Có lẽ những năm qua chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của nhà thơ Lưu Quang Vũ cho nền thơ hiện đại. Theo tôi, anh là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ thi ca.
Đến nay, đã 36 năm sau cái mất đột ngột của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và bé Lưu Quỳnh Thơ mùa thu năm 1988, bạn bè văn chương và báo giới cả nước đã dành nhiều trang viết trân trọng về cuộc đời, sự nghiệp thi ca chói sáng và tình yêu của họ. Trong đó, phải kể đến việc lưu giữ, biên soạn, in ấn cả một khối lượng khá lớn di cảo thơ ca, kịch bản sân khấu, truyện ngắn, nhật ký của Lưu Quang Vũ do em gái anh là nhà phê bình văn học, PGS-TS Lưu Khánh Thơ thực hiện cần mẫn suốt mấy chục năm qua với cả mấy ngàn trang sách đã được công bố. Công việc này dường như cũng đã khiến cho chị và gia đình dịu bớt nỗi đau mỗi khi nghĩ về số phận khắc nghiệt của một tài năng lớn như Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ đã sống, làm việc như bó đuốc rực cháy
Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ từng giãi bày: “Thời gian đã làm được nhiều việc. Nó xoa dịu những nỗi đau tưởng chừng không thể chịu đựng nổi. Nó sàng lọc những điều còn mất và lưu giữ trong ký ức nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Số phận khắc nghiệt không cho Lưu Quang Vũ kịp sống hết những năm tháng ngắn ngủi của đời mình. Anh kết thúc cuộc đời ở tuổi 40. Những năm tháng ngắn ngủi ấy, anh đã sống, đã yêu, đã làm việc hối hả như một bó đuốc rừng rực cháy. Điều duy nhất an ủi những người thân của anh, khi anh nằm xuống, đó là tình cảm yêu mến của bạn bè, độc giả đối với anh”.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ
Đáng chú ý, những năm trước đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức tiếp nhận tài liệu của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh do gia đình hiến tặng. Khối tài liệu gồm toàn bộ bản thảo viết tay thơ và kịch cũng như sách, thơ, nhật ký và hồi ký về cuộc đời của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Trung tâm này với trang thiết bị hiện đại và cách xử lý tài liệu khoa học sẽ là nơi an toàn nhất có thể bảo quản số tài liệu nói trên.
Trong thế hệ nhà thơ xuất hiện những năm 70 thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh và kiệt xuất. Sau này khi trở thành kịch tác gia nổi tiếng khắp nước thì sự nghiệp chính của anh vẫn là thi ca. Cho đến nay, sau hơn ba thập niên nhà thơ Lưu Quang Vũ qua đời, sự nghiệp thi ca đặc biệt của anh với những đóng góp lớn cho nền thơ đương đại vẫn chưa được khai sáng và đánh giá đầy đủ những chân giá trị của nó. Theo tôi, không chỉ có những tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã đổi mới bản chất đời sống của thơ bằng chính những cảm nhận về cuộc đời trầm luân, khó nhọc này bằng những suy tưởng đớn đau và nhân bản về một thế giới đang phải tự hàn gắn những đổ vỡ sau những đêm dài chiến tranh và xung đột bạo lực.
Có một bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ những năm 70 của thế kỷ trước với tựa đề “Tưởng tượng về một bài hát” đề cập tới sự suy tưởng của nhà thơ về một thế giới đang đổ vỡ vì bạo lực với những hình ảnh đau đớn.
Và cho đến thập niên đầu của thế kỷ XXI này, những câu thơ ám ảnh về một thế giới đang đổ vỡ của nhà thơ Lưu Quang Vũ lại hiện về trong tâm tưởng chúng ta, khi trong thực tế các cuộc chiến tranh lớn đang nhấn chìm trong máu-lửa một phần hành tinh này: “Bây giờ/ Hai đạo quân đã giết hết nhau/ Tiếng trống cuối cùng đã bặt/ Người ngựa đều ngã gục/ Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ/ Bây giờ/ Thành Cổ Loa đã mất/ Trước mặt là biển rộng/ An Dương Vương tóc bạc phơ/ Lưỡi gươm đưa/ Lòng ngọc trai máu thắm/ Bây giờ/ Người sao Hỏa mắt đèn pha/ Lưỡi dài bạch tuộc/ Đã tràn xuống đen ngòm mặt đất/ Cánh tay ai/ Mọc trên tường đá rắn/ Ai giấu dao găm trong áo choàng/ Đi giữa những hình ma-nơ-canh/ Điệu dân ca mềm mà đau đớn/ Bây giờ/ Rừng đen mặt nạ sắt/ Vắng hoang trong mưa rào/ Nằm sóng soài cô gái nước da nâu/ Hoa cúc xuyên qua miệng…”.
Với một cái nhìn tiên tri như trên, Lưu Quang Vũ bằng linh cảm vô thức của một nhà thơ lớn đã dự báo trước một đổ vỡ, một thảm họa của thế giới này, điều mà có lẽ ở thời điểm viết bài thơ trên, ông cũng khó cắt nghĩa nổi vì sao mình lại có những suy tưởng lạ lùng và đau đớn đến thế.
Những bài thơ lặng lẽ chói sáng qua thời gian
Trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng giả làm người đọc hết sức khó chịu và phải quay lưng. Phải chăng độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy. Hơn ba thập niên đã trôi qua, biết bao bài thơ con người đã xóa quên khỏi trí nhớ mình. Cũng ngần ấy năm đi qua, kỳ lạ thay, không ít bài thơ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, với sức lay động lòng người da diết, vẫn hội nhập được với đời sống tinh thần con người hôm nay.
Và những bài thơ còn lại của Lưu Quang Vũ viết từ những năm bảy mươi cho đến giờ vẫn không chịu cũ, vẫn có được những cảm xúc được chia sẻ nơi độc giả, vẫn làm rung động một thế hệ mới: “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre/ Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng/ Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya/ Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng/ Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê/ Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa/ Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi/ Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ/ Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời”.
Thơ của Lưu Quang Vũ có một giọng thủ thỉ tâm tình giàu chất tự sự như vậy. Anh kể lại bằng ngôn ngữ của thơ những xúc động, những phát hiện, ghi nhận của mình trong chuỗi ngày mệt mỏi và lận đận. Và điều ấy đã làm nên một phong cách Lưu Quang Vũ không thể trộn lẫn: “Những dòng thơ giằng xé giày vò/ Là mây trắng của một đời cay cực/ Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp/ Em – em là mây trắng của đời tôi/ Em nơi đâu bao năm tháng qua rồi/ Người ta bảo rằng em đã chết/ Người ta bảo quên đi đừng phí sức/ Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn/ Em làm gì có thật mà mong…”.
Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của anh giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh. Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của anh tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Nhưng anh là một người yếu đuối và đa cảm, bởi thế tình yêu và thi ca như một cứu cánh còn lại qua những dằn vặt u ám.
Những day dứt, trăn trở trước cuộc đời đã để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự khắc nghiệt của cuộc sống mà anh phải nhìn thấy, phải nếm trải, phải hứng chịu đã dội đập vào thơ anh đến tức ngực, nhưng cũng đã làm thơ anh bừng tỉnh. Có lẽ những năm qua chúng ta chưa đánh giá đầy đủ những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho nền thơ hiện đại.
Theo tôi, anh là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ. Những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại là khá đa dạng, nó không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ mà sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong đời sống hiện đại. Những câu thơ của anh vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu say đắm với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội họa.
Trong những suy nghĩ cuối cùng về nghề văn, nhà thơ Lưu Quang Vũ từng giãi bày: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Đó là hai thể loại lớn của văn học, là cuộc sống và thế giới tinh thần của con người được biểu hiện ở dạng tinh chất nhất, mạnh mẽ nhất, tuy ngôn ngữ nghệ thuật của chúng có những điểm khác biệt. Tôi say mê sân khấu từ nhỏ và làm thơ cũng từ nhỏ, nhưng chỉ mãi đến khi hơn 30 tuổi, tôi mới dám cầm bút viết vở kịch dài đầu tiên. Những động lực “xúi giục” tôi viết kịch cũng là những động lực khiến tôi làm thơ, đó là khát vọng muốn được bày tỏ, muốn được tự thể hiện tâm hồn mình và thế giới xung quanh, muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, muốn được trao gửi và dâng hiến. Đối với tôi, công việc sáng tác là niềm vui lớn và cũng là nỗi khổ lớn. Thấy mình đã cố công, cố sức mà nghệ thuật thật sự, điều mình mơ ước thật sự vẫn còn xa lắm ở phía trước…”.
Nguồn: NGUYỄN VIỆT CHIẾN