google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Chiếc lá đã lìa cành - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Chiếc lá đã lìa cành

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời chiều 20/4/2021, hưởng thọ 69 tuổi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết người vợ đầu của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là bà Thanh Tú đã xác nhận tin buồn với ông.

Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời vào chiều nay. Khi người thân về đến nhà, ông đã mất. Gia đình chưa rõ nguyên nhân cái chết của ông nhưng cho biết ông mắc bệnh phổi nhiều năm nay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ nổi tiếng, xuất sắc với những bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như Và lúc ấy thì em đến nhé, Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu…

Trong đó ông Khoa đặc biệt thích bài thơ Và lúc ấy thì em đến nhé, một bài thơ tình đẹp thời chiến tranh.

Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri. Trong đó, kịch bản Mùi cỏ cháy giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Với Trần Đăng Khoa, thơ của Hoàng Nhuận Cầm “đẹp như làn sương bay trên thảm cỏ ban mai”.

Từng nhiều lần đi nói chuyện văn thơ và đọc thơ cùng Hoàng Nhuận Cầm, ông Khoa rất ấn tượng về sự nhiệt tình, sôi nổi và thông minh của nhà thơ “bác sĩ Hoa Súng”.

“Anh lúc nào cũng bùng cháy như nhập đồng. Anh nói rất tâm huyết, rất hấp dẫn bởi trí thông minh và tình cảm sôi nổi. Anh mất đi khi còn đang sung sức sáng tác là một tổn thất lớn cho thi đàn Việt Nam”, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Tên ông – Hoàng Nhuận Cầm được ông nội đặt cho ông, có nghĩa là “Cây đàn vàng”, như một sự gửi gắm mong ước ông sẽ trở thành nhạc sĩ giống cha – nhạc sĩ Hoàng Giác.

Từng chiến đấu ở Quảng Trị, ông là đại diện của một thế hệ học sinh, sinh viên ra trận. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học.

Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, lập hãng phim tư nhân cũng như tham gia đóng phim như vai anh chàng chăn lợn lai giống nát rượu trong phim Mảnh đời của Huệ nổi tiếng trên truyền hình những năm 1990, vai nhà thơ trong phim truyền hình Số đỏ của đạo diễn Nhuệ Giang mới đây.

Đặc biệt, “vai” bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3 gần gũi với khán giả tới mức trở thành tên của ông trong lòng công chúng.

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận Facebook