google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

NẾU MỘT NGÀY TỚ QUAY SANG CẬU... - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

NẾU MỘT NGÀY TỚ QUAY SANG CẬU…

Phải chăng tôi đang tự gieo phức tạp vào lòng? … Tôi bắt đầu thích những điều chẳng phải thuộc về mình.

***

Tôi, tên con trai theo nhận xét của đại đa số “chị em phụ nữ” trong lớp là “nhàn nhạt chẳng bắt mắt”. Nghe hơi buồn, nhưng sự thật đôi khi phũ phàng khó đỡ như vậy đó. Mặc dù sở hữu gương mặt “tàm tạm không đến nỗi nào” và thành tích học tập loại ưu, nhưng cái bản tính ít nói, không thích tập tụ bạn bè vui chơi mà suốt ngày chỉ biết đến học và học, khiến tôi mãi chẳng thể thoát ra khỏi biệt danh “ông già lầm lũi”. Biết là thế, song tôi vẫn luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, bởi vì một lí do hết sức đơn giản, chưa một lần, tôi làm ba má phải bận tâm về mình.

Tôi quen biết nhỏ khi cả hai cùng học ôn trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Cái bản ngã luôn đề cao tôn chỉ mục đích “sống sao không động đến bất kì ai” của tôi đã phải trỗi dậy vì nhỏ. Không biết bao nhiêu lần, nhỏ cứ “chí cha chí chóe” bên tai, phá tan sự tập trung vốn được rèn giũa bấy lâu của tôi. Nhưng đó chưa hẳn là nguyên do chính khiến tôi khó chịu. Tôi nhớ ai đó đã từng nói rằng, ấn tượng ban đầu rất quan trọng bởi nó không dễ gì thay đổi được. Vậy mà chính nhỏ đã khiến tôi căm đến mức khó định hình định lượng trong ngày đầu tiên nhỏ bước vào lớp học ôn. Tôi vẫn nhớ như in, hình ảnh nhỏ băng băng tiến thẳng đến bàn học nơi tôi đang ngồi, thả mạnh cặp xách xuống bàn, “hào phóng” ban cho tôi nụ cười tít mắt và nói:

– Ngồi ké nhen ông bạn già?

Tranh thủ ba giây lục lọi bộ óc ngái ngủ của mình, tôi lấy hết tỉnh táo để khẳng định với bản thân: “Mình và con nhỏ đang đứng lù lù trước mặt” chẳng họ hàng thân thiết, càng không phải là người quen. Đưa tay đẩy gọng kiếng lên cao để nhìn thẳng vào gương mặt “thường thường bậc trung” của nhỏ, trong tôi có chút gì đó tự ái len lỏi chạy qua người. Tôi gằn giọng:

– Không được! Ra bàn sau!

– Tại sao? Nhỏ tròn mắt.

– Vì bàn này tui ngồi trước rồi, tui không thích ngồi chung với ai cả.

– Bàn này của nhà ông à! Dù tui đến sau nhưng tui thích ngồi bàn đầu đấy! Nhích vào … nhanh lên coi!

Nói rồi, nhỏ loay hoay lấy tập sách đặt lên bàn, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài cách chia lãnh địa của mình vì thầy giáo đã vào lớp. Dự định sẽ ra ngồi bàn sau ngay giờ giải lao, nhưng kế hoạch của tôi nhưng bong bóng vỡ khi thầy giáo bảo chúng tôi phải giữ nguyên vị trí ngồi như thế này trong những buổi học tiếp theo. Thoáng bất lực, tôi không quên ném lại ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm sang nhỏ. Tôi không ích kỉ, chỉ là vì…. tôi chột dạ phản ứng trước cái cách nhỏ gọi tôi – ông bạn già – cái biệt danh mà tôi ngỡ như mình đã bão hòa từ lâu.

Đội tuyển vỏn vẹn chỉ sáu học sinh nên tiết học diễn tiến như những buổi thảo luận thân mật, gần gũi. Điều đó giúp chúng tôi dễ dàng tiếp thu bài giảng mà không gặp phải áp lực nào. Đó là tình hình chung. Còn đương nhiên với tôi thì chưa phải hoàn toàn rồi. Tôi đã phải nhiều lần gồng mình kiềm chế rất rất nhiều trước cái “giọng oanh vàng” gần như “bá đạo” của nhỏ. Tôi không phủ nhận có lần mình phải bật cười theo những câu nói thông minh, lém lỉnh ấy. Song, đó chẳng qua là sự hưởng ứng tự phát mà thôi. Và tôi, thằng con trai khó tính (theo như lời nhỏ) vẫn liên tục tự phàn nàn “Con gái con nứa gì đâu mà…?”, để rồi liên tiếp thở dài mỗi lần nhìn đứa con gái “chưa thấy hình đã nghe tiếng” ấy, kèm theo hi vọng thường trực khóa học nhanh chóng kết thúc. Bởi lẽ tôi luôn chắc chắn được một điều là, tôi ghét nhỏ. Còn nhỏ thì… tôi đoán, nhỏ chẳng biết ghét ai thì phải?

Thường thì tôi và nhỏ chẳng bao giờ nói chuyện với nhau nên giữa chúng tôi lâu nay chẳng cần đến một lối xưng hô xác định và cố định. Thế nhưng, một lần, nhỏ ngồi “buôn dưa lê” với các bạn khác trong giải lao, còn tôi thì ôm khư khư quyển sách vừa vất vả mượn từ thư viện. Cảnh tượng này chẳng có gì lấy làm lạ, vậy mà lẫn trong tiếng ồn ào, tôi nghe giọng cái Hiền lanh lảnh:

– Quân ơi, qua đây tám với tụi tui cho vui nè!

Quay người nhìn sang phía nhỏ Hiền theo phản xạ, tôi gặp ngay cái kiểu nói như bắt bóng của nhỏ:

– Gọi chi mày, cái ông già đó cứ im im, khó tính như anh họ tao ấy!

– Vậy mày gọi nó là anh luôn đi? – Cái Hiền nhanh nhảu không kém.

– Mày sao thế? Anh gì mà anh, nằm mơ đi nhé, chú thì có, hứ, y chan ông già!

Chẳng kịp nhận rõ “hươu nai” ra sao? Mọi chuyện diễn ra chóng vánh cứ như… tốc độ nói của nhỏ vậy? Khiến người khác ngơ ngác, ngỡ ngàng có lẽ là khả năng mà ông trời phú cho nhỏ. Nhỏ lại tám chuyện, tôi lại đọc sách.

Sau lần đó, chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhỏ gọi tôi là “chú”. Ừ, thì đáp lại, tôi cũng không kiệm lời gọi nhỏ là “cháu”. Kì lạ thay, tiếng “chú” làm nhỏ nghe vui tai lắm thì phải. Mỗi lần thảo luận, nhỏ lại thích thú quay sang tôi: “Ý chú thế nào?”, “Chú thấy sao?”… làm tôi cuốn vào cuộc nói chuyện lúc nào chẳng hay. Lắm lúc, tôi cũng rộn ràng trao đổi: “Chú thấy nên đổi ý này…”, “Chú nghĩ phần này hay hơn!…”. Nghĩ cũng ngồ ngộ, xưng “chú” làm tôi có cảm giác mình là người lớn thực thụ, và nhỏ hiển nhiên là một cô bé con luôn cần đến quân sư là tôi. Và xưng hô “chú – cháu” còn làm chúng tôi thân thiết hơn, nói chuyện với nhau có “trật tự” hơn. Mỗi lần nhỏ mè nheo bên cạnh “Chú ơi, bài này giải sao đây?”, “Chú ơi, đi ăn chè với mọi người luôn đi mà!”, trong tôi cảm thấy vui vui, độ lượng hơn nhiều. Nếu như trước kia, có lẽ tôi đã phát cáu trước vẻ nhí nhố thái quá ấy, nhưng bây giờ thì… tôi nhận ra nhỏ có gì đó dễ thương, vô tư và hồn nhiên! Chúng tôi đã trở thành bạn bè của nhau như vậy đấy!

Đừng hiểu lầm, tôi vẫn còn khó chịu với tính khí hoạt bát quá đáng của nhỏ lắm. Thỉnh thoảng, tôi bực dọc hét lớn: “Im lặng đi”, “Có trật tự dùm không nào?”… Mỗi lần như vậy, nhỏ lại im thin thít. Biết mình lỡ lời, tôi quay sang nhìn điệu bộ như con ốc sên đang thu mình vào vỏ của nhỏ mà không khỏi áy náy. Thế nhưng, nhỏ dễ giận và cũng dễ quên, nên tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần sau mỗi lần lỡ lời với nhỏ. Vì thế, tôi cứ đinh ninh, nhỏ sẽ bị tôi ăn hiếp dài dài. Vô tình, tôi gieo vào mình một thói quen – thói quen chọc ghẹo nhỏ.

Buổi sáng, chúng tôi học chính thức trên lớp. Nhỏ học bên cạnh lớp tôi. Mỗi lần tập thể dục giữa buổi, lớp nhỏ đều phải đi ngang qua lớp tôi mới ra được đến sân tập. Thế là, ngày nào tôi cũng chờ sẵn ở cửa lớp, chỉ cần thấy nhỏ đi qua, nhanh như chớp tôi với tay kéo mạnh đuôi tóc của nhỏ và tự cười khi nhìn nhỏ giận dỗi buộc lại mái tóc đen huyền của mình. Từ ngày chơi thân với nhau, tôi cũng thường sang lớp bên cạnh. Làm gì ư? Tôi hỏi nhỏ mượn vở ôn, dù tôi biết, mình chẳng ghi thiếu bài bao giờ. Thậm chí, tôi còn ngây ngô phát hiện những chỗ thiếu sót của nhỏ:

– Này nhóc, phần này cháu ghi thiếu một đoạn này! Sao cháu ngốc thế?

– Đâu chứ? Nhỏ ngơ ngác.

– Đây này, mở to mắt hí ra mà nhìn?

– Sao chú biết? Đưa tay dò từng dòng chữ nhỏ trong quyển vở trên tay tôi, nhỏ tròn mắt hỏi lại.

– Chú có bao giờ ghi thiếu bài đâu mà? Tôi hí hửng như vừa lập được công lớn.

– Vậy chú mượn vở cháu để làm gì?

– À thì… chú, chú kiểm tra xem có thiếu gì hay không thôi!

– Ơ…là sao…

Dúi mạnh quyển tập vào tay nhỏ, tôi luống cuống như gà mắt tóc.

– Sao trăng cái gì? Thôi, trả vở này, chú về lớp…

Trước khi bước vội vào lớp, tôi ngoái nhìn lại đằng sau, nơi nhỏ đang đứng với những câu hỏi còn đang bỏ dở. Ngay cả tôi còn chưa hiểu nổi tại sao tôi làm như vậy, huống hồ chi là nhỏ. Phải chăng tôi đang tự gieo phức tạp vào lòng? Dạo này, tôi thích ngắm bóng dáng nhỏ trong tà áo dài trắng tinh khôi, tay cầm sổ đầu bài che nghiêng lên mái đầu nơi những vạt nắng đang trải dài. Có vài giọt nắng tinh nghịch len lõi tô lên lên đôi má của nhỏ làm nó thêm ửng hồng. Tôi thích đi xe đạp song song bên cạnh nhỏ mỗi giờ tan học, để được sảng khoái trong tiếng cười giòn tan của nhỏ và thi thoảng lại đắm chìm vào vài nốt nhạc vô ngôn nào đó. Tôi thích nghe những lời tâm sự của nhỏ về bạn bè, chỉ để biết nhỏ vẫn chưa “say nắng” bất kì ai. Tôi thích dõi theo những ước mơ của nhỏ, rồi mơ hồ lượm lặt hình ảnh của mình trong một mảng tranh nào đó… Tôi bắt đầu thích những điều chẳng phải thuộc về mình.

Kết thúc kì thi học sinh giỏi, tôi đạt giải ba còn nhỏ được giải khuyến khích. Đây không phải thành tích cao so với mục tiêu đặt ra, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy rất tuyệt trước thành quả đạt được. Ngồi trong quán quen, nơi những nhành bằng lăng bắt đầu rơi rụng và vương vãi trên mái đầu đang suy tư của nhỏ. Tôi bỗng chốc phát hiện, hóa ra, nhỏ cũng có lúc trầm ngâm như thế này đây. Trong lúc nhỏ đuổi theo những ý nghĩ của riêng mình, tôi lại rơi vào trạng thái sợ hãi. Tôi sợ khoảng thời gian này chóng qua, chúng tôi sẽ phải chia xa để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi sẽ vào Nam, còn nhỏ ra Bắc. Tôi sẽ là một anh kỹ sư yêu nghề và nhỏ là người tận tụy, tâm huyết với nghiệp giáo…

– Này, này… chú nghĩ cái gì mà bất động thế kia?. Tiếng của nhỏ phá tan dòng suy nghĩ mông lung của tôi:

– À,… chú nghĩ bao giờ cháu sẽ hết ngốc!

– Cái gì? Chú muốn chết phải khôngggggg?

– Ngọc này!…

– Sao??????? Tự dưng nghiêm túc thế chú?

– Mà thôi, không có gì đâu!

– Sao nào, nói thử điiii…

– Đã nói là không có gì rồi mà! Cô ơi, tính tiền cho con!

– … Khùng quá!…

Đuổi theo bước chân vội vàng của tôi, nhỏ bối rối gặng hỏi:

– Chú ăn trúng gì rồi phải không? Sao mà đi nhanh vậy?

– Về học bài mai lên lớp, nhanh lên, cháu lộn xộn quá đi!

Nơi con phố nhuộm ánh vàng hiu hắt của chiều ta, có hai chiếc bóng sánh bước bên nhau cùng những câu chuyện không đầu không cuối!

Những ngày cuối cấp kéo cả hai chúng tôi vào guồng máy tất bật. Đứa nào cũng bận bịu với bài vở ôn thi tốt nghiệp và thi đại học. Những buổi chiều lang thang trên con phố nhỏ trải đầy hoa phượng đỏ, những hôm rảnh rỗi la cà góc quán quen tán dóc, những ngày chủ nhật tập trung nấu nướng ở nhà một thành viên của đội tuyển,… tất cả đều được gác lại. Giữa tôi và nhỏ chỉ còn mấy tin nhắn động viên, nhắc nhở và chúc nhau thi thật tốt mà thôi. Riêng tôi cũng quyết định dồn hết sức mình tăng tốc cho chặng đua này… Và chẳng mấy chốc, thời gian như thiêu như đốt, trôi qua chóng vánh. Thật may mắn, cả tôi và nhỏ đều lấy được tấm vé vào ĐH.

Ngày tiễn nhỏ lên tàu, chúng tôi đã ngồi rất lâu nơi phòng đợi của ga. Ai ai cũng hối hả, chỉ có chúng tôi như chết lặng:

– Này cháu! Nếu lỡ một ngày chú quay sang cháu thì sao? Cháu sẽ xách mất dép mà chạy đúng không? – Tôi chủ động phá vỡ không khí im lặng đáng sợ ấy.

– Cháu biết chú sẽ không bao giờ quay sang cháu đâu?

Câu trả lời hồn nhiên ấy khiến tôi hoài nghi:

– Tại sao cháu lại khẳng định như đinh đóng cột vậy? Cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ mà!

Nhỏ cười, cái cười lộ rõ vẻ tinh nghịch như lần đầu chúng tôi quen nhau:

– Vì sao ư? Vì giác quan thứ 6 của cháu mách bảo! Thôi, cháu lên tàu đây! Đi nhé!

Tiếng còi tàu hú vang cả sân ga, nhỏ hối hả chạy lẫn vào dòng người đang chen chúc nhau bước lên tàu. Tôi cố gắng nói với theo:

– Rồi cháu sẽ thấy! Giác quan thứ 6 đôi khi cũng dự báo sai đấy!

Tôi thoáng thấy nụ cười của nhỏ qua tấm lưới sắt của ô cửa. Giá mà tàu dừng lại thêm tí nữa, thì tôi sẽ nói nhiều hơn. Mà… cũng có thể là tôi sẽ chẳng nói gì cả. Nhưng, có lẽ, tôi đã không phải đứng chôn chân nhìn theo bóng con tàu xa dần, khuất dần phía trước.

Sáng hôm sau, tôi lên xe ra Bắc. Chắc chắn giờ này, nhỏ cứ ngỡ tôi đang lên xe vào Nam. Thật ra, tôi đã sớm đổi sang dự thi vào trường của nhỏ. Tôi tự nhủ với lòng mình, nếu trong ước mơ của nhỏ chưa có tôi, thì tôi sẽ xây dựng một ước mơ có nhỏ hoặc là gầy dựng một ước mơ bên cạnh nhỏ để nhỏ có thể dễ dàng bước vào… để đến gần tôi. Và tôi tin, khi yêu thương đủ lớn, hạnh phúc sẽ đong đầy.

Hôm nay, tôi đi trả nợ. Tôi nợ nhỏ một lời tỏ tình…

TA NA/ S.T

Bình luận Facebook