Mùa hè rớt- Bài thơ mê đắm lòng người của Olga Berggoltz

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!

Trên má, mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Khe khẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất,
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm…
Hạnh phúc – hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn!

Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương,
Ta tiếp nhận, vì ngươi sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ,
Tình yêu đâu?… Rừng lặng, bóng sao im.

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt…
Nhưng chỉ mãi bây giờ, ta mới biết
Yêu thương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay…!

1960

(Bằng Việt dịch)

Olga Berggoltz viết bài thơ này lúc tròn 50 tuổi, đã trải qua bao cay đắng, trầm luân của cuộc đời. Tuy nhiên, khác với các nhà thơ khác, nữ thi sĩ không chỉ vẽ lại sắc màu, mùi vị và hồn thái của Бабье Лето(Mùa hè rớt) mà qua đó, bà thể hiện cả quãng đời đặc biệt của người đàn bà với cụm từ chỉ nghe thôi đã thấy rạo rực: Tuổi hồi xuân.

Đó là lúc tưởng như người phụ nữ đã giã từ môi hồng, mắt biếc long lanh để se lòng với vết chân chim trên khoé mắt và ánh tóc ngả màu trên thái dương. Đó là lúc tưởng như người đàn bà đã không dám chân trần ra phố hãnh diện như vừa mới đây. Đó là lúc tưởng như chị đã âm thầm chuẩn bị hành trang ẩn náu cho mình trong ngày sắp tới. Nhưng đột nhiên Бабье Лето (Mùa hè rớt) xuất hiện. Chị hồi xuân. Mắt chị lại long lanh, má chị lại bừng đỏ… Ngọn lửa tưởng chừng đã lắt lẻo hiu hắt trong chị lại ấm áp an toả.

Người đàn bà như “Бабье Лето”(Mùa hè rớt). Chị đã đi qua mọi miền khao khát và mãnh liệt của tuổi trẻ – mùa hè, nếm trải hạnh phúc, đắng cay, yêu thương, hờn giận… Như thiên nhiên đã tụ lại trong đất trời trong cây trái sau mùa hè, ở chị có quả chín đượm vị ngon thơm, cánh hoa rực màu và đậm mùi hương. Ở chị có cái độ lắng của chiều sâu thăm thẳm khiến cánh đàn ông ngợp chìm trong đó, nhưng không hốt hoảng mà trái lại chỉ muốn khám phá đến tận cùng.

Và trong sâu thẳm trải nghiệm cuộc đời, người đàn bà cũng biết cái hữu hạn của Бабье Лето(Mùa hè rớt) – tuổi hồi xuân. Chị hiểu mình như ngọn lửa sẽ không còn cháy lâu được nữa, như bông hoa cuối mùa “sặc sỡ đến lo âu”. Cái bâng khuâng pha chút luyến tiếc, lo âu là có thật, đến mức có khi người đàn bà hoảng hốt kêu lên với đất trời về những gì đã mất và những gì sẽ mất. Nhưng rồi, như một người thấm hiểu, sau giây phút “bùng lên đầy thảng thốt” đó, chị bình thản chấp nhận “quy luật muôn đời”.

Chắc chắn nhà thơ Bằng Việt đã được tắm mình trong Бабье Лето(Mùa hè rớt) và đặc biệt đã hoá thân vào “người đàn bà hồi xuân” trong bài thơ của Olga Berggoltz thì mới có thể chuyển dịch bài thơ tuyệt vời như thế. Từ tên gọi đầy xuất thần của bài thơ “Mùa hè rớt” đến giọng điệu tự sự, nhẹ nhàng mà sâu lắng, pha chút ngậm ngùi luyến tiếc, bản dịch của ông vượt quá sức mong đợi và có thể nói là đầy sáng tạo. Olga Berggoltz có thể nói là đã “hồi xuân” trong bản dịch của ông. Chẳng thế mà bao nhiêu thế hệ đã chép tay bản dịch bài thơ, đến mức khó có thể biết đâu là bản dịch gốc.

Có ai đó từng nói không cần thơ, thơ là nhảm nhí. Không. Có tâm hồn là có thơ. Vấn đề là phải thơ thật sự. Бабье Лето(Mùa hè rớt) của Olga Berggoltz và bản dịch Mùa hè rớt của dịch giả Bằng Việt là loại thơ như thế.

sưu tầm

Bình luận Facebook