Nhà thơ Xuân Diệu: Chuyện lạ để đời
Trong số các nhà thơ nổi danh thời tiền chiến, Xuân Diệu là người tôi có cơ may được gặp sớm hơn cả. Sớm, nhưng thời gian lại quá ngắn ngủi, bởi chỉ hơn một năm sau, ông đã từ giã cõi đời. Tuy nhiên, trong qua trình tiếp xúc, nghe ông nói, hoặc qua những câu chuyện mà các bậc đàn em trong làng thơ của ông kể lại, tôi cũng có được một số “vốn liếng” nhất định về chuyện đời và chuyện nghề của ông. Đầu xuân, xin được chắp nối đôi dòng mua vui cùng bạn đọc…
Xuất xứ của bài “Yêu”
Trong sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu, bài “Yêu” có một vị trí khá đặc biệt. Nó không phải là bài thơ “bề thế”, song lại được phổ biến rộng rãi bởi đã nói được những khoảnh khắc tâm tình rất riêng của các bạn trẻ.
Về xuất xứ của bài thơ này, Xuân Diệu kể: Bấy giờ ông chỉ mới chừng 19, 20 tuổi. Một buổi trưa, nhân lúc ra trông hàng cho mẹ (vốn là một cô hàng nước mắm), phải cái thời khắc vắng vẻ, chợ búa ít người qua lại, Xuân Diệu mới tìm cách trêu ghẹo cô bán hàng bên cạnh. Cô này thấy chàng làm thơ đã chớm nổi tiếng thì giả bộ mê mải đọc sách. Xuân Diệu vờ buông lơi một câu (mà ông lấy ý của thơ Pháp) để “thăm dò”:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Không ngờ cô bán hàng bỏ sách xuống, nguýt chàng thi sĩ “ỡm ờ” này một cái rõ dài, rồi bĩu môi, cao giọng:
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Như được “nối điêu”, Xuân Diệu hứng khởi hẳn lên. Ông tiếp luôn:
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
Mặc dù mối liên quan giữa chàng thi sĩ với cô gái trẻ cũng chỉ dừng lại ở chuyện đối đáp thơ, song đó chính lại là xuất xứ của khổ đầu bài “Yêu” – một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu.
Hay như thơ Muyxê
Sinh thời, nếu như ai đó ca tụng nhà thơ Xuân Diệu rằng, thơ của ông hay như thơ ông này ông nọ ở nước ngoài, thì chắc nhà thơ cũng chỉ cảm thấy hài lòng, vì như vậy là người ta biết… phải đạo với mình. Chứ thực ra ông biết nói như vậy là khập khiễng. Làm sao có thể so sánh loại thơ được đọc trên văn bản với loại thơ đọc qua bản dịch, mà nhiều khi chỉ còn là bản dịch nghĩa!
Chính vì thế mà Xuân Diệu rất lấy làm thích thú – điều này ông đã từng đem “khoe” trong một cuộc nói chuyện trước công chúng ba tháng trước ngày ông mất – ấy là việc một cô gái Việt kiều sống ở Pháp trong một lần gặp gỡ nhà thơ tại Trường Đại học Xoócbon (thủ đô Pari) đã cho rằng thơ của ông hay không kém gì thơ Anphrêt đờ Muyxê, nhà thơ Pháp nổi tiếng thế kỷ XIX.
Điều mà Xuân Diệu thấy thỏa đáng là cô gái này đọc thơ bằng hai ngữ. Cô đọc thơ Muyxê bằng tiếng Pháp trong giáo trình cô học. Còn thơ Xuân Diệu cô đọc bằng tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt. Sau nữa, Muyxê là nhà thơ mà khi còn trẻ Xuân Diệu đã từng ngưỡng mộ- người được thanh niên Pháp suy tôn là “Nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu”. Xuân Diệu rất muốn có vị trí như của Muyxê trong thanh niên Việt Nam.
Không tiếc thuốc lá, chỉ tiếc thời gian
Những lần đến thăm Xuân Diệu, nhà thơ Trần Ninh Hồ thường để ý thấy ông hay rút từ một bao thuốc lá nguyên khi thì một điếu, lúc thì hai điếu, đặt lên chiếc đĩa trước mặt khách (mà ít khi là cả bao). Dường như đoán được ý nghĩ của nhà thơ trẻ (không ngờ một nhà thơ lớn mà lại ki đến vậy), khi tiễn Trần Ninh Hồ ra cổng, Xuân Diệu dúi bao thuốc vào túi anh, nói nhỏ:
– Anh cho em bao thuốc về mà hút.
Rồi ông phân giải:
– Anh là người rất quý thời giờ. Thời giờ nó cũng như tấm vải vậy. Để nguyên mấy mét thì may được sơ mi, áo dài, mà cũng ngần ấy vải, đem cắt nhỏ ra thì chỉ may được mùi soa. Sở dĩ anh không đặt cả bao thuốc ra đấy vì đó là chủ ý của anh. Một điếu có nghĩa là khách chỉ nên ngồi 5 phút thôi. Mà hai điếu thì có nghĩa là 10 phút. Anh đặt cả bao ra đấy, nhỡ có người sẵn thuốc ngồi dai thì sao. Thuốc thì anh không thiếu, nhưng anh thiếu thời gian. Bây giờ anh đã sắp đến cái tuổi “cổ lai hy” rồi còn gì.
Xuân Diệu “tiên tri”…
Nhà thơ Hoàng Cát là người từng được Xuân Diệu yêu quý, nhận là em kết nghĩa và nuôi cho ăn học. Hoàng Cát kể: Lần ấy, sau khi đưa tiễn anh gia nhập quân đội, từ một sân ga trở về, Xuân Diệu đã xúc động viết bài “Em đi…”, một bài thơ chẳng khác gì thơ tình yêu chia ly, đầy bịn rịn và thương cảm (bài này đã được in lần đầu trên báo Nhân Dân số Tết năm 1989).
Giờ đây, sau mấy chục năm, đọc lại, Hoàng Cát chợt “phát hiện” và tỏ ra hết sức bái phục sự “tiên tri” của Xuân Diệu. Thì ra trong bài thơ có một chi tiết đáng chú ý, ấy là câu: Ôm mãi chân em chẳng muốn về (em ở đây tức là Hoàng Cát, ý Xuân Diệu muốn nói đến sự quyến luyến, không muốn chia xa).
Hoàng Cát cho rằng, nhà thơ đàn anh đã nhấn mạnh đến chi tiết cái chân của mình dến độ phải: Ôm mãi chân em chẳng muốn về, là ông đã nghĩ đến chuyện chân của mình sau này sẽ không còn. Và Xuân Diệu đã đoán định “chính xác” làm sao! Vì rằng năm ấy, từ chiến trường trở về, Hoàng Cát đã trở thành một anh thương binh với một bên chân giả.
và “ngụy biện”
Lần ấy, nhân đọc tập thơ Xuân Diệu mới tặng, nhà thơ Quang Huy có một phát hiện khá thú vị. Anh cho rằng, thông thường ở một khổ thơ bốn câu, thì câu hay nhất bao giờ cũng là câu thứ tư, và câu thường nhất là câu thứ ba, vốn có tính chất như câu đệm, câu lấy đà.
Với ý nghĩ như vậy, một lần, trong Hội nghị viết văn trẻ, anh tìm đến trao đổi với Xuân Diệu và đem nhận xét ấy “ứng dụng” vào một khổ thơ nọ của ông. Nhưng Quang Huy mới chỉ chê khéo một chút thôi, Xuân Diệu đã vội lấp ngay. Ông biện luận:
– Thì nó cũng như cây hoa. Ngọn đẹp, lá đẹp, bông đẹp thì cũng phải “chừa” ra một chỗ cho người ta cầm tặng người yêu chứ. Câu thơ thứ ba của tớ cũng là một câu như thế…–PageBreak–
Phê thơ và bị… “phê lại”
Trong những cây đại thụ của làng thơ Việt Nam, Xuân Diệu vẫn được xem là một trong những người cẩn trọng (thậm chí còn rất khe khắt) trong việc khen – chê. Nếu như Chế Lan Viên còn chịu khó biểu dương phong trào thì hầu như Xuân Diệu chỉ đi vào nghiên cứu tìm hiểu tác giả, mà chủ yếu là những tác giả cổ điển.
Đối với anh em trẻ, cũng có khi ông viết nhận xét về họ qua các cuộc thi thơ, nhưng chủ yếu là nhìn từ góc độ những chỗ chưa đạt để nhắc nhở anh em nghiêm túc hơn khi vào nghề viết. Phải nói, những lời phê bình của ông rất có ý nghĩa vì đa phần đều xác đáng.
Trong cuộc thi thơ 1972-1973, báo Văn Nghệ in bài “Bà” của một cây bút trẻ. Xuân Diệu nhận định: “Tác giả bài Bà vì quá vô ý mà phạm phải nhiều lần vô lễ (ở trong thơ) đối với bà”.
Khi cây bút trẻ nọ viết:
Đất màu nâu, da bà cũng màu nâu
Xuân Diệu phê: “Bà nội, bà ngoại đâu có phải một chiếc ấm đất mà nói cộc lốc như vậy. Anh lại càng vô lễ khi nói với bà rằng: mặt của bà nếp nhăn nhiều như mặt lúa khô queo.
Đến câu:
Giờ cây lúa đổi mùa thay hạt
Bà ơi, bà có trẻ thêm
Xuân Diệu bực bõ nhận xét: “Nếu cháu có hiếu thì cháu cứ khẳng định: cây lúa đổi mùa thay hạt, bà của cháu như cũng trẻ thêm ra. Chứ theo tôi nghĩ, hỏi như tác giả hỏi, là xấc láo với bà”.
Câu “ủ cho cháu là rừng cây đằm thắm/ Phải tay bà quàng đến sau lưng”, Xuân Diệu than thở: “Chao ôi, tại người viết quá ư vô ý tứ chứ không phải tại tôi muốn sinh chuyện. Đáng lẽ có thể nói “ấm áp như tấm lòng của bà vẫn theo cháu mà ấp ủ”, chứ cháu trai đã 19, 20 tuổi, có thể nói “bà mừng rỡ quá ôm chầm lấy cháu”, chứ sao lại viết tỉ mỉ “Bà quàng cánh tay qua sau lưng”.
Mới thấy, trong lĩnh vực thẩm thơ, Xuân Diệu thuộc trong số những nhà thơ có khiếu thẩm mỹ cực tinh tế và có những lập luận thật sắc sảo.
Dẫu vậy, cũng đã có lần Xuân Diệu bị “phê” lại.
Lần ấy, để tổng kết cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ năm 1973, Xuân Diệu có viết một bài phê bình dài gần bốn chục trang, lấy tên là “Công việc làm thơ”, qua đó ông muốn bàn bạc một cách thật cặn kẽ với các cây bút trẻ về chuyện “bếp núc” của nghề viết, kể cả cái hay cái dở của thơ dự thi đợt ấy. Tất nhiên, tính của Xuân Diệu bao giờ cũng phải “nói có sách, mách có chứng”, cho nên để cụ thể, ông đã trích dẫn ra những đoạn, những câu của một số người để mà phê, mà bình. Và một trường hợp đã rơi vào đoạn thơ của Thạch Quỳ:
Cứ lẩn lẩn là tay của bà
Tre bãi bom là tre cụt ngọn
Của im lặng bốn bề là cao rộng
Quẫy nên sóng là bàn chân con gái
Bướm bay qua là con bướm thờ ơ
Xuân Diệu thắc mắc: “Hiện nay, các bạn thơ trẻ thích dùng tiếng là ở trong các câu thơ; một cái mốt chăng?”. Và ông cho rằng tác giả cây bút Thạch Quỳ “có lẽ đã đạt mức quán quân về dùng tiếng là”.
Bài viết in ra, chưa đầy nửa tháng sau Xuân Diệu nhận được thư “trả lời”. Trong đó tác giả trẻ cũng có chịu với bậc đàn anh rằng… quả mình có dùng tiếng là hơi nhiều. Song – theo như lời tác giả viết trong thư – “nhiều thì nhiều thật chứ chưa nhiều bằng anh”. Là bởi, theo Thạch Quỳ thì mỗi câu anh chỉ dùng một tiếng là, còn Xuân Diệu thì dùng đến… hai. Và để chứng minh, Thạch Quỳ đã dẫn ra câu thơ mở đầu bài “Cảm xúc” của Xuân Diệu, mà ai cũng biết: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió.
Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu
Tháng 9 năm 1985, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2 tháng 9, Câu lạc bộ Đoàn Kết (ở đường Tràng Tiền) tổ chức cuộc nói chuyện “Thơ Việt Nam 1945-1985”. Diễn giả là nhà thơ Xuân Diệu.
Tôi còn nhớ như in buổi nói chuyện hôm đó. Gọi là “Thơ hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tới nay”, nhưng lướt qua một số tên tuổi tiêu biểu, già nửa thời gian còn lại, thi sĩ quay ra phân tích, giảng giải cái hay của… thơ mình. Tất nhiên chẳng ai lấy làm ngạc nhiên về điều này (vì ông đã làm như thế nhiều lần, cả trên trang sách).
Được nghe nhà thơ lớn nói chuyện đã là vui lắm, huống hồ được nghe “chui” một số bài thơ xưa của ông ít có dịp được tái bản, lại còn thơ trong sổ “mật” chưa hề xuất bản, vui nào bằng.
Xuân Diệu thông báo chuyện trong cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn ở Xôphia trước đây, ông có đọc bài thơ “Chén nước”, được đồng nghiệp tán dương. Nữ thi sĩ Bungari Đimitrôva còn cho rằng đó là bài thơ hay nhất đọc buổi hôm đó.
Tiện đây, Xuân Diệu bình luôn mấy câu thơ Đimitrôva viết về cái hôn, đại thể “Nụ hôn vùi trong tóc”: “Tại sao phải vùi, chữ vùi hay như thế nào? Vì nụ hôn nóng bỏng như hòn than đỏ, phải vùi vào trong tóc, chớ không nó trơn trượt, nó rơi mất” – Nguyên văn câu bình luận của nhà thơ như thế.
Mọi người vỗ tay rào rào. Nhà thơ nghiêng người, ngả cổ nâng cốc nước cam, uống một hơi, vẻ mặt mãn nguyện.
Nhưng đến giờ giải lao, hình như theo thông báo từ trước “người đi nghe nói chuyện thơ được mua thêm họa báo”, ở hành lang, mọi người chen chúc nhau, cố gắng mua lấy được đôi tờ họa báo về bọc sách cho con (nên nhớ những năm tháng ấy ở ta còn khan hiếm về giấy, có được đôi tờ họa báo bọc sách, bọc vở là quý lắm, đa phần chỉ dám bọc sách vở bằng giấy báo, giấy vỏ bao xi măng mà thôi). Không khí lộn xộn kéo dài, khi nhà thơ Xuân Diệu đã trở về bục diễn giả và tiếp tục nói chuyện thơ rồi, mà ở hành lang, những cánh tay nhao nhao giơ lên vẫn còn dày đặc.
Xuân Diệu ngán ngẩm lắc đầu. Ông lẩm bẩm, nhưng vì miệng ông ghé gần micrô, nên trong phòng, mọi người đều nghe thấy: “Mọi người đến đây để mua họa báo chứ không phải nghe thơ à?”.
Mặc nhà thơ ta thán, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, cố gắng đạt được mục đích của mình.
Lòng ta là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai
Thái độ của nhà thơ đã chất nhiều bực dọc. Câu thơ đọc lên nghe nặng nề, như táp vào mặt người nghe. Đột nhiên, nhà thơ to giọng:
– Lá khoai, ở miền Nam người ta gọi là lá môn, nhưng chẳng lẽ với đồng bào miền Bắc, tôi lại gọi là lá môn, là: Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá môn hay sao?
Cũng chẳng cần biết ẩn ý của nhà thơ thế nào khi nói ra câu ấy, mà nghe cách giải thích ngộ quá, mọi người rộ lên cười. Tiếng cười làm cho thi sĩ hơi dịu lại, rồi chắc cũng thấy cách giải thích của mình hơi sa đà, ông nói thêm:
– Vả chăng, dùng chữ lá môn không được. Như thế làm sao vần với hai câu dưới: Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài…
Tiếng cười lại rộ lên râm ran khắp phòng…
Đó là buổi nói chuyện thơ cuối cùng trước công chúng của thi sĩ, vì chỉ ba tháng sau đó, ông đã “vẫy chào cõi thực để vào hư”. Nhà thơ Xuân Diệu ra đi đến nay đã hơn hai chục năm (ông mất ngày 21/12/1985). Lớp học sinh ngày ấy giờ đã lớn, những quyển sách đã sờn, nhưng vẫn còn đâu đây một niềm tiếc thương của những người đã từng một lần được nghe ông nói chuyện thơ…
sưu tầm