Nhà thơ Tạ Hữu Yên với Cảm xúc tháng Mười

Trong tiết trời se lạnh đầu thu, phố phường Hà Nội đâu đó lại vang lên giai điệu lúc thiết tha, lúc hùng tráng của ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” – nhạc Nguyễn Thành, lời thơ Tạ Hữu Yên. Đúng như nhan đề bài hát, đây thực sự là dòng cảm xúc về những ngày tháng Mười lịch sử: Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu

Cảm xúc tháng Mười

Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.

Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui rạo rực tâm hồn.

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.

Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòa năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm.

Tháng Mười – ấy là khúc ca say
Khúc ca chở những chiến công đầy
Ôi, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.

Tạ Hữu Yên

Tôi đã may mắn có dịp được trò chuyện với tác giả bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” vào giữa tháng 9 vừa qua. Nhà thơ Tạ Hữu Yên hiện đang sống trong căn nhà nhỏ nằm ở phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội).

Đó là một ngày đầu thu, tiết trời đã lành lạnh. Có lẽ, nhờ sự đón tiếp nhiệt tình, cởi mở và tách trà nóng mà nhà thơ Tạ Hữu Yên mời, nên tôi thấy lòng mình ấm lại. Trước tôi là một ông lão đã tròn 80 tuổi, giản dị trong bộ Pigiama màu vàng nhạt, gương mặt hồng hào, phúc hậu, mái tóc bạc phơ, dáng vẻ ung dung tự tại. Mặc dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng nhà thơ Tạ Hữu Yên vẫn còn rất vang và khỏe. Khi tôi hỏi về “Cảm xúc tháng Mười”, đôi mắt ông ánh lên niềm vui, niềm xúc động. Dường như, ký ức một thời tuổi trẻ hào hùng đang hiện về trong ông…

Cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất cố đô Hoa Lư – Ninh Bình, nhưng có lẽ Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Thuở nhỏ, Tạ Hữu Yên từng sống và học tập ở đây, vì thế mà nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An đã ngấm trong ông. Năm Nhật đảo chính Pháp, ông trở lại quê nhà, rồi vào bộ đội năm 1948. Khi quân ta tiến về giải phóng Thủ đô thì nhà thơ Tạ Hữu Yên đang là cán bộ binh vận thuộc tỉnh đội Ninh Bình, tham gia giành chính quyền tại khu công giáo Phát Diệm. Ông không ngờ, ngày trở lại, Hà Nội đã là thành phố hòa bình.

Như đứa con xa quê lâu ngày gặp lại, chàng trai Tạ Hữu Yên cứ lang thang trên những đường phố Hà Nội. Chỉ có điều là, Hà Nội nay đã khác xưa, không còn một bóng quân xâm lược.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên nói rằng, nỗi ấp ủ viết về Hà Nội mãi 20 năm sau ngày giải phóng mới thành thực hiện. Đó là vào năm 1974, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề Hà Nội – nhân 20 năm ngày giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Thành đến “đặt vấn đề” với ông làm một bài thơ để mình phổ nhạc. Nhận lời nhưng ông cũng rất lo, Hà Nội vốn có nhiều kỷ niệm với ông, nhưng để kỷ niệm biến thành nguồn cảm xúc, thành hồn thơ lại là chuyện không dễ.

Mấy ngày liền, ông cứ lang thang khắp phố phường Hà Nội. Đi xe điện từ phố Bạch Mai lên phố Huế, nhìn thấy một tấm biển đề “Khói lam chiều” (tên một tác phẩm của Lưu Trọng Lư), qua Hàng Đào thấy biển đề “Ngựa đã thuần mời ngài lên” (cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời của Lê Văn Chương), ký ức một thời bỗng ùa về. Dòng máu thấm đẫm chất văn chương trong ông như cuộn chảy, thôi thúc. Cũng là những ngày tháng Mười như 20 năm về trước, trời thu vẫn trong vời vợi, những nhịp trống rung rộn ràng, hình ảnh từng đoàn quân bừng bừng khí thế…

Khổ thơ đầu tiên chợt đến rất nhanh:

Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.

Và cứ thế dòng cảm xúc chảy thành lời thơ. Chỉ trong một đêm, ông chong đèn ngồi viết xong bài thơ để kịp chuyển cho nhạc sĩ Nguyễn Thành. Nhà thơ Tạ Hữu Yên cho tôi biết thêm rằng: Khi ông sáng tác, cứ như có ai đó đọc ra cho viết, và từng dòng thơ cứ tuôn trào qua con chữ. Đến khi giật mình thì đã dài tới bảy, tám khổ thơ rồi. Sau đó, ông đã phải rất khó khăn để rút ngắn lại.

“Nếu như giờ mà hỏi rằng tại sao tôi viết như vậy, tôi cũng không thể trả lời được. Chỉ biết rằng lúc ấy trước mắt tôi là bầu trời Hà Nội trong như không thể nào trong hơn. Hình ảnh những người bạn gái thuở đi học hiện ra trước mắt. Họ đẹp lắm, đầu đội mũ calô, miệng cười rất tươi, đặc biệt đôi mắt ánh lên hút hồn… Nét duyên dáng đài các không thể lẫn với thiếu nữ ở bất cứ vùng đất nào khác. Và còn đẹp hơn khi họ cùng hoà chung lòng yêu nước, tin tưởng vào ngày chiến thắng của dân tộc” – Nhà thơ Tạ Hữu Yên xúc động nói.

Tôi, lớp người hậu sinh, đọc những dòng thơ ông mà thấy lòng mình xốn xang, chộn rộn:

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca…

Có lẽ, những hình ảnh ấy đã “ẩn” sẵn trong tâm hồn nhà thơ Tạ Hữu Yên, khi được khơi nguồn qua “cú huých” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, khiến cho dòng cảm xúc thăng hoa thành những vần thơ. Ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” đã được trao giải nhất trong cuộc thi năm đó.

Hà Nội là quê hương thứ hai của nhà thơ. Không có gì hạnh phúc hơn khi được viết về mảnh đất “lắng hồn thiêng nước non” bằng bầu nhiệt huyết của mình. Vì thế, “Cảm xúc tháng Mười” mới gây xúc động lòng người đến vậy. Một bài thơ được chắp cánh bay xa qua giai điệu, trở thành một ca khúc nổi tiếng, đó là sự kết hợp nhuần nhuỵ tuyệt vời giữa thơ và nhạc.

Đã 32 năm trôi qua, “Cảm xúc tháng Mười” vẫn vang lên trong những đêm nhạc hội, ngày lễ, Tết, trên sóng phát thanh, truyền hình. Hẳn rằng, hôm nay và mai sau, “Cảm xúc tháng Mười” sẽ còn gợi cho chúng ta nhớ về một thời hào hùng, khói lửa của Hà Nội, qua những ca từ và giai điệu thiết tha, hùng tráng, vang xa…

Tuyết Trinh/CAND

 

Bình luận Facebook