NGUYỄN MINH CHÂU- NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VĂN HỌC
Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1975, Nguyễn Minh Châu có những đóng góp to lớn cho nền văn học hiện đại.
Các tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trước 1975 khá tiêu biểu cho thành tựu, đặc điểm và giới hạn của nền văn học sử thi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, sau 1975 Nguyễn Minh Châu là một trong những “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” (Nguyên Ngọc) của công cuộc đổi mới văn học. Ở Nguyễn Minh Châu, sự đổi mới mạnh mẽ trong ý thức nghệ thuật luôn đi liền với những tìm tòi đổi mới trong sáng tác của nhà văn. Người đi tiên phong ấy không tránh khỏi những khó khăn nguy hiểm, thiệt thòi và sự đơn độc trong những bước khởi đầu của hành trình tìm kiếm mở đường. Điều quan trọng là Nguyễn Minh Châu “với sự dũng cảm rất điềm đạm” (Vương Trí Nhàn) đã kiên trì dẫn bước trên con đường đã chọn của mình. Và ông xứng đáng là “người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ sau này”. (Nguyễn Khải).
Những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong vai trò người mở đường cho công cuộc đổi mới văn học được thể hiện chủ yếu ở các phương diện sau.
-/ Đổi mới ý thức nghệ thuật
Sự đổi mới văn học phải được bắt đầu từ sự đổi mới các quan niệm về văn chương, về mối quan hệ của nhà văn với hiện thực và với công chúng. Ngay trong những năm chiến tranh, khi sáng tác những tác phẩm mang đậm không khí sử thi hào sảng của thời đại, Nguyễn Minh Châu đã thầm lặng suy nghĩ về những bước đi sắp tới của nền văn học khi cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của dân tộc đã hoàn thành. Ông viết trong nhật ký: “Trong cuộc chiến đấu để giành lại đất nước với kẻ thù bên ngoài hai mươi năm nay, ta rèn cho dân tộc ta bao nhiêu đức tính tốt đẹp như lòng dũng cảm, sự xả thân vì sự nghiệp của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, hai mươi năm nay ta không có thì giờ để nhìn ta một cách kỹ lưỡng. Phải chăng bên cạnh những đức tính tốt đẹp thì tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc, vụ lợi, còn được ẩn kín và có lúc ngấm ngầm phát triển đến mức lộ liễu. Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này, ta phải chiến đấu cho từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài”. Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu sớm ý thức được đòi hỏi phải đổi mới văn học và nhà văn đã trực tiếp bày tỏ những suy nghĩ đầy tinh thần trách nhiệm của một nhà văn trước xã hội và con người.
————–
-/ Mở rộng quan niệm về hiện thực và mối quan hệ giữa văn học với đời sống
Trong bài báo gây tiếng vang sâu rộng đương thời – Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra giới hạn chật hẹp của quan niệm về hiện thực trong văn học của ta suốt một thời kỳ dài, mà nhà văn dùng hình ảnh “Cái hành lang hẹp và thấp” khiến cho mỗi người viết phải tự mình “bạt bớt chiều cao, thu hẹp bớt chiều ngang để có thể đi lại dễ dàng”. Đó là “thứ văn nghệ minh hoạ”. Cái nhìn hiện thực không còn bị bó hẹp trong những khuôn khổ có sẵn mà mở ra trong một thực tại đa chiều, luôn biến động và đầy bất ngờ, như lời Nguyễn Minh Châu: “Cuộc đời vốn đa sự con người thì đa đoan”, mỗi tác phẩm phải lá sự khám phá những quy luật của đời sống, với ý thức ấy, nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu sau 1975 là những cuộc đối chứng với những quan niệm, nhận thức hạn hẹp, chủ quan của một thời trong cách nhìn cuộc đời và con người.
Quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và đời sống của Nguyễn Minh Châu là một quan niệm đặt trên nền tảng tinh thần nhân bản: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ), “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đoạ đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” (Ngồi buồn viết mà chơi).
————–
-/ Ý thức cao độ về bản lĩnh và trách nhiệm của nhà văn.
Cùng với việc phê phán mạnh mẽ để từ bỏ thứ “Văn nghệ minh hoạ” Nguyễn Minh Châu cũng chỉ rõ sự hạn chế của việc nhà văn “chỉ được giao phó nhiệm vụ truyền đạt của chủ trương chính sách bằng hình tượng sinh động”. Điều đó dẫn đến hậu quả là “nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm đánh mất tính tư tưởng”. Với một tinh thần nghiêm khắc tự nhìn lại mình và đội ngũ nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu hụt về bản lĩnh, thói quen che chắn, rào đón do một cái sợ cố hữu luôn ám ảnh, đến nỗi không ít người tự đánh mất mình.
Cùng với việc thức tỉnh ý thức về bản thân và tự do sáng tạo của người cầm bút, Nguyễn Minh Châu luôn tự nhắc nhở về trách nhiệm cao cả của nhà văn. Nhà văn phải là người thức tỉnh xã hội và cảnh báo trước những nguy cơ đến với nhân loại. Nhưng trước hết, người cầm bút phải là người có tình yêu tha thiết với cuộc sống, nhất là với con người.“ Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”. (Phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ). Nhà văn có trọng trách của nhà văn hoá: “chúng ta có nhiệm vụ chăm chút, gìn giữ cho đất nước những cái gì thật lâu đời, bền chặt, mà cũng thật là mỏng manh: tính thật thà, hồn hậu, niềm tin nền phong hoá nhân bản, tính bẽn lẽn cả thẹn của người phụ nữ, ý thức cộng đồng dân tộc tạo nên khí phách anh hùng, lòng trung thực và tính giản dị v.v..”
————–
-/ Ý thức về tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.
Nguyễn Minh Châu là người sớm nói lên khát vọng dân chủ trong đời sống văn nghệ và tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, điều mà nhà văn trăn trở từ lâu, nhưng chỉ có thể bộc lộ khi có công cuộc đổi mới. Ông đã nhận thấy, suốt một thời gian dài nhà văn của ta “chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối, chính sách bằng hình tượng văn học sinh động”, đội ngũ cầm bút được “chăm sóc, chăn dắt quá kỹ lưỡng” để không đi chệch khỏi định hướng nhiệm vụ đó. Ông cũng nói thẳng về tình trạng mất dân chủ đã tồn tại quá lâu trong đời sống văn nghệ: sự áp đặt của lãnh đạo văn nghệ, sự “cảnh giác” quá mẫn cán của giới phê bình. Tất cả điều đó đã dẫn đến nền văn nghệ minh họa và sự mai một tài năng và cá tính của nhà văn. Ông tha thiết kêu gọi “khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt long tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn” (Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ)
————–
-/ Đổi mới cách nhìn và sự khám phá về con người.
– Đổi mới cách nhìn con người
Từng quan niệm “văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người ”, Nguyễn Minh Châu trước sau đều hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá và thể hiện con người. Nhưng sự nhận thức của nhà văn về con người cũng là một quá trình mở rộng và đào sâu trên cả hành trình sáng tác. Trong những năm chiến tranh, khi hướng tới sự khái quát bức tranh lịch sử với cảm hứng sử thi lãng mạn, Nguyễn Minh Châu đã tập trung thể hiện những vẻ đẹp cao cả cùng với “những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Những nhân vật thành công của Nguyễn Minh Châu, dù ít nhiều có nét riêng, nhưng vẫn nằm trong khuôn mẫu chung của nhân vật sử thi mà tính loại hình nổi trội hơn tính cá biệt. Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã dần đi tới quan niệm toàn vẹn và đa chiều về con người. Vượt qua quan niệm còn phiến diện và một chiều của văn học sử thi, nhà văn tiếp cận con người trên nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: con người thế sự, đời tồn tại cùng với con người xã hội – lịch sử, con người trong tính cá thể riêng biệt và tính nhân loại phổ quát…Hứng thú nhất với ngòi bút Nguyễn Minh Châu là khám phá cái thế giới bên trong, đầy bí ẩn của con người, lật xới vào những tầng đáy sâu của tâm lí, tư tưởng, cả tiềm thức và tâm linh của con người.
Với cái nhìn mới của nhà văn, con người hiện ra không còn thuần nhất mà là trong tính lưỡng diện, đa diện và luôn biến động không ngừng. Dù vậy, nhà văn vẫn đặt niềm tin ở con người, muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thức tỉnh ở con người ý thức tự vấn để hướng tới hoàn thiện.
– Đổi mới sự khám phá và thể hiện con người
Từ sự đổi mới cách nhìn con người, Nguyễn Minh Châu đã đạt đến nhiều thành công trong sự khám phá và thể hiện con người. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, mà chủ yếu ở các truyện ngắn, gồm ba kiểu loại chính: nhân vật tư tưởng, nhân vật thế sự và nhân vật tính cách – số phận. Mỗi kiểu loại nhân vật ấy đều có khả năng và giá trị riêng trong việc khám phá và thể hiện con người. Các nhân vật tư tưởng (như người hoạ sĩ trong Bức tranh, nhà văn T trong Sắm vai, Nhĩ trong Bến quê) không phải là đại diện cho một loại người, một giai tầng xã hội, cũng không được chú trọng làm nổi bật tính cách, mà là phương tiện để nhà văn trình bày phát hiện của mình về một vấn đề tư tưởng, đạo đức hay để chiêm nghiệm về quy luật của đời sống. Những nhân vật này thường xuất hiện trong các truyện mang tính luận đề và dễ có nguy cơ trở thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Nhưng may mắn là các nhân vật tư tưởng của Nguyễn Minh Châu nhờ sự hiểu biết lẽ đời và khả năng phân tích tâm lý con người của tác giả mà khôngt bị trở thành khô cứng, thiếu sức sống. Quan sát những con người xung quanh mình trong dòng đời tưởng như bình lặng, nhà văn qua các nhân vật thế sự đã nhắc nhở mọi người về các quan hệ ứng xử, về các thói quen và cách sống đang tiềm ẩn trong đó những điều bất ổn cả những nguy cơ về đạo đức và lối sống. Đó có thể là sự vô tâm đến thành bạc bẽo vô ơn của đứa con gái đối với người mẹ – Mẹ con Chị Hằng, là sự nhiệt tình tốt bụng, nhưng nông nổi, hấp tấp của Cô Hoằng đã gây ra không ít sự phiền nhiễu cho mọi người trong khu tập thể (Người đàn bà tốt bụng). Đó còn là những người đàn bà trong một khu tập thể vốn không phải là những người xấu, nhưng do hành động theo thói tục, cả thói “ngồi lê đôi mách của họ” đã gián tiếp dẫn đến cái chết thương tâm của Cô Thoan “Đứa ăn cắp”. Những nhân vật thế sự ấy hầu như không có thói quen tự nhìn lại mình, họ không nghĩ đến hậu quả của lối sống và cách ứng xử của mình. Nhà văn muốn cảnh tỉnh người đời về hậu quả của thói tục đời thường của sự thờ ơ vô trách nhiệm với người khác. Nhân vật thế sự còn là phương tiện để nhà văn khám phá những quy luật nhân sinh trong đó bao gồm cả không ít những nghịch lý (Hương và Phai, Chiếc thuyền ngoài xa).
————–
-/ Nền tảng của mọi cách tân là tinh thần nhân bản.
Với quan điểm nhân bản, Nguyễn Minh Châu thể hiện sự cảm thông sâu sắc với những con người bị số phận dồn đẩy vào những bi kịch không thể nào thoát ra được. Chiến tranh chẳng những đã phạt ngang cuộc đời của Lực và Thai ra làm hai nửa, mà còn đem đến số phận bi kịch cho hầu khắp mọi nhân vật trong Cỏ lau. Tất cả họ đều là nạn nhân của chiến tranh với những mất mát không thể nào bù đắp được những cuộc đời dang dở và không có gì chờ đợi họ ở phía trước.
Nếu Hạnh (Bên đường chiến tranh) là biểu tượng cho tình yêu và niềm tin ở người phụ nữ vẫn cất giữ vẹn nguyên qua bao nhiêu biến động, của chiến tranh và thời gian thì Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) lại là một tính cách, có vẻ dị biệt nhưng thật độc đáo và đầy sức ám ảnh. Người phụ nữ ấy với rất nhiều khả năng và cũng rất nhiều ham hố, luôn khát khao đi tìm cái tuyệt đối, luôn hành động một cách khác thường, để rồi phải dành cả đời mình để sửa chữa những lầm lạc, cực đoan của chính mình. Nếu lão Khúng trong Khách ở quê ra mới chỉ xuất hiện như 1 tính cách nông dân độc đáo có phần dị biệt, thì trong thiên tuyệt bút Phiên Chợ Giát lại là cả một cuộc đời, một số phận hay “một giả thuyết về thân phận người nông dân” (Hoàng Ngọc Hiến). Hiện ra qua dòng độc thoại, hồi tưởng của nhân vật đặt trên nền cảnh của bao nhiêu sự kiện, biến động xã hội, lịch sử. Trong lão chứa đựng rất nhiều mặt trái ngược, mâu thuẫn nhưng vẫn là một “thực thể tự nó”, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, tỉnh táo sáng suốt mà lại u tối hoang dại, mang thân phận “người – bò”. Vừa gắng vùng vẫy để giải thoát lại vừa bất lực, chấp nhận. Sau Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao và một số hình tượng nông dân đặc sắc khác trong văn học hiện thực trước 1945, lão Khúng của Nguyễn Minh Châu nổi bật lên như một hình tượng độc đáo, có sức khái quát lớn về người nông dân Việt Nam, đồng thời đặt ra một cách da diết nhiều vấn đề về nhân sinh và lịch sử.
————–
-/ Những tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật tự sự.
Cùng với những đổi mới trong quan niệm và cách tiếp cận hiện thực và con người, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã có nhiều tìm tòi, thể nghiệm để đổi mới cách viết, mà nổi lên là nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật.
Tương ứng với sự mở rộng các loại hình nhân vật trong sáng tác sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc sử dụng nhiều thủ pháp khắc họa nhân vật, mà đặc sắc hơn cả là miêu tả tâm lý, sử dụng độc thoại nội tâm. Từ những nhân vật được định hình, luôn “trùng khít với chính” nó trong những tác phẩm mang âm hưởng sử thi, nhà văn đã đi tới khám phá “Con người bên trong con người”, phát hiện ra “Con người không trùng khít với bản thân mình” và những quy luật rất phức tạp của đời sống tâm lý bên trong con người. Nếu như trước đây, diễn biến tâm lý của các nhân vật thường theo một chiều thuận, ít nhiều còn đơn giản, thì nay tâm lý nhân vật thường được hiện ra trong những sung đột bên trong, thầm lặng mà gay gắt, với những diễn biến quanh co, những bất ngờ khó đoán định được. Các yếu tố, sự kiện bên ngoài: chỉ là những tác nhân để kích thích, khêu gợi các trạng thái tâm lí với những hồi tưởng, suy tư của nhân vật. Độc thoại nội tâm được khai thác như một thủ pháp quan trọng nhất để các nhân vật tự hiện diện đời sống bên trong của nó, đặc biệt là loại nhân vật tư tưởng, nhưng cũng không thiếu ở các nhân vật tính cách, các thân phận đời tư. Thủ pháp này đạt đến sự thuần thục, nhuần nhuyễn và hiệu quả cao trong Phiên chợ Giát.
Nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Minh Châu cũng có nhiều tìm tòi. Đáng chú ý là sự nới lỏng cốt truyện, tạo tình huống, việc thay đổi linh hoạt điểm nhìn trần thuật, sử dụng thường xuyên các biểu tượng và đổi mới giọng điệu trần thuật.
sưu tầm