“Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”. Biết tin nhà thơ Thanh Tùng qua đời, rất nhiều người nghĩ ngay tới những câu thơ ấy trong “Thời hoa đỏ” (được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc).
1. Thời hoa đỏ được ông viết về người vợ tên Nhàn khi hay tin bà qua đời ở Quảng Ninh. Bà Nhàn và Thanh Tùng đã chia tay nhau nhưng khi biết bà mất, Thanh Tùng đã lặn lội từ Hải Phòng sang Quảng Ninh viếng vợ cũ. Cái ân tình hòa vào những kỷ niệm đẹp ngày nào đã trào dâng trong ông và bài Thời hoa đỏ ra đời. Thời hoa đỏ là một bài thơ tình cũng như nhiều bài thơ tình khác của Thanh Tùng.
Thời hoa đỏ được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội từ Hà Nội xuống Hải Phòng chơi đem về in báo lần đầu. Sau đó, bài thơ được một nhà làm sách tuyển vào thi tập 99 bài thơ tình.
Mỗi bài thơ đều có số phận riêng, 99 bài thơ tình đã nằm trong ba lô của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng khi ông đi Nga vào năm 1989.
Nhà thơ Thanh Tùng tại sinh nhật 80 của ông
Tiết trời giá lạnh của nước Nga khiến bộ quần áo của Nguyễn Đình Bảng không đủ ấm cho ông. Nhạc sĩ phải nhập viện vì nôn ra máu. Và ông đã đọc 99 bài thơ tình đến bài Thời hoa đỏ thì nhạc sĩ dừng lại. “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi…”. Đầu năm 1990, nhà thơ Thanh Tùng nghe được bài thơ của mình trên sóng phát thanh qua giọng ca Thái Bảo.
Nhờ giai điệu của Nguyễn Đình Bảng mà Thời hoa đỏ của Thanh Tùng được nhiều người biết, cũng như nhờ âm nhạc của Phú Quang mà đại chúng thích hơn những bài thơ của Thanh Tùng như Hà Nội ngày trở về. Nhưng Thanh Tùng không chỉ có một “thời hoa đỏ” để ghi dấu chuyện tình của riêng ông.
Thanh Tùng từng bộc bạch: “Cuộc hôn nhân này im đậm trong nhiều sáng tác của tôi, ví dụ bài Thất tình, tôi viết: Em đã để lại trong tim tôi một mũi dao. Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút. Tôi mang nó suốt đời, còn em thì không biết. Những mùa Thu ướt máu vẫn đi về. Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu. Tôi chữa bằng rượu thôi. Nhưng có sao, khi trái tim tôi đã thành bình rượu. Và mũi dao kia chắc đã say mèm.
“Tôi hiện sống với Lan Hương tại Sài Gòn. Lan Hương là kết tinh của mối tình giữa tôi và bà ấy. Đời tôi thế này cũng đủ gọi là hạnh phúc với con cháu rồi” – ông nói.
2. Ngoài những bài thơ tình sâu đậm với người vợ cũ hay thoáng qua với rung cảm rụt rè: bởi một bóng hồng nào đó (Có bao giờ tôi dám ước mơ đâu”, thơ Thanh Tùng ghi lại rất nhiều từ bước chân lang bạt của ông.. Ở vùng đất nào Thanh Tùng đặt chân đến, ông đều có thơ như là một sứ mệnh.
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ ‘Thời hoa đỏ’ Thanh Tùng đã qua đời lúc 21g50 ngày 12/9 tại tư gia ở TP.HCM, hưởng thọ 83 tuổi.
Đó là Đà Lạt với “Một vùng trời trong đến nỗi. tôi thành vẩn đục mà thôi. tôi lọc tôi trong thác xối. trong hương thơm của trái tươi” (Đà Lạt). Hoặc là Nha Trang “em quăng cho con sóng. Lẽ nào tôi không biển. Em ném cho sợi buồn. Lẽ nào không sương khói.Chỉ một chớp hôn thôi. Thì đã Nha Trang rồi”.
Với Thanh Tùng được yêu, được đi, được bè bàn giống như không khí để thở của mỗi người. Như ông viết sau một lần gặp bạn: “Gặp về không ngủ nổi. Hóa ra tình cũ rót vào nhau. Rượu ấy bây giờ không có nữa. Chỉ còn trong đáy của hồn sâu….. Mỗi đứa lại vội vàng mấy ngã. Bao giờ trở lại uống nhau đây?”.
Tình nghĩa và nồng nhiệt với bạn bè như thế, nên trong sinh nhật lần thứ 80 của mình, Thanh Tùng được nhà thơ Trần Mạnh Hảo ngẫu hứng sáng tác ngay tại chỗ bài thơ Thanh Tùng ăn hải cảng để mừng sinh nhật “bạn già”: “Thanh Tùng chộp lấy những con đường Hải Phòng. Dốc ngược chúng lên và nốc. Lấy mình làm cốc. Nốc những mối tình chưa xong. Rượu cất bằng nước mắt. Anh ngồi gắp cuộc đời. Nhắm toàn mồ hôi”.
Cả đời Thanh Tùng làm công nhân, khuân vác. Nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo là ông chỉ “nhắm toàn mồ hôi” nhưng ông luôn được yêu quý. Lần này Thanh Tùng “vội vã ra đi” mãi mãi để lại tiếc thương như câu thơ của ông “Bao giờ trở lại uống nhau đây?”.
THEO TT&VH