Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” được viết dựa trên những trải nghiệm trong một tháng sống tại thủ đô của người khách lạ đặt chân đến xứ Kinh Kỳ.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm Nhớ mùa thu Hà Nội: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống – bay lên”.
Nhớ mùa thu Hà Nội ra đời trong một tháng “gặp gỡ” của những tâm hồn đồng điệu. Bài hát lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Cùng sự thể hiện của Hồng Nhung, Nhớ mùa thu Hà Nội làm người đi xa không khỏi xốn xang, người ở gần không khỏi bồi hồi vào những buổi sớm heo may trong lòng thành phố.
Sở dĩ Nhớ mùa thu Hà Nội khơi gợi nên tình cảm thân thuộc đến thế là bởi Trịnh Công Sơn đã bắt được “thần thái” của một thủ đô cổ xưa, trầm mặc, thiêng liêng trong ký ức mọi người. Những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu là những hình ảnh khó có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Nó hiển hiện trong tâm trí người yêu Hà Nội như tranh phố Phái, như cốm làng Vòng, hay những con đường hoa sữa nồng nàn tháng 10.
Những dư âm, mùi vị ấy dù rất đặc trưng, không phải ai một lần ghé ngang Hà Nội cũng bắt được. Ca sĩ Khánh Ly, trong một lần thể hiện ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội, cũng chia sẻ ấn tượng về Hà Nội của bà không nhiều. Thế nên, khi Trịnh Công Sơn viết cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ thì bà hình dung được nhưng “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” thì phải đến khi nhạc sĩ giải thích, bà mới hiểu ra. Đó là những chú chim sâm cầm bay đi tránh rét mà nhạc sĩ gặp ở Hồ Tây trong chuyến công tác nọ. Hình dung về Hà Nội của Trịnh Công Sơn được góp nhặt phong phú, lại được lan truyền rộng rãi chỉ bằng vài tình tiết trong khoảnh khắc giao mùa.
Có những đặc trưng về Hà Nội được nhạc sĩ phát hiện và đưa vào bài hát đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Hình ảnh “cốm sữa vỉa hè” từng được chính những người Hà Nội đặt dấu hỏi: Liệu có loại cốm nào là cốm sữa không hay đó đơn giản là món ăn cốm với sữa của người Hà Nội ngày trước? Nhiều ý kiến được đưa ra sau liên tưởng thú vị này của Trịnh Công Sơn. Ý kiến được ủng hộ hơn cả là hình ảnh “cốm sữa” ám chỉ sự tinh tế trong ẩm thực Hà Nội. Hạt cốm ngon nhất là hạt cốm ngậm sữa, chín vào độ giữa thu. Đây là thời điểm cho cốm mềm, thơm, dẻo nhất trong năm theo kinh nghiệm của những người làm cốm lâu năm của làng Vòng.
Trịnh Công Sơn đã chắt lọc những phần linh hồn tinh tuý nhất của Hà Nội để đưa vào bài hát. Cốm sữa là một phần như thế, chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở Hà Nội, vào độ giữa thu.
Sau xứ Huế, Hà Nội có lẽ là thành phố tiếp theo được Trịnh Công Sơn ưu ái dành nhiều tình cảm đến thế trong ca khúc của mình. Những lời ca đẹp nhất, những giai điệu xốn xang nhất của mùa thu Hà Nội đã được Trịnh Công Sơn viết nên bằng trái tim sâu nặng với đất và người nơi đây. Chẳng thế mà nỗi nhớ cuối bài hát mới mãnh liệt đến thế:
“…Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người
Lòng như thầm hỏi: Tôi đang nhớ ai
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi…”
Nỗi nhớ vừa hiện hữu, vừa vô hình, không hướng về ai nhưng cũng hướng về tất cả Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã khơi gợi được niềm đồng cảm của bao thế hệ người yêu nhạc. Hà Nội giờ đây có chen chúc những tòa nhà cao tầng, những vỉa hè có trơ trọi bóng cây hay những mái ngói thâm nâu đã được sửa sang khang trang sạch sẽ thì ấn tượng về một Hà Nội trầm mặc, xưa cũ vẫn không phai mờ trong tâm trí những người gắn bó nơi đây. Mỗi độ thu về cùng gió heo may, hương cốm mới, cả một trời ký ức trong lòng những người yêu Hà Nội lại bồi hồi sống dậy. Người đi xa nhớ một Hà Nội trong ảo ảnh, hình dung. Người ở gần nhớ một Hà Nội của dĩ vãng.
Cũng có lẽ vì thế mà sau này, dù có nhiều ca sĩ thể hiện thành công Nhớ mùa thu Hà Nội, khán giả vẫn không quên được bản thu âm đầu tiên của ca sĩ Hồng Nhung. Bài hát được thu khi diva còn rất trẻ, Hà Nội trong video nhạc cũng chân phương hơn bây giờ. Kỹ thuật và chất lượng âm thanh có thể còn hạn chế nhưng hình ảnh bờ tường rêu phong, những con đường rợp lá vàng, những ban công thời Pháp thuộc là một phần ký ức về Hà Nội đã vĩnh viễn mất đi mà ai trong chúng ta cũng khao khát tìm về trong trí nhớ.
sưu tầm