NGẬP NGỪNG
Cho đến tận bây giờ bài thơ Ngập ngừng vẫn để lại ấn tượng mạnh cho người yêu thơ. Trong lần đầu tiên ra mắt công chúng, hai câu thơ nổi tiếng với triết lý mới lạ về tình yêu được Hồ Dzếnh viết là:
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đến năm 1969, tập thơ được tái bản ở Sài Gòn thì hai câu thơ vẫn giữ nguyên như thế. Nhưng trong tập “Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc” xuất bản ở Hà Nội năm 1988 thì hai câu thơ ấy lại được sửa thành:
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Trong ca từ của các nhạc phẩm phổ thơ Hồ Dzếnh hai câu thơ này được hoán vị chữ “Đời” và chữ “Tình”. Cách sửa này đem lại hiệu quả rất hay! Hai câu thơ dị bản nếu tách riêng nó ra, không để nằm trong toàn bài thơ nữa thì lại trở thành một bài thơ hai câu hoàn chỉnh:
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Có khá nhiều người không biết về Hồ Dzếnh, không biết thơ Hồ Dzếnh, nhưng lại biết đến hai câu thơ dị bản nổi tiếng này.
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
Bài thơ này đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát Chuyện hẹn hò, nhạc sĩ Anh Bằng thành bài hát Anh cứ hẹn, và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm thành bài hát cùng tên.
Nguồn:
1. Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hoa Tiên, Saigon, 1969
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004