Nguyên Hồng: Bạn đời của những người cần lao

Nguyên Hồng là nhà văn thành danh khá sớm và suốt đời ông chỉ kiên trì với một quan niệm văn chương là phải đứng về phía những người lao động bình thường, nhưng đầy rủi ro và bất hạnh, mà giới văn nhân thường gọi đấy là những con người nhỏ bé, dưới đáy xã hội.

Ông cho rằng văn chương chỉ có thể đạt đến những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ khi nó vươn tới tầm cao và chiều sâu của những tư tưởng nhân văn. Mà ở thế gian này những giá trị ấy lại nằm ở đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động nghèo khổ, chứ không nằm ở một số ít người có chức có quyền trong xã hội đương thời.

*

Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại thành phố Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, rồi theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm thợ nghèo. Hơn 20 năm cuối đời ông đã về ở xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Vốn tính ham đọc sách từ nhỏ, đến mức là dường như ông đã đọc hết những quyển sách mình thích có ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những anh hùng hảo hán chiếm được nhiều cảm tình với ông. Đến năm lên 18 (1936), Nguyên Hồng mới chính thức viết văn với truyện ngắn đầu tay có tên Linh Hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Nhưng phải sau đấy một năm, 1937, ông mới thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết Bỉ vỏ thuộc dòng văn học hiện thực phê phán. Bỉ vỏ là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội như Tám Bính, Năm Sài Gòn… Ngay từ 1936-1939, Nguyên Hồng đã hăng hái tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Pắc Mê (Hà Giang). Sau khi được tha, 1943, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc hoạt động bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài Nguyễn Huy Tưởng… Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nguyên Hồng là Núi rừng Yên Thế được viết ở Tân Yên, Bắc Giang, trước khi ông qua đời vào ngày 2/5/1982 tại nhà riêng. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật đợt I. Ở thành phố Bắc Giang hiện nay có một con phố mang tên Nguyên Hồng.

Với 64 năm tồn tại trên cõi đời này, Nguyên Hồng đã để lại cho hậu thế một gia tài văn chương hết sức đồ sộ gồm nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, hồi ký, truyện ngắn, truyện vừa, tạp văn, truyện thiếu nhi, thơ,… trong đó có những cuốn sách gối đầu giường của nhiều nhà văn thuộc thế hệ sau như: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938), Những ngày thơ ấu (hồi ký, 1940); Bộ tiểu thuyết Cửa biển bốn tập gồm: Sóng gầm (1961); Cơn bão đã đến (1963); Thời kỳ đen tối (1973); Khi đứa con ra đời (1976); dài đến hai ngàn trang in, đầy ắp hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất cảng Hải Phòng đầy sóng và gió này. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của nhà văn Nguyên Hồng. Và, cho đến nay, theo chỗ tôi biết đây là một trong những bộ tiểu thuyết lớn nhất cả về dung lượng nội dung, lẫn độ dài trang in của văn chương hiện đại Việt Nam. Chẳng thế mà có lần, sau khi hoàn thành xong tập cuối cùng của bộ tiểu thuyết, ông nói vui với vợ: Này bà, tôi có kém gì L. Tolstoi đâu (?!). Và bộ tiểu thuyết cuối cùng Núi rừng Yên Thế, (tập một có tên Thù nhà nợ nước, 1981 và tập 2, Núi rừng Yên Thế, 1993) bị khép lại giữa chừng khi chính tác giả của nó còn muốn tiếp tục viết thêm vài tập nữa, nhưng số trời đã không cho ông làm như vậy. Nhiều cuốn sách của ông đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường, nhiều đề tài luận văn tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong điếu văn của nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam đọc trong lễ an táng nhà văn Nguyên Hồng (4/5/1982) tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từng viết: Cho đến ngày cuối cùng của đời anh, như một người chiến sỹ ngót nửa thế kỷ nay không một phút ngừng nghỉ, anh đã ngã xuống trên trang giấy của trận đánh lớn nhất đời anh còn dang dở….

Dù viết về đề tài gì, thể loại nào, người đọc cũng không khó để nhận ra một Nguyên Hồng giàu lòng thương người, và đặc biệt là những người lao động cùng khổ. Những Tám Bính, Năm Sài Gòn, Gái Đen, lão La, mẹ La, mẹ Nghĩa, cụ Cam, cụ Ước, Bảy Hựu, ông Dâng, cụ Xim, bà Quất, Thanh, Xim,…dù họ là những tay anh chị hay những người bị hoàn cảnh xô đẩy buộc tay phải nhúng chàm, nhưng ở chỗ sâu xa nhất những con người ấy vẫn là những người dưới đáy xã hội, rất cần được cảm thông, chia sẻ. Nhưng điều quan trọng hơn là Nguyên Hồng luôn nhìn thấy ở họ khát vọng mãnh liệt muốn vươn lên đổi đời, đặc biệt trong hoàn cảnh nước mất nhà tan vào những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945, hay những năm chiến tranh chống Pháp, và cả sau ngày hòa bình đã được lập lại, nhưng kinh tế còn khó khăn, khiến không ít những mảnh đời phiêu bạt, lang thang khắp mọi nơi để tìm kế sinh nhai.

Những năm trước Cách mạng (1945), Nguyên Hồng theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống và ông đã từng đến gõ cửa nhiều nơi xin việc. Trong cuốn Bước đường viết văn, xuất bản 1970, Nguyên Hồng đã nhớ lại: Tôi ra bến tàu to Sáu kho. Tôi sang nhà máy Xi măng, sở dầu Thượng Lý. Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hóa, các bến ôtô, tàu thủy, các kho hàng, các cửa hiệu, các tràn than, lán củi. Tôi đến tất cả xóm ngõ, đầu đường, nơi đi về đông đúc của phu phen thuyền thợ, để nghe ngóng hỏi han” (1). Chính ở những nơi vất vả, cực nhọc, thậm chí là khổ cực và đầy ải này, ông đã nhận ra được nhiều phẩm chất đáng quí của những người lao động lầm than và đói rách. Ông nhớ lại: “Tôi thấy chỉ trong đây mới thật sự có sự tươi sáng, sự lành mạnh, niềm vui tin. Tôi thấy tất cả những ai khao khát những cái gì là ngay thẳng, là công bằng, là nhân phẩm, là hạnh phúc, là sáng tạo thì phải đi vào đây, gắn bó với đây, ở đây mà lao động và đòi hỏi những cái đó với tận cùng lòng trung thành và ý chí quyết liệt của mình” (2)

Cũng vì thế mà những trang văn của ông từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Bỉ vỏ đến bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất Cửa biển hay Núi rừng Yên Thế sau này, luôn thấm đẫm tình người, nghĩa đời và một nghị lực sống phi thường. Nếu không có những tháng ngày kiếm sống cực nhọc, lao khổ nơi đất cảng Hải Phòng với đủ hạng người, thì chắc chắn sau này sẽ không có một Nguyên Hồng trong tư cách nhà văn như chúng ta đã được biết. Và nếu không có một Nguyên Hồng nhà văn, thì chắc chắn văn chương Việt Nam sẽ thiếu đi những trang văn tươi rói, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống lao động đấu tranh và dựng xây đất nước như ngày hôm nay.

*

Tâm hồn đa cảm của nhà văn Nguyên Hồng là có thật. Minh chứng là ông rất dễ bị xúc động, hay khóc. Sinh thời nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho biết có lần đang diễn thuyết trước đám đông, Nguyên Hồng bỗng dưng dừng lại và nói: Các đồng chí cho tôi khóc một lúc đã! Ấy là khi ông nhớ đến một điều gì đó. Nhớ bạn bè đồng chí từng nằm gai nếm mật thời gian khó, khóc. Nghĩ đến đời sống cực khổ của dân mình thời trước Cách mạng tháng Tám, khóc. Nhớ đến công sinh thành của bố mẹ và công dung dưỡng của Đảng, Bác Hồ mình mới được như ngày hôm nay, khóc. Thương cho nhân vật Gái Đen trong tiểu thuyết Cơn bão đã đến, đã trót lấy phải một tay phản cách mạng, nên sau khi sinh con xong Gái Đen đã chết, cũng khóc. Có thể nói đối với Nguyên Hồng có cả hàng chục, hàng trăm lý do ở cuộc đời đầy trắc ẩn, vui buồn lẫn lộn đã khiến ông phải khóc.

Tâm hồn đa cảm ấy của Nguyên Hồng được lý giải trên cơ sở của cuộc sống bản thân và gia đình cơ cực từ tấm bé và đã in dấu ấn khá đậm nét lên tính cách của ông. Khi làm quản lý về chuyên môn ở Trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn VN tại Quảng Bá, điều kiện ăn uống đã khấm khá hơn nhiều so với thời kỳ hai mẹ con ông ở Hải Phòng, vậy mà nết cơ cực ấy vẫn còn bám theo ông. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã kể lại rằng: Nguyên Hồng dặn mọi người, sau 10 giờ tối, ông đóng cửa phòng, làm việc riêng, không tiếp khách. Hôm ấy, Nguyễn Đình Thi có việc gì đó khẩn cấp cần gặp ông. Anh đẩy cửa phòng Nguyên Hồng sau 10 giờ tối, thấy ông đang nhắm rượu với cơm nguội. Nguyễn Đình Thi cười: Đấy, nhà văn Việt Nam ăn chơi như thế đấy! (3)

Một người mồ côi bố từ năm 12 tuổi, mẹ đi bước nữa, nhưng không được nhà chồng chấp nhận và cấm không cho mẹ con đi lại với nhau như Nguyên Hồng thì hỏi lấy đâu ra sự sung sướng. Từ nhỏ, Nguyên Hồng đã phải ở với bà cô và ông chú dượng, chẳng những đói cơm rách áo mà còn bị sự dè bĩu, khinh miệt của gia đình nhà cô. Trong Những ngày thơ ấu, ông tự kể: Hồng ơi! Bố mày nó chết đi nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao.

Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi mà con người ta dằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không? (4)

Vì sẵn có lòng thương người từ tấm bé và không chịu được cảnh áp bức, khi thấy ông chú dượng ngược đãi, đánh đập và cưỡng bức bà cô, Nguyên Hồng đã cầm dao đâm ông ấy và bị bắt đi cải tạo trẻ em hư. Mãi đến năm 16 tuổi mới được tha. Hai mẹ con ông đã dắt dìu nhau từ Nam Định xuống Hải Phòng lang thang kiếm sống. Có thể nói không một ga tàu, góc chợ, bến xe, hang cùng ngõ hẻm nào ở đất cảng Hải Phòng mà ông không đến, thậm chí là sống cả với bọn đầu trâu, mặt ngựa, giang hồ tứ xứ mà không a dua, a tòng với bọn họ mới là chuyện lạ. Vậy mà Nguyên Hồng lại không hề, quả là quá lạ! Trong lời đề tựa cuốn Bỉ vỏ (tái bản lần thứ tư), Nguyên Hồng viết: Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo, âm thầm mà mọi vật như là rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dạt dào trong những bụi mưa thấm thía, trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc… trên một cái bàn kề khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của bãi đất lấp dở dang (5)…

Rõ ràng hoàn cảnh sống từ nhỏ đã nhào nặn ra cậu bé Hồng, vừa cương cường, rắn rỏi bao nhiêu lại dễ xúc động bấy nhiêu. Hai trạng thái tâm lý và tính cách ấy của Nguyên Hồng mới nghe qua tưởng là vô lý, nhưng ngẫm kỹ âu cũng là hai mặt của một tính cách và những xung động tâm lý ở những thời khắc, hoàn cảnh khác nhau mà thôi. Chính điều ấy đã tạo nên một nhân cách rất Nguyên Hồng không trộn lẫn với ai.

*

Sinh thời Nguyên Hồng là người luôn biết sẻ chia kinh nghiệm cầm bút viết văn với các đồng nghiệp, nhất là các đồng nghiệp trẻ. Ông thường khuyên nhủ: Phải tự rèn, tự luyện cho mình. Sắt thép lấy từ quặng mỏ của sự sống, của cuộc đời. Muốn mầu nhiệm và linh thiêng phải có máu thịt, máu thịt của con người, của chính mình. Muốn sử dụng thật hiệu nghiệm, thật có kết quả, thật là tuyệt sự mầu nhiệm và linh thiêng nay thì phải vừa học, vừa xung trận. Thầy học là tổ tiên, là ông cha, là nhân loại.

Ông đã nhiều lần nói với các đồng nghiệp thời làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng đại ý rằng: Các cụ ta xưa có câu liệu cơm gắp mắm nghĩa thùng thạp nhà anh chỉ vét được có hai lẻ gạo nếu anh bỏ vào cái nồi tèo hương (niêu đất nung loại nhỏ xíu) mà nấu may còn thành cơm được. Chứ hai lẻ gạo mà anh bỏ vào cái nồi 12 mà nấu thì chắc chắn cơm chẳng thành cơm, cháo chẳng thành cháo mà hồ cũng chẳng thành hồ được đâu.

Và quan niệm về nghề viết văn của ông rất cụ thể, rõ ràng. Có lần ông nói với một nhà văn trẻ ở Hải Phòng rằng: Viết truyện nó cũng giông giống cái người đan rổ. Anh biết đẵn tre, biết ra nan, chuốt nan, biết gài, biết đan, biết lát. Nhưng anh lại không biết đánh cạp, không biết lên khuôn hình thù cái rổ thì nó vẫn chỉ là cái mê chứ sao có thể gọi là cái rổ được. Viết văn cần phải có năng khiếu. Nhưng không phải anh có năng khiếu rồi là làm chơi ăn thật được đâu, mà phải lao tâm khổ trí lao động cật lực nữa may ra mới gặt hái được cái gì, không đùa được…

Quả là những kinh nghiệm sống và viết văn của Nguyên Hồng thật sự quí báu đối với tất cả những ai đã, đang và sẽ cầm bút viết văn. Đối với không ít người, khi đã thành danh trong nghiệp văn chương, chữ nghĩa, mỗi khi nói với đồng nghiệp, nhất là thế hệ trẻ thường mang tính chất dạy bảo theo kiểu sách vở, lý thuyết suông, còn với Nguyên Hồng thì hoàn toàn khác. Ông chỉ bảo ân cần, cặn kẽ theo kiểu cầm tay chỉ việc như tấm lòng của người cha đối với người con khi mới chập chững bước những bước đi đầu tiên trên con đường đời đầy chông gai và trắc ẩn. Đấy là con đường văn chương: Nghề văn là nghề nhọc nhằn, nghiệt ngã sòng phẳng lắm, nó không kể là già hay trẻ, viết lâu năm rồi hay mới viết. Nó cũng không có sự phân biệt “chiếu dưới”, “chiếu trên” mà nó đòi hỏi người viết phải lao động cật lực. Những con chữ anh viết phải được chắt ra từ cảm xúc thực, từ tim, óc, máu thịt anh chứ không thể “giả khượt”… Văn của anh nó là con anh, không thể con của anh lại giống con người khác, như thế là hủ hóa đấy. Văn chương nó không chấp nhận sự hủ hóa, sự giống nhau đâu…

Ông kiên quyết cự tuyệt với những trang văn bắt chước người khác, mà luôn tìm đến cho mình một phong cách văn chương riêng: Vậy thì trên cái võ đài văn chương nghệ thuật kia, tôi không chỉ không nên bắt chước những ngòi bút có tiếng tăm của thứ văn chương thời thượng, mà ngay cả những ngòi bút cùng khuynh hướng với tôi, đã đi trước tôi, mở đường cho tôi, kích động tôi, tôi không phải là nô lệ, không là cái bóng của sự phỏng cóp. Nghĩa là nếu như đã có thanh long đao của Quan Công, bát xà mâu của Trương Phi, thì bên cạnh phải có thêm đường thương của Triệu Tử Long, cây cung của Hoàng Trung. Cũng như bên cạnh thiên trượng của Lỗ Trí Thâm, đôi búa của Lý Quỳ, thì phải có đôi tay to của Võ Tòng ở Cảnh Dương Cương nữa.

Một tâm niệm như thế, một tính cách như thế, một lối sống như thế thực chỉ có ở những nhà văn lớn như Nguyên Hồng. Ngẫm lại, văn chương Việt hiện đại hồ dễ được mấy người như ông!

…………………..

Tham khảo

(1), (2). Bước đường viết văn, NXB Văn học, Hà Nội, 1970.

(3). Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh- Chương XIV- Nguyên Hồng.

(4). Nguyên Hồng- Những tác phẩm tiêu biểu trước 1945 (Bạch Văn Hợp tuyển chọn, giới thiệu), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

sưu tầm

Bình luận Facebook