google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - và "nỗi oan" giai thoại - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – và “nỗi oan” giai thoại

Trần Đăng Khoa kể: Khi những bài thơ đầu tiên của anh được in và được dư luận “công kênh”, không ít người đã lặn lội về Hải Dương- quê anh để tìm hiểu xem tác giả của chúng “người ngợm” ra sao. Họ ngắm nghía, vạch tóc xem khoáy đầu, xem tai, thậm chí có người còn vần chú bé 8 tuổi ra để xem… rốn…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Hí họa của họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa

Ngay từ khi mới “xuất đầu lộ diện” trên thi đàn, Trần Đăng Khoa đã được người đời vinh danh là “thần đồng thơ”. Nhưng, cùng với độ lùi thời gian, hình như anh ngày càng muốn chứng minh việc làm thơ của mình không hề mang sắc màu thần bí. Anh bảo, thuở bé, người ta cứ nói anh viết như “nhập đồng”, như “ma ám”, kỳ thực, những bài thơ “được nhất” của anh lại chính là những bài viết theo… “đơn đặt hàng” của các tòa báo.

Những giai thoại về anh, anh đọc và bật cười. Có đúng, có sai, nhưng chưa khi nào anh viết bài phản ứng lại. Hỏi, anh nói đa phần đấy là chuyện nhảm nhí, là bịa tạc. Anh thấy anh hoàn toàn tỉnh táo như những người bình thường, thậm chí còn “tỉnh queo”, chứ không hề ngơ ngác, lơ tơ mơ như cách người ta vẫn hình dung về… các thi sĩ.

Trần Đăng Khoa kể: Khi những bài thơ đầu tiên của anh được in và được dư luận “công kênh”, không ít người đã lặn lội hàng trăm cây số về xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách, Hải Dương- quê anh) để tìm hiểu xem tác giả của chúng “người ngợm” ra sao.

Họ ngắm nghía, vạch tóc xem khoáy đầu, xem tai, thậm chí có người còn vần chú bé 8 tuổi ra để xem… rốn. Rồi thì họ im lặng bỏ đi, giữ một thái độ kín bưng khiến gia chủ không khỏi có phần… kinh sợ! Trong làng, lác đác đã có tin đồn chú bé Khoa… có đuôi. Lại có đợt rộ lên tin khi Khoa “ị” thì… phân lại hình vuông (chứ không tròn như những đứa trẻ khác).

Như vậy, sự đồn thổi đã đeo đẳng Trần Đăng Khoa ngay từ khi anh còn thơ bé. Và, theo thời gian, hiện tượng ấy không những không “ngót” đi mà ngày càng “phình” to ra.

Cứ theo Trần Đăng Khoa thổ lộ thì vốn dĩ anh rất xuề xòa, ăn uống thế nào cũng xuôi. Chỉ riêng món nước chấm là anh rất ghét pha trộn. Nước mắm bao giờ cũng phải nguyên chất. Thế thôi mà cũng thành giai thoại. Rằng thì khi đi nước ngoài, Trần Đăng Khoa luôn thủ sẵn trong va ly một chai nước mắm mang theo từ nhà.

Đến ngày về, vì lâu không được dùng nước mắm, “lão” rất nhớ. “Lão” gạt vợ ra, xồng xộc chạy vào tủ, lôi ra chai nước mắm, tu một hơi hết… nửa chai (cứ như người nghiện rượu vậy!), rồi mới quay lại… đón vợ. Mà người đưa chuyện ấy lên báo nào phải ai đâu xa, là nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn thân, thậm chí rất thân với anh.

Một người bạn thân nữa – nhà văn Sương Nguyệt Minh trong một giai thoại lại kể chuyện Trần Đăng Khoa cùng người yêu (sau này là vợ anh) dung dăng dung dẻ vào siêu thị. Tại đây, Trần Đăng Khoa đã tít mắt cười sung sướng vì mua được bộ complê với giá rẻ như cho: chỉ có 68 nghìn đồng (sau mới biết là hàng Tàu, sở dĩ người ta phải bán đại hạ giá vì… lỗi mốt).

Trần Đăng Khoa khẳng định ngay đây là chuyện… bịa.  Anh tâm sự: “Mình có đặc điểm bao giờ cũng dùng đồ đắt tiền và không bao giờ mua đồ cũ. Một bộ complê mà giá chỉ hơn năm chục ngàn thì chắc chắn là đồ cũ. Như thế kinh khủng lắm. Biết đâu của người chết thì sao? Quần áo mới, người khác mặc một lần rồi mình còn rùng mình nữa là…”.

Cũng theo Trần Đăng Khoa thì trong việc mua sắm, quan điểm của anh là cứ chọn đồ đắt. Đó là cách “tiết kiệm” nhất: Tiết kiệm tiền, tiết kiệm công sức, tiết kiệm thời gian (ý nói tiền nào của nấy. Đồ tốt thì đỡ hỏng hóc, phải mua sắm lại).

Và Trần Đăng Khoa cho ví dụ: Hiện tại, anh đang dùng chiếc tivi màn hình phẳng loại tốt nhất. Chiếc máy tính xách tay của anh cũng vào loại hiện đại, nó có thể xem được truyền hình kỹ thuật số màn phẳng (tới 40 kênh) mà không cần phải có USB cắm vào. Anh mua nó cách đây 4 năm với giá 3.200 USD. Nói vậy để thấy, chuyện Trần Đăng Khoa mừng rơn khi mua được bộ complê chỉ với giá 68 ngàn đồng là một chuyện… phi lý.

Cũng trong bài viết trên, tác giả còn nhắc tới một tình tiết: Vì bỏ quên ví, Trần Đăng Khoa phải quay xe về nhà lấy tiền. Và khi anh mở khóa cửa thì cũng vừa lúc một tốp các cụ nghỉ hưu ở một câu lạc bộ thơ ngoại thành tìm gặp. Hai bên rôm rả đọc thơ, bình luận, rồi gật gù, vỗ tay, tán thưởng… cho mãi đến khi đèn đường bật sáng, Trần Đăng Khoa mới giật mình nhớ ra anh đang bỏ quên người yêu ngoài… siêu thị.

Trần Đăng Khoa cho hay: Đi đâu, gặp người lạ, anh chỉ “tán nhăng nhít, tếu táo”, chứ rất ít nói chuyện thơ. Thậm chí nói chuyện thơ với đối tượng không thích hợp anh còn cảm thấy ngượng. Trước sau anh quan niệm: Thời bây giờ không phải là “thời đại của thi ca”. Hơn nữa, anh vốn rất dị ứng với các loại thơ “câu lạc bộ”. Bởi vậy, không thể có chuyện anh vì mải nghe thơ các cụ mà bỏ quên người yêu được.

Trước đây, trên một tờ báo có in mẩu giai thoại kể chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa… đi buôn. Từ Liên Xô về, anh cùng anh bạn chung vốn “đánh quả” mặt hàng… khăn quàng đỏ. Những thùng hàng này được anh cất kỹ dưới gầm giường, thỉnh thoảng lại trở dậy mở ra… ngắm nghía. Thế rồi, hàng bị phát hiện là có màu gạch cua (chứ không đỏ như loại khăn quàng ở Việt Nam), thành thử… không bán được.

Bình luận về mẩu giai thoại này, Trần Đăng Khoa nói: “Chuyện viết để vui thôi, không có gì ác ý, nhưng vô lý. Đã buôn phải buôn thứ quý hiếm, không ai mua thứ không bán được. Ở Việt Nam, không ai bán khăn quàng đỏ. Thứ này nó vào Việt Nam theo ngạch khác. Các em học sinh được kết nạp đội, được nhà trường phát khăn quàng, không phải mua. Vậy chúng tôi buôn khăn quàng thì bán cho ai?”.

Lại có giai thoại về việc Trần Đăng Khoa gặp dích dắc khi làm thủ tục đám cưới. Một tác giả đã viết mười mươi trên báo, rằng khi ông hỏi Trần Đăng Khoa phương án đón dâu, ông được nhà thơ trả lời: “Xe cô dâu thì thằng Ninh bạn em nó lo. Còn tất cả nhà gái tự túc”. Ông trợn mắt: “Kể cả người đến xin dâu, họ nhà gái cũng tự túc?”. Trần Đăng Khoa ngạc nhiên: “Xin dâu thì hôm nọ đi đăng ký, mình đã xin rồi còn gì nữa”. Nghe thần đồng thơ trả lời vậy, tác giả bài báo buông câu bình luận: “Thì ra cu cậu cũng chưa hiểu thế nào là xin dâu. Tôi vừa thấy tức, vừa buồn cười”.

Khi tôi vừa nhắc lại chuyện này với Trần Đăng Khoa, anh phẩy tay nói ngay: “Bịa. Hoàn toàn bịa hết. Mình sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lại như thằng ma xó ấy, làm gì không biết chuyện xin dâu phải như thế nào. Đó là việc quá tối thiểu. Chẳng qua là lần đó, đám cưới đã cận ngày mà đống giấy mời vẫn chưa chuyển đi được là bao. Các cụ ở xa, mình chỉ có một thân một mình, nên mới nhờ bác ấy chuyển giúp một số thiếp mời. Ai ngờ bác ấy lại “vẽ” thêm ra chuyện như thế…”.

Còn một “nỗi oan” mà Trần Đăng Khoa cảm thấy nếu không kể ra thì anh vẫn còn thấy… tưng tức, đó là việc người ta gán cho anh cái giai thoại “sửa thơ Tố Hữu”.

Anh nói: “Không rõ từ bao giờ, trong dân gian loan truyền chuyện mình đã chữa câu thơ Tố Hữu (trong bài “Ta đi tới”): Đường ta rộng thênh thang tám thước thành ra Đường ta rộng thênh thang ta bước. Chính thức thì mình chưa thấy cái giai thoại này in trên báo chí ta bao giờ, nhưng  báo chí của người Việt ở nước ngoài thì có.

Một lần, mình gặp gỡ độc giả người Việt ở Béclin, có người đã hỏi mình về việc này. Mình đính chính đây là “lời đồn”. Ấy thế rồi chính ông tác giả mẩu giai thoại trên lại xưng xưng mọc mọc rằng “Trần Đăng Khoa bây giờ đang chối”. Sự thật, nếu người tinh ý sẽ thấy, không ai dở hơi mà chữa thơ như thế cả. Vì câu trên của Tố Hữu là Trên đường cái ung dung ta bước thì câu dưới không thể lại là Đường ta rộng thênh thang ta bước, lặp lại hai chữ “bước” được. Đấy, sự thể đơn giản vậy mà họ cứ dựng đứng lên như thế, rất buồn cười”.

Chuyện Trần Đăng Khoa “nhát gái” cũng đi vào giai thoại với mật độ khá dày đặc. Như có tác giả kể lại rằng: Một lần Trần Đăng Khoa ngồi với bạn gái trong gian phòng chỉ có hai người. Khi cô gái ra khép cửa chính thì Trần Đăng Khoa lại bước ra mở cửa, thậm chí lấy gạch chặn từng cánh lại cho chắc. Cứ “giằng co” vài lần như thế, cô gái phát bực, mắng: “Anh làm sao thế. Những cửa sổ mở toang ra kia không đủ thở hay sao?”.

Đây là câu chuyện Trần Đăng Khoa thừa nhận có thật, nhưng chỉ là “thật 50{216f164e4743fadc52b7b8d0d20c6dae68562e038279fd08844ac9fa11b33724} thôi”, vì người viết không nói rõ đó là vào thời điểm những năm 1975-1976, thời kỳ mà chuyện nam nữ đang tìm hiểu nhau không dưng khép cửa vào rất dễ khiến người đời dị nghị. Hơn thế, việc người khép người mở cũng chỉ được thực hiện một lần, “có phải trẻ con đâu mà giằng co”.

Liên quan đến chuyện học tiếng Nga, Trần Đăng Khoa cũng phải “góp” vào làng văn nghệ Việt Nam một giai thoại không mấy dễ chịu.

Chuyện kể rằng: Hồi vừa rời khoa tiếng Nga, Trường đại học Tổng hợp Lômônôxốp để làm thủ tục nhập học ở Trường Viết văn Goócky, Trần Đăng Khoa được nhân viên giáo vụ của trường phát cho một tờ khai. Phần đầu nhà thơ trẻ trả lời khá mau lẹ. Đến phần sau, với hai câu hỏi: “Sang Liên Xô lần thứ mấy?” và “Đã có vợ chưa?”, đáng lẽ khai “Sang Liên Xô lần thứ hai” và “Chưa có vợ”, không biết có phải do vốn tiếng Nga còn mỏng, Trần Đăng Khoa lại ghi số 0 vào mục “Sang Liên Xô lần thứ mấy?” và ghi số 2 vào mục “Đã có vợ chưa?”. Giáo vụ Trường Viết văn Goócky là một cô gái trẻ. Đọc tờ khai của Trần Đăng Khoa, cô trợn mắt ngạc nhiên, không ngờ một chàng trai trưởng thành dưới mái trường XHCN ấy lại là người “đa thê” như thế. Ngay lập tức, chuyện Trần Đăng Khoa “hai vợ” được cô báo cáo với Ban Giám hiệu.

Sự thực, ở ngoài đời, Trần Đăng Khoa có “yếu” ngoại ngữ đến vậy không?

Trước khi trả lời câu hỏi của tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cần phải tặng “bằng khen” cho người bịa ra chuyện này, bởi theo anh “Ai học tiếng Nga đều biết, giữa hai câu hỏi: Sang Liên Xô lần thứ mấy? và Đã có vợ chưa?, chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Người dốt tiếng Nga đến mấy cũng không thể nhầm nội dung câu nọ ra câu kia. Sự thực, nếu có nhầm thì là nhầm giữa hai câu: Đã có vợ chưa? và Anh có hiểu tiếng Nga không?, bởi trong hai câu hỏi này, có chữ zhenat (nghĩa là đã có vợ) và znat’ (là hiểu biết) đọc nghe na ná nhau. Bởi thế hồi mới sang Nga, mình cũng đã từng trả lời lộn hai câu hỏi này”.

Về khả năng tiếng Nga, nhà thơ Trần Đăng Khoa thật thà tâm sự: “Mình nói tiếng Nga không hay. Nó ra ngay một “thằng bồi”. Nhưng được cái mình diễn đạt được đúng điều mình nói. Ngữ pháp mình dùng không phải ngữ pháp người Nga. Người Nga bảo: Anh nói tôi biết hết, nhưng người Nga chúng tôi không nói như thế. Tóm lại, ai đùa cứ đùa. Còn nói mình lõm bõm tiếng Nga thì không đúng. Nếu chỉ biết như thế thì làm sao mình có thể tốt nghiệp loại xuất sắc. Như chuyến đi Đức cách đây mấy năm, mình giao tiếp, làm việc tất tần tật bằng tiếng Nga đấy chứ”.

Để kết thúc câu chuyện có vẻ hơi… dài dòng này, nhà thơ Trần Đăng Khoa thẳng thắn bày tỏ: “Các nhà giai thoại nên nhìn nhà thơ như người bình thường, không nên biến người ta thành… dị dạng. Các nhà thơ bây giờ cũng nhiều người khôn ngoan, thiết thực lắm”.

Về phía mình, anh tự đưa ra nhận xét: “Tôi thực sự là con cáo trong đời sống. Chứ cứ “ú ớ” như người ta viết thì làm sao quản lý được số lượng cán bộ, nhân viên đông như thế”.

(Nhân đây, xin giới thiệu thêm: Hiện tại, nhà thơ Trần Đăng Khoa đang là Giám đốc hệ VOVTV của Đài Tiếng nói Việt Nam với quân số lên tới gần trăm người)

Phạm Khải
Nguồn: CAND

Bình luận Facebook