Mối “tình trai” của nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát

Nhà thơ Hoàng Cát có một căn phòng riêng đầy kỷ niệm, căn phòng mà với ông, nó là một “cõi thiêng” với rất nhiều điều được lưu giữ. Rất nhiều sách, rất nhiều kỷ vật, ảnh, giấy bút, bản thảo, và cả một kho thuốc cho căn bệnh quái ác từng hành hạ ông tưởng không thể vượt qua để mà tồn tại được.

Đôi chân thương binh thập thễnh nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, dường như chưa bao giờ ngơi nghỉ trên con đường sống. Và tuyệt vời hơn nữa, là dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống, ông vẫn là một nhà thơ nuôi dưỡng được cảm xúc cho trái tim với những nhịp yêu bất chấp thời gian. Chính vì thế, thơ của ông, luôn nặng trĩu những ân tình. Bởi vì ông đã có rất nhiều ký ức của cả một thời kỳ đẹp nhất trong đời sống thi ca với những con người thơ đã bất tử cùng chặng đường văn chương của dân tộc.

Cũng như những lần trước, khi đến gặp ông, tôi luôn hình dung và đặt ra với ông rất nhiều câu hỏi về nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng thi ca của thời thơ Mới, bởi vì nhà thơ Hoàng Cát là một trong những “nàng thơ” được nhà thơ Xuân Diệu thuở còn sống dành cho nhiều áng thơ tình mà bây giờ hậu thế vẫn còn lưu giữ.

Nói về mối “tình trai” giữa Xuân Diệu và mình, nhà thơ Hoàng Cát thừa nhận rằng, có một tình yêu giữa hai người, đặc biệt về phía Xuân Diệu.

Nhà thơ Hoàng Cát trầm ngâm khi nhớ về người bạn lớn của mình: “Bây giờ, khi mọi thứ đều trở nên cởi mở trong xã hội hiện đại, khi quan niệm về một tình yêu đồng tính đã không còn là điều xa lạ đối với hầu hết mọi người, ngẫm lại, tôi thấy thương anh Xuân Diệu nhiều lắm. Tôi thương anh, một tình thương của một người em trong suốt những năm qua, kể cả những ngày anh còn sống, còn khỏe mạnh, thương anh và chiều chuộng anh hết mực, không bao giờ tôi làm anh buồn, bởi vì “ông hoàng” mà buồn thì có nhiều chuyện xảy ra lắm!

Anh Xuân Diệu dành cho tôi một tình yêu lớn, một tình yêu giúp tôi vượt qua được nhiều năm tháng khó khăn trong cuộc sống. Anh dạy tôi cách làm thơ, cách nuôi dưỡng ước mơ, bởi vì anh ấy là người vô cùng nhạy cảm và tinh tế. Anh cũng đầy cao ngạo trước cuộc đời, bởi vì thi nhân, người ta không màng tới danh lợi, chỉ sống cho niềm tin và sự rung động của trái tim đã quá đủ rồi. Xuân Diệu làm được điều ấy, bởi vậy mà anh vẫn luôn như một thánh đường trong rất nhiều trái tim và tình cảm của lứa nhà thơ thế hệ chúng tôi”.

Có lẽ ảnh hưởng quá nhiều từ nhà thơ Xuân Diệu, người của những áng tình thơ, mà cho đến nay, ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhà thơ Hoàng Cát vẫn là một nhà thơ luôn rung động trước một ánh mắt, một nụ cười. Ông ân cần và chu đáo, ông chăm sóc và chiều những người bạn thơ của mình hết mực bằng tất cả sự nồng hậu và chân tình, bởi thế mà ông vẫn luôn có những bài thơ mới về tình yêu, một thứ tôn giáo bất biến mà cả đời ông tôn sùng, theo đuổi: “Anh mãi mãi yêu em như thuở ban đầu/ Thuở hai đứa gặp nhau là đỏ mặt/ Thuở sang nhất là song song xe đạp/ Cơm bữa độn mỳ, vẫn náo nức vé xem phim!/ Là Thi nhân, anh khờ dại, đa tình;/ Trước một dòng sông, hay một miền đất lạ/ Anh hăm hở như người đi khám phá/ Đời thi vị vô cùng! – sao ta nỡ bỏ qua/ Yêu có tội chi?/ Yêu là để thăng hoa/ Để được sống kiếp Người, như Trời cho ta sông/ Nếu không đa tình, anh chả phải Thi nhân…/ Anh mãi mãi yêu em/ (Anh nhắc lại ngàn lần)/ Tình yêu ấy – cho anh thành THI SĨ!”.

Trong ký ức của mình, nhà thơ Hoàng Cát không bao giờ quên được cái ngày định mệnh mà ông trời đã cho ông gặp được nhà thơ Xuân Diệu: “Lần đầu tôi gặp Xuân Diệu là năm 1958, lúc ấy tôi đang hớt hải đi tìm trâu đi lạc thì gặp anh Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. Anh đang đi về thực tế ở Nghệ An.

Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã như là số phận, để sau này, khi tôi đi học tại trường viết văn Quảng Bá tôi được anh Xuân Diệu nâng đỡ, cho về nhà ở cùng. Anh dạy cho tôi những bài “vỡ lòng” về văn chương. Anh sửa cho tôi từng câu chữ, dạy tôi cách cảm thụ tác phẩm, dạy tôi cách đọc sách. Anh sửa cho tôi đến từng dấu phẩy trong thơ, nhưng cũng là người hay quát mắng tôi nhất. Một ông thầy khó tính đến nghiệt ngã. Khi ấy tôi rất buồn nhưng đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, sắp về với tiên tổ rồi mới thấy quý hóa biết bao nhiêu.

Anh Xuân Diệu từng nói với tôi rằng, anh biết chắc chắn rằng em là một thằng thi sĩ nên em phải cố lên. Cũng từ thuở ấy, cuộc sống của tôi đã thuộc về anh Xuân Diệu. Nhiều người cứ né tránh, nhưng tôi là người trong cuộc có thể khẳng định rằng, anh Xuân Diệu luôn hướng tới cái đẹp và anh có những cảm xúc yêu đương đồng giới. Anh Xuân Diệu yêu tôi, một tình yêu cao cả, thiêng liêng và bao bọc. Tôi biết điều đó và luôn thương xót anh ấy. Thương anh và chiều chuộng anh để anh không thấy buồn, không lẻ loi, bởi trái tim anh Diệu đã quá cô đơn rồi.

Anh Xuân Diệu lạ lắm, khi quan tâm đến ai là dành hết tình cảm và thời gian chăm sóc. Tôi hồi đó đi học nhưng mỗi tháng được anh Diệu cho 5 đồng (khi mà mỗi bát phở chỉ 2 hào) anh bao bọc cho đến khi tôi ra trường, đi làm thì mới thôi. Bài thơ đầu tiên tôi đăng báo lĩnh nhuận bút được 1 đồng, tôi đã mua thịt chó về mời anh ăn.

Anh Xuân Diệu rất mê thịt chó, nhưng vì thấy tôi đã không có tiền còn “chảnh” anh đã mắng: “Em thì cứ tiêu hoang!”, nhưng tôi thấy anh rất vui vì sự trưởng thành của tôi, bởi chắc chắn một điều rằng, trong sự trưởng thành ấy, có công lao to lớn từ sự bảo ban của anh.

Ngày tôi lên đường nhập ngũ đi B, anh Xuân Diệu buồn lắm, anh viết một bài thơ dài tiễn biệt tôi, bài thơ “Em đi” (viết vào 23 giờ 30 ngày 11-7-1965): “Em đi, để tấm lòng son mãi/ Như ánh đèn chong, như ngôi sao/ Em đi, một tấm lòng lưu lại/ Anh nhớ thương em, lệ muốn trào/ Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga/ Chưa chi ta đã phải chia xa/ Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đóa hoa/ Em hỡi! Đường kia vướng những gì/ Mà anh mang nặng bước em đi/ Em ơi, anh thấy như anh đứng/ Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa/ Nhưng bóng em đã đi khuất rồi/ Đứt lìa khúc ruột của anh thôi/ Tình ta như mối dây muôn dặm/ Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời/ Em hẹn sau đây sẽ trở về/ Sống cùng anh lại những say mê/ Áo chăn em gửi cho anh giữ/ Xin gửi cùng em cả hẹn thề/ Một tấm lòng em sâu biết bao/ Để anh thương mãi, biết làm sao/ Em đi xa cách, em ơi Cát/ Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu…”.

Bài thơ như một lời “tiên tri” vì trong bài thơ có rất nhiều câu nói về “cái chân” vậy mà thế nào đó, trong chiến dịch, tôi đã bị bom dội trúng chân. Đó là vào mồng 2 Tết năm Kỷ Dậu (1969), tôi làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5. Học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Tôi bị bom hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái nát như một cái bắp cải bị đập dập…

Khi tôi trở ra Bắc, anh Xuân Diệu xót xa lắm. Anh làm bài thơ “Biển” để tặng tôi: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng…” (Biển).

Tôi hỏi vui nhà thơ Hoàng Cát: Hồi ấy, cả xã hội kỳ thị cái gọi là “tình trai”, sao mà ông và nhà thơ Xuân Diệu có thể yên ổn mà vượt qua được thị phi và búa rìu dư luận? Thì cũng phải nhắm mắt mà bước đi thôi, cái hay là thời ấy, không có báo mạng, báo chụp giật với các thứ phơi hết ra mặt báo như bây giờ. Tôi không sợ hãi vì những gì anh Xuân Diệu đã trao gửi, vì chúng tôi tin rằng mình đã làm mọi điều tốt nhất cho nhau, cho thi ca.

Cái quan trọng còn lại là tác phẩm, mà thời ấy, Xuân Diệu là một đỉnh cao không ai có thể vượt qua, thơ tình của ông được chép và sổ tay của hầu hết những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu, đọc thơ của ông, người ta nhận diện được gương mặt tình yêu, chứ không quan trọng đó là tình yêu dành cho ai. Ngày xưa, chuyện đồng tính được coi là ghê gớm lắm, nhưng ngày nay, thái độ nhìn nhận về đồng tính cũng được cởi mở hơn, vì đó là vấn đề của sự sống. Trên thế giới tỷ lệ người đồng tính ở cả hai giới là rất cao, bây giờ nhiều nước người ta đã thừa nhận tình yêu, hôn nhân đồng tính. Điều đó tôi cho là đúng đắn và nhân văn. Thượng đế sinh ra như vậy rồi, ai cũng cần được yêu thương và được thương yêu, dù họ ở giới tính nào đi chăng nữa.

Trong căn phòng của nhà thơ Hoàng Cát, vị trí trang trọng nhất được treo tấm ảnh của ông và nhà thơ Xuân Diệu như một minh chứng cho tình cảm của ông dành cho nhà thơ Xuân Diệu vẫn trường tồn cùng thời gian. Ông không có nhiều bạn, bởi thế mà lúc buồn nhất, sâu lắng nhất ông gửi nỗi niềm vào tác phẩm, chưa bao giờ ông lo lắng, sợ hãi, chưa bao giờ ông chùn bước trước những thử thách của đời sống, vứt ra ngã ba ngã bảy cuộc đời, từng ở tận cùng của xã hội, đói khổ, cô quạnh, hoang mang tột cùng, thì ông vẫn điềm nhiên sống và sáng tác.

Ngay cả khi đối mặt với cái án tử là căn bệnh ung thư hạch cổ, 5 đợt điều trị hóa chất mỏi mòn, tưởng khó mà gượng dậy, thì ông vẫn có những áng thơ để ru đau cõi lòng: “Rồi lặng lẽ. Rồi im lìm. Gió đứng/ Ngăn ngắt chiều. Tím đắm hư không/ Tất cả thân yêu rồi có ngày ở lại/ Cho hồn ta êm dịu chốn phiêu bồng…/ Sẽ là cỏ. Sẽ là màu nâu đất/ Sẽ là mưa. Sẽ là nắng bất kỳ/ Biết đâu đấy – ta sẽ thành chim nhỏ/ Ngày lại ngày tíu tít Bạn đua bay…/ Biết đâu đấy, ta thành sương tinh khiết/ Mỗi bình minh lại nở đóa môi cười…/ Ta đã sống cả một đời khó nhọc/ Cõi Vĩnh hằng – ấy là chốn rong chơi…”.

Sau tất cả, nhà thơ Hoàng Cát tâm sự, ông phải cảm ơn người vợ tảo tần đã một đời cùng ông gánh vác, chịu mọi búa rìu dư luận, thay ông chăm sóc người con gái duy nhất, nay là một biên tập viên giỏi của Đài Truyền hình Việt Nam. Không có gia đình, không có người vợ thủy chung tảo tần, thì ông chỉ là một con số không tròn trĩnh.

Gia đình, vẫn luôn là một bến đỗ bình yên để thơ ca cất cánh, để giữa những sóng gió, vẫn thấy yên ả một bến bờ neo đậu, như ông đã viết: “Những khổ đau, những cay đắng, tủi buồn/ Ta chả giữ làm gì trong tâm tưởng/ Ta buông bỏ, cho đời không bận vướng/ Cho thung dung một cõi lặng tâm hồn/ Trước mỗi bình minh và sau mỗi hoàng hôn/ Ta thích được chính là mình tĩnh lặng/ Như không khí phòng văn, không mảy may gợn động/ Hương mộc thơm – thoang thoảng lọt qua mành…/ Ơi người vợ già lầm lụi của anh!/ Anh ốm quỵ dài ngày – khiến đời em thêm khổ;/ Bệnh ung thư sau chiến tranh khốn khó/ Chả riêng anh – em hỡi – chả riêng ai!/ Mình của nhau đã biết mấy buồn vui/ Thêm chút nữa khổ đau – thì em ơi – gắng gượng…/ Ta giữ lại giữa lòng ta lửa ấm/ Sưởi cho nhau. Nuôi mãi cuộc đời nhau…”.

sưu tầm

Bình luận Facebook