google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Món quà cuối cùng của Kim Lân khiến nhà văn Nguyễn Tuân sửng sốt - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Món quà cuối cùng của Kim Lân khiến nhà văn Nguyễn Tuân sửng sốt

Những ngày cuối đời của Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân đạp xe khắp Hà Nội để tìm một nhành phong lan giữa mùa hè năm 1987. Vào viện thấy Nguyễn Tuân đang ngủ, Kim Lân không dám gọi, chỉ nhẹ nhàng đặt hoa phía đầu giường.

Kim Lân (1920 – 2007), quê ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, nhà văn của làng quê Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng bởi các tác phẩm về làng quê, Kim Lân cũng khiến người đời chú ý bởi sự tài hoa và những thú chơi khá “ngông”.

‘Đứa con người vợ lẽ’

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (SN 1946), con gái đầu trong 7 người con của nhà văn Kim Lân, cho biết: “Sinh thời thầy tôi thường mang nhiều mặc cảm”.

Sau khi người vợ cả mất, cha của nhà văn Kim Lân lấy thêm vợ hai nhưng người vợ này không sinh được con nên cụ lấy thêm người vợ ba.

Nhà văn Kim Lân Ảnh: Gia đình cung cấp.

Người vợ ba sinh được 2 con trong đó có Kim Lân. Không chỉ mang mặc cảm con vợ lẽ, Kim Lân còn mang nỗi niềm con của người dân ngụ cư (mẹ ông là người Hải Phòng).

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài. Ông có bạn thân và sau này là anh vợ, nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bảy. Cả hai đều yêu thích vở cải lương Đường về San Hậu. Vì vậy Nguyễn Văn Tài lấy bút danh là Đổng Kim Lân và Nguyễn Đăng Bảy lấy tên là Khương Linh Tá (hai nhân vật trong vở cải lương).

Trong một lần trả lời báo chí về lý do dẫn đến nghề cầm bút, nhà văn chia sẻ: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết.

Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh con nhà giàu, làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết”.

Chàng trai đất Kinh Bắc hào hoa

Thuở bé, Kim Lân nổi tiếng ở làng là người tài hoa. Nhà văn thành lập nhóm bạn là các thanh niên trong làng để tạc tượng, diễn kịch, vẽ tranh…

Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này là: Làng, Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa… phản ánh không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam trước cách mạng.

Kim Lân cũng được dư luận chú ý nhiều khi đi vào những đề tài tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê như đánh vật, chọi gà, thả chim… với các tác phẩm: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn…

Bà Nguyễn Thị Hiền kể: “Ông nội tôi là người nổi tiếng ở làng về các thú chơi của vùng đồng bằng Bắc Bộ như chơi hoa, chơi chim cảnh… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thầy tôi. Thầy cũng mê trồng cây, nuôi chim, cá… và sau này một phần không nhỏ các tác phẩm của thầy tôi cũng đi sâu về các thú chơi này”.

Ngoài sáng tác văn học, Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Các tác phẩm nhà văn này góp mặt như: Làng Vũ Đại ngày ấy; Chị Dậu; Vợ chồng A Phủ, Hà Nội 12 ngày đêm…

Theo bà Hiền, nhà văn Kim Lân đặc biệt thích chơi hoa. Lúc bà còn nhỏ, cả gia đình 9 người sống trong căn nhà nhỏ ở xóm Hạ Hồi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhưng góc nhà nào cũng được Kim Lân trang trí rất đẹp bằng những chậu hoa tự trồng.

Hằng ngày, nhà văn Kim Lân lấy nước từ chiếc điếu cày của mình, pha thêm với nước lã rồi tỉ mỉ lau từng chiếc lá cho bóng, đẹp. Để hoa lan nở đẹp như ý, nhà văn còn chăm bẵm hằng ngày bằng bã chè. Khi những cành hoa nở rực rỡ trên lan can hoặc cửa sổ, tác giả “Vợ Nhặt” có thể dành cả buổi để ngắm nghía.

“Hồi bé tôi được coi là người đưa thư lãng mạn của thầy tôi. Mỗi lần cây nở được bông hoa đẹp thầy tôi lại hái một cành bảo tôi mang sang tặng “người bạn vàng” của mình là nhà văn Nguyễn Tuân”, bà Hiền tâm sự.

Nữ họa sĩ kể tiếp: “Lần đó, thầy tôi trồng một cây đào. Một ngày cây nở hoa đỏ rực cả góc vườn. Trong đó có một cành có dáng vẻ khá đặc biệt. Phần cuối cành đào bừng nở hoa như hình dáng đuôi cáo.

Thầy tôi cắt cành đẹp đó bảo tôi mang tặng bác Nguyễn Tuân. Lúc nhận cành hoa từ tay tôi, nhà văn Nguyễn Tuân lặng người rồi nói: “Con biết sao thầy con chăm hoa rất đẹp không?”. Thấy tôi chần chừ, bác Tuân nói tiếp: “Là vì thầy con yêu hoa nên nó mới nở đẹp thế này”.

Ngoài thú chơi cây, nhà văn còn có đam mê sưu tầm đồ cổ. Kim Lân và Nguyễn Tuân thường trao đổi, bàn luận về các món đồ này.

Một lần, Kim Lân sưu tầm được một đồ vật rất quý, được xem là vật “đinh” trong bộ sưu tập của mình. Nhà văn Nguyễn Tuân sang chơi nhìn thấy vật đấy không khỏi xuýt xoa. Lần thứ 2 sang chơi, cụ Nguyễn Tuân tiếp tục ngắm và xuýt xoa về món đồ đó. Lần thứ 3 sang, Nguyễn Tuân lại ngắm… Đến lần thứ 4, Nguyễn Tuân đánh bạo nói: “Ông tặng lại tôi món này đi”.

Như đã đoán trước ý bạn, Kim Lân đành miễn cưỡng đồng ý. “Tuy nhiên lúc Nguyễn Tuân về, thầy tôi nằm vật ra ghế. Thầy than: “Ôi giời ơi, thế là mất vật “đinh” nhất của tôi rồi”, bà Hiền nhớ lại.

Lần khác, nhà văn Kim Lân được bạn tặng cho một con chim sẻ lửa rất đẹp. Cụ nâng niu chiếc lồng có con chim quý này. Một hôm các con đi làm về thấy nhà văn mặt tái xanh. Theo đó trong lúc cho chim ăn, nhà văn Kim Lân sơ ý đã làm con chim bay mất.

Nuối tiếc con chim, nhà văn không ăn, không ngủ. Ông liên tục mang cái lồng không ra ngoài trời, bỏ thức ăn vào trong để nhử con chim quay lại. Kể chuyện này, con gái nhà văn không khỏi bật cười.

Tình bạn và nhành hoa lan cuối mùa

Kim Lân được đánh giá sống rất nghĩa khí với bạn bè. Con gái nhà văn kể: “Khoảng sau 1980, một lần thầy tôi từ Hà Nội vào TP.HCM gặp tôi mà không hề báo trước. Thầy nói : “Con cho thầy ít tiền và ra chợ mua cho thầy ít quần áo”.

Sau đó thầy tất tả quay ra Hà Nội dù tôi cố nài nỉ thầy ở lại chơi. Cuối cùng thầy mới kể: “Thầy cần tiền và quần áo không phải cho thầy mà để giúp một người bạn đang gặp khó khăn”.

Bà Hiền cũng kể thêm, có khoảng thời gian gia đình bà sống ở phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng). Thấy nhà rộng không ở hết, Kim Lân liền có lời mời gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến ở cùng.

Những ngày cuối đời của Nguyễn Tuân, Kim Lân biết cụ là người thích hoa, nhất là phong lan. Đang giữa mùa hè 1987, nhà văn đạp xe đi tìm khắp Hà Nội nhưng không tìm được phong lan.

Xin được nhà một người quen giò phong lan đang nở, Kim Lân mừng rỡ vội đem vào bệnh viện tặng Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đang ngủ, Kim Lân không dám gọi, chỉ nhẹ nhàng đặt hoa trên đầu giường.

Cụ nói: “Khi nào tỉnh dậy Nguyễn Tuân sẽ biết ai tặng”. Món quà này khiến nhà Nguyễn Tuân rất ngạc nhiên và vui thích.

Mấy ngày sau, nhà văn Nguyễn Tuân đã từ giã cõi trần mang theo sự cảm động về món quà cuối cùng của một người bạn tri kỷ.

THEO VIETNAMNET

Bình luận Facebook