Món quà biệt ly
Chị sực nhớ tới một kỷ niệm dịu dàng, mà mỗi khi nghĩ lại chị đều cười một mình. Ấy là trong những cơn mưa đầu mùa như thế này, chị và mẹ thường ngồi trong căn nhà nhỏ, để chờ mưa. Căn nhà nhỏ có những khung cửa sổ hình ô van nhìn về phía cánh đồng rộng lớn. Ở đó, mỗi khi mùa đông tới người ta thường trồng bắp cải.
***
Gần sáng, chớp rạch ngang qua trời thành phố. Tiếng sấm rền vang khiến cho những cánh cửa sổ cũ trong khu cư xá rung lên từng lần. Bần bật. Chiếc cốc đặt chênh vênh trên bàn liền rơi xuống đất. May thay không vỡ, hàng nhựa cứng khó mà vỡ được. Chị trộm nghĩ, tuần trước một người bạn đi công tác Thái Lan có tặng chị chiếc cốc đó.
Rồi chị cũng lê mình ra khỏi chiếc giường nhỏ, ga giường nhăn nhúm ở nhiều góc. Đôi chỗ đã ố vàng vì vệt cà phê hay gì đó. Mấy tháng nay chưa giặt được ga trải giường. Chị quên khuấy đi mất. Chị đã dặn mình rằng, chỉ cần mang ra ngoài tiệm giặt là đầu ngõ, mươi phút sau là xong ngay. Nghĩ được vậy, nhưng vẫn cứ quên.
Lúc ra khỏi giường, chị thấy chân mình tê cứng đi. Chắc là do ngồi lâu quá trong một tư thế. Chị thả chân xuống sàn nhà mát lạnh, dùng hai tay đấm đấm xoa xoa trên đùi một lúc. Lát sau thấy đỡ hơn, chị đứng dậy và nhặt chiếc cốc vừa mới rơi xuống sàn. May quá, cốc không có nước. Đặt chiếc cốc về chỗ cũ, chị bắt đầu đứng bên khung cửa sổ, nhìn ra ngoài, trời vẫn chưa mưa.
Bên nhà bên, cách nhau một bức tường xám xịt, ngăn cách giữa những căn phòng nhỏ, có tiếng trẻ con khóc. Có lẽ tiếng sấm đã đánh thức thằng bé. Chị trộm nghĩ. Thằng bé đó mới có 3 tuổi, đau ốm thường xuyên, người xanh xao, còi cọc. Hễ cứ mưa là lại khóc um lên, cả khu cư xá đều biết, nhưng có lẽ chị biết rõ hơn cả.
Bà già liền dỗ dành đứa cháu. Chẳng biết bố mẹ chúng đâu, chỉ thấy hai ông bà già ở với nó. Bà già dễ tánh, có gương mặt nhăn nheo, phúc hậu nhất là khi bà cười. Còn ông già thì lúc nào cũng mang gương mặt cáu bẳn như bị chứng khó tiêu nhiều ngày. Thêm nữa là ông già nghiện rượu nặng, cả khu ai cũng biết. Hôm nào về cũng say. Hễ cứ say vào lại lăn ngủ như chết, chẳng biết trời đất là gì.
Bà già bắt đầu hát, trong tiếng sấm, chớp rạch ngang bầu trời thành phố.
“À ơi…Cái cò mà đi ăn đêm…
đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…à ơi…
Ông ơi..ông vớt tôi nao… à ơi
Ông có…lòng nào xin hãy xáo măng…
À… ơi…”
Chị không muốn nghe nữa nên bèn đứng dậy, mở toang cửa sổ ra, gió thốc vào gương mặt. Chị thích cảm giác ấy. Ngày còn ở cùng anh cũng chị thích cảm giác ấy.
Giờ, vẫn cảm giác ấy nhưng dường như xa lạ. Một trời một vực. Chị chỉ thấy khó chịu mà thôi. Cảm giác khó chịu xảy đến ngay sau cảm giác thích thú. Nghĩ thế nào, chị lại đóng vội cánh cửa sổ lại, như sợ rằng, chớp sẽ rạch ngang qua căn phòng này, bất cứ lúc nào.
Chị đến bên tủ lạnh, mở ra, lấy một chai nước suối Lavie. Chị mở nắp, tu một hơi thật dài, vơi nửa chai với dung tích 500ml. Chị thấy dễ chịu hơn. Rồi chị cũng ngồi trở lại được, bên cạnh chiếc giường, ga trải giường nhăn nhúm từ nhiều phía. Chị thầm nghĩ, nếu như mai kia trời nắng thì chị phải phải đem chúng đi giặt giũ, bằng không chị sẽ đem chúng ra tiệm giặt là. Chắc chắn thế. Chị cố gắng ghi nhớ trong đầu mình.
Chị ngồi yên bên giường, hai tay đặt lên hai đùi, chị giữ nguyên tư thế đó trong mươi mười lăm phút. Rồi suy nghĩ mông lung, không thể không suy nghĩ được, nhất là khi ở một mình, trong không gian đặc quánh sự cô độc, trống trải này.
Thế rồi, chị chợt nhớ tới mẹ. Mẹ chị cũng hay có hành động tương tự như chị. Chị nghĩ đó là do di truyền. Cái gì chị cũng giống mẹ hết, từ trong ra ngoài, từ gương mặt, mái tóc, ánh nhìn hay ngay cả dáng đi thẫn thờ. Hồi đó ở làng ai ai cũng bảo thế. Chị không tin nhưng sau này nghĩ lại thì cũng thấy giống thật, như đúc ra từ một khuôn.
Chị hồi tưởng về khoảng thời gian trước đây. Khoảng mười năm về trước. Khi đó, chị mới mười lăm tuổi, suy nghĩ không như bây giờ, chắc chắn phần nhiều suy nghĩ sẽ khác so với bây giờ. Ai cũng thế, dù ít dù nhiều. Ngày đó, chị sống cùng với mẹ, ở làng, xa thành phố cả vài trăm cây số. Ngày đó, chị cũng đâu có biết thành phố mặt mũi trông như thế nào đâu, giờ thì biết rõ rồi. Ai mà đã sống trong thành phố vài năm thì cũng sẽ biết mặt mũi thành phố trông như thế nào thôi. Thành phố là một chiến hào bao quanh bởi những bức tường xám xịt, hết bức tường này tới bức tường khác, thành từng lớp từng lớp, rồi nó chấp chứa trong đó những linh hồn đơn độc, cả chị nữa.
Chị sực nhớ tới một kỷ niệm dịu dàng, mà mỗi khi nghĩ lại chị đều cười một mình. Ấy là trong những cơn mưa đầu mùa như thế này, chị và mẹ thường ngồi trong căn nhà nhỏ, để chờ mưa. Căn nhà nhỏ có những khung cửa sổ hình ô van nhìn về phía cánh đồng rộng lớn. Ở đó, mỗi khi mùa đông tới người ta thường trồng bắp cải.
Vào những ngày mưa đó, mẹ nói, chờ mưa rồi mới đi ngủ cho dễ chịu, không thì oi bức lắm. Thế là, mẹ và chị cứ nhìn ra phía trước cửa sổ, nhìn ra đồng bắp cải rộng lớn, người ta chỉ trồng bắp cải vào mùa đông thôi, còn mùa xuân có chăng chỉ còn sót lại vài chỗ trồng, rồi người ta sẽ thay thế bắp cải bằng một loại rau nào khác. Nhưng chắn chắn một điều rằng, tới mùa đông người ta sẽ trồng bắp cải trở lại. Những cây cải bắp, đôi khi lăn tròn trong những cơn mê man sốt 39 độ của chị. Chị đã đuổi theo chúng cho tới khi sực tỉnh giữa đêm hôm khuya khoắt, vắng vẻ, một mình.
Rồi, có con đường chạy qua cánh đồng rộng lớn đó, để xe cộ qua lại để người ta vận chuyển bắp cải ra khỏi thị trấn, chở về thành phố. Ngày đó, xe cộ qua lại ít.
Giờ, xe cộ qua lại như nêm, ngày càng nhiều, khoảng cách địa lý cũng ngắn dần, ngắn dần. Nhưng khoảng cách nơi lòng người thì chưa chắc đâu. Mọi thứ cũng theo đó, xa dần, xa dần.
Giờ, chị chỉ hình dung ra hình ảnh già cỗi của mẹ mà thôi, ngồi bên khung cửa sổ, nhìn về một phía mà chẳng biết sẽ đi về đâu. Khi đó con đường lớn, xe cộ chạy qua, hay khoảng cách địa lý cũng chẳng còn nghĩa lý gì đối với mẹ. Hình ảnh duy nhất bây giờ. Là mẹ chị. Già cỗi như cây hồng không bao giờ trổ hoa phía trước nhà. Chờ mưa, chờ cơn gió bấc, hay chờ đợi một điều gì đó xa vời, mộng tưởng. Cũng như chị bây giờ, trong căn nhà nhỏ, giữa thành phố mênh mang này. Trời vẫn chưa mưa, sấm chớp đùng đoàng, như báo hiệu ngày tận thế sắp tới. Chị đang chờ điều gì?
Ngày hôm đó. Anh đi thật. Trời cũng ầm ì hàng tiếng đồng hồ trước. Sấm chớp đùng đoàng như đánh trận. Đôi lúc chị có cảm giác như căn phòng nhỏ của chị đang run sợ trước một sức mạnh nào đó mà chị không nào tưởng tượng nổi. Những điều khủng khiếp sắp xảy ra, chị đinh ninh như thế.
Bóng anh lẳng lặng đi ra từ căn phòng của chị, rồi mất hút sau cánh cửa khép hờ, sơn màu xanh đã bong tróc theo thời gian. Những dấu chân nặng nề. Tiếng đóng sầm cửa khiến chị khẽ rùng mình, cảm giác trong lòng thắt lại, như thứ sức mạnh kia đang bóp nghẹt mọi thứ bên trong con người chị. Chị không muốn hồi tưởng nữa, cảm giác nghẹt thở hệt như giam mình trong căn phòng kín mít, có cửa sổ nhưng phòng vẫn kín mít, không một khe sáng nào có thể lọt qua. Chị biết, trời đang tối dần, bóng tối đang lan dần và bao trùm lên tất cả.
Điều duy nhất chị biết anh đã đi, khi chị không còn nghe thấy tiếng giày của anh cộp cộp trong hành lang nhỏ bé và vắng tanh của khu cư xá tồi tàn này. Nghe đều đều. Nghe nhói lòng.
Có lẽ, không ai biết anh bỏ đi ngoài chị cả, hàng xóm cũng không ai biết. Giữa đêm khuya đứa trẻ đáng thương ở căn phòng bên cạnh cũng không khóc hay quấy quả gì bà lão, ông già chắc cũng ngủ say như chết sau trận chè chén ban chiều với mấy ông bảo vệ tầng dưới. Chị nghĩ, thế là tốt cho họ. Chỉ còn chị ở lại căn phòng này thôi.
Chỉ còn chị ở lại căn phòng này thôi…
Chị nghĩ thầm trong lòng. Bỗng dưng chị muốn bật một bản nhạc nào đó. Concerto số hai của Chopin. Ngày còn ở cùng mẹ, chị và mẹ cũng nghe bản này của Chopin. Thật ra, mẹ có cả một danh sách những danh tác của Chopin, trong đó, bản concerto số 2 của Chopin là bản mà mẹ yêu thích nhất. Mẹ nói, trong suốt cuộc đời mình, Chopin chỉ sáng tác hai bản concerto thôi. Chị nhớ vậy. Ngày bố bỏ làng đi, chị và mẹ cũng nghe bản concerto đó.
Chị lặng lẽ đến bên máy quay đĩa. Nhờ một anh bạn thân của anh, mà chị có được chiếc máy quay đĩa cổ điển đó. Chị chẳng nhớ dịp nào anh tặng chị. Đầu óc thật tệ, không thể nhớ nổi gì nữa rồi. Càng cố nhớ thì càng giác đau thắt ở bao tử lại xảy đến với chị. Chị không muốn nghĩ nữa. Chị lật tìm trong kệ đĩa một hồi. Đặt vào đó một đĩa than to bản. Kim chạm vào mặt đĩa đang quay đều. Quay đều. Nhạc dìu dịu cất lên. Trời vẫn ầm ì, chưa mưa. Mặc kệ sấm, mặc kệ chớp rạch ngang qua bầu trời, mặc kệ thứ sức mạnh thần bí nào đó đang muốn nhấn chìm thế giới này. Cả căn phòng chìm đắm trong những giai điệu của Chopin.
Món quà biệt ly. Chị chợt nhớ ra tên của bản concerto đó.
Chị có yêu anh không? Anh có yêu chị không? Sao trời vẫn chưa mưa? Sao sấm cứ rền hoài? Dòng chảy nào lạnh ngắt vẫn lặng lẽ len lỏi qua từng tế bào trên thân thể chị. Chị thấy mình như đang ở dưới đáy sâu của đại dương, xung quanh chỉ một màu tối thẫm, không một thứ ánh sáng nào có thể chiếu xuyên qua lớp nước sâu thẳm đó. Không một thứ ánh sáng nào. Chỉ mình chị ngồi đó, lặng lẽ để cho những nỗi đau trong suốt thấm sâu vào người mình cho tới khi chị không còn một cảm giác nào nữa. Thật đáng sợ! Không còn một cảm giác nào.
Chợt nghĩ vậy, chị hoảng hốt lấy tay véo vào cánh tay mình. Không đau đớn. Không còn gì.
Chị nhìn quanh căn phòng mình một lượt. Căn phòng của chị và anh, đã từng mơ về những giấc mơ mang gam màu tươi sáng hơn. Có thể đó là màu xanh non của những cây bắp cải mới lớn. Có thể đó là màu xanh ngát của cánh đồng vào mùa xuân, điểm xuyết trên đó là những bông hoa đồng nội với đầy đủ những sắc màu xanh đỏ, như sắc màu của những viên kẹo mà bố đã mang về cho chị hồi còn ở làng. Chúng luôn ngọt ngào, hay một thứ màu nào đó vàng ruộm của cánh đồng đang bước vào vụ thu hoạch. Chị nhớ tới bóng dáng của mẹ và những người hàng xóm ở trên đó. Họ như những chấm đen lọt thỏm trong thứ màu vàng ruộm rực rỡ, ấm áp đó. Những tiếng cười. Những giọng nói. Ban đầu nghe rất rõ ràng, nhưng dần dà tiếng cười đó như bị hút vào một đường hầm, những âm thanh bị bóp méo cho tới khi tất cả chìm vào trong sự lặng im. Như màn đêm thăm thẳm, ăm ắp sự cô độc này.
Khi ấy, tất cả những thứ đó chỉ như những vong niệm tồn tại rất sâu trong một góc nhỏ của tâm hồn chị. Chị chỉ thấy những hình khối ẩn hiện trong không gian mình đang đứng, không hẳn là thiếu đi thứ ánh sáng tự nhiên, nhưng chúng yếu ớt vô cùng, chúng làm cho những hình khối hiện ra đủ thứ hình thù kỳ quái. Không phân biệt được đâu là kệ sách, kệ để giày, gian bếp nhỏ, hành lang, bên chiếc ghế anh hay ngồi ở đó phì phèo hút thuốc vào mỗi buổi chiều. Mọi thứ như một bức tranh lập thể. Mắt anh hướng về phía thành phố tưởng chừng như nhỏ bé, tưởng chừng như có thể hút tất cả mọi thứ vào trong một ánh nhìn. Nhưng thành phố luôn rộng lớn hơn bất kỳ tưởng tượng nào của ta, hay như lòng người.
Những giai điệu trôi về cuối góc phòng, về hiện thực. Sấm cũng ngớt, chớp không rạch ngang trời từng lằn rõ rệt, đáng sợ nữa. Bên phòng bên cạnh, đứa bé thôi không khóc nữa. Ông già lúc chiều đi đâu say lướt khướt giờ cũng không cằn nhằn nữa. Lão ta ngủ được thì tốt cho hai bà cháu. Quan trọng là đứa bé đó không khóc nữa.
Bà lão từng nói với chị, hễ trời bắt đầu mưa là đứa bé không quấy quả, khóc lóc nữa. Tự dưng chị muốn gặp đứa bé đó quá. Chị chưa bao giờ thấy nó cả, có thể là trong vài lần trước đó, thoáng qua chị đã thấy nó, nhưng chị không nhớ nổi hình dáng của nó trông ra sao. Chị muốn bế nó, hôn vào bầu má bầu bĩnh của nó. Ai cũng bảo, má trẻ con thường rất mềm và rất thơm. Nhưng chị chưa bao giờ gặp nó thật, dù lúc nào cũng nghe thấy tiếng nó khóc, dù nhà chị ở ngay cạnh nhà nó. Và chắc gì nó là một đứa bé trai. Bà lão đó cũng không hay cho nó ra ngoài, bảo sao nó không yếu ớt chứ. Có lẽ, vào một dịp nào đó chị phải bảo với bà lão đó rằng, nên thường xuyên cho đứa trẻ ra ngoài, tiếp xúc với ánh mặt trời lúc ban mai thì đứa trẻ mới khỏe mạnh được.
Nếu có con thì chị cũng sẽ làm thế.
Nếu có con thì chị cũng sẽ…
Nếu có con thì…
Cánh cửa đột ngột bung ra khiến dòng suy nghĩ của chị bị đứt đoạn, tủn mủm rơi vương vãi khắp sàn phòng lạnh ngắt. Chị lẳng lặng đứng dậy đóng cửa. Mưa hắt vào mặt chị. Thú thực là không dễ chịu gì nếu cứ nghe đứa bé đó khóc. Tiếng khóc vang lên giữa không gian tịch mịch khiến cho chị thấy sợ hãi. Như sinh vật co mình lại, sợ hãi trong màn đêm, tới khi hai thực thể không phân biệt nổi đâu là đâu, hay chúng đã hòa trộn vào làm một.
Trời bắt đầu mưa. Mưa tầm tã. Không ngớt. Chị không thể ngủ lại được nữa. Không còn Chopin nữa. Không còn cánh đồng vàng. Không còn bắp cải xanh non. Không còn gì nữa. Chỉ còn những giọt mưa.
Những giọt mưa táp mạnh vào những ô cửa kính hình vuông, trên mái tôn, dưới sân gạch, trên mặt đường, trong sân ga vắng lặng… Mưa đang bao phủ lên khắp thành phố này, lên tất cả, trong màn đêm cô tịch ấy.
S.T