Nguyễn Bính – thi sĩ giang hồ (phần 6)
Huế là mảnh đất nhiều duyên nợ với Nguyễn Bính. Trên hành trình rong chơi, ông đã nhiều lần đến Huế. Vì thế có một số bài thơ hay được viết ra ở đây, trong đó nổi bật là hai bài thơ “Xóm Ngự Viên” và “Giời mưa ở Huế”.
Trần Đình Thu
Nỗi buồn ở xóm Ngự Viên
Xóm Ngự Viên nằm trong tập Mười hai bến nước, được xuất bản năm 1942, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính, tuy nhiên nó lại ít được đề cập đến. Ở nơi có tên gọi xóm Ngự Viên ấy vốn là vườn Thượng Uyển, còn gọi vườn Ngự Uyển, là chỗ để vua cùng quần thần dạo chơi. Nhưng cho đến khi Nguyễn Bính tới đó vào tháng 9/1941 thì vườn Ngự Uyển chỉ còn là dấu tích. Thay vào đó là một xóm nghèo mọc lên:
Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên
Nhọc nhằn tiếng cú trong đêm vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn
Mặc dầu nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại, triều đình Huế vẫn còn vua – quan – hoàng hậu đủ cả nhưng đấy chỉ là hình thức. Ở xóm Ngự Viên lúc ấy Nguyễn Bính đã thấy cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến rồi:
Khoa cử bỏ rồi thôi hết Trạng
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen
Những thành phần trong hoàng tộc đã trở thành kẻ bình dân như thế, thì thời thế đã quá đổi thay rồi. Nên vui hay nên buồn? Có lẽ đấy là quy luật của trời đất, con người không thể cưỡng lại được như mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu viết về triều đại phong kiến cuối cùng ấy:
Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa
Cây hết thời xanh đến tiết vàng
(Dửng dưng)
Tuy nhiên đối với Nguyễn Bính thì lại khác. Trong tâm tưởng của thi nhân, cảnh chiều tàn của chế độ vua quan ngàn năm ngự trị ấy đã gợi lên những nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Ở điểm này, Nguyễn Bính và Vũ Đình Liên đã gặp nhau. Vũ Đình Liên sau khi xem lễ Nam Giao vào năm 1936 ở Huế xong đã viết mấy câu thơ: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”.
Đấy là tâm trạng hoài cổ, thể hiện bằng sự tiếc nuối bâng quơ những vàng son quá khứ. Có điều những vàng son ấy thi nhân không hề can dự vào. Sự tiếc nuối không có lý do chính đáng nào để tồn tại, nhưng lòng người vẫn không ngăn được tiếc nuối. Tiếc cho thời đại vua chúa đã về chiều, những công tằng tôn nữ phải ngồi đan từng chiếc áo kiếm sống qua ngày, những khoa thi không còn để mà “Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý”. Tiếc không còn cảnh vua cùng hàng đoàn cung tần mỹ nữ dạo chơi trong vườn Ngự Uyển để mà:
Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen
Ở đây ta thấy thêm một đặc điểm nữa đối với Nguyễn Bính mà lâu nay ta không để ý đến. Ta đã để sót một đặc điểm quan trọng đối với thơ Nguyễn Bính. Đó là chất hoài cổ mà nói rộng ra hơn là hoài vọng. Mỗi thi nhân, dù ít dù nhiều đều có một chút tình cảm đó trong con người nhưng ở Nguyễn Bính, tình cảm này hiện ra rất thường xuyên và đậm nét. Riêng ở đây, trong bài thơ này, tình cảm đó hầu như lai láng. Đó là một thứ sương khói bềnh bồng phủ lên lời thơ, khiến lòng người cô quạnh. Một thứ “buồn tàn thu”:
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ giả vườn tiên
Chúng ta thấy trong nhiều bài thơ, thông thường cái buồn đến ngay trong thực tại. Buồn vì lý do chia ly, buồn vì cảnh vật buồn… Chẳng hạn như cái buồn của Huy Cận trong câu thơ “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế/Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường” hay là trong câu thơ của Lưu Trọng Lư “Chừ đây trăng nước não nùng/Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn”… Những nỗi buồn ấy có lý do rõ ràng. Nhưng ở đây thì lại khác. Ở đây cái buồn không đến từ ngay cảnh thực tại mà là vì “Khách du lần giở trang hoài cổ/Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên”.
Ta thấy ở cái xóm Ngự Viên nghèo ấy, có lẽ không ai có thời gian để mà buồn nhiều vì mải kiếm kế sinh nhai. Chỉ có một mình thi sĩ của chúng ta ngồi tưởng tượng lại đủ thứ để mà buồn thôi:
Tay ai đấy nhỉ gieo cầu đấy
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn
Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?
Từ chỗ tưởng tượng ra như thế rồi thi sĩ buộc cái buồn vô cớ vào lòng mình:
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lỡ sông bồi cảnh biến thiên…
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
Nguyễn Bính làm xong bài thơ Xóm Ngự Viên trong một buổi chiều quạnh hiu nào đó rồi viết treo lên vách để ngâm ngợi và Yến Lan khi đến Huế đã được đọc bài thơ trên vách nhà đó. Bài thơ có lẽ làm cho Yến Lan chạnh lòng và cũng khiến lòng ta ngẩn ngơ như vừa đánh mất cái gì. Lâu nay ta cứ nghĩ, chỉ có Vũ Đình Liên mới làm được và làm hay những câu thơ hoài cổ như vậy. Ta không ngờ rằng, với Xóm Ngự Viên, Nguyễn Bính hầu như đã chiếm cái vị trí ấy của tác giả Ông đồ. Cái cảnh chiều tàn trong Ông đồ của Vũ Đình Liên không thể làm bâng khuâng lòng người bằng cái cảnh chiều tàn ở xóm nghèo Ngự Viên này. Bởi đây mới chính là cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến ngàn năm. Cả một vàng son rực rỡ đọng lại trong hình ảnh Tôn nữ ngồi đan áo bên đường, nghèo nàn hơn cả thường dân. Vua quan, quần thần, hoàng hậu, công chúa, trạng nguyên, cung tần mỹ nữ, những yến tiệc, những cuộc dạo chơi, lầu son gác tía, hoa cỏ vườn tiên, tất cả được tái hiện lại và rồi vụt tắt đi, để lại hiện ra một xóm nghèo xơ xác. Đó chính là xóm Ngự Viên:
Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hèn
Xóm vắng này có lẽ ít ai chú ý đến nó. Vì nó chẳng là gì cả trong đời sống thực tại khi đó. Chỉ có một mình thi nhân của chúng ta đến đây “lần giở trang hoài cổ” để buồn và hôm nay để lại cho đời những vần thơ da diết ấy mà thôi.
sưu tầm