Nguyễn Bính – thi sĩ giang hồ (phần 2)
Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính đặt chân đến khi rời bỏ làng quê để cất bước giang hồ. Tuy nhiên, ông sống ở Hà Nội không nhiều lắm. Bởi ông luôn xê dịch qua nhiều địa phương khác nhau.
Trần Đình Thu
Nhà thơ Nguyễn Bính và chân dung ông qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ
Giữa phố phường Hà Nội
Tính từ năm 1936 đến 1945 là gần mười năm, nhưng có lẽ tổng cộng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội chỉ chừng vài năm. Nhưng đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để ông bước chân vào sự nghiệp văn chương. Một điều chắc chắn rằng, chỉ từ khi rời Hà Đông về Hà Nội, vào khoảng năm 1935 hoặc 1936, Nguyễn Bính mới bắt tay vào sáng tác một cách chuyên nghiệp.
Ở Hà Nội, thoạt đầu Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, làm thành một nhóm thơ trẻ, được bạn bè mệnh danh là xóm thơ áo bào gốc liễu. Về sau, Nguyễn Bính chơi thêm với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương… Đó là những cây bút có tiếng tăm trong làng văn. Còn những bạn bè văn chương báo chí khác thì nhiều lắm. Hà Nội có, tỉnh lẻ có.
Qua một số tài liệu để lại, ta thấy rằng dường như những bài thơ hay về làng quê của Nguyễn Bính đều được viết ra trong khoảng thời gian ông sống ngay tại Hà Nội. Khoảng năm 1935 hoặc 1936, cùng với Trúc Đường đặt chân đến Hà Nội, Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ về làng quê. Đề tài làng quê trước hết là thế mạnh của Nguyễn Bính, sau nữa là đề tài mà độc giả các báo, vốn hầu hết là người thành thị, khi đó vẫn rất thích đọc. Mặt khác, một người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, cuộc sống thị thành vẫn còn quá xa lạ như Nguyễn Bính, thì lấy đề tài làng quê để sáng tác sẽ là thuận lợi hơn so với đề tài khác. Những bài thơ như Mưa xuân, Chân quê, Lòng mẹ, Thời trước… đều được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Ta hãy đọc lại vài câu thơ độc đáo viết về làng quê của Nguyễn Bính trong giai đoạn này:
Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa
(Không đề – 1938)
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
(Qua nhà – 1936)
Đấy là những câu thơ đặc tả về làng quê mà khó có người thứ hai nào sáng tác được hay hơn thế. Như là những bức tranh làng Hồ vẽ bằng thơ.
Khi Nguyễn Bính bước chân vào văn đàn, vào khoảng năm 1936, thì cuộc cách mạng thơ mới khởi đầu từ năm 1932 đã đến hồi kết thúc. Lúc này, Nguyễn Bính chỉ việc ung dung thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng mà thôi. Tuy nhiên, ông lại có một công lao khác đối với cuộc cách mạng này. Đó là, bằng những câu thơ mang hơi thở làng quê của mình, Nguyễn Bính đã góp phần giữ cho cuộc cách mạng không đi quá xa đến mức trên văn đàn tràn ngập những câu thơ ảnh hưởng nặng nề thơ Pháp. Có người cho rằng, Nguyễn Bính đã ra một tuyên ngôn về thơ trong bài thơ Chân quê ngay trong năm 1936 khi ông viết những câu thơ sau đây:
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Có thể Nguyễn Bính không nghĩ như thế nhưng vừa bước chân vào văn đàn mà đã thành công rực rỡ ngay là chính nhờ ông đã khai thác đề tài làng quê.
Nhưng rồi viết về làng quê mãi cũng có lúc cạn nguồn đề tài. Vả lại những năm 1939 trở về sau này, Nguyễn Bính đã dần quen thuộc với cuộc sống phố phường Hà Nội rồi. Vì vậy, ông đã bắt đầu lấy những đề tài thành thị để sáng tác. Ta đã thấy xuất hiện những câu thơ như thế này trong tập thơ Lỡ bước sang ngang, là tập thơ xuất bản đầu tiên của Nguyễn Bính vào năm 1940:
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác
Góp lại đường đi, vạn dặm đường
(Hà Nội ba mươi sáu phố phường)
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Châu thành Hà Nội chít khăn xô
(Lòng người trinh nữ)
Những năm 1939 trở đi, đề tài sáng tác của Nguyễn Bính đã mở rộng ra rất nhiều. Và thật đáng ngạc nhiên, khi rời bỏ cây đa giếng nước của làng quê để viết về phố phường, sau một thời gian lúng túng, thơ ông lại vẫn hay như thường:
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh
(Người con gái ở lầu hoa)
Có những ngày đi rất nhẹ nhàng
Vườn tôi đầy cả gió xuân sang
Hai ba con bướm giang hồ đó
Đã trở về đây rũ phấn vàng
(Vườn xuân)
Vào lúc này, Nguyễn Bính không còn là một chàng trai ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội như ngày nào vừa mới rời khỏi thôn Vân nữa. Nguyễn Bính đã biết hút thuốc phiện, uống rượu tây, đi hát ả đào. Có lần Nguyễn Bính cùng hai người bạn thân Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên tàu lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Thú vui hát ả đào ngày ấy đã trở thành món ghiền khó bỏ đối với nhiều văn thi nhân, trong đó có Nguyễn Bính. Chính vì thế mà Nguyễn Bính có vài bài thơ khi đọc lên thấy ngờ ngợ vì nó không giống những bài thơ khác của ông về tiết tấu, về ngôn ngữ. Chẳng hạn như mấy câu thơ dưới đây nằm trong tập thơ Mây Tần, xuất bản năm 1942:
Đêm xuân này giấc mộng thế là tan
Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn
Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch
Một khúc trường ca men Lý Bạch
Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi
(Trên cầu Chiết Liễu)
Đây chính là những câu thơ Nguyễn Bính sáng tác ra để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ viết ra để đọc?
Còn tiếp…
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Nguyễn Bính – thi sĩ giang hồ (phần 3)