Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Những bài thơ cuối
Trong số 5 bài thơ cuối cùng trong đời thơ của Phạm Tiến Duật, có 1 bài thơ, ông viết sau phút giao thừa để tặng cho người thân của mình, người đang sống cùng ông. Bài thơ ấy, đã được ông viết tay ra nhiều bản để lưu lại khoảnh khắc riêng tư của tiếng lòng trong mối tình cuối cùng ấy và đã in vào báo xuân năm 2007.
Thời gian nhanh tựa một chớp mắt. Mới Tết năm 2007, đêm giao thừa, Phạm Tiến Duật với người thân còn đi cầu may ở chùa Quan Hoa, hồ Thiền Quang.
Giao thừa người đi lễ chùa đông, Phạm Tiến Duật lễ chùa xong quay ra lạc mất người thân, nghĩ thế nào lại quay trở vào chùa lễ thêm một lễ cầu xin năm 2007 ra được tuyển tập. Xin trời phật rồi mới biết mình gở mồm, ông lấy tay mình tự tát mãi vào hai bên miệng và bảo rằng thủi thui những điều chẳng lành.
Ông nói, chỉ có những người sắp chết mới làm tuyển tập để đời, mình khỏe mạnh thế này sao đã phải nghĩ đến làm tuyển tập. Từ đó cho đến sáng, ông cứ lặng người đi, trăn trở với một nỗi buồn man mác.
Không ngờ lời cầu nguyện trước bàn thờ phật đêm giao thừa Đinh Hợi thế mà linh ứng. Tuyển tập Phạm Tiến Duật đã đến được tay người đọc yêu thơ, hâm mộ thơ Phạm Tiến Duật, còn chủ nhân thì đã nhẹ gót trần ai, hồn xiêu phách lạc nơi đâu.
Hà Nội những ngày này trời đã trở lạnh. Tháng chạp đã đến gần hơn trong cái se sắt hun hút của những ngày gió mùa thổi qua Hà Nội. Tôi tìm đến ngõ Văn Chương, nơi nhà thơ Phạm Tiến Duật sống những ngày tháng cuối đời để mong gặp lại chút hơi ấm người xưa trong số những di cảo để lại của ông, và cũng là để thắp cho ông nén hương của một cái giỗ đầu tiên sắp tới gần.
Thời gian thật nghiệt ngã khi lạnh lùng xóa đi những gì không còn thuộc về nó nữa. Mấy hôm trước, cơ quan tôi có một người đồng chí, đồng nghiệp vừa ra đi sau căn bệnh ung thư hiểm nghèo khi tuổi đời đang sung sức. Cũng như ông, người đồng nghiệp của tôi từ khi phát bệnh cho đến lúc mất chỉ 45 ngày, còn ngắn ngủi hơn nhiều, để lại cho bạn bè người thân một nỗi bàng hoàng đáng sợ.
Hôm đưa tang anh trên nghĩa trang Văn Điển, đi qua nơi nhà thơ Phạm Tiến Duật yên nghỉ, nhìn thấy mộ ông nằm thanh thản bình yên dưới những vòm cây xanh rì rào nắng gió, thấy cuộc sống mới ngắn ngủi và mong manh biết bao. Bao nhiêu buồn vui sướng khổ, bao hệ lụy trần ai, bao bon chen hỷ nộ ái ố của cuộc đời rồi cuối cùng cũng chỉ vỏn vẹn trong 3 thước đất.
Trong ngôi nhà ở ngõ Văn Chương, những di vật để lại của nhà thơ Phạm Tiến Duật không nhiều nhưng cũng đủ cho những người thân nhớ thương ông khắc khoải. Tôi lần giở đống bản thảo và những di cảo ông để lại, thấy thương Phạm Tiến Duật nhiều hơn và hiểu ông cặn kẽ hơn.
Trong số những tập di cảo của ông chủ yếu là các bài viết tiểu luận, bài phê bình, các bài tham luận và những bài giới thiệu thơ cho bạn bè, vấn đề nào, trang viết nào Phạm Tiến Duật cũng đầy đặn, cũng ấm áp tấm lòng, tình cảm và lấp lánh ánh sáng của một trí tuệ thông minh siêu việt.
Tôi tìm trong ngổn ngang những di cảo ấy là những bài thơ viết tay của Phạm Tiến Duật trong mùa xuân năm 2007, nghĩa là trong khoảnh khắc đón mừng năm mới. Có cả thảy 4 bài thơ phía dưới đề là xuân 2007, bao gồm: “Em là tia nắng”, “Khoả thân”. “Người bán bóng bay đi rộng trên đường phố”, “Năng lượng người, năng lượng tình yêu”, và một bài thơ viết còn dở dang khi ở trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo người thân của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì đây là 5 bài thơ cuối cùng trong đời thơ của Phạm Tiến Duật. Bước sang năm 2007, ông cảm hứng đầu xuân và sáng tác mấy bài thơ này, còn sau đó nhà thơ Phạm Tiến Duật viết một ít bài tiểu luận nữa. 29/6/2007 ông phát hiện bị bệnh. Từ tháng 7 đến ngày mồng 4 tháng 12 là 4 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng.
Trong số 5 bài thơ ấy, có 1 bài thơ, Phạm Tiến Duật viết sau phút giao thừa để tặng cho người thân của mình, người đang sống cùng ông. Bài thơ ấy, đã được ông viết tay ra nhiều bản để lưu lại khoảnh khắc riêng tư của tiếng lòng trong mối tình cuối cùng ấy và đã in vào báo xuân năm 2007.
Em là tia nắng
Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của anh
Nửa đời anh chẳng êm lành
Quầng bom lửa đỏ, da xanh sốt rừng
Mùa mưa em có biết không
Triền miên 6 tháng ròng ròng toàn mưa
Chồn chân trong khoảng rừng thưa
Lán bộ đội bấy sáng trưa nhớ… trời.
* * *
Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của anh
Đường dài có lúc gập ghềnh
Túi không em phải một mình nuôi con
Khổ nào bằng khổ cô đơn
Mà em vẫn một tấc son tự hồng
Ai người biết thuở tay không
Mà gương mặt vẫn tươi hồng nét xuân.
* * *
Qua rồi cái thuở gian truân
Đích xa mà lại thấy gần em ơi
Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của nhau.
(Xuân 2007)
Bài thơ “Năng lượng người, năng lượng tình yêu” cũng được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trong niềm cảm hứng mùa xuân mới. Bài thơ này Phạm Tiến Duật vẫn chưa kịp công bố.
“Đường dây 500 kilovon bắc qua Trường Sơn
Anh thợ của Công ty Điện lực 3 ngửa mặt nhìn kinh ngạc:
Có một chiếc võng của lính Trường Sơn bay ở ngang trời!
(Sau bao nhiêu năm, võng cũng lên cao theo chiều cao cây mọc)
Anh thợ đường dây bật khóc
Thấy quá khứ bi hùng đang lướt ở trên vai
Bom phá, bom bi, đạn phá ngút trời
Giặc những muốn nơi này trở về thời kỳ đồ đá
Hoạch định lại giang sơn sau hai mươi năm vất vả
Đất nước đang mở ra bề bộn những công trình
Năng lượng thuở chiến tranh khác chi năng lượng thời bình
Điện lấy từ than, điện lấy từ khí đốt
Điện lấy từ sông hồ với những dòng thác bạc
Điện lấy từ gió, điện lấy từ ánh sáng
Những năng lượng nào lớn bằng năng lượng Người
Năng lượng của tình yêu sánh cùng trời cùng đất
Em ra phố hôm nay rạng ngời gương mặt
Giá điện tăng, chất lượng sống tăng lên
Em mua kính, mua gương, mua tủ, mua đèn
Mua máy nhìn, máy nghe… Như chất mùa xuân lên xe mà chở
Chỉ anh ngồi đây và nhớ
Đường dây 500 trên Trường Sơn còn chiếc võng treo cao
Như lá cờ của thời gian đang vẫy”.
(Tháng 1/2007).
Mùa xuân năm 2007 là mùa xuân cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Dẫu những bài thơ lúc này đã khác xưa, nhưng nỗi khắc khoải cũng đã mang dáng dấp của người đàn ông bước qua tuổi lục tuần, không còn trẻ trung và hào hoa như xưa nữa. Nhưng những gì ông viết trong những khoảnh khắc yên tĩnh của mùa xuân cuối cùng 2007 ấy, vẫn là một nỗi yêu đời yêu người tha thiết. Ký ức Trường Sơn là những năm tháng chưa xa và không thể nào nguôi quên trong tâm khảm của một đời thơ trận mạc.
Phạm Tiến Duật vẫn còn nhiều ước vọng, nhiều khát khao với cuộc đời. Ngay cả những ngày tháng lâm trọng bệnh, Phạm Tiến Duật luôn tin tưởng rằng, mình sẽ vượt qua được những giây phút nan nguy nhất của bệnh tật để sống như đã từng vượt qua hòn tên mũi đạn ở chiến trường. Nằm viện, bên cạnh những bệnh nhân khác, Phạm Tiến Duật vẫn luôn giữ chất lính, nhìn bệnh tật một cách hóm hỉnh, và luôn ở trong một tư thế lạc quan, yêu đời.
Tôi đã đọc được những câu thơ viết dở dang của Phạm Tiến Duật trên một tờ giấy kẻ ô ly xé ra từ trang vở học trò. Nét chữ nguệch ngoạc khó đọc, tưởng như ông nằm bẹp trên giường, viết vội giữa những cơn đau nên nét chữ run rẩy khó nhọc.
Bài thơ có nhan đề: “Những cánh chim bay trong vườn bệnh viện”, “Lại có thứ người gọi là bệnh nhân/ Nằm bẹp một nơi mà ngoài kia chim hót/ Không chơi được lần ra kia tiếng cao lảnh lót/ Một mình chim nhảy nhót chuyền cành/ Bác là cây đại thụ già của tỉnh Quảng Bình/ Đất Quảng Trạch nhiều chim, nhiều… nhiều… (đoạn này trong bản thảo không rõ lời)/ Nhưng trước hết đời cần là màu cờ đỏ/ Mùa thu giành chính quyền, náo nức chim bay/ Còn bác phòng bên chinh chiến đại dương/ Tuổi trẻ trên tàu xông pha sóng biển/ Bao nhiêu chuyến đi tháng ngày trên biển/ Chỉ những đàn hải âu trắng xóa nâng tàu…”.
Cũng trong thời gian này ngày 15/7/2007, sau khi phát hiện bệnh được nửa tháng, đang điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, nhà thơ Phạm Tiến Duật trốn viện về nhà để vẽ một bức tranh đầu tiên và duy nhất. Bức tự họa: “Khát vọng”. Ông ý định vẽ thêm một bức nữa để tặng người thân nhưng không kịp thực hiện. Trước đó tháng 6/2007, chuyến du lịch cuối cùng trong đời, Phạm Tiến Duật đã viết một bài hát tặng cho người thân. bài hát mang tên “Anh đưa em đến Cửa Lò”, đã phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là những tác phẩm cuối cùng trong đời thơ Phạm Tiến Duật.
Thời gian cuối của bệnh tật, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận được một bức thư đặc biệt. Chị Phạm Thị Thanh Bình vẫn còn nhớ rõ. Hôm ấy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trao bức thư cho nhà thơ Phạm Tiến Duật và cho biết: Bức thư này gửi đến đã mấy hôm nay nhưng vì không ghi rõ địa chỉ khoa nào nên bức thư đã đi lòng vòng để tìm nhà thơ Phạm Tiến Duật. Lúc này Phạm Tiến Duật đã yếu lắm rồi, ông không tự đọc được thư nữa, và cũng không nói được nữa.
Chị Phạm Thị Thanh Bình đã đọc cho nhà thơ Phạm Tiến Duật nghe toàn bộ nội dung bức thư: “Sài Gòn 6/11/2007. Đọc bài báo xong, tim em thắt lại. Phạm Tiến Duật ơi! Lúc này em chỉ muốn bay ra thăm anh dù chỉ là một phút. Nhưng không được rồi. Em đành viết mấy dòng này để gửi đến anh với tất cả niềm yêu thương vô vàn của em. “Có lẽ nào ta lại xa nhau/ Khi kỷ niệm vẫn cồn lên nỗi nhớ/ Khi nắng ấm ban mai còn lung linh trên cành lá/ Khi bầu trời còn phủ trắng mây bay/ Có lẽ nào ta lại chia tay/ Khi mỗi bước đi còn nặng tình xưa cũ/ Khi mỗi tiếng cười còn vọng về Xuân Ổ/ Và tim hoà rung nhịp xôn xao…”. Đã xa! Đã xa! Nhớ anh! (Hoa sen vàng). (Tái bút: Chị Tình có ra với anh không? Cho em gửi lời hỏi thăm chị Tình và toàn bộ gia đình anh. Nếu lá thư này đến được tay anh mong anh cho em biết). LHL – TP HCM (vì lý do tế nhị tòa soạn xin được giấu tên)”.
Chị Bình kể rằng, khi đọc xong cho anh Duật nghe bức thư này, anh Duật đã ấp lá thư lên bên trái tim, và cầm lấy bàn tay của tôi ấp lên lá thư đặt trên ngực và khóc. Anh ra hiệu tôi ghé tai lại và thì thầm được mấy tiếng ngắt quãng: “L… mới chính là mối tình đầu của anh… Em có buồn không?”. Chị Bình đã ôm chặt lấy nhà thơ Phạm Tiến Duật và bảo: “Em cảm ơn tất cả những người bạn cũ của anh đã nhớ anh và động viên anh trong những phút giây này”.
Suốt cả ngày hôm ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật còn yêu cầu chị Bình đọc lại hai lần cho ông nghe bức thư ấy. Lần nào đọc xong, ông cũng khóc. Sau khi Phạm Tiến Duật mất, một người chị gái của Phạm Tiến Duật đã kể cho chị Bình nghe mối tình của ông với chị L ngày ở chiến trường, và lý do vì sao hai người chia tay nhau. Bài thơ trích trong bức thư của chị L viết cho Phạm Tiến Duật là hàm ý nhắc về mối tình tha thiết mà không trọn vẹn, xa nhau trong khi đang yêu nhau mặn nồng. Sau này có điều kiện, chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này một cách chi tiết hơn trong một bài viết khác. Chị Phạm Thị Thanh Bình vô cùng ân hận đã không thể gọi điện báo lại cho chị L rằng ông đã nhận được thư. Vì ngay sau hôm đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật hôn mê sâu.
Thương quá nhà thơ Phạm Tiến Duật ơi. Yêu cuộc sống mãnh liệt, và sức sống mãnh liệt là vậy nhưng rốt cục nhân định không bằng thiên định. Lại một mùa xuân nữa sắp về rồi, tháng Chạp này là giỗ đầu của ông, nhân gian không còn được nghe ông đọc thơ, làm MC dẫn chương trình trong các show truyền hình cho người cao tuổi. Xuân này, vĩnh viễn không bao giờ còn nữa những câu thơ viết dở dang. Bước sang năm 2009, đường Trường Sơn kỷ niệm tròn 50 năm ngày ra đời con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong dòng người nườm nượp đổ về Trường Sơn thiếu mất một người. Nhà thơ Phạm Tiến Duật ơi, Trường Sơn sẽ nhớ ông nhiều lắm
Nguồn Lê Thị Thanh Bình/ CAND