Mùa xuân và những câu thơ tháng Giêng
Tháng Giêng, tháng của những hội hè, đình đám, tháng của mưa xuân rắc hạt, hoa xoan tím ngắt rụng mọi nẻo đường trong tiếng chuông chùa vọng vào thinh không. Tâm hồn con người dường như trẻ lại để đón nhận những tinh khôi mới mẻ. Câu thơ tháng Giêng cũng theo bước chân du xuân, qua bao năm tháng vẫn tươi mới như mùa xuân thủa nào. Mùa Xuân, cũng là xuân thì, là tình xuân mới mẻ đang đón đợi tình yêu trong sự e ấp của người thiếu nữ:
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
(Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp)
Cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp mang vẻ đẹp khuôn thước của lễ giáo đến với mùa xuân trang đài với tóc đuôi gà, khăn mỏ quạ, yếm đào, quần lĩnh áo the… đến với chùa Hương trong một sớm xuân tinh khôi. Trong tâm hồn cô vẫn đầy những ước mơ, hi vọng, đón chờ vào sự diệu kì của mùa Xuân. Ở một bài thơ khác, ta lại bắt gặp vẻ đẹp của tháng giêng trong nét đơn sơ, mộc mạc của ruộng vườn nơi thôn quê:
Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa
Cây cam cây quít cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.
Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
Người đi trẩy hội tóc phơi trần.
Đường mát da chân lúa mát mình
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.
(Mưa xuân II – Nguyễn Bính)
Khác với cô gái nghẹn ngào, lỡ dở trong đêm hội chèo, mùa Xuân ở đây là sự nguyên sơ của một tình quê nồng hậu trước. Cái lạnh như vẫn còn bao phủ những làng quê Bắc Bộ nhưng đã cảm nhận được sự ấm áp của sự hòa quyện và đón nhận:
Cây cam cây quít cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.
Những đặc sắc nhất, phải là sự nhẹ nhàng, tinh tế, vi diệu của những: bươm bướm bay không ướt cánh; tơ nhện giăng trắng ngần, mưa như rắc trên tóc người đi trẩy hội… Tất cả chỉ có ở mùa Xuân khi tất cả các tín hiệu của sự sống như vừa mới chớm, còn tinh khôi, ngỡ ngàng. Đó cũng là cách mà thi sỹ Xuân Quỳnh nói về mùa Xuân của Hà Nội, mùa Xuân hồi sinh sau những năm bom đạn:
Như đất nước vừa qua thời lửa đạn
Lại ngỡ ngàng: Chim nhỏ tháng Giêng xuân
Lòng chưa quên ngọn lửa sáng đêm rừng
Câu thơ viết dưới bầu trời báo động
Tôi yêu những con đường gió lộng
Buổi mai chiều tíu tít bánh xe lăn
Mỗi ngôi nhà như dáng một người thân
Ô cửa nhỏ mở về bát ngát.
Tôi yêu những phố dài tít tắp
Con đường nào cũng dẫn về anh
(Những con đường tháng Giêng – Xuân Quỳnh)
Dường như, sau bao thăng trầm của đất nước, sau những tháng năm cả dân tộc hướng đến những điều lớn lao như vận mệnh dân tộc, những gì đơn sơ, bé nhỏ nhất lại đến với mùa Xuân hòa bình. Mùa Xuân ấy không đơn giản chỉ là sự chuyển giao của một năm mà là sự hồi sinh sau những mất mát, đổ nát, đau thương. Phía chiếc xe lăn, dưới gầm trời vang tiếng còi báo động, nhưng đêm sơ tán nơi rừng sâu, lại trở về với một Hà Nội tinh khôi trong mùa Xuân mới.
Những thi phẩm về tháng giêng đều mang những vẻ đẹp khác nhau. Tháng Giêng như cặp môi gần mời gọi (Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần – Xuân Diệu), tháng Giêng của những khát khao (Tháng giêng như gái một con/ Nửa như viên mãn nửa còn khát khao – Phạm Công Trứ), nhưng cũng có những tháng giêng đầy khí phách, oai hùng của mùa Xuân chống giặc ngoại xâm:
Bài hát ấy già lắm rồi
từ khi có núi có đồi
có nền nhà mẹ cha đã hát
con sông Quy hiếm hoi
chở người sang dào dạt
tiếng hát trẻ mãi không già.
Mùa Xuân này mẹ cho tháng Giêng
anh em ra chiến hào
chiến hào mới đào
đất bừng máu đỏ
hướng súng ngược chiều gió…
anh em tôi chia nhau tháng giêng
riêng câu hát phần em tất cả
(Tiếng hát tháng Giêng – Y Phương)
Mùa Xuân ấy quân thù đang xâm lăng bờ cõi, khúc hát tháng Giêng không tắt mà được hát bằng một khúc thức khác. Đó là những: “chiến hào mới đào/ đất bừng máu đỏ”, khúc hát tháng Giêng là sự hy sinh, là niềm hạnh phúc tạm gác lại nơi người con gái: “Anh em tôi chia nhau tháng Giêng/ riêng câu hát phần em tất cả”.
Hiển nhiên, đã có bao nhiêu mùa Xuân của đất nước, sẽ có bấy nhiêu tháng Giêng với những tâm sự, những cách nhìn cách cảm khác nhau nhưng cùng hướng đến một vẻ đẹp của sự sống, của lòng yêu quê hương đất nước của mỗi tâm hồn con người Việt Nam.
Theo (Sưu tầm)