‘Mùa hạ cuối cùng’ – khúc hát của mối tình học trò thầm lặng
Ca khúc của Trần Lê Quỳnh vẽ ra khung trời thanh xuân với ký ức tình yêu vụng dại.
Bài hát được nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh viết năm 1999, khi anh là sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và nhớ về mối tình đơn phương năm cuối cấp. Mùa hạ cuối cùng có ca từ đơn giản nhưng giàu chất thơ, gần gũi, chân thành, tựa như lời tâm sự thì thầm.
“Dưới hàng cây anh ngước nhìn về phía em
Nhớ da diết năm tháng vụng dại sắp qua
Mai thời gian sẽ xóa nhạt màu dấu chân
Những bạn thân trên phố gặp lại, sợ không nhận ra nhau”
Bao xúc cảm của thời học sinh cấp ba ùa về, vẹn nguyên khi câu hát cất lên. Chàng trai năm ấy thầm thích một người nhưng giấu trọn tâm tư không dám thổ lộ, chỉ biết ngước nhìn “em” lặng thầm mỗi giờ ra chơi. Đến tận năm lớp 12, khi sắp chia tay và không biết có còn gặp lại nhau không vì mỗi người mỗi hướng, anh muốn bày tỏ nhưng cũng không biết làm thế nào. Mùa hạ cuối cùng là mùa anh còn được nhìn thấy người ấy mỗi ngày dưới hàng cây sân trường. Lòng man mác, vừa buồn, vừa nuối tiếc về một cuộc tình không thành, muốn nói ra lắm, muốn tặng em một nhành hoa nhưng rồi lại thôi.
Đó không chỉ là cảm xúc, câu chuyện của Trần Lê Quỳnh. Rất nhiều chàng trai đã đi qua những năm tháng học trò vụng dại với mối tình không thể nào thổ lộ. Lý do thì có rất nhiều: sợ người ấy từ chối, nỗi tự ti của bản thân hay bởi họ đã thuộc về người khác mất rồi. Nhưng thế có khi lại hay, vì chắc gì khi tỏ tường, khi lời yêu đã nói, mọi thứ vẫn còn vui. Thôi thì cứ giữ trọn trong tim nhỏ và mỉm cười nhớ về… Có chút nuối tiếc, vấn vương, khắc khoải, bởi lẽ không ai có thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian: “Mai thời gian sẽ xóa nhạt màu dấu chân/ Những bạn thân trên phố gặp lại, sợ không nhận ra nhau”.
“Những lời nào chưa nói, mai đã xa em rồi
Nhánh hoa nào cầm tay, anh vẫn chưa tặng em
Mai sau này sẽ khác, khi đã xa nhau rồi
Xin giây phút này mãi se lòng chúng ta”
Ừ thì tất cả đều phải khác. Có điều gì là mãi mãi đâu. Ai cũng phải có những chọn lựa khác cho cuộc đời mình. Chúng ta đều bắt buộc phải đi tiếp quãng đời còn lại. Thế nhưng, ký ức về mối tình tuổi học trò, dù không trọn vẹn, sẽ ở trong tim ta mãi.
“Sẽ nhớ mãi khi mai ta về, lòng như mây trắng giữa trời ấu thơ
Những ánh mắt trao nhau tha thiết gợi lại ký ức mùa hè đã qua
Sẽ nhớ mãi sau bao thăng trầm, lặng yên anh đứng như những hôm nào
Mùa hè cũ như trở về cùng tên em”
Cụm từ “sẽ nhớ mãi” được lặp lại hai lần trong một đoạn, như chính lời nhắn nhủ của “anh” với “em”. Những gì đã qua, anh sẽ để dành suốt đời.
Trần Lê Quỳnh chia sẻ hiện tại anh định cư ở London (Anh) cùng vợ và hai con nhỏ. Mỗi lần nghe ca khúc, anh đều thấy lòng lắng lại, nhớ về kỷ niệm đầu tiên ấy mà không thể quay lại. “Bài hát là cách để tôi sống với ký ức ngày cũ. Sau này, mỗi lần về thăm trường cũ, tôi có dịp gặp lại người ấy, nhưng tôi vẫn giữ bí mật đó trong tim… Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi, mà còn có rất nhiều người, dù đang độc thân hay đã có gia đình, khi nhớ về mối tình trong sáng thời đi học, cũng đều rất bồi hồi xúc động”, nhạc sĩ chia sẻ.
“Lòng như mây trắng giữa trời ấu thơ” là vậy. Tình cảm thời cấp ba luôn trong sáng, nhẹ nhàng và ngọt lành, không thể nào quên. Nhiều năm sau này, dù có tình cờ gặp lại, người xưa vẫn không hề biết từng có chàng trai dành cả thanh xuân để thương nhớ mình. Và khi tất cả đều đã trưởng thành, yên ổn với cuộc sống mới, sẽ có một ngày “lặng yên anh đứng như những hôm nào/ mùa hè cũ như trở về cùng tên em”. Không phải để làm lại từ đầu, không phải xót xa, tiếc nuối, vì chắc chắn chúng ta không thể nào quay ngược thời gian. Đó chỉ giản đơn là thứ cảm xúc ngọt lành của một trái tim nhạy cảm khi nhớ về những gì đã cũ.
Ca khúc lần đầu tiên được trình bày bởi ca sĩ Trần Thu Hà, do tác giả đưa cho nhạc sĩ Đỗ Bảo biên tập. Sau này, một số ca sĩ khác như Ngọc Linh, Minh Quân, Quốc Thiên thể hiện. Mỗi nghệ sĩ, bằng xúc cảm riêng của thời đi học, đều có cách thể hiện khác nhau về mối tình lặng thầm đó. Tuy nhiên, bản của ca sĩ Ngọc Linh dường như trong trẻo và nhẹ nhàng nhất, gần với cảm xúc của tuổi học trò.
Nguồn Hà Thanh Phúc/ VNE