google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Mối tình đầu của Nguyễn Du - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Mối tình đầu của Nguyễn Du

Khung cảnh đồng bãi vùng ven mùa này có phần xơ xác vì người dân vừa thu hoạch xong vụ ngô, chưa kịp nhổ gốc, dọn cây. Cả những bãi dâu mướt xanh như dịp cuối xuân đầu hạ thường niên bây giờ cũng đã được tận thu để người ta chặt cành ươm trồng vụ mới. Nguyễn Du khoác một tay nải nhẹ, bên trong chỉ có một bộ quần áo và thứ quý giá nhất là một thanh kiếm ngắn, đang vừa đi vừa tìm nhận lại những dấu ấn quen thuộc mà mấy năm xa cách.


Khung cảnh đồng bãi vùng ven mùa này có phần xơ xác vì người dân vừa thu hoạch xong vụ ngô, chưa kịp nhổ gốc, dọn cây. Cả những bãi dâu mướt xanh như dịp cuối xuân đầu hạ thường niên bây giờ cũng đã được tận thu để người ta chặt cành ươm trồng vụ mới. Nguyễn Du khoác một tay nải nhẹ, bên trong chỉ có một bộ quần áo và thứ quý giá nhất là một thanh kiếm ngắn, đang vừa đi vừa tìm nhận lại những dấu ấn quen thuộc mà mấy năm xa cách.

Từ giã Sơn Nam, nơi anh tá túc gần ba năm, Nguyễn Du có chút bâng khuâng. Ban đầu Nguyễn Du bị ép về Sơn Nam, để khỏi quyến luyến với mối tình không môn đăng hộ đối. Nguyễn Khản lo cho chú em tuy có tiếng thông minh nhưng tâm trạng thì hay xúc động và chưa thật trưởng thành nên đã gửi Nguyễn Du về nhà vị đồng liêu Đoàn Nguyễn Thục để nhờ ông này dạy dỗ.

Gia đình họ Đoàn ở làng Hải An huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam cũng là một gia đình danh giá. Ông Đoàn Nguyễn Thục là một vị quan có cả tài võ lẫn văn vốn rất được Chúa Trịnh Sâm trọng dụng. Ông Thục cũng rất trân trọng cha con Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, nên khi ông về hưu, Nguyễn Khản mới gửi em mình về đó cậy nhờ. Ông Thục có con trai là Đoàn Nguyễn Tuấn hơn Nguyễn Du đến 15 tuổi và đã đỗ hương cống nhưng vẫn còn đang lần lữa chưa muốn ra làm quan, có thể bầu bạn và hướng dẫn cho Nguyễn Du.

Những ngày đầu về Hải An, Nguyễn Du vừa bỡ ngỡ, vừa không thoải mái nên cứ nép mình không giao tiếp với ai. Anh cũng có phần chểnh mảng không tha thiết gì chuyện học hành nên hai năm mới đỗ được tam trường (tương đương tú tài) và không thể nào vào được tứ trường (hương cống), trong khi các anh em của mình như Nguyễn Nễ, Nguyễn Nhung hay người cháu nghịch ngợm Nguyễn Thiện thì đều dễ dàng đỗ cao. Ở Hải An, Nguyễn Du thường trò chuyện với Đoàn Nguyễn Tuấn. Ông Tuấn là người uyên bác, giỏi làm thơ, lại có những suy nghĩ thâm trầm chín chắn nên rất hợp với Nguyễn Du.

Chưa ra làm quan, tuổi cũng chưa nhiều nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn lại như không mấy thích con đường hoạn lộ. Ông hay tâm sự với Nguyễn Du ý định xây dựng tại vườn nhà một cái lầu cao, đặt tên là Phong Nguyệt Sào (nghĩa là cái tổ của gió, của trăng) để sống cuộc đời ẩn sĩ. Ý tưởng của Đoàn Nguyễn Tuấn bất ngờ lại rất được sự đồng tình của Nguyễn Du, lúc ấy mới 16 tuổi – tuổi lẽ ra bắt đầu bay nhảy của cuộc đời.

Từ giã Hải An về Thăng Long, trong lòng Nguyễn Du vẫn đau đáu nhớ về mối tình đầu lưu luyến. Anh không biết thân phận cô gái đã từng gắn bó với mình bây giờ ra sao? Cuộc chia ly của hai người hoàn toàn bất ngờ vì mọi chuyện đều do ông anh Nguyễn Khản chỉ đạo. Nguyễn Du thậm chí không kịp có lời chào người thầy dạy ở Gia Lâm. Lần này lên Thăng Long, Nguyễn Du phải tìm đến vấn an thầy và hỏi thông tin của người tình năm trước.

Nguyễn Du nhận ra con đường xuống bến đò nhờ cây đa cổ thụ anh thường qua lại năm nào. Cây đa già, tán lá xum xuê che mát được cả một khoảnh đất rộng. Từ gốc đa xuống bến chỉ không đến chục bước chân, đúng là nơi thuận tiện cho người chở đò. Chính nơi gốc đa này, Nguyễn Du đã có một kỷ niệm mà suốt đời ghi nhớ.

Cảnh vẫn thế, chỉ khác xưa có một mái lá dựng tạm, để một chiếc chõng tre bày ít hoa quả trầu cau và bán nước chè của ai đó. Nguyễn Du đi tới quán nước, gỡ tay nải, hỏi mua một bát nước vừa uống vừa nhìn xuống bến. Có một con đò đang hướng mũi vào bờ. Nguyễn Du căng mắt nhìn chiếc nón cũ đang nhịp nhàng hụp xuống, nhô lên của người chèo đò. Khách đò lục đục bước ra khỏi thuyền. Người chèo đò cũng cắm sào gác mái. Nhưng Nguyễn Du không khỏi hụt hẫng bởi khuôn mặt dưới vành nón kia hoàn toàn không phải khuôn mặt thân quen.

Bà hàng nước nãy giờ hình như cũng đang quan sát người khách lạ, chủ động bắt chuyện với Nguyễn Du:

– Anh nhiêu từ xa tới đây tìm bà con hay còn đi đâu nữa?

Nguyễn Du hơi giật mình tìm cách trả lời qua loa:

– Trước tôi có dịp đã qua đây. Ngày ấy người lái đò là một cô gái. Chắc đã lấy chồng rồi?

– Thế thì anh nhiêu cũng đã lâu không qua đây rồi! Đúng là mấy năm trước có cô Nhợt chèo đò ở bên đấy. Nhưng chuyện thương tâm lắm! Cô ấy mất tích rồi!

– Á……á……á!

Nguyễn Du giật mình thốt lên. Bát nước trên tay cũng chao đảo, suýt rơi. Nhưng anh nhanh chóng trấn tĩnh được, song giọng nói có phần thảng thốt và gấp gáp:

– Chuyện thế nào? Xin bác kể cho tôi nghe với!

Bà hàng nước thấy Nguyễn Du có vẻ quan tâm nên chiều khách.

Anh nhiêu từng đi đò hẳn biết cô Nhợt là một cô gái rất xinh. Mới có 15 tuổi nhưng con nhà lao động nên Nhợt khá khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Lại đang ở cái tuổi dậy thì nên mắt long lanh, môi má lúc nào cũng ửng hồng. Chỉ có mỗi tội nhà nó nghèo quá.

Hồi đó nghe đâu có một công tử nhà quan để ý đến nó. Cậu này ở trong thành, hàng tuần qua bên này theo học với một thầy đồ làng bên. Cũng không rõ đôi bên gắn bó với nhau như thế nào, có hẹn ước gì không? Nhưng đột ngột cái Nhợt không được các cụ quan viên cho chở đò nữa! Họ mắng nó là dám chơi trèo, ăn mày lại đòi xôi gấc, dám rủ rê quyến rũ con quan.

– Thế sao cô ấy lại mất tích? Nguyễn Du hấp tấp hỏi.

– Nhà nó nghèo, nhờ được chân chèo đò mà sống! Nay không được làng xã cho làm thì chỉ có đi làm mướn, làm thuê. Cả làng đều nghèo, không ai có công việc gì mà thuê với mướn nên nó đi mò cua, bắt tép. Nghe người ta kể, nó thất tình nên định xuống tóc đi tu nhưng vì còn bà mẹ mù loà nên chưa nỡ bỏ. Vào mùa nước năm trước, đêm tối nó đi kiếm cá ngoài sông Hồng nhưng mãi không thấy về, người ta nói nó bị rắn cắn, lại có người bảo bị lũ cuốn. Nó vốn giỏi bơi nhưng suốt mười mấy ngày trời không ai tìm thấy xác. Cái cậu nho sinh kia cũng từ đó bặt tăm!

Nguyễn Du cảm thấy như có một lớp mây mù giăng chắn trước mặt. Anh không nhìn thấy gì nữa. Đầu óc trống rỗng mất một lúc lâu. May vào lúc đó có mấy người tới qua đò, anh vội trả tiền, chào bà hàng nước, bước thấp bước cao lên đò rời bến.

Mặc dù đi bộ mấy ngày mỏi mệt nhưng về đến Bích Câu nghỉ ngơi mà suốt đêm Nguyễn Du cứ trằn trọc trở mình. Hễ cứ nhắm mắt lại là những kỷ niệm xưa ùa về! Cứ nghĩ ngợi lan man không tài nào ngủ được. Nghe tiếng gà báo canh tư, Nguyễn Du thấy không nằm được nữa, anh trở dậy, châm đèn, mài mực.

Những câu thơ cứ như tự trào ra trên mặt giấy:

Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò thủa xưa

Cây đa bến cũ còn lưa

Con người năm ngoái năm xưa đâu rồi!

Có tiếng lá ngoài hiên rơi xào xạc! Một cơn gió bên ngoài thổi vào cửa sổ khép hờ tạo ra mấy tiếng động nhỏ. Nguyễn Du cứ tưởng như có ai thấp thoáng bên ngoài. Người tình năm xưa hay oan hồn của nàng nghe được tiếng lòng ta mà về đây chia sẻ! Nàng có biết ta thấy có lỗi với nàng biết bao? Ta cũng như nàng, đều quá yếu đuối cô đơn bị cái cuộc đời đẩy phức tạp này xua đuổi. Nàng nhỏ nhoi mà ta cũng nhỏ nhoi!

Thế là sau những tâm trạng rối bời, ngọn bút trên tay Nguyễn Du lại tuôn chảy những dòng thơ bào xót tâm can:

Yêu nhau những muốn gần nhau

Bể sâu muôn trượng, tình sâu gấp mười

Vì đâu xa cách đôi nơi

Bến nay còn đó, nào người năm xưa?

Dường như Nguyễn Du đã vắt kiệt lòng mình để giãi bày tâm sự. Anh buông bút chống tay, nghiêng đầu cứ thế nhìn trân trân vào những dòng thơ. Tan tác cõi lòng! Mệt mỏi! Anh nặng nề nhắm hờ mi mắt.

***

… Tiếng cười nghịch ngợm của cô lái đò khiến cho chiêu Bảy vừa lúng túng vừa thẹn. Chẳng là khi xuống đò, anh vô ý giẫm phải chỗ rêu trơn trên cầu nên trượt chân, ngã nhào. May chỗ ấy nước nông nên chỉ ướt chút ít phía trên đầu gối. Chiêu Bảy gượng đứng dậy, ngoái về phía tiếng cười. Cô lái đò dường như cảm nhận được nét tổn thương ở chàng trai nên kịp thời nghiêng mặt để giấu đi nụ cười vừa tắt tiếng. Nhưng chiêu Bảy lại kịp nhận ra một nét duyên, một nét tình tứ ẩn chứa từ khuôn mặt này. Trong lòng chàng trai mới lớn trào lên một nỗi xao xuyến bâng khuâng.

Vài buổi sang đò tiếp theo, cô lái đò và anh chàng thư sinh đã trở thành bạn bè thân mật. Nguyễn Du mỗi lần sang đò mà thấy trên bến chưa có người chờ chuyến sang là cứ lần lữa cùng cô trò chuyện. Cũng đã có những lúc người này trộm nhìn, người kia liếc vụng. Lại cũng có những lúc mắt họ gặp nhau. Mỗi lần như thế, cả hai nhanh chóng đưa mắt nhìn nơi khác. Không nói ra nhưng đôi bên đều ngầm hiểu cái tình trong như đã, mặt ngoài còn e, song chưa ai dám mạnh dạn mở lời trước ai.

Rồi đến một buổi sáng, Nguyễn Du sang đò muộn. Cô lái đò đang neo thuyền chờ người đi chợ bên kinh thành trở về. Thấy chỉ có mình cô loay hoay làm gì ở trong khoang, chiêu Bảy mạnh dạn hẳn lên, trổ ngay cái tài sau quỷ nhì ma của anh học trò chữ nghĩa. Cậu tán:

Cô ơi chèo chống tôi sang

Kẻo mà trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại lại qua

Giúp cho nhau nữa để mà…

Chiêu Bảy không chịu đọc tiếp hai chữ còn lại. Cô Nhợt mặt đỏ như gấc chín ngẩng lên:

– Kìa! Cậu đã đọc hết đâu?

Nguyễn Du hóm hỉnh cười trêu:

– Hai chữ còn lại dễ tìm lắm! Tôi muốn cô chọn hộ.

Cô Nhợt cặp mắt long lanh làm ra vẻ đàn chị trách yêu:

– Thôi đi cậu! Ai chả biết là hai chữ “quen nhau”.

Cô vừa nói vừa quay mặt đi, tủm tỉm cười. Từ đó hai người đã dần dần xoá được những điều khó nói.

Tất nhiên, chuyện chẳng dừng ở đó. Vài buổi sau, đôi bạn đã chủ động chuyển hai chữ “quen nhau” thành “thương nhau”.

Lại tới một lần sang đò khác, Nguyễn Du nghe người trên thuyền bàn tán về một lễ hội. Chờ khi mọi người lên khỏi bến, Nguyễn Du mới hỏi cô Nhợt hội gì thì được biết đó là hội đền “Dạ Trạch hoá tơ” để tưởng nhớ ba vợ chồng của Chử Đồng Tử.

Nguyễn Du biết trong tâm thức dân gian, Chử Đồng Tử được xem là một trong bốn vị thần bất tử của cõi trời Nam. Câu chuyện về Tiên Dung, Chử Đồng Tử và bà ba họ Nguyễn là chuyện về những tập tục cũ đến với tình yêu chân chính, những con người là ân nhân đã giúp dân làm ăn và chữa bệnh.

Chàng trai trẻ họ Nguyễn lại chưa lần nào được dự hội lễ nên khi nghe cô bạn gái kể chuyện về lễ rước nước, lễ đua thuyền, lễ dâng hương và những trò chơi dân gian trong suốt ba ngày hội thì anh rất thích thú. Ngập ngừng một lúc, Nguyễn Du mạnh dạn tỏ bày:

– Hay là Nhợt đi cùng hướng dẫn cho tôi?

Nhưng cô Nhợt không thể bỏ bến đi theo hội được. Đó cũng là những ngày đông khách hơn ngày thường. Thấy vẻ hụt hẫng của Nguyễn Du, cô Nhợt cắn môi suy nghĩ một lúc, sau đó khẽ khàng nói nhỏ:

– Nhưng buổi tối thì em có thể đi cùng.

Đúng là được lời như cởi tấm lòng. Nguyễn Du không ngờ mình lại may mắn đến thế? Nét mặt của anh rạng rỡ hẳn lên.

Hai ngày đầu lễ hội, cứ ban ngày Nguyễn Du một mình đi thăm thú, tìm hiểu khắp nơi. Thỉnh thoảng anh cũng gặp một vài người quen sơ, có chào hỏi nhau đôi ba câu thản nhiên rồi đường ai nấy đi. Nguyễn Du cũng không hề thấy buồn vì thực sự lễ hội vô cùng hấp dẫn.

Hôm mở lễ với tục rước nước lấy ở sông Hồng về đến.

Nguyễn Du đang háo hức chờ xem thì bất chợt có ai đó chạm vào mình. Một mùi hương rất dịu và dường như quen thuộc thoảng qua. Anh giật mình nhìn sang bên, hoá ra Nhợt đã đứng sát cạnh mình từ lúc nào.

Cô Nhợt thủ thỉ:

– Em nhờ được người chèo thay. Từ giờ đến khuya, em có thể đi với anh.

Nguyễn Du không giấu nổi niềm vui mừng khôn xiết. Mặc dù hai người không dám tay cầm tay nhưng bước chân dường như không rời nhau và ánh mắt thường xuyên nhìn nhau vô cùng say đắm. Họ cùng nhau đi hết đám chọi gà, sang múa gậy rồi tới chỗ cờ người. Cũng chẳng thấy đói, thấy mệt. Tuy nhiên cô gái dường như tỉnh táo hơn đã ép chàng ăn một vài tấm bánh chợ quê để lót lòng.

Trời đã ngả về chiều rồi dần dần tối. Những người dân đi hội đã lục tục tìm chỗ nghỉ ngơi. Chỉ còn đôi ba đám thanh niên ham vui đang rủ nhau ra ngoài bãi, ngoài đồng đốt lửa hát xướng hoặc tranh thủ chơi trò chim chuột. Nhợt nói với Du là mình phải về vì sáng mai còn chèo đò, Nguyễn Du đưa bạn về nhưng cả hai đều cố ý đi thật chậm. Trời đã tối hẳn, đôi trai gái không còn ngại những cặp mắt người ngoài đã mạnh dạn tay cầm tay. Sự đụng chạm nhẹ nhàng khiến cho cả hai dường như ngừng thở. Họ chưa bao giờ có được cảm giác lạ đến thế! Nó cứ đê mê, rạo rực, lại thêm tâm trạng thấp thỏm khiến cả hai không thể thốt lên lời.

Trên đường làng vắng vẻ, may mà họ không gặp ai. Nhưng đi mãi rồi cũng đến lúc phải chia tay. Nhà của Nhợt đã thấp thoáng hiện lên sau rặng cây tối sầm. Nhợt bỗng kéo Nguyễn Du vào một góc khuất, đẩy Nguyễn Du bên một gốc cây rồi ép sát vào người chàng, hôn chụt một cái vào bên má.

– Thôi em phải về đây!

***

Nụ hôn đầu đời khiến cho Nguyễn Du ngơ ngẩn! Đến khi định thần được thì cô gái đã thoắt biến sau bờ tre. Nhưng dường như cái mùi hương của tình yêu trinh nữ thì cứ phảng phất đâu đây? Nguyễn Du cảm thấy tiếc nuối. Anh quờ tay, giật mình! Thì ra anh đã mơ một giấc mơ! Nhưng là một giấc mơ hoàn toàn nhớ về sự thật.

Ngay sau đó, Nguyễn Du còn nhớ lại cả bài thơ mà anh đã viết kỷ niệm lần gặp gỡ không bao giờ quên được của mối tình đầu:

Quen nhau nay đã nên thương,

Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình!

Người xinh xinh, cảnh xinh xinh,

Trên trời dưới nước, giữa mình với ta!

Bài thơ hồi ấy là những lời chứa chan hy vọng, nhưng đọc lại lúc này thì Nguyễn Du thật sự não nề!

sưu tầm

Bình luận Facebook