Hồi ấy, anh là thợ gò trong xưởng cơ khí. Hải Phòng ngày ấy đã loáng thoáng những chiếc xe đạp mi-ni Nhật và đôi ba chiếc xe máy Súp-pe Cúp phóng lượn lờ trên đường phố. Những quán cà phê vỉa hè, người ta uống cà phê đá đặc quánh trong những chiếc cốc vại to tướng. Mấy hàng bánh đa cua ăn cùng rau ghém và bánh mỳ đũa dài, nhỏ như chiếc đũa cả. Nhưng vị thế nhà thơ ngày đó rất cao sang.
Tôi hình dung trong dòng người thợ tan tầm, áo vắt vai, cởi trần, ngực nhễ nhại mồ hôi, có nhà thơ Thanh Tùng đi trong dòng người đó. Những bước đi chắc khỏe, vừa đi anh vừa nhẩm đọc những câu thơ đắm say :
Một năm lá chưa úa
Một năm nắng chưa già
Gió vẫn đầy ngõ hẹp
Sao ta còn lạ ta…
Nhà thơ cuốc bộ từ xưởng máy của mình tới văn phòng một cơ quan đón vợ. Chị Thanh Nhàn ngày đó là cô gái đẹp kiêu sa của đất Cảng. Dù đời sống nghèo khó, họ cuốc bộ đi làm, nhưng tâm hồn họ thật giàu có và tôi thấy cái làm cho họ vững tin và tự hào, đó là thơ. Nàng thơ vốn mong manh và đỏng đảnh, có khi còn yếu đuối và phù phiếm, ấy vậy lại là tín hiệu để họ đến với nhau và nối chặt hai trái tim vừa nồng nhiệt, vừa tổn thương lại gần nhau.
“Anh đi qua những tháng ngày nham nhở”… Bạn bè văn thơ Hải Phòng vẫn thường đọc câu thơ về tình yêu của họ. Mối tình của họ chỉ có thơ mới lý giải nổi. Đó là cái nhìn sét đánh phút ban đầu gặp gỡ. Đó là những vần thơ cuồn cuộn và hầm hập anh đọc cho chị nghe trước đám đông bạn bè. Đó là những buổi chạy bộ hơn mười cây số từ Hải Phòng xuống Kiến An để anh chỉ cần được nom thấy chị, cầm tay chị tại nơi chị làm việc, rồi lại chạy gằn về Hải Phòng.
Sắc đẹp của chị là niềm tự hào của anh. Chị là người phụ nữ trời phú cho sắc đẹp rực rỡ như bông hoa nở đẹp lâu tàn. Sắc đẹp và số phận ba đào chị đã đi qua và bỏ lại sự giàu sang nhung lụa, bỏ lại cả sự đắm say cuồng loạn phiêu liêu, bỏ lại cả những đứa con xinh đẹp như những thiên thần bé nhỏ, để quyết đi theo anh. Hỏi còn có gì hơn trái tim yêu mãnh liệt và nàng thơ mê muội đôi người?!
Chị Nhàn rất yêu thơ. Thuở nữ sinh, chị cũng có làm thơ, từ ngày về làm vợ nhà thơ Thanh Tùng, chị thôi không làm thơ nữa. Tài thơ của Thanh Tùng làm chị choáng váng, chị nguyện làm người nội trợ chăm sóc, nuôi con và nuôi cánh chim thơ mộng mơ của chồng cất cánh bay xa. Những năm chiến tranh phá hoại, đấy là căn nhà hạnh phúc và đầy ắp cảm xúc tình yêu, mặc dù họ rất nghèo. Tình yêu của họ đã làm bao kẻ giàu sang của phố Cảng phải ngưỡng mộ. Bạn bè văn thơ ở Hải Phòng lấy căn phòng Thanh Tùng làm địa điểm gặp gỡ. Anh em viết lách từ Hà Nội xuống, từ Quảng Ninh về vẫn lấy nơi đó làm chốn đi về. Những vần thơ đắm say được đọc giãi bày từ đó. Những trang văn thấm đẫm mùi dầu mỡ, và cũng đầy mơ mộng trùng khơi được đọc ở đây.
Thanh Tùng trở thành cây bút xuất sắc của Hải Phòng dạo đó. Nói về văn học công nhân là phải nói tới Thanh Tùng. Ngoài mảng thơ đề tài công nghiệp, anh có những bài thơ tình yêu đến bỏng rát và si mê.
Cũng như nhiều nhà thơ các nước khác, Thủ đô vẫn là nơi cuốn hút họ. Thanh Tùng cũng thật gắn bó với Hà Nội. Sau phút lao động hết mình ở xưởng cơ khí, sau phút xếp hàng xách nước về cho vợ con tắm giặt, sau khi xem thùng gạo trong bếp vẫn còn lưng lửng, anh lại nhảy tàu lên Hà Nội. Những trụ sở các tờ báo văn chương, những nhà xuất bản, những bạn bè văn thơ…, và nhất là thiên nhiên Hà Nội làm anh ngất ngây. Những giọt sương ướt đầm bên hồ, những làn hơi thu mong manh và bảng lảng. Những vòm cây xanh đặc đã mê hoặc anh khi nào không hay.
Một dạo lên Hà Nội, anh thường hay lui tới nhà tôi. Tôi còn nhớ đợt anh chuẩn bị đi dự Ngày Hội thơ thế giới tổ chức ở hòn đảo thơ mộng của châu Âu. Đi cùng anh đợt đó có nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm có gia đình ở Hà Nội, chuẩn bị khá chu đáo đồ đạc tư trang trước khi đi. Thanh Tùng chỉ xách cái túi xách nhỏ có chứa bộ quần áo nát nhầu. Ái ngại trước sự sơ sài đó, cả nhà tôi xúm vào chuẩn bị cho anh. Con gái tôi lấy bàn là là phẳng phiu quần áo cho anh. Nhà tôi lên gác lấy cái va ly nhỏ để anh xách đi cho tiện.
Thanh Tùng vụng về, ngượng nghịu cười, nói : “Tôi tưởng đi liên hoan thơ thì chỉ cần chuẩn bị thơ thôi chứ?”. Đương nhiên, thơ anh đã chuẩn bị rồi. Mấy bài thơ anh đã nhờ người bố của anh dịch ra tiếng Pháp, rồi mấy đêm, anh cứ đọc đi đọc lại. Tôi chả hiểu anh đọc có sai ngữ pháp không, nhưng nghe giọng anh đọc, thấy say đắm và cuốn hút lắm. Sau khi dự Liên hoan Thơ quốc tế trở về, anh khoe tôi là cả hội trường thơ bắt anh đọc đi đọc lại tới ba lần. “Tôi đã đọc thơ bằng tiếng Việt, rồi đọc bằng tiếng Pháp. Họ nghe sướng lắm!”.
Tôi hỏi: “Đọc thơ bằng tiếng Việt thì họ hiểu sao được? Còn đọc thơ bằng tiếng Pháp, anh có đọc chuẩn không?”. Anh hùng hồn trả lời: “Tôi đọc thơ bằng gan ruột tôi. Tôi diễn đạt thơ bằng âm điệu của tôi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tôi dùng sự đắm say để lôi cuốn người nghe tới bờ bến mê man của thơ Việt!”. Có thể anh nói hơi quá, nhưng tôi tin là tình yêu đắm say và trong trẻo của anh với thơ. Tình yêu ấy đã dẫn dắt và mở đường giao lưu cho anh đến với mọi người.
Cố nhà thơ Thanh Tùng.
Dạo đó, anh lãng đãng yêu một nhà thơ nữ trẻ Hà Nội. Có lẽ lòng yêu thơ đã dẫn đường cho tình yêu mơ mộng và viển vông. Bữa ấy, đã nửa đêm, sau khi đi gặp gỡ bạn bè thơ, anh về gõ cửa nhà tôi. Rồi anh rón rén tới điện thoại bàn gọi cho… “nàng thơ”. Dáng anh to lớn, vạm vỡ, ấy thế mà khi cầm điện thoại lên gọi, tôi thấy có cái gì rụt rè, non tơ rất đáng yêu. Anh nói chuyện rất dài với nhà thơ nữ trẻ ấy không cần giấu giếm tôi. Tôi tế nhị lảng đi chỗ khác để anh tự nhiên. Rồi anh đọc thơ, giọng thơ quặn thắt trước ống máy điện thoại :
Bây giờ anh đi giật lùi
Anh chỉ còn một nửa
Một nửa ở phía không em…
Nhìn khuôn mặt anh trào lên cảm xúc, tôi hình dung khuôn mặt người con gái ở đầu dây kia cũng ngẩn ngơ xúc động.
Nhưng có lẽ đó chỉ là tình yêu đơn phương mà thôi. Người con gái kia còn quá trẻ. Có thể nói cô cũng rất phục thơ anh, nhưng yêu anh làm sao được, khi cuộc sống hiện tại còn có quá nhiều điều hấp dẫn. Anh kể lại, có lần tới nhà tìm thăm, cô đi vắng. Anh ngồi chờ. Mẹ cô là ca sỹ nổi tiếng tiếp anh. Khi phát hiện ra anh muốn gặp con gái mình, chị đã thốt lên câu nói chứa chất nét buồn đáng yêu: “Em ngỡ anh đến thăm em, chứ đâu ngờ anh chờ con em!”.
Tình yêu có ma quỷ cũng chẳng giải thích nổi. Chỉ nhờ thơ, và có lẽ chỉ có thơ là hiểu được trái tim của họ. Quả thật, thơ đã bắc cây cầu chênh vênh cho trái tim đến với trái tim.
Mối tình ấy rồi cũng thoáng qua, tuy có để lại vết xước nho nhỏ buồn thương. Ấy rồi số phận xô đẩy anh vào đất phương Nam. Anh chia tay Hải Phòng, mảnh đất mà anh tưởng không thể chia xa được. Nhưng sự việc đó xảy ra sau khi anh về lo tang cho người vợ xinh đẹp và bạc phận. Chị Nhàn mắc chứng đau tim nặng và mất tại bờ biển Quảng Ninh, khi anh đang dự Đại hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Trên con đường lo tang Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng, trái tim Thanh Tùng ròng ròng nhỏ máu. Nhà thơ – thợ gò to lớn, vạm vỡ, từng đánh gục bao kẻ cướp trên đường đi áp tải hàng, ấy mà bỗng yếu mềm, rên rỉ.
Anh nấc lên những câu thơ:
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Ta chưa đi hết những ngày đắm say…
(Thời hoa đỏ)
Sau những ngày lo tang cho người vợ đẹp và xấu số, Thanh Tùng buồn khôn tả. Tâm hồn anh vỡ nát, công việc làm ăn không ổn định, đời sống cơm áo hàng ngày của ba bố con anh trở thành xộc xệch. Anh càng thêm nhớ người vợ vội bỏ anh đi. Anh thèm khát một bàn tay phụ nữ chăm sóc đời sống vụng về của anh.
Một buổi tối buồn chán và cô đơn, anh lang thang dọc bờ sông Tam Bạc. Anh đi như kẻ vô định. Những ngọn đèn trong các căn nhà dọc phố đã dần tắt khi nào anh không hay. Quá nửa đêm, anh mỏi chân và ngồi thụp xuống bên quán cóc ven sông. Gọi là quán, nhưng làm gì có quán. Đó là ngọn đèn dầu lay lắt, che đậy ánh sáng bằng vỏ ống bơ sữa bò. Mấy cái ghế đóng tạm bằng gỗ bao bì. Một cái mẹt nho nhỏ bầy vài vỏ bao thuốc lá rẻ tiền, vài chai rượu cóc cáy.
Thanh Tùng ngồi như kẻ vô hồn. Cô gái bán nước khuôn mặt sương gió như cũng chẳng hề quan tâm đến sự có mặt của anh. Anh gọi chén rượu quê rẻ tiền. Anh uống rượu và hút thuốc lá vặt. Một sự trống rỗng khủng khiếp trong con người anh. Mấy tay lang chạ bờ bụi từ đâu táp xuống ngồi vây quanh mẹt thuốc. Họ nháo nhào lấy thuốc lá hút, tuỳ tiện rót rượu và nốc rượu. Họ cười nói tục tĩu.
Nhoáng cái, bao thuốc đã hết, vỏ bao bóp nát. Họ cầm chai rượu còn lại, đứng dậy vừa đi vừa nốc rượu, không thèm thanh toán tiền cho cô bán nước. Cô bán nước tiếc của chạy theo đòi tiền. Cuộc ẩu đả bắt đầu. Bọn con trai vừa la ó, vừa sàm sỡ cô gái. Xem ra cô gái cũng chẳng vừa. Nhưng bọn bờ bụi kia đông, áp đảo. Bọn chúng quây tròn cô gái lại, tha hồ cấu véo sờ soạng. Cô gái vừa khóc, vừa chửi bới. Bọn bờ bụi như càng bị chọc tức, liền xé toang vạt áo cô gái, rồi cười the thé. Cô gái bán nước càng vẫy vùng, bọn du đãng kia càng bạo tay. Tiếng chửi bới, la hét nghe càng rợn giữa phố khuya không bóng người.
Nhà thơ Thanh Tùng ngồi hút thuốc quan sát sự việc từ phút đầu, đến độ ấy không còn yên được. Anh vùng dậy và chạy bổ đến đám người đang giằng co hỗn độn. Anh hét: “Bỏ cô gái ra, bọn bay cút !”. Bọn du đãng quay ra đá đấm túi bụi anh. Không kiềm chế được, nhà thơ dồn hết sức mạnh của mình tương cho cả bọn du đãng trận đòn tơi bời. Anh không ngờ mình lại có sức khoẻ phi thường như vậy. Mấy thằng bị dính đòn bỏ chạy toán loạn. Anh quay lại kéo cô gái áo quần rách tơi tả về nhà mình. Vừa đi đường, cô gái vừa lễ vái anh như vái thánh sống. Anh nhường chiếc giường của anh cho cô gái ngủ, anh trải chiếu xuống bếp nằm.
Cuộc tình bất ngờ của nhà thơ với cô gái bán nước bán rượu đêm ven sông Tam Bạc diễn ra vài tháng. Cô gái yêu anh với lòng đội ơn, nhà thơ thì yêu bởi thương cảm một kiếp người. Anh đang thèm khát bàn tay người phụ nữ. Mối tình ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Cô gái bỏ lại nhà thơ lãng mạn để trở về kiếp sống sương gió, giang hồ của mình.
Thêm một lần, nhà thơ thấm thía nỗi buồn nhân thế. Số phận anh thêm một lần xê dịch mà không định trước. Mảnh đất phương Nam chan hoà nắng gió đã mời gọi anh, đã thêm một lần cho cảm xúc thơ anh ào ạt. Vào Sài Gòn sinh sống, anh khao khát đi các ngả đường sông nước miền Tây, những con đường đất đỏ miềm Đông. Anh chầm bập viết trường ca “Đất Phương Nam”.
Con gái tôi sau chuyến đi Sài Gòn ra, kể: “Bác Thanh Tùng nhiệt tình quá, bác cứ bắt con lấy xe đạp của bác đi công việc, mặc dù con có người nhà đến đưa bằng xe máy”. Trọng tấm lòng của nhà thơ, cháu đã lấy xe đạp của bác đạp đi công việc giữa đường phố Sài Gòn rộng và dài. Khốn nỗi, xe đạp nhà thơ quá cũ, xích chùng, líp mòn, đạp mấy đoạn lại tuột xích phải dừng lại lắp lại, làm tay con tôi đầy dầu mỡ xe. Tuy nhem nhuốc, nhưng con có niềm vui khôn tả.
Lại nói về chiếc xe đạp, đó chính là chiếc xe anh mang từ Hải Phòng vào. Có lẽ đó là đồ đáng giá nhất của cuộc di quê Nam tiến của anh. Ngày ở Hải Phòng, mỗi lần lên Hà Nội, anh thường cho xe đạp lên tàu hoả để chủ động có phương tiện rong ruổi ba mươi sáu phố phường. Thời nhà thơ Đào Cảng còn sống, tôi cũng thấy hay mang xe đạp lên tàu như thế. Anh em gặp nhau, thường nói vui, đó là phương tiện hành trình thơ của một thời.
Việc hành trình vào Nam của Thanh Tùng là do vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng gợi mở. Nhưng việc trụ để sống được, có được mái ấm gia đình nho nhỏ trong Sài Gòn với Thanh Tùng lại là nhờ thơ. Thơ đã cứu cánh anh, trong những lúc bàn thua chênh vênh nhất.
Trước khi nhà thơ Thanh Tùng tục huyền với chị Thanh, gia đình chị Thanh hồ nghi và phản đối (*). Hồi đó, anh không nhà cửa, không chức tước, không nghề nghiệp, không tiền bạc. Tài sản duy nhất của anh khi ấy là trái tim thi sỹ. Vậy anh là nhà thơ thì tác phẩm của anh đâu, công chúng có công nhận thơ của anh không? Thanh Tùng muốn đọc cả mấy tập thơ của mình cho gia đình người vợ tương lai nghe. Nhưng mọi người bận rộn, đâu có rảnh rỗi ngồi nghe. Vả lại, tâm trí rối bời của anh, làm sao anh đọc nổi.
Thanh Tùng nhờ bạn bè trình bày giúp, song không tác dụng bằng cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội năm đó. Khi đài báo đưa tin nhà thơ Thanh Tùng được giải chính thức của cuộc thi thơ này, cuộc hôn nhân của anh mới được công nhận. Thơ ca nó là gì, đem lại cho con người cái gì? Danh hão ư, hay là thay bó hoa để chàng trai tán gái? Hay là cái vé để có người tiến thân quyền chức? Hay chỉ là trò chơi vô tích sự?…
Với Thanh Tùng, thì rõ ràng thơ đã cứu đời anh, đã đem lại niềm vui, nỗi buồn đến với anh. Có những con người, thơ ca chỉ là son phấn trang điểm, đắp điếm lên cái vỏ con người. Nhưng với Thanh Tùng, thì thơ là tế bào con người anh. Có những người bỏ thơ ra ngoài cuộc đời họ, họ có thể đỡ vớ vẩn, đỡ dở hơi, và có khi lại sống khá hơn, giàu có hơn. Với Thanh Tùng, tôi như thấy nếu bỏ thơ đi, anh không biết bám víu vào đâu và làm sao anh sống nổi?!
Nguồn Vũ Từ Trang(CAND)