương (thứ 7), tháng 4.1982. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp
1. Nguyên Hồng hai lần có ý định xin việc làm ở vùng mỏ.
Lần thứ nhất, năm 1934, Nguyên Hồng khi ấy 16 tuổi, được mẹ đưa ra Hòn Gai. “Vào khoảng cuối mùa hè 1934, tôi thôi học. Mẹ tôi đưa tôi ra Hải Phòng, ra Hòn Gai vừa để chào mấy người họ nội ngoại, vừa để thăm thú tình hình công việc làm cho tôi” (Bước đường viết văn). Lúc này vì gia cảnh mà Nguyên Hồng không thể tiếp tục đi học lên bậc thành chung.
Lần thứ hai, năm 1937, Nguyên Hồng tới mỏ Vàng Danh viết phóng sự, điều tra và “đã định xin việc làm ở hẳn đây”. Lúc này, Nguyên Hồng đã tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng.
“Trong khoảng những tháng cuối năm 1937 sang mùa hè 1938 ấy, tôi gần như nghỉ hẳn viết truyện ngắn. Tôi chuyển sang viết phóng sự, điều tra. Tôi đi làm điều tra và phóng sự để biết thêm về đời sống của thợ thuyền phu phen và các người lao động cùng khổ. Tôi chú trọng sâu hơn nữa về sự bần cùng hóa của họ. Không chỉ thu thập tài liệu ở Hải Phòng mà còn đi thêm những tỉnh khác. Tôi lại vào mỏ Vàng Danh. Khi vùng mỏ Vàng Danh nổ những cuộc đình công rất quyết liệt, tôi vào ngay đây. Tôi có một người anh họ ngày trước đi phu cao su Đất đỏ nay trở về làm thư ký cho nhà đo của mỏ, và lấy vợ là một chị làm than. Tôi liên lạc thêm với mấy người thư ký trong đám này có anh Văn Trọng người cùng quê Nam Định với tôi và cũng muốn viết báo, viết truyện. Tôi đã định xin việc làm hẳn ở đây, nhờ anh họ tôi và anh Văn Trọng tìm cho nhưng không được” (Bước đường viết văn).
Từ chất liệu đời sống phu mỏ Vàng Danh, Nguyên Hồng đã viết một thiên phóng sự dài kỳ lấy tên là “Bụi đen”. “Bụi đen” viết được mấy chương đã rao đăng ở tuần báo Mới cơ quan của Đoàn Thanh niên Dân chủ xuất bản ở Sài Gòn năm 1939. Năm 1940, Nguyên Hồng bị Sở mật thám Hải Phòng bắt giam, tập phóng sự “Bụi đen” cũng bị giữ lại ở Sở mật thám Hải Phòng.
Từ Vàng Danh, Nguyên Hồng đã cùng Văn Trọng viết chung một số phóng sự, truyện ngắn và ký sự đăng ở báo Người mới và Mới. Văn Trọng sau đó thất nghiệp, ho lao chết năm 1942. Nguyên Hồng đã kỳ vọng một lực lượng sáng tác mới trong đó có Văn Trọng: “Nghĩ đến lực lượng sau đây gồm có những ngòi bút mới, kẻ ở ngoài vùng mỏ sẽ chuyên về phóng sự như Văn Trọng, kẻ sẽ chuyên về truyện ngắn, kịch như Cao Thọ Ân, Như Phong và một số bạn có cùng hoài bão về một nền văn học chân chính, tôi càng khấp khởi vui mừng và càng nôn nóng muốn cùng nhau nhóm họp lại để làm việc” (Bước đường viết văn). Và đây chính là tinh thần để ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật năm 1943.
Ngày 29.12.1955, ngay sau vùng mỏ được giải phóng (25.4.1955), Nguyên Hồng đã có chuyến công tác ra Hòn Gai. Chuyến đi này ông đi xe đạp từ Hải Phòng, qua nhiều đường đất, phà đò. Ông đã hiểu kỹ về vùng đất này khi ông viết trong nhật ký “giang sơn của chúa đảo và đao phủ Ray” và ông bồi hồi nhớ lại chuyến đi đầu tiên, 21 năm trước. “Đao phủ Ray” chính là Gioóc Ray, Chánh mật thám Pháp phụ trách “mật thám sở than” từ năm 1924, khét tiếng dã man, thâm độc.
“Ngày 29.12.1955. Qua Cửa Cấm. “Buổi sáng, sông rộng, gió lạnh, trời quang. Một tàu đỗ. Ống khói kẻ hình búa liềm. Nước triều to.
Tôi lại có ý làm bài thơ: “Tàu đã về”.
Qua phố Đèo. Tôi ngạc nhiên vì những cái tên Lâm Động – Bích Động – Lỗi Dương – Tảo Quan.
Đi đường theo dãy núi Tràng Kênh. Qua đò Rừng. Một mình giữa đường đồi vắng trập trùng của vùng Cây số 11. Yên Lập một buổi tối, trăng sương mù mịt. Tôi ngủ với một bác phụ đò ho sù sụ suốt đêm.
Ngày 30.12.1955. Qua đò. Con nước lên ngập cả phố sang phía đầu bên kia. Càng đi càng vắng. Nghỉ ở Đồng Đăng.
Đến giang sơn của chúa mỏ và đao phủ Ray. Hàng xoan và những thửa mạ xanh ở dưới chân đồi. Mấy thửa mạ xanh xao. Qua Bãi Cháy. Đây 21 năm xưa, tôi và Phú nhìn sang. Sang Hồng Gai. Chưa có liên lạc. Chờ Ban Tổ chức. Tôi mệt. Không ăn hết cơm. Nhà tôi ngồi ăn cơm xưa kia là chỗ tra tấn của mật thám Pháp. Trên tường còn dây máu (…).
Chuyến công tác này tôi phải cố gắng nhiều nữa, bố trí giờ giấc và sắp đặt tài liệu thật chặt chẽ, ghi chép chắt lọc để rồi đây phải viết. Nhất là những mẩu chuyện và những điển hình” (Nhật ký Nguyên Hồng).
Sau những chuyến đi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngay sau vùng mỏ giải phóng năm 1955, nhà văn Nguyên Hồng đã có tiếp nhiều chuyến đi, khi một mình, khi cùng các bạn văn, khi cùng vợ con tới khắp vùng biển đảo, biên giới của Quảng Ninh. Lần lâu nhất là một tháng, cũng là lần cuối cùng, năm 1982.
“Ngày 18-25.2.1963. Đi Vịnh Hạ Long… cùng Anh Thơ, Bùi Hiển, Thép Mới, Thanh Tịnh, Huy Cận, Vân Đài. Ra đảo Cô Tô, chỗ tiểu đội Ký Con với tàu Rene Crarpsac bị tiêu diệt. Ra Hòn Rồng, tiền tiêu của Hạ Long, chỗ Hồ Chủ Tịch đã lên xem. Cảnh tuyệt đẹp. Thế là tôi không bị say sóng. Giờ về khỏe mạnh lên cân” (Nhật ký Nguyên Hồng).
Ngày 27-28.8.1968. Đi Quảng Ninh trên tầu VTS15. Tôi gặp Diệu em Tri – bà cụ Tri đã ngoài 80 tuổi. Diệu đã bị bắt mấy lần thời kỳ tạm chiếm. Con gái Tri đi học y sĩ trung cấp. 16 giờ, tàu chạy. Tôi vào văn phòng nằm chờ. Mệt và nóng quá. Uống không biết bao nhiêu nước. Khi tàu ra kéo sà lan ở cửa sông Dế, mới thấy dễ chịu. Gió to. Đêm trên biển. Các tầu to. Tôi ngủ đằng lái. Nóng quá. Đến Hòn Gai cũng mặc kệ.
Sáng ra đi với Đào Cảng và Lê Diệp. Ra bến tầu, ăn chè bột mỳ. Chợ Hòn Gai không còn gì. Qua nhà bác Cả. Về trưa ở tầu. Chiều tắm ở bến than. Lại một đêm ngủ đằng lái. Sáng dậy rất sớm vì tầu đã đốt xong lửa chạy máy. Hai sà lan lấy xong than rồi. Trên đường về Hải Phòng qua cửa Hòn Gai và qua Cát Hải. Trời sang thu. Tôi nói chuyện thơ Huy Cận, Thâm Tâm và Thôi Hiệu với Đào Cảng, Lê Điệp” (Nhật ký Nguyên Hồng).
“Ngày 31.12.1968. Đi Quảng Ninh. Nắng đẹp. Trên xe có Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hằng Phương. Xe dừng lại ở Văn Thái. Cả vợ Nguyễn Đình Thi cũng dừng lại ăn miến. Tôi mệt quá nhưng không ngủ được. Đến Hải Phòng thì tỉnh táo hẳn. Dừng lại chờ khá lâu ở gần cầu xe lửa. Nắng to. Phố và các nhà máy đã tấp nập. Đến Bến Bính, tôi mở gói cơm xôi gà rang cho Nguyễn Tuân ăn cùng. Đi qua Yên Lập và đến Bãi Cháy càng thấy lạ. Đường mở rộng, nhà cửa san sát, các khu công nhân trông cứ như khu phố ở các tỉnh Quảng Bình – Đồng Hới trước đây.
Nơi tôi ở gần khu khách sạn năm xưa tôi với Vạn Lịch ở trong chuyến Hải Ninh – Lạng Sơn” (Nhật ký Nguyên Hồng).
Chuyến đi Hải Ninh này của Nguyên Hồng không rõ năm nào nhưng đã được Tô Hoài nói rõ hơn trong “Cát bụi chân ai”: “Cũng một nòi tình mơ màng như cô Mộng Tuyết, chỉ có rày ước mai ao, Nguyễn Tuân chưa đi đường bộ quá Mông Dương và đường nước chưa ra khỏi cửa Điền Công tới Móng Cái bao giờ. Phải đến hơn hai mươi năm sau viết trang sách về vùng than, Nguyễn Tuân mới tới Hải Ninh lần đầu, cùng đi với Nguyên Hồng, Vạn Lịch và tôi. Tưởng như khó tin, mà sự thật như thế. Thiên bút ký mênh mang sóng biển Cửa Đại kia, đọc kỹ thì nhận ra phải nhờ có người nhà ở Cửa Đại, tác giả mới đến được. Ngày ấy, Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn đăng báo Tiểu thuyết Thứ bảy, trên đề: Tặng ông Đỗ Ngọc Côn, nhà máy đèn Móng Cái. Khi này, Phạm Duy làm thợ phụ nhà máy điện, ở nhờ ông Đỗ Ngọc Côn (Phạm Duy: Hồi ký thời cách mạng, kháng chiến – Californie, 1989). Mà ông bạn làm nhà máy đèn Móng Cái ở phố chính Clamoocgăng ấy cũng chưa lần nào gửi tiền tàu xe rủ Nguyễn Tuân ra chơi thưởng thức cái hiu hắt nơi địa đầu. Hàng chữ đề tặng chỉ là một ao ước. Mà phải đến dịp nhờ xe của cán bộ Vạn Lịch, mới ra được bãi Trà Cổ, xuống lái thán ngược sông Mang lên cầu Bắc Luân – Móng Cái, đến Thán Pún – sự bôn tẩu của chúng tôi có công lệnh và dấu đóng giấy đi đường cẩn thận”.
2. Được biết Vạn Lịch là bạn của Nguyên Hồng từ thời chữa bệnh ở Nam Ninh, Trung Quốc, sau làm cán bộ ngành giao thông, có điều kiện bố trí các chuyến đi cho Nguyên Hồng cùng các bạn văn của ông. Nguyên Hồng đã viết bài thơ “Chuyện ở Trà Cổ” sau chuyến đi Hải Ninh này, bài thơ đã đăng trên tuần báo Văn nghệ số ra ngày 4.8.1979. Có thể chuyến đi mà Tô Hoài nói trên vào năm 1977, vì bài thơ “Chuyện ở Trà Cổ” được Nguyên Hồng viết vào năm đó.
Xin trích 3 khổ đầu bài thơ “Chuyện ở Trà Cổ”:
“Bãi cát như vô tận
Biển xanh rợn trời xanh
Vạn kỵ binh tung hoành chỉ là đám bụi
Ngàn chiến thuyền thao diễn chỉ rải thành những lớp rêu rong
Đây hải phận và địa đầu Tổ quốc
Có dáng như cô Tấm gánh cá gánh tôm
Như Thạch Sanh giương cung đón bắn đại bàng
Như rồng uốn khúc vùng qua giông bão
Đây xóm thôn vẫn phong hương vị
Ngàn xưa quê Hà Bắc, Hải Hưng
Có những đao đình vút lên như muốn cày cả sao Hỏa sao Kim
Những mái ngói mũi hài như khoác giáp đồng giáp sắt
Có những tiếng đàn ông vang âm đằm chắc
Như gọi chào truyền lệnh cho cả đại dương”
Nguyên Hồng cùng các bạn văn Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Hằng Phương đã đón năm mới 1969 ở Vùng mỏ. Cũng năm 1969 này, ba ngày cuối tháng 7, Nguyên Hồng cùng vợ và con gái út đi nghỉ tại Bãi Cháy.
“Sáng 1.1.1969. Chiều nay, chúng tôi nâng cốc bia chúc mừng năm mới. Bằng này năm 1963, Nguyễn Tuân và tôi ở trên Sông Đà, trong chuyến đi mở đường thủy. Nguyễn Tuân có rượu Lúa mới. Ông ngà ngà say, bao nhiêu tâm sự. Tôi uống cũng rất thú. Tiếc không thể cho nhà tôi và cái Bé (Diệu, con gái út Nguyên Hồng) đi. Mấy hôm họp đều có những buổi đi chơi. Đi Vịnh Hạ Long bằng ca nô xem các hang, các hòn. Uống bia vàng thấy ngọt, mưa và gió mùa đông bắc báo sáng nay, trưa hửng nắng” (Nhật ký Nguyên Hồng) .
Ở vùng mỏ, người mà Nguyên Hồng thường dốc bầu tâm sự là Như Mai, tác giả “Thi sĩ máy”. Cả hai đều gắn bó với Hải Phòng (Như Mai sinh ở Hải Phòng), đều tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội 19.8.1945, đều làm báo trong kháng chiến chống Pháp, đều gần gũi với Như Phong, và đều dời nhà từ Hà Nội năm 1959 – người về Bắc Giang, người ra vùng mỏ.
Trong “Nhật ký Nguyên Hồng” có ghi hai lần Nguyên Hồng lên nhà Như Mai năm 1976 và 1979:
“Chiều 19.6.1976 gặp Như Mai, đến nhà anh ở Lán Đạo. Thằng út của anh như con gái, mập mạp, tóc tài, mắc áo may-ô lùng thùng, mặt mũi nhếch nhác, tôi bảo nó là con của Găng van Giăng (nhân vật trong “Những người khốn khổ” của Huygo)”.
“Ngày 1.5.1978. Tôi ở Hồng Gai về. Làm xong tập thơ Quảng Ninh. Đi tàu thủy. Ăn cơm ở nhà Như Mai. Chị Như Mai là công giáo, thuộc cả kinh cầu chữ, Phục vụ chi tôn – Người béo khỏe. Gặp Trần Đ. Và Trần K.K đi khập khiễng, khoái cánh tôi, đến buồng đội C.A uống nước. Đi bộ về nhà. Ăn cơm nhà Nguyễn Bình. Tặng bó hoa trên khán đài cho Q.N. Hùng A, Hùng B bảo lúc cháu nhỏ đều đọc sách của bác”.
3. Việc đi lại những năm 70 của thế kỷ trước khó khăn đủ thứ. Có những lần từ Hải Phòng, Nguyên Hồng phải “vay tạm tiền đi Quảng Ninh”. Tại Quảng Ninh, cùng sóng biển, ông luôn nghĩ tới những điều thiết thực cho người nông dân: “26.8.1978. Đêm nổi sóng. Tôi muốn viết. Nghị quyết III về nông nghiệp. Trên nhà quê đang xoay giở thế nào đây. Mức sống của các nơi…” Chính sự trăn trở ấy mà ông ghi nhận nỗi niềm của những người mà ông tiếp xúc: “Nghe Thống phẫn nộ về đời sống xa hoa nhẫn tâm của một số cán bộ cao cấp. Chỉ mùa bức mới ra Hòn Gai để vợ con đi nghỉ mát và mua rẻ tôm he, nước mắm, cá khô. Đêm trăng mờ ngoài biển” (Nhật ký Nguyên Hồng).
Ở vùng mỏ, Nguyên Hồng có nhiều người họ hàng, có cả gia đình thông gia với gia đình ông. Người con dâu thứ hai của ông từng làm thợ may tại xí nghiệp may ở Quang Hanh, Cẩm Phả.
Trong cuốn sổ nhật ký của Nguyên Hồng, dòng cuối cùng mà nhà văn viết tại Vùng mỏ: “Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh. Nguyên Hồng. 16.4.1982”.
Bức thư cuối cùng Nguyên Hồng viết cho con gái Nhã Nam từ Hòn Gai, Quảng Ninh.
“Trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Ninh sau cơ quan Tỉnh ủy
ở Cọc 5 – Hòn Gai – Quảng Ninh 3.4.1982
Nhã Nam con,
Thầy ra đây làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh đã được 10 hôm… Thày vừa chấm bài vừa nghỉ bên một bãi biển, có người chuyên thổi nấu. Thày lại nghĩ đến u. Nếu chuyến này u cùng đi chắc khỏe thêm. Thôi để kỳ Diệu, Thế nghỉ vụ thày sẽ đưa u đi lâu một chuyến 2 ông bà trối già…”.
Căn cứ bức thư, chuyến công tác cuối cùng của Nguyên Hồng là đến Quảng Ninh từ ngày 23.3 và đến hết tháng 4.1982. Ông chấm giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ nhất, do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh mời.
Sau khi từ Quảng Ninh về nhà ở Bắc Giang hôm trước, hôm sau Nguyên Hồng mất (2.5.1982). Hay tin ông mất, anh em văn nghệ sĩ Quảng Ninh bàng hoàng. Cán bộ nhân viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh còn kể cho nhau câu chuyện ăn thịt con chim rơi từ dây điện cùng câu nói của Nguyên Hồng như báo trước sự ra đi… Ông Vũ Văn Bột – người lái xe của hội đưa Nguyên Hồng về nhà – đã nhớ lại, lúc đó, ông vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì khác thường. Đoàn của hội lên viếng Nguyên Hồng, ông Nguyễn Hữu Chức – cán bộ văn phòng Hội – khóc rất nhiều. Hình ảnh này đến nay một người con của Nguyên Hồng còn nhớ. Đến nhiều năm sau, bà Phạm Thị Mơ – nhân viên văn phòng hội – được giao nấu cơm cho ông hồi đó, còn viết bài tưởng nhớ ông in trên báo Hạ Long.
Chuyến đi công tác cuối cùng của Nguyên Hồng là thời gian các tác giả viết văn, làm thơ của Quảng Ninh được tiếp xúc, học hỏi từ ông. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Trong bài “Nguyên Hồng mà tôi đã biết”, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã bày tỏ: “Đây là thời gian tôi được nghe ông nhiều nhất, cụ thể nhất. Tựu trung, tôi thấy ông đọc văn, đọc thơ với hai thái độ vô cùng rõ rệt và không khoan nhượng. Về hình thức, ông chuộng giản dị, rất ghét thứ văn mà ông gọi là “hoa hoét”, “hoa hòe hoa sói”. Về nội dung, ông hướng tới người lao động đau khổ và nhọc nhằn, rất ghét các chi tiết tàn nhẫn, kể cả đối với kẻ xấu. Ông chỉ chấp nhận chi tiết đó, khi nó không thể thay thế được. Có thể nói chân – thiện – mỹ là khát vọng nghệ thuật của ông và cũng là đòi hỏi rất nghiệt ngã của ông, đối với những ai muốn làm nhà văn, nhà thơ. Chính ông không ngờ rằng, bằng các cuộc trao đổi này, ông dạy tôi và thuyết phục tôi hơn tất cả các bài giảng về viết văn, làm thơ. Tôi thấm dần và càng về sau, càng nhận ra những ảnh hưởng của ông trong các sáng tác của tôi, nhất là ở tập thơ “Nhà thơ và hoa cỏ””.
Chuyến đi đầu tiên (năm 1934) và chuyến đi cuối cùng (năm 1982) của cuộc đời Nguyên Hồng đều là đến Vùng mỏ. Đấy như là duyên phận của một nhà văn luôn gắn bó với đời sống của người lao động, thợ mỏ, những người cùng khổ. Hạ Long, 24.6.2020.
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5.11.1918 tại Nam Định. Từ năm 1937 đến 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng. Viết văn, viết báo, tham gia biên tập các báo của Đoàn Thanh niên dân chủ. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với các văn nghệ sĩ Học Phi, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Trần Huyền Trân… Năm 1947 đến 1957, ông hoạt động trong Hội Văn nghệ Việt Nam, tham gia trong Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ, ban phụ trách Trường Văn nghệ Nhân dân Việt Bắc. Từ năm 1957, ông hội viên sáng lập và tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ, Ban phụ trách Tuần báo Văn, Ban phụ trách Trường Bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ. Nguyên Hồng mất đột ngột vào ngày 2.5.1982 tại ấp Cầu Đen, Tân Yên, Bắc Giang. Nhà văn Nguyên Hồng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Nguồn: TRƯƠNG THIẾU HUYỀN/ LĐO