Phút đầu, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dè dặt, rồi tần ngần khi được hỏi về mối tình thầm lặng của chị với nhà viết kịch nổi tiếng. Nhưng khi cảm thấy đã tìm được nơi chia sẻ, chị mải miết độc thoại như không muốn bị cắt ngang những hồi ức về một tình yêu ngọt ngào và thấm đẫm nỗi buồn.
Tác giả Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn tài năng và đào hoa. Nhiều giai nhân, như lời một bài thơ của anh, đã là “mây trắng của đời tôi”, khi phiêu bồng qua những năm tháng sống nồng say và hết mình của thi sĩ. Nhưng dừng lại dài lâu nhất trong cuộc đời ngắn ngủi đó, ám ảnh dai dẳng nhất trong hồn thơ tài hoa đó là ba người phụ nữ: Tố Uyên, trong cuộc hôn nhân đầu tiên nảy sinh từ tình yêu thời chanh cốm; Xuân Quỳnh, người vợ dịu dàng, ân nghĩa, tình yêu đằm thắm, khốc liệt cuối cùng của Vũ và Nguyễn Thị Hiền, người tình – nàng thơ đắm say của thi nhân trong “những năm tháng đau xót và hy vọng”.
Người con gái của nhà văn Kim Lân gọi mối tình với Lưu Quang Vũ là “tình yêu sét đánh”, mở ra một đoạn đời đầy giống tố cho cả hai. Họ gặp nhau lần đầu trong một buổi họp cuối năm của Tạp chí Thanh Niên, trong đó, Hiền là người phụ trách còn Vũ là cộng tác viên. Tan cuộc, khi vừa về đến nhà, chị nghe bố nói lại: “Vũ vừa đến tìm con”. Tâm hồn nhạy cảm của một thiếu nữ thoáng chút băn khoăn: “Sao vừa gặp nhau đấy thôi…”. Nhưng tình yêu mới chỉ được nhen từ phía thi nhân, dù lúc đó, nữ họa sĩ đã nghe danh và cũng rất cảm phục tài năng của Lưu Quang Vũ. Lần thứ hai, họ gặp lại tại ngôi nhà ở phố Huế cùng nhà văn Đỗ Chu, trong một đêm mất điện. Lúc Hiền đến, Lưu Quang Vũ đang đọc Đất nước đàn bầu cho bạn bè nghe bên ánh sáng đèn dầu. “Ngay lập tức, tôi thấy trái tim mình lỗi nhịp. Tôi cảm được chuyện gì đang xảy ra. Nhưng còn biết làm gì hơn là nghe thơ xong thì đi về. Vừa tới nhà, quay ra tôi đã nghe tiếng gõ cửa. Vũ đứng đó, trong chiếc áo mưa lính, chân như xịu xuống, rụt rè: ‘Vũ muốn gặp Hiền’. Chúng tôi lững thững đi dạo bên nhau. Anh đưa tặng tôi một bài thơ vừa hoàn thành và nhỏ nhẹ: ‘Vũ đã yêu Hiền từ lâu’”, chị kể. Đó là khúc dạo đầu và cũng là hồi ức yên bình nhất của một mối tình từng được Lưu Quang Vũ viết là “một tình yêu không biết nói cùng ai/ đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn (Em – tình yêu những năm đau xót và hy vọng).
Lúc bấy giờ, Lưu Quang Vũ vừa rời khỏi quân ngũ, đang thất nghiệp, sống vô phương hướng nhưng quan trọng nhất là đã có gia đình. Còn Nguyễn Thị Hiền làm việc ở Trung ương Đoàn, lại đang được đề xuất đi nước ngoài. Chuyện tình của hai người bị gièm pha, bị phản đối kịch liệt. “Hai đứa đều rất khổ. Nhiều lúc tôi không hiểu, tại sao người ta lại có thể độc ác đến vậy”. Chị bị đặt giữa hai sự lựa chọn: Yêu Vũ hoặc rời xa anh để đi nước ngoài. Người con gái đang yêu đã từ bỏ cơ hội xuất ngoại đầu tiên trong đời để ở lại bên Vũ.
Nhưng cho đến tận lúc Lưu Quang Vũ tử nạn, mối tình giữa thi nhân và họa sĩ vẫn chỉ là một tình yêu thánh thiện, trong sáng và tinh khiết – một tình yêu thuần túy tinh thần. Nữ họa sĩ lý giải nguyên nhân chia xa: “Tôi bị cơ quan đoàn thể kiểm điểm lên xuống. Tôi không sao hiểu nổi cuộc đời lại phũ phàng đến thế? Tại sao một tình yêu trong sáng họ lại có thể biến chúng tôi thành tội đồ… Bố tôi đau khổ quá nên phát bệnh. Trời mùa hè mà cụ quấn áo bông, chân đi tất, nằm đắp chăn rên hừ hừ. Tôi chịu không nổi”. Chỉ cần hình dung dáng điệu gầy gò của Kim Lân trong bộ dạng ấy, những người yêu mến nhà văn đã khó yên lòng, huống hồ chị là cô con gái yêu của ông. “Bố và Lưu Quang Vũ là hai người đàn ông yêu thương, quan trọng nhất với tôi lúc đó. Khi phải giằng xé giữa hai người, tôi nhận ra rằng, yêu một người không có nghĩa là người đó phải thuộc về mình. Chúng tôi hướng đến nhau theo một cách khác, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhau trong sáng tạo nghệ thuật”, chị tâm sự.
Số phận đưa đẩy Lưu Quang Vũ đến với Xuân Quỳnh trong cuộc hôn nhân lần thứ hai năm 1973, còn Nguyễn Thị Hiền cũng kết hôn với nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo năm 1978 và sống ở Sài Gòn. Họ chỉ gặp mặt nhau đôi lần, khi nhà viết kịch vào Nam tìm chị và khi anh, qua nhà thơ Dương Tường, gửi vé mời chị tới xem Hồn Trương Ba da hàng thịt trong một lần họa sĩ ra Bắc.
Hỏi chị, nếu quay ngược thời gian, chị có quyết liệt đến cùng trong mối tình với Lưu Quang Vũ, chị không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng điềm tĩnh nói: “Lúc đó, tôi chỉ là một cô bé hồn nhiên, chỉ biết vẽ và đọc sách thôi, chưa từng biết lo toan, sắp xếp một cuộc sống gia đình. Trong khi Xuân Quỳnh là một phụ nữ rất trải nghiệm. Quỳnh yêu Vũ hết lòng và cũng lo cho anh được rất nhiều. Tôi cũng biết, tình yêu của hai tâm hồn có thể đẹp nhưng khi buộc phải chạm vào đời thực, biết đâu, nó khiến con người vỡ vụn, chơi vơi”. Nghe cách chị nói về vợ của người yêu, mới hiểu điều chị từng ngộ ra rằng: yêu một người không có nghĩa là người đó phải thuộc về mình.
Chính vì thế, điều khiến nữ họa sĩ đau khổ nhất không hẳn là mất anh, mà mất đi kỷ vật tình yêu giữa hai người. Họ có một cuốn sổ chung, anh làm thơ còn chị vẽ minh họa luôn vào đó. Cuốn sổ đã mất, chị chỉ còn lại một số bản viết tay những vần thơ của anh tặng chị. “Hai tháng trước khi qua đời, Vũ gặp tôi để nhắc lại một lời hẹn chung của chúng tôi, rằng chúng tôi sẽ in chung một tuyển tập, thơ của anh và những bức họa của tôi. Anh mang ước nguyện đó ra đi mãi mãi còn cuốn sổ cũng rời bỏ tôi”, chị ngậm ngùi.
Gần 40 năm xa và đã 20 năm mất anh vĩnh viễn trong cuộc đời này, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không giấu nổi đau đớn khi nhắc đến cái chết của người nghệ sĩ tài hoa. Khi anh mất, chị đang ở Sài Gòn. Chị đón nhận tin dữ với thái độ nghi hoặc rằng: “Chắc chỉ là lời đồn của kẻ ghen ăn tức ở ác miệng”, dù đêm trước khi Lưu Quang Vũ bị tai nạn, chị đã nằm ác mộng thấy mình cặm cụi đi đóng áo quan. Chỉ đến khi báo chí đồng loạt đưa tin, nữ họa sĩ mới biết đó là sự thật kinh hoàng. Chị kể, trong những ngày mới mất, đêm nào anh cũng trở về trong những giấc mơ của chị.
“Người đàn bà không có tên” trong những vần thơ của Lưu Quang Vũ khép lại dòng hồi ức khắc nghiệt của mình bằng tiếng cười có phần mệt mỏi nhưng nghe thanh thản: “Giới trẻ ngày nay thật khó tin được vào một tình yêu tinh thần thuần túy. Nhưng tôi và Vũ đã nhìn nhau như một đốm lửa nhỏ, một ánh sao xa, lặng lẽ soi cho nhau để tự sáng lên trong cuộc đời”.
Nghe chuyện người phụ nữ Lưu Quang Vũ đắm say, khó cưỡng lại cảm giác tìm gặp chị trong những vần thơ của thi sĩ. Chị lúc là “tia nắng soi anh đến trọn cuộc đời”, lúc là “Gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực” để anh ước nguyện “Tôi làm sao có thể nguôi yên/ Khi biết ở nơi nào em vẫn sống/ Em sẽ đến như ngày rồi sẽ nắng/ Tôi sống bằng khoảng rộng ở nơi em”… Và kết quả của một mối tình cay đắng, ít nhất cũng đã trổ được những vần thơ, như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã giúp Vũ làm nên những bài thơ vào loại hay nhất của anh”.
Một trong những bài thơ Lưu Quang Vũ viết tặng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Thơ tình viết về một người đàn bà
không có tên (II)
Mái nhà nâu nhấp nhô
Trong khói mờ ẩn hiện
Cây bàng cao lá tím
Ướt nhòa sương ngã ba.
Nhìn nhau không thể xa
Đèn mùa đông vụt tắt
Màu áo em đỏ rực
Cháy sau vòm cửa đêm
Giờ anh như con thuyền
Bốn bề lên sóng vỗ
Xô dạt về tựa ngủ
Trên rộng dài bến em
Em chiếm hết anh rồi
Những cánh đồng trắng xoá
Những ngả đường đói lả
Và giấc mơ sau cùng
Anh dâng em tất cả
Đây chùm hoa cúc nhỏ
Rụng cánh xuống vai trần
Anh ngập tràn lòng em
Những màu và những tiếng.
Trời xanh và cánh rộng
Anh hôn từng ngón tay
Anh hôn làn tóc xoã
Trên trán buồn âm u
Anh hôn lên đôi mắt
Môi chạm vào bao la
Ôm em trong vạt áo
Như hoa hồng ngày xưa
Thôi mắt đừng xót xa
Nỗi buồn thời quá khứ
Từ nay anh sẽ thở
Trong mối tình của em.
Lưu lạc giữa hoàng hôn
Đồng mưa và cỏ lạnh
Nghẹn ngào thương nhớ em
Dưới một trời bom đạn.
Đường anh xa vắng lắm
Lòng em có đến cùng
Áo bay về mênh mông
Chập chờn trên gác tối
Ngọn lửa nhỏ cô đơn
Đang nghĩ gì phương ấy?
Lưu Quang Vũ – 1973