Nguyễn Du là người ít làm thơ xuân. Trong số 250 bài thơ chữ Hán của ông thì chỉ có ba, bốn bài viết về mùa xuân, chính xác hơn là nói nỗi lòng của ông khi mùa xuân đến…
Nguyễn Du là người ít làm thơ xuân. Trong số 250 bài thơ chữ Hán của ông thì chỉ có ba, bốn bài viết về mùa xuân, chính xác hơn là nói nỗi lòng của ông khi mùa xuân đến. Hầu hết những bài này đều viết trong “mười năm gió bụi” ông sống ở quê vợ Thái Bình từ năm 1786 đến năm 1796, tức là từ khi ông 21 tuổi đến năm 31 tuổi.
Nguyễn Du ít có thơ vui, thơ viết khi Xuân về cũng thấm đẫm nỗi buồn. Ta hãy đọc một trong những bài thơ xuân đó:
XUÂN DẠ
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cữu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Kỵ lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim
Dịch nghĩa:
ĐÊM XUÂN
Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng. Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u. Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày, cuộc đời có khác gì vẻ xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm. Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ. Quê hương xa nghìn dặm, bóng trăng vẫn ở trong lòng. Ở quê, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng dòng sông Long Giang vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ. (Theo bản phiên âm và dịch nghĩa của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính)
Dịch thơ:
ĐÊM XUÂN
Đêm đen nào thấy ánh xuân
Trước song, bóng liễu âm âm một vùng
Giang hồ, bệnh tật hãi hùng
Xuân mang mưa gió về cùng đêm sâu
Dưới đèn lữ khách rơi châu
Trăng quê ngàn dặm nhói đau lòng này
Long Giang bên xóm Nam Đài
Tiếng con sóng lạnh tiễn hoài cổ kim.
Đọc bài thơ này ta liên tưởng đến nỗi buồn trong “Xuân tha hương” của Nguyễn Bính. Khác là Nguyễn Bính trang trải nỗi buồn nhớ lên 100 câu thơ, còn Nguyễn Du cô đúc lại trong 8 câu, mà người đọc hiểu khá tường tận nỗi lòng tác giả. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, Nguyễn Du đã từng nói thế và ở đây ông minh chứng điều đó.
Mùa xuân đối với mọi người là đẹp và vui, thì với Nguyễn Du những năm sống nhờ ở quê vợ, đêm xuân mà chẳng thấy xuân đâu, chỉ thấy tăm tối, từ bóng đêm đen đến bóng liễu âm u, chỉ thấy mưa gió ập tới khi ông bệnh tật và nhớ nhà. Bài thơ 8 câu được chia ra hai phần đều đặn: 4 câu đầu nói chuyện đêm xuân buồn trên quê người. 4 câu tiếp theo nói cảnh nhớ quê. Bạn đọc có thể hỏi rằng: Tại sao ở quê vợ mà đại thi hào của chúng ta buồn đến vậy? Thứ nhất, vì cái tạng vốn dễ buồn, lòng thường “ngổn ngang trăm mối” của ông. Thứ hai, ông về ở 10 năm quê vợ trong một hoàn cảnh đặc biệt: Năm 1786, hai người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều lần lượt qua đời, Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long (lần thứ nhất), Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình là để lánh nạn. Ta biết rằng, Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, còn quê Tiên Điền, Nghi Xuân ông chỉ sống hai đợt. Đợt đầu trong khoảng 3 năm, từ 1780 đến 1783; đợt hai 6 năm, từ 1796 đến 1802 (theo Nguyễn Thạch Giang). Thế nhưng khi buồn nhớ, ông không nhớ về Thăng Long với sông Nhị Hà mà nhớ Tiên Điền với dòng Long Giang, hoặc Long Vĩ, Quế Giang là tên sông Lam chảy qua quê ông thời ấy. Đêm xuân ngồi ở Thái Bình mà mắt như thấy được vầng trăng quê nhà, tai như nghe được tiếng sóng lạnh của sông Long Giang tiễn đưa kim cổ. Mà quê nhà ông những năm đó, anh em ly tán mỗi người một phương như ông đã viết: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”, ông có muốn trở về cũng chẳng biết nương tựa vào đâu?
Nguyễn Du thân già trước tuổi, mái đầu bạc sớm, nỗi buồn thường trực trong lòng. Mùa xuân làm cho ông buồn hơn, nhớ nhà nhiều hơn nên thơ ông cũng buồn hơn. Đó cũng là điều khác nhau giữa thơ xuân của đại thi hào ngày ấy với thơ xuân trên các trang báo của chúng ta bây giờ!
VƯƠNG TRỌNG (Dịch thơ và giới thiệu)