google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Nhà thơ Thanh Tùng: Mãi còn màu hoa đỏ “cháy” bên đời - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Nhà thơ Thanh Tùng: Mãi còn màu hoa đỏ “cháy” bên đời

Có ai từng đi qua tuổi trẻ mà không một lần thầm hát “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi…” của nhà thơ Thanh Tùng. Giờ đây, ông đã về bên kia thế giới, nhưng màu hoa đỏ khát khao của tuổi trẻ, về một thời yêu đương tha thiết ấy, vẫn còn cháy mãi với đời…

Dù biết cuộc đời, ai rồi cũng đến lúc tạ từ nhưng khi thông tin nhà thơ Thanh Tùng mất vào tối ngày 13-9 được chia sẻ trên mạng xã hội và báo chí đưa tin ngay sau đó, vẫn khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng. Bởi tên của ông gắn với một tượng đài trong họ. Nhắc đến ông, là nhắc về màu hoa đỏ “máu ứa một thời trai trẻ”, là nghĩ về một thời trẻ tuổi, một thời say mê sôi nổi, lửa đời bừng cháy.

Màu hoa mà trong những ngày tháng khốc liệt của chiến dịch Quảng Trị – 1972 vẫn còn in hằn, không sao nhạt được. Đó là màu hoa mà nhà thơ Mai Linh sinh thời gọi là “màu hoa của nỗi đau, tiếng dịu dàng nhưng thét gọi của tình yêu trong dằng dặc những hy sinh của cuộc chiến giành lại Tổ quốc”.

Hồi còn sống, ông có kể về hoàn cảnh viết bài thơ “Thời hoa đỏ”, sau này được nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Người vợ đầu của ông tên là Thanh Nhàn, ở Hải Phòng, nổi tiếng nhan sắc, sau đó đã chia tay ông đi lấy một người khác ở Quảng Ninh.

Tuy chia tay nhau nhưng ông vẫn thương nhớ bà Thanh Nhàn. Nghe tin người vợ cũ qua đời vì bệnh tim, ông đạp xe suốt một quãng đường từ Hải Phòng xuống Vĩnh Bảo – nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ “Thời hoa đỏ” đã ra đời trong hoàn cảnh này.

Nhân vật nữ trong bài thơ chính là người vợ đầu trong mối tình tan vỡ của ông. Khi kể lại, ông gọi đó là một thứ tình cảm lạ lùng, một thứ tình yêu phi lí, và không hiểu sao mình có sức mạnh kỳ lạ đến thế? Dầu vậy, khi hỏi về thứ tình yêu có phần “mù quáng” với nhiều người đó, ông nói, không thể gọi là mù quáng hay không mù quáng, họ yêu cho họ, họ yêu cái ở trong họ bùng lên.

Ông bảo: “Tôi đã yêu với tất cả cái tốt, cái xấu của người mình yêu. Và khi yêu rồi thì kể cả họ không yêu mình, mình cũng yêu họ và khi người yêu mình gặp điều không may thì mình quá là đau đớn”. Với ông, người làm thơ là phải chân thành và thậm chí… dại khờ. “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say” là hai câu mà ông thích nhất trong bài thơ nổi tiếng này.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc ca khúc “Thời hoa đỏ” vào năm 1989. Sau đó mấy năm, vào năm 1993, bài hát này được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1995 được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.


Nhà thơ Thanh Tùng bên con gái và cháu nội. Ảnh: Tiểu Vũ.

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 tại Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng. Bút danh Thanh Tùng được ghép từ tên ông và tên người em ruột tên Thanh mắc bệnh tâm thần của mình.

Ông được biết nhiều với tư cách là một nhà thơ nhưng ông lại sống bằng nhiều nghề khác nhau. Thanh Tùng làm nghề khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Có thời gian dài, ông làm nghề áp tải. Thời kỳ bài thơ “Thời hoa đỏ” được phổ nhạc, ông hành nghề bán sách trên vỉa hè sau khi thôi làm công nhân đóng tàu.

Năm 1995, ở tuổi 60, Thanh Tùng chuyển vào định cư tại TP. Hồ Chí Minh. Cuộc đời sự nghiệp của ông không quá đồ sộ nhưng ông có những bài thơ được nhiều người yêu thích. Ngoài bài thơ “Thời hoa đỏ” nổi tiếng, Thanh Tùng còn có 3 bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, được nhiều người yêu thích là “Người về”, “Hà Nội ngày trở về”, “Mùa thu giấu em”.

Năm 2001, Thanh Tùng mới xuất bản tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên “Thời hoa đỏ” (Nhà xuất bản Văn học) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. Ngoài ra, ông còn có các tập thơ khác mang tên: “Gió và chân trời”, “Khúc hát quê xa”, “Cái ngày xưa ấy”, “Thuyền đời”…

Vợ của nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời để lại cho ông hai người con, một trai, một gái. Năm đó, chị Lan Hương – con gái đầu của ông – được khoảng 15 tuổi. Suốt những năm tháng dài về sau, dù vẫn trải qua vài rung cảm lãng mạn, Thanh Tùng không kết hôn lần nữa.

Ông một mình nuôi hai con khôn lớn, dù phải trải qua nhiều vất vả, cực nhọc. “Bố tôi chỉ thuần là một nhà thơ, một thi sĩ. Ông sống không ganh đua với ai, không bon chen, tính toán thiệt hơn mà luôn giữ sự hồn nhiên, lãng tử. Ông luôn chịu đựng sự nghèo túng một cách vui vẻ, lạc quan.

Ông yêu thơ nên coi sự nghèo khổ, rách rưới chỉ là một thử thách, rồi sẽ có lúc vượt qua. Đời ông luôn coi trọng tình bạn và thơ ca. Tinh thần và nghị lực của ông đã truyền cho tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay”, chị Lan Hương chia sẻ.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng: Tôi phải cảm ơn nhà thơ Thanh Tùng, có ông thì mới có tôi

Tôi phổ nhạc cho ca khúc “Thời hoa đỏ” trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 1989, tôi là một trong 4 nhạc sĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đi dự trại sáng tác ở Liên Xô (cũ).

Ngày ấy, do hơi chủ quan nên quần áo tôi mang sang không đủ ấm. Không có giày lông, áo măng tô chỉ may bằng vải ka-ki không thể chống lại cái lạnh giá bên nước bạn. Sau một tuần, tôi bị ho ra máu. Tình hình nguy kịch, nửa đêm, tôi được anh em cùng đoàn và các đồng nghiệp Nga cho đi viện.

Tôi nằm viện hơn một tháng, xung quanh ít người đồng hương, lại không quen với bánh mì và súp chua, nên cái gì trước mắt cũng xa lạ, chỉ có nỗi buồn và nỗi cô đơn là gần gũi. Hàng ngày, tôi cứ đứng tựa cửa sổ bệnh viện nhìn tuyết phủ trắng xóa bên ngoài, cảm giác cô đơn, nhớ nhà càng xâm lấn tâm hồn. Để đỡ buồn, tôi lục balô lấy quyển “99 bài thơ tình” mà tôi mua ở Việt Nam để đọc.

Tôi vốn là người rất yêu thơ. Khi đọc đến bài thơ “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng, không hiểu sao những hình ảnh “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ” cứ ám ảnh tôi…

Cảm xúc nuối tiếc, buồn bã của nhà thơ sao giống mình đến thế. Bài thơ thức dậy trong tôi những trải nghiệm, những cảm xúc của mình trước đây và tôi như gặp lại mình của những năm về trước. Tôi nhớ đến điệu quân tử vu dịch: Dặm trường thân gái một mình, gánh sầu xẻ nửa gánh tình chia đôi mà nàng Châu Long hát tiễn Lưu Bình trước lúc đi thi trong tích chèo Lưu Bình – Dương Lễ. Nỗi buồn trong tích chèo cũng mênh mang, man mác như những câu thơ ấy và tự nhiên trong tim tôi, những nốt nhạc bắt đầu thốt ra, chậm rãi, nao nao như những tiếng bước chân vọng về từ quá khứ: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng trên con đường vắng năm nao/ Chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào/ Mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào…”.

Ngay sau đó, những giai điệu đầu tiên của bài hát tự nhiên ngân lên trong tôi. Khi bài hát hoàn thành, tôi ngồi hát trên giường bệnh và thấy lòng nhẹ bẫng như vừa trút bỏ được những buồn phiền trước đó. Sau này về nước, tôi có hoàn thiện lại thêm một chút và Lệ Thu là ca sĩ đầu tiên hát thành công bài hát này.

Nhiều người cứ thắc mắc tại sao trong câu thơ của Thanh Tùng: “Như máu ứa một thời trai trẻ” hay đến vậy mà tôi lại thay hai từ “máu ứa” bằng “nuối tiếc” trong ca khúc “Thời hoa đỏ”. Có lẽ cả đời viết nhạc của tôi sẽ có những nỗi buồn đọng lại, nhưng đó là những nỗi buồn trong sáng và đẹp, tôi không muốn hát lên một nỗi buồn bi lụy…

Với nhà thơ Thanh Tùng, tôi biết thơ trước khi gặp ông. Tôi được biết, bài thơ “Thời hoa đỏ” được nhà thơ Thanh Tùng sáng tác để tưởng nhớ người vợ đầu đã mất của ông. Tuy chia tay nhau từ lâu nhưng ông vẫn thương nhớ bà và khi bà mất, nỗi bi thương trong lòng ông đã kết tinh thành “Thời hoa đỏ”. Thanh Tùng cũng có một cuộc đời khá long đong, vất vả. Sau này, ca khúc được Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm do Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng trao tặng.

Mãi sau này, khi gặp Thanh Tùng, tôi mới muộn màng xin phép ông về sự thay đổi từ ngữ trong ca khúc của mình. Đây là ca khúc nổi tiếng trong cuộc đời sáng tác của tôi. Nhiều người, nhiều thế hệ cứ nối tiếp nhau hát ca khúc này.

Khi tôi gặp nhiều người, ai cũng nhắc đến ca khúc này. Tôi cho rằng để ca khúc sống được trong lòng khán giả là một cái duyên và sự may mắn. Lúc nào tôi cũng muốn nói lời cảm ơn ông vì nhờ có ông, tôi mới có một ca khúc đặc biệt đến vậy, cũng nhờ có ông, mọi người mới biết đến tôi nhiều như vậy.

Nhạc sỹ Phú Quang: Anh Thanh Tùng có những câu thơ đọc một lần bị ám ảnh mãi

Tôi quen nhà thơ Thanh Tùng cũng lâu rồi. Anh là một người thợ, sau làm thơ. Nhưng anh ấy có những tứ thơ hay, những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần ám ảnh mãi. Ví dụ như bài “Hà Nội ngày trở về”, từ 8 chữ trong bài thơ của anh Thanh Tùng: “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, tôi đã nảy ra nhạc ca khúc đó.

Đó là 8 chữ hay nhất trong bài thơ của anh. 8 chữ ấy cũng là những câu cửa miệng của nhiều người luôn đau đáu với Hà Nội nhưng chẳng thể có thời gian ở bên và sẻ chia với Hà Nội một cách dài lâu. Hay như từ câu thơ “Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế” trong bài thơ “Em và thu” của ông, tôi đã viết nên ca khúc “Mùa thu giấu em”.

Tất nhiên, để có được hình dáng ca khúc như bạn thấy, tôi đã phải sửa một số chỗ. Lời thơ của anh ấy vốn chân chất hơn. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi vẫn phải cảm ơn nhà thơ Thanh Tùng. Vì nếu không có những chữ ấy, thì Phú Quang không viết được “Hà Nội ngày trở về”, “Mùa thu giấu em”.

Đây là 2 trong nhiều ca khúc rất nổi tiếng của tôi, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nước ngoài nữa. Tôi phổ nhạc cho khá nhiều bài thơ. Có người tôi phổ nguyên cả bài, có bài tôi chỉ lẩy ra mấy câu, thậm chí là mấy chữ, nhưng khi giới thiệu, tôi vẫn để một cách trang trọng: nhạc Phú Quang, lời Thanh Tùng, hoặc lời của một ai đó, như một cách cảm ơn, trân trọng họ.

Tôi mê văn chương từ nhỏ. Đã từng có giai đoạn, tôi nghĩ, sau này sẽ theo văn chương. Nhưng sau này chẳng hiểu vì sao lại theo con đường này. Thanh Tùng là một trong những nhà thơ mà tôi rất yêu quý.

Theo CAND

Bình luận Facebook