Mối tình sâu đậm của nhà thơ Phùng Quán

Nhà thơ Phùng Quán có hai mối tình sâu đậm xuyên suốt cuộc đời. Mối tình thứ nhất là với vợ anh, cô giáo Vũ Bội Trâm. Người phụ nữ Hà thành phúc hậu này không chỉ đã chia sẻ mọi gian truân mà còn nhẫn chịu nhiều chuyện đào hoa của anh, một lòng chung thủy với anh suốt cuộc đời. Mối tình thứ hai, cũng là với một phụ nữ Hà Nội, họa sĩ H.Q. (xin được viết tắt theo yêu cầu của nhân vật).

Tuy không dẫn đến hôn nhân nhưng mối tình thứ hai gắn bó với một phần đời rất quan trọng của nhà thơ, kéo dài 18 năm, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, sóng gió, kể từ lúc hai người gặp nhau rồi yêu nhau, lúc gần lúc xa, cho tới tận những giây phút cuối cùng của nhà thơ. Cả hai mối tình này, ở những giai đoạn khác nhau đều thực sự là điểm tựa giúp anh thêm nghị lực sống và viết.

Chị H.Q nhớ lại, hôm đó vào một buổi sáng mùa thu năm 1978, họa sĩ Đặng Nam, bấy giờ là Trưởng phòng biên tập mỹ thuật NXB Văn hóa Dân tộc dẫn một người đàn ông tuổi trung niên giới thiệu với chị, bấy giờ đang phụ trách mảng tranh truyện của nhà xuất bản: “Đây là nhà thơ Phùng Quán đang công tác ở Cục Văn hóa quần chúng, chị trao đổi xem anh giúp được gì”.

Như trời định, hai người vừa nhìn thấy nhau mà như đã phải lòng nhau. Anh, một nhà văn rất nổi tiếng, có khuôn mặt và dáng người đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ. Chị, mới ngoài 30, tươi ròn, quyến rũ. Khi đó anh đã có một con gái và một con trai. Chị cũng đã là mẹ của hai cậu con trai còn nhỏ. Sau đấy anh gửi tới chị một bài thơ thay cho lời tỏ tình: “Lặng ngắm em cười /Gương mặt hồng như ửng lửa/ Tia mắt em xuyên suốt cả hồn anh/ Từ đáy lòng anh bỗng trào lên như sóng lũ/ Một nỗi buồn/ không thể gọi thành tên…”.

Trong mấy năm, Phùng Quán đã giúp soạn lời cho gần như tất cả những cuốn truyện tranh của nhà xuất bản, đâu chừng bốn, năm chục cuốn. Anh viết rất nhanh. Yêu cầu đề tài gì là anh đáp ứng ngay. Thiện ý của chị H.Q nhằm tạo điều kiện giúp đỡ anh. Dù không phải là những tác phẩm văn học gì ghê gớm nhưng quan trọng, anh có công việc làm, lại có thu nhập nên phần nào cũng giúp đỡ thêm cho gia đình. Các truyện anh viết thường do H.Q đặt tên, nhưng có một số truyện thích thì anh lấy tên nhà thơ Thanh Tịnh. Khi Phùng Quán mang sách đến biếu thì anh Thanh Tịnh ân cần bảo: “Anh chẳng giúp được gì cho em thì cho em mượn cái tên”. Chị H.Q có nói lại chuyện này và cả chuyện ngày anh làm “Chòi ngắm sóng” trong bài viết của mình in trong tập “Nhớ Phùng Quán”.

Nhớ lại những ngày ấy, yêu nhau mà để được gần nhau sao khó thế. Đến nhà chị H.Q thì không được rồi, còn ở chỗ anh Quán, khi ấy anh ở ngay cơ quan trong ngõ Lê Văn Hưu, đông người ra người vào rất bất tiện. Những lúc cần gặp nhau, hai người phải hẹn ở các tiệm cà phê, giải khát. Tuổi trẻ không sao, đằng này anh già rồi, bên một phụ nữ trẻ, ngồi quán lâu không tiện nên phải hẹn hò, chờ đợi nơi này nơi khác. Có khi hai người bước bộ bên nhau, cũng chẳng nhớ đã qua những đâu, nói những gì, để khi chia tay mới biết sương đêm phủ ướt đẫm đầu tóc, áo quần. Thì ra hai người đã đi bên nhau suốt đêm. Anh bật ra những câu thơ ngay khi ấy: “Anh đi bên em trong biển sương mù/ Hư và thực hoàn toàn lẫn lộn/ Chỉ nhìn thấy em anh mới biết mình đang sống/ Và mang trong mình một kho báu là thơ…”.

Chuyện hai người yêu nhau sau vỡ lở, chị vợ Phùng Quán gặp nhắc nhở H.Q, còn chồng H.Q thì “đi tìm” Phùng Quán. Là người hiểu tình thế, biết tiến thoái đúng lúc nên Phùng Quán đã trao đổi với H.Q rồi xin lên trại tăng gia của cơ quan bấy giờ ở Thái Nguyên để tránh rắc rối… Từ Thái Nguyên, Phùng Quán gửi về cho H.Q bài thơ “Lá khổ sâm” mà anh nói suốt hơn hai năm trời anh chỉ làm một bài thơ này: “Nhưng tôi chưa sống cho tròn nợ sống/ Tôi chưa yêu cho hết nợ tình yêu/ Tôi phải lên rừng/ Hái lá khổ sâm/ Tự mình cất lấy li rượu sống”.

H.Q là người quyết liệt. Chị thường tâm sự: “Khi đã yêu thì chị như chiếc xe máy không có phanh, chỉ có thể ngừng lại khi xe đã hết nhiên liệu”. Sau đấy chị ly dị. Phùng Quán cũng hứa hẹn sắt đá. Tưởng H.Q sẽ rất vui nhưng bất ngờ chị lại có thái độ khác. Chị rất hiểu, anh đâu phải là người của gia đình và trong thâm tâm chị cũng không muốn các con anh phải xa bố, chị Trâm phải xa chồng. Nhưng chị vẫn chăm sóc anh chu đáo, đã làm hết những gì có thể cho anh. Đã chia sẻ cùng anh trong những lúc anh có tâm sự mà khó nói ra, đã cưu mang anh những khi anh gặp khó khăn, thiếu thốn. Khi yêu nhau chị đã linh cảm đây là mối tình không có tương lai nào chờ đón, nhưng chị vẫn tự nguyện bước vào mà không chút toan tính. Nhiều lúc anh rất thương, chua xót nói với chị: “Hay thôi, em đi lấy chồng đi. Em mãnh liệt thế sống một mình sẽ khổ lắm”..

Nhưng anh đâu biết rằng chị chỉ có thể mãnh liệt với riêng anh.

Đầu năm 1984, khi Phùng Quán từ nơi tăng gia về, cách ăn mặc như thay đổi hẳn. Guốc mộc, áo chàm, bị cói, râu tóc để dài như một ông lão vùng cao. Trông anh già xấu đi, nhiều người nhầm nghĩ anh chị là hai cha con, nhưng chị không cảm thấy gì khác, anh vẫn là anh và chị vẫn yêu thương anh như xưa. Thời gian này hai người thường cùng nhau đi đây đi đó, có khi còn đáp tàu hỏa lên Thái Nguyên thăm chỗ anh từng ở. Rồi rủ nhau vào chơi Sài Gòn, vào cả Huế thăm bạn bè, gia đình của anh. Một lần cùng vợ chồng họa sĩ Hải Anh vào Đại Nội chụp ảnh, trời nắng làm chị nheo mắt, nói ảnh chắc không đẹp nhưng anh bảo, có nhắm mắt thì em vẫn đẹp. Rồi anh làm bài thơ “Nắng Cố đô”: “Nắng Cố đô nàng cười dim mắt/ Ôi nụ cười nghiêng thành cổ Hoàng cung/ Vua Hời sống lại vua Hời khóc/ – Ta lại bị lừa, họ đánh tráo Huyền Trân” và “Chỉ riêng nụ cười nàng dim mắt/ Ta đã đặt dưới chân nàng cả vương quốc thơ”… Bài thơ này sau có tên là “Đôi con mắt lim dim” đăng trên Báo Văn hóa đời sống, cơ quan của Sở Văn hóa và Thông tin Bình Trị Thiên số 9-10, tháng 1/2 năm 1988 với lời đề tặng của Phùng Quán: “Tặng giai nhân Bắc Hà về thăm cố đô Huế”.

Lần về quê anh, làng Thủy Dương vào đúng dịp sinh nhật chị, anh không có vật chất làm quà, đã tặng chị bài thơ: “Anh chép lại những câu thơ viết một thời trẻ dại/ Như tìm hái những bông hoa trong vườn cũ quê anh/ Kết thành bó hoa mừng sinh nhật em…/Hoa thì quê mùa mà thơ thì quá dở/Anh ngượng ngùng đâu xứng với em/ Như gáo nước giếng làng anh đựng trong chum vại/ Múc em tắm tấm thân ngà ngọc/ Trưa hè nào trong gian bếp nghèo bốn phía trống tênh…”.

Giữa năm 1985, Phùng Quán muốn làm một căn nhà con con bên Hồ Tây mà sau này anh gọi là “Chòi ngắm sóng” lấy chỗ để anh làm thơ và gặp gỡ bạn bè. Anh xin được đủ gỗ lạt nhưng chưa có tiền lợp mái. H.Q biết khó khăn ấy nên đưa tiền để anh mua lá gồi lợp. Ít lâu sau gặp lại, hỏi xong nhà chưa thì anh cười: “Lúc em đưa tiền cho anh, giá anh làm ngay thì đủ nhưng anh lại rề rà, sau trượt giá số tiền em cho chỉ đủ lợp một nửa mái thôi”. Nhân thế Phùng Quán có bài thơ: “Em đủ sức/ Che mát đời thơ anh/ Nhưng rốt cục/ Em chỉ che được một nửa/ Nghe anh kể/ Dựng chòi ngắm sóng/ Em càng xót thương anh/ Em biết/ Anh gào thét vậy/ Nhưng anh chỉ là gió/ Ôi ngọn gió đời anh/ Đã phải thổi suốt/ Qua những bình nguyên nghiệt ngã/ Em lặng lẽ vậy/ Nhưng em là bão tố/ Cấp mười hai/ Vùng tâm bão/ Lên đến cấp hủy diệt”.

H.Q cảm mến Phùng Quán ngay từ những ngày đầu hai người được gặp và làm việc với nhau. Ban đầu chị chỉ ngưỡng mộ tên tuổi, tài năng và một vẻ đẹp nam tính ở anh nhưng rồi gần nhau chị càng thấy thêm yêu thương anh. Anh thường đọc cho chị nghe những bài thơ mà anh tâm huyết, qua đó chị thêm hiểu tâm sự nơi sâu thẳm trong con người anh. Anh nhiều day dứt. Anh cũng đã làm nhiều thơ riêng tặng chị. Những lá thư và những bài thơ anh viết cho chị đầy những lời lẽ yêu thương, cháy bỏng. Những bức ảnh chụp riêng hai người hay chung với bạn bè, người còn người mất, đến nay chị vẫn giữ gìn như một kỉ vật vô giá. Anh hay uống rượu và chị thường rất chiều anh. Có chút men vào anh như khác hẳn, hứng khởi, say đắm, đam mê. Anh đọc thơ như lên đồng và những lúc đó chị thấy mọi thứ ở anh đều quyến rũ.

Sống trong tình yêu nhưng chị không phải không có lúc trạnh buồn. Sau những lúc gần nhau mặn nồng thế rồi anh lại phải về với cuộc sống của anh, với vợ con anh, còn chị lại phải về với nỗi cô đơn của mình. Và những khi ấy không phải lúc nào người ta cũng có thể cứng rắn, vững vàng.

H.Q là người phụ nữ mà Phùng Quán yêu, biết ơn và rất nể trọng. Lúc khỏe mạnh nhiều khi anh tung tăng, nhưng mỗi khi đau yếu, khó khăn, có tâm sự muốn giãi bày, anh lại không thể thiếu vắng chị. Khi mắc bệnh nặng rất muốn có chị ở bên nhưng anh ngại, không dám nói. Bạn bè thân thiết khi biết anh khó qua khỏi mới trao đổi với chị Trâm mọi cách đón H.Q tới, theo nguyện vọng cuối đời của anh. Chị Trâm hiểu hơn ai hết mối tình này, nên đã không phản đối.

Và những ngày cuối cùng trong cuộc đời nhà thơ Phùng Quán luôn có hai người đàn bà yêu thương nhất ở bên.

sưu tầm

Bình luận Facebook