google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và bài thơ "Hoa sữa" - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và bài thơ “Hoa sữa”

Nguyễn Phan Hách tên thật là Nguyễn Xuân Hách (SN 1944 tại Bắc Ninh). Ông sáng tác thơ văn từ rất sớm, có truyện ngắn in trên báo Văn nghệ khi mới là học sinh lớp 5. Ông tốt nghiệp sư phạm, đã từng đi dạy nhưng phần lớn công việc của ông là ở lĩnh vực biên tập, xuất bản. Nguyễn Phan Hách khá thành công ở mảng văn xuôi, với nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Tuy nhiên, tác phẩm làm nên tên tuổi của Nguyễn Phan Hách lại là 2 bài thơ tình: “Làng quan họ”, được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành bài hát và “Hoa sữa” cũng đã được nhiều nhạc sĩ chọn để phổ nhạc.

Báo chí đã viết nhiều về mối tình đầu gian truân của thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Hách với cô học trò nhỏ. “Hoa sữa” không phải là bài thơ Nguyễn Phan Hách viết tặng cô khi ông đang ở độ tuổi mười tám. “Hoa sữa” cũng không phải dành tặng cô văn công 16 tuổi, bóng hồng trong bài thơ “Làng quan họ” khi ông mới ngoài đôi mươi. “Hoa sữa” ra đời khi Nguyễn Phan Hách đã ngoại tứ tuần, có cuộc sống gia đình yên ổn, trong một khoảnh khắc bắt gặp mùi hoa sữa say đắm bỗng thấy bao kỷ niệm xưa cũ hiện về: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/Một buổi sớm em bỗng thành thiếu nữ/Hôm ấy là mùa Thu anh vẫn nhớ/Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ…”.

“Hoa sữa” chinh phục con tim bao thế hệ vì nó không chỉ là dư âm về những mối tình đã qua của riêng nhà thơ mà còn thể hiện thành công cảm xúc chung của những người đã từng dang dở trong tình yêu, từ cảm xúc bùi ngùi, tiếc nuối cho “Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/Vậy mà tan trong sương gió mong manh” cho đến sự chấp nhận hiện tại chân thực, gần gũi: “Đau khổ nhiều nhưng éo le thay/Không phải thời của Romeo và Juliet/Nên chẳng có đứa nào dám chết/Đành lòng thôi mỗi đứa một phương…”. Và nhất là vẻ đẹp của hương hoa sữa nồng nàn lan tỏa ở cuối bài: “Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/Hương của mối tình đầu nhắc nhở/Có hai người xưa đã yêu nhau…”.

Bài thơ được viết từ khi đất nước mới giải phóng, nhưng đến năm 1980 mới được chọn in trong tuyển tập thơ Tình bạn tình yêu của Nhà xuất bản Giáo dục. Sau đó, bài thơ được đăng lại trên báo Văn nghệ và nhanh chóng được bạn đọc yêu thích. Với thế hệ 7X, 8X, “Hoa sữa” được chép tay, viết cách điệu trong hầu hết các cuốn sổ thơ, lưu bút.

Bài thơ xuất hiện nguyên vẹn trên trang cá nhân, các web, diễn đàn với nhiều lời bình luận đầy ưu ái. “Hoa sữa” được hâm mộ tới mức hai mươi năm sau khi ra đời, đã có một cô sinh viên văn khoa vì mê “Hoa sữa” mà yêu luôn tác giả. Cô bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác, tìm gặp và tặng nhà thơ bài thơ họa bày tỏ lòng mình, trong đó cô nguyện làm “nhân vật của bài thơ… Cùng viết lại bài thơ tình tan vỡ”. Và bài thơ viết cho mối tình đầu tan vỡ đã trở thành chiếc cầu nối cho mối tình cuối viên mãn của nhà thơ.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, “Hoa sữa” vẫn như ký ức về mối tình đầu trong tim mỗi người, có thể mờ phai nhưng không bao giờ tan biến được.

Tuổi mười lăm em lớn từng ngày,
Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ.
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ,
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu,
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc.
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt,
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

Tại mùa thu, tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình tại gì không biết nữa?
Tại con bướm vàng có cánh nó bay?

Ðau khổ nhiều nhưng éo le thay.
Không phải thời Romeo và Juliette,
Nên chẳng có đứa nào dám chết,
Ðành lòng thôi mỗi đứa một phương.

Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương,
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ,
Hương của tình yêu đầu nhắc nhở,
Có hai người xưa đã yêu nhau…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Việt Long phổ nhạc thành bài hát Tình đầu.

Nguồn: Nguyễn Phan Hách, Hoa sữa, NXB Hội Nhà văn, 2000

Bình luận Facebook