Mùa XUÂN trong phong trào thơ mới

Mùa xuân vốn dĩ đã là một đối tượng thẩm mĩ của văn chương. Nhưng để trở thành một trường thẩm mĩ thực sự với tư cách là thước đo của thời gian, hạn định của không gian và niềm hy vọng vào viễn cảnh tươi sáng của con người thì là cả một hành trình dài. Trên con đường ấy ta đã gặp biết bao tác phẩm được kí thác lại từ những tận cảm, đồng điệu của văn nhân xưa và nay trong thời khắc xuân sang.

Huy Cận là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam và là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào thơ mới. Trong sự nghiệp văn học, ông là người đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn Lâm Thơ Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hiệp hội Văn học Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1984 đến năm1995. Phong thơ của ông mang hai trạng thái khác nhau và có khuynh hướng triết lý. Trong khoảng 1936-1940, thơ của ông mang nặng một nỗi buồn mênh mang, da diết, sầu não, hiu quạnh, buồn thương cho cuộc đời, kiếp người cũng như cho quê hương đất nước, nhưng sau này thơ của ông chuyển hướng sang nét vui tươi, yêu đời và trong sáng hơn, điều này thể hiện rõ rệt trong bài Hồn Xuân.

“… Anh khắp rừng cao xuống lũng sâu,
Tìm em, đi hái lộc xuân đầu.
Trồng đâu chân đẹp tròn như cột?
Em đẹp son ngời như cổ lâu.

Nghe nhịp đời lên, em bỏ anh,
Đua theo xuân nở rộn trăm cành.
Ý mùa cũng rộn trong thân mới,
Tóc rủ bờ tơ sợi liễu mành.”

Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ khi ông còn rất trẻ, năm 17 tuổi ông xuất bản tập thơ đầu tay Điêu tàn và trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn có biệt hiệu là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.

Phong cách thơ của Chế Lan Viên rất rõ nét, độc đáo, đa dạng, phong phú và phảng phất những suy tưởng nghiêng về triết lý. Một bài thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên được nhiều người biết đến và để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử thi ca Việt Nam. Đó là bài thơ với tựa đề “Xuân” với hồn thơ điên loạn, vừa kinh dị vừa thần bí như tiếng khóc của đứa con trung thành với tổ quốc, như lời than cho sự rối bời bế tắc, những ngày tận cùng của một vương quốc.

Trong bài thơ “Xuân” ông nhắc đến sự điêu tàn của tháp Chàm như gởi gấm một nỗi niềm hoài cổ của Chế Lan Viên khi đối diện với xương máu, sọ người. Ẩn hiện quanh ông sự chết chóc, đau thương, mất mát của những phế tích đổ nát, diêu tàn của một triều đại. Bài thơ “Xuân” là một trong những bài thơ tiêu biểu, một cảm nhận về mùa xuân hoàn toàn khác biệt với phong thơ của các nhà thơ khác. Mùa xuân qua cái nhìn của Chế Lan Viên là những đắng cay và đau khổ, những khắc khoải đau thương, một cảm xúc mãnh liệt đang len lỏi trong mùa xuân của ông. Chính đại văn hào Nguyễn Du đã từng viết một câu thơ bất hủ khi mùa xuân không trọn vẹn, khi con người đang sống trong trạng thái u sầu và khung cảnh buồn bã:

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Câu thơ trên đã được thể hiện rất rõ qua tâm trạngcủa Chế Lan Viên trong bài thơ với tụa đề “Xuân” dưới đây. Trong bài thơ này, ông đã trải lòng mình trong những áng thơ bi ai, sầu thảm khi chứng kiến sự điêu tàn của tháp Chàm (thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Hindu, Phật giáo) của dân tộc Chàm và sự xụp đổ của triều đại, đã một thời vang bóng. Chính vì thế mà có nghi vấn cho rằng ông cũng là dân tộc Chàm.

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!…”

Trong giai đoạn phong trào Thơ Mới phát triển với những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Thế Lữ, v.v… thì cái tên của chàng thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như một hiện tượng vô cùng đặc biệt, áng thơ của ông mang một phong cách riêng, lạ và rất độc đáo. Thơ của ông là một thế giới hư hư, thực thực, u uất, một thế giới liêu trai nhuốm màu kinh thánh. Những vần thơ như ám ảnh người đọc bởi cuộc đời nhiều truân chuyên và bất hạnh của ông. (***)

Những thi phẩm xuân của ông khá đặc biệt, kể cả những bài thơ tình mùa xuân lãng mạn tiêu biểu và nổi tiếng như:

Non sông ngàn dặm ngắm càng xinh
Ừ, tết năm nay thật hữu tình
Pháo nổ, nổ tan luồng thất nghiệp
Xuân về, về ghẹo khách ba sinh

Hoa tươi sách với Thiên Kiều gái
Cảnh đẹp dường như thuỷ mặc tranh
Cao hứng đã toan cầm bút vịnh
Đào nguyên đâu lại thoáng qua mành

(Xuân Hứng)
Tết nhứt nhà ai khéo khéo bày,
Cỗ bàn sắm sửa áo quần may.
Cành bông ba bữa mang công nợ,
Tốt mặt mấy ngày phải mượn vay.

Cô nọ đủ lưng chờ bóc sách,
Cậu kia móc đít được ba tây.
Ai vui cười thiệt ta cười gượng,
Lãnh đạm thà mang tiếng chẳng hay.

(Ăn Tết)
Riêng tớ xuân về dạ héo von
Xa nhà xa vợ với xa con.
Hoa đào trên áo gây hương nhớ,
Tiếng pháo bên tai giục nỗi buồn.

Thoi én như thêu tranh cách biệt,
Gió xuân càng lạnh kẻ cô đơn.
Người vui tấp nập mòi sung sướng,
Riêng tớ xuân về dạ héo von…

(Ngày Tết Xa Nhà)

Dựa theo người viết Phù Vân-Đức Quốc, thế giới trong thơ của Thái Tú Hạp là một cõi không gian huyền diệu, u trầm, tĩnh mặc, là dấu chân hoài niệm, là ánh nắng lung linh, là tiếng suối róc rách và là nhịp rung động của trái tim. Thế giới trong thơ Thái Tú Hạp là bóng mát để ta dừng chân tạm nghỉ trên một chuyến hành trình đi tìm cõi vĩnh hằng, một chốn an lành vĩnh cửu của cỏi Thiền và trên cõi thâm sâu của Phật Giáo”.

“Sáng nay
Nghe tiếng chuông ngân thánh thiện
Mùa xuân mời gọi thiêng liêng
Như chính lòng ta vô nhiễm
Vừa thức dậy bàng hoàng…”

(Vẫn Yêu Em, Mùa Xuân)

Thơ xuân của Thái Tú Hạp là những mầm xanh lá mới trong vườn thơ hạnh ngộ, xin thưởng thức đoạn thơ sau.

Trong vườn xuân hạnh ngộ
Hoàng lan hiu hắt tàn
Dấu chân về cuối phố
Nghe sầu vỡ trăm năm

(Trong Vườn Xuân Hạnh Ngộ)

Xuân về nhớ Nguyễn Bính với nhưng vần thơ thấm đậm hồn quê, nỗi lòng chờ mong với những khắc khoải, nhớ thương mưa xuân trên đất Bắc, ông đã dành rất nhiều thời gian, cảm xúc và tâm tình để viết về mùa xuân. Thơ Nguyễn Bính không kén chọn độc giả và không phân biệt giai cấp, từ giới thượng lưu hay bần cùng, từ người thành thị đến kẻ thôn quê đều có cảm giác như hình bóng của mình lúc ẩn lúc hiện ở trong lời thơ của ông. Bởi chính vì thế, thơ Nguyễn Bính trở nên gần gũi và luôn được mọi người yêu chuộng.

Nguyễn Bính viết bài thơ “Mưa xuân” khi ông 18 tuổi-cái tuổi bắt đầu biết nhớ nhung và chập chững bước vào đời. Có lẽ trong cuộc đời của ông, ông yêu cũng đã nhiều và đã từng trải qua không ít thất vọng trong tình yêu, nên thơ xuân của ông có mang một chất giọng buồn bã, sầu bi. Trong bài thơ “Mưa xuân”, Nguyễn Bính đã vẽ lên một phong cảnh một làng quê thanh bình, yên vui với những sinh hoạt hàng năm trong ngày hội đầu xuân. Lồng vào trong lời thơ, ông không quên nhắc đến nỗi lòng thương con của người mẹ già và những ước mơ thầm kín của người con gái ở tuổi xuân thì. Lời thơ giản dị, chân thành, êm ái, thiết tha và man mác buồn đã làm vấn vương lòng người thưởng thức thơ, bởi chính sự diễn tả tài tình của ông qua lời trách móc nhẹ nhàng, u sầu của người con gái khi người yêu lỗi hẹn. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên và do Ca sĩ Bích hồng trình bày với giọng “Huế”. Chúng ta hãy cùng thưởng ngoạn vẻ đẹp trong nét thơ của Nguyễn Bính qua bài thơ “Mưa Xuân” dưới đây.

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng…
………………………………..
“… Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?”

Trong bài “Rượu xuân”, Nguyễn Bính đã gởi gấm niềm tâm sự qua những câu thơ thật buồn khi nâng chén rượu hồng, tiễn người yêu sang ngang. Bài thơ này đã được nghệ sĩ Thúy Mùi ngâm.

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi! Em uống cho say!
để trong mơ, sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
đến đây là … đến đây là … là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người.
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.

Trong những bài thơ xuân của Nguyễn Bính, chúng ta không thể nào không nói đến bài “Gái Xuân”. Đây là một bài thơ nổi tiếng của ông và đã được nhạc sĩ Từ Vũ phổ nhạc thành bài hát cùng tên và ca sĩ Quang Lê trình bày. Cũng bài hát này cũng được Paris By Night 124-Anh Cho em Mùa Xuân thực hiện qua tiếng hát của ca si Hoàng Nhung cùng sự phụ họa của đoàn vũ Thúy Nga.

“Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,
Đôi tám xuân đi trên mái tóc.
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”

Trong bài “Xuân về nhớ cố hương” nghe như tiếng khóc của đứa con xa quê nhà trong những ngày đầu năm, nỗi cô đơn, lòng thương nhớ gia đình. Trong một bài thơ khác với chủ đề “Xuân tha hương” là một điển hình của một bài thơ hội tụ tất cả các phong cách giang hồ, tha hương, lỡ dở nhưng ông vẫn giữ được bản chất giản dị, mộc mạc của hương đồng cỏ nội, của những lễ hội trong những ngày xuân ở quê nhà (Nam Định). Nổi tiếng là một nhà thơ sáng tác những bài thơ tình đầy tính chất lãng mạn, Nguyễn Bính đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn học với trên 10 tập thơ, hàng trăm bài thơ hay cũng như nhiều tập truyện thơ của các thể loại khác nhau, truyện ký và nhiều vở kịch có giá trị trong suốt 30 năm cầm bút (1936-1966). Đặc biệt là thơ của Nguyễn Bính mang đậm sắc thái dân tộc, gần gũi với những câu ca dao trong dân gian, nên rất dễ đi vào lòng người và được nhiều người Việt mến mộ.

“…….. Trót đà mang số sinh ly
Bao giờ tôi mới được về cố hương
Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi! Muôn vạn dậm đường xa xôi!
Chiều ba mươi hết năm rồi
Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà
Tôi còn lận đận phương xa
Để ăn cái tết thật là vô duyên.

(Xuân về nhớ cố hương)

sưu tầm

Bình luận Facebook