NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH THI VÀ MỐI TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI
Nhà văn Nguyễn Đình Thi vốn nổi tiếng vì tài hoa và vẻ ngoài đẹp trai, phong trần. Gắn với cuộc đời ông là những chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ. Mối tình của Nguyễn Đình Thi với nữ nhà báo Madeleine Riffaud để lại trong lòng người nhiều dư vị nuối tiếc, bâng khuâng xen lẫn cảm phục.
Cuộc gặp “sét đánh” giữa đôi trai tài, gái sắc xảy ra vào năm 1951, tại Đại hội liên hoan Thanh niên Quốc tế diễn ra ở Berlin, Nguyễn Đình Thi được cử làm đại biểu của Việt Nam. Tại đây, chàng trai 27 tuổi đẹp trai, tài hoa lần đầu gặp được một phụ nữ rất quan trọng trong đời mình. Năm ấy, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng với hai ca khúc Diệt phát xít và Người Hà Nội, đang giữ cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc kiêm Ủy viên Thường vụ Quốc hội. Lúc này cuộc chiến tranh chống Pháp đang đi vào giai đoạn khốc liệt, tin chiến thắng đến liên tục, nên đoàn đại biểu Việt Nam luôn là tâm điểm của các đoàn quốc tế, truyền thông và báo chí. Trong đó, Nguyễn Đình Thi càng được chú ý bởi vóc dáng cao ráo, vẻ đẹp trai rất phong trần và khả năng nói tiếng Pháp lưu loát, tư duy sắc sảo.
Thuộc phái đoàn đến từ Pháp, Madeleine Riffaud, phóng viên báo Nhân đạo cũng không kém nổi bật, không chỉ bởi chị đẹp một cách thanh tú và mê hoặc hay vì chị là tác giả của tập thơ Con ngựa đỏ đã được trao giải văn chương Pháp, mà Madeleine Riffaud từng là đội viên du kích chống phát xít, nữ du kích đầu tiên hạ sát một sĩ quan Nazi giữa lòng Paris. Riffaud bị Gestapo bắt năm 1944, bị kết án tử hình và được giải cứu thành công chỉ 6 ngày trước ngày hành quyết. Năm 1946, Madeleine được nước Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng và được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Với một quá khứ kỳ lạ như thế, việc Madeleine Riffaud được nhiều người quan tâm, ngưỡng mộ không phải là lạ. Trong số đó có Nguyễn Đình Thi. Hay nói đúng hơn là họ bị “sét đánh” và say mê nhau từ lần đầu gặp gỡ. Đôi trai tài gái sắc cảm nhau vì tài, luôn quấn quýt trong đợt liên hoan, mà dù đã cố gắng giữ khoảng cách, khách sáo với nhau, nhưng nhiều nhà văn từ phái đoàn các nước cũng đã nhận ra những “tín hiệu bất thường” và tác hợp cho họ. Kết thúc kỳ liên hoan, cả hai chia tay trong lưu luyến.
Mối tình đẹp, thủy chung
Ở hai đất nước xa xôi, những cánh thư vẫn liên tục đi về kết nối họ với nhau. Nhà thơ Huy Cận, bạn thân của Nguyễn Đình Thi sau này từng kể lại: “Cuối năm 1951, một hôm tôi nhận được bức thư của chị Madeleine Riffaud gửi cho anh Thi, nhờ tôi chuyển. Ngoài phong bì có đề ‘Xin mở xem thư và nhớ học thuộc lòng càng tốt, để đọc lại cho anh Thi nghe, nhỡ mà thư có thể trôi mất hoặc ướt khi qua suối qua đèo'”. Tôi mở thư ra đọc, bắt đầu bằng hai câu ca dao Việt Nam: “Ông tơ ghét bỏ chi nhau – Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” và “Đôi ta làm bạn thong dong – Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”, tiếp theo là thư bằng tiếng Pháp. Cuối tháng anh Thi mới gặp tôi, tôi đọc cả bức thư cho anh Thi nghe rồi mới giao thư…”.
Nguyễn Đình Thi đã làm nhiều bài thơ tặng người tình trong mộng của mình. Một bài thơ Nguyễn Đình Thi từng viết tặng Madeleine Riffaud được nhiều người biết đến, đó là bài thơ Nhớ viết trên đường hành quân:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Tình yêu xa xôi nhưng không bao giờ thôi cháy trong tim họ. Nhưng lúc này, Nguyễn Đình Thi đã có vợ và ba con nơi quê nhà. Điều này không ngăn cản trái tim Madeleine Riffaud luôn hướng về người yêu và đất nước Việt Nam đang trong bom đạn. Đến năm 1955, vợ Nguyễn Đình Thi mất, Madeleine Riffaud qua Việt Nam liên tục để gặp gỡ ông. Cả hai đã có những ngày tháng say đắm và hạnh phúc tuyệt vời. Tưởng như không gì có thể ngăn cản hai trái tim đang bừng bừng lửa cháy đến với nhau. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt, cùng với tình hình gian nan của đất nước, ở cái thời ấy, hai người với hai quốc tịch làm sao có thể tiến đến hôn nhân… Một lần nữa, họ chấp nhận xa nhau. Nói là xa, nhưng với nhớ nhung cháy bỏng của một người đàn bà yêu, cộng với niềm trắc ẩn của một nữ nhà báo cách mạng, chị vẫn thường qua lại Việt Nam, để gặp Nguyễn Đình Thi và để viết lên những tiếng nói phản ánh cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Lặn lội khắp chiến trường Nam Bắc, lao vào mưa bom bão đạn, Madeleine Riffaud đã viết nên những bài báo từng đoạt các giải thưởng, gây tiếng vang với truyền thông quốc tế. Chính bà cũng là người đưa các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi ra khỏi biên giới Việt Nam. Hình ảnh quen thuộc của Madeleine Riffaud mà người ta thường thấy và đến nay vẫn còn lưu lại trong các ảnh tư liệu chiến tranh, là chị đứng trong lửa khỏi, quấn khăn rằn rất hiên ngang và rất “Việt Nam”. Có người nói, hình ảnh người con gái hiện lên đẹp đẽ trong bài thơ Lá đỏ, chính là tạc lại từ Madeleine Riffaud:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Chưa từng là vợ chồng, nhưng Madeleine Riffaud đã nguyện luôn thủy chung với Nguyễn Đình Thi. Bà không hề lấy chồng, ở vậy với những kỷ niệm cho đến cuối đời. Người ta nói, căn hộ của bà ở Pháp đầy ắp hình ảnh chụp có, phác họa có, chân dung Nguyễn Đình Thi, được treo trên tường. Những kỷ vật của bà và ông luôn được bà nâng niu trân trọng.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trước lúc mất năm 2003, đã giao lại tập hồ sơ cho người con trai và dặn chỉ mở ra sau khi ông mất. Trong tập hồ sơ ấy có gần 1.000 bức thư, bưu thiếp, những lời yêu thương cháy bỏng họ trao nhau trong suốt cuộc yêu thương gần nửa đời người.
NHỚ
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
NGUYỄN ĐÌNH THI
sưu tầm