Mơ ngày đoàn tụ
1. Lương dắt xe vào khu nhà trọ mới xây trong khuôn viên khu công nghiệp khi trời đã khuya, thầm mong Ngần, cô gái ở cùng phòng lúc này đã ngủ rồi để tránh né được một cuộc va chạm khó chịu. Hôm qua hai người đã cãi nhau một trận to. Lương có thể nhẫn nhịn thói bừa bộn, ngang ngược của Ngần, nhưng cô không chịu được khi khung ảnh cô con gái bé bỏng bị quăng xuống vỡ tan dưới sàn nhà. Vậy mà Ngần còn lớn tiếng nói, có cái ảnh vớ vẩn mà Lương làm nhặng lên. Thế rồi là cãi nhau ầm ĩ.
Nhưng không như mong đợi của Lương, Ngần vẫn thức. Cánh cửa khép hờ, trong phòng tiếng cười đùa rúc rích vang ra. Ngần thở dài, biết là Tân, cậu người yêu của Ngần đến chơi. Cô đành lùi xe lại, rồi ngồi ngoài hiên. Chắc muộn rồi, cậu ta cũng chẳng ở lâu.
Nhưng Lương ngồi mãi, tiếng cấu chí trong nhà vẫn không dừng lại. Cơn mệt mỏi xâm chiếm khiến người cô như muốn rũ ra, lại thêm đám muỗi không ngừng vo ve, cuối cùng, Lương đành đứng dậy, ngại ngần đi vào gõ cửa.
Lúc sau, Ngần hằm hằm đi ra, giật cánh cửa, miệng làu bàu: “Duyên vãi cả lúa!”
Lương lẳng lặng đi vào, vờ như không nghe thấy tiếng Ngần nì nèo giữ Tân lại. Nhưng Tân nói có người khác không tự nhiên, rồi đi thẳng. Ngần hấp tấp chạy theo Tân ra ngoài ngõ. Lương thở nhẹ một hơi, cô lấy gói mì tôm, đun nước rồi úp một bát. Cô đợi mì chín mà lòng thầm thở dài. Tết nhất đến nơi, đến mì tôm cũng đắt lên rồi.
Vừa lấy đũa gắp lên gắp đầu tiên, Lương đã nghe tiếng chân Ngần nặng nề đi vào, rồi tiếng cô gắt gỏng: “Chị không ăn món khác được à! Cái mùi mì tôm làm tôi kinh muốn chết!!!”
Chiếc đũa trên tay Lương khựng lại. Rồi cô lẳng lặng ăn tiếp.
“Chị cố ý đúng không? Chị cố ý về lúc tôi đang hẹn hò chứ gì?”
Lương đành đặt đũa xuống: “Vậy em nói xem em hẹn vào những lúc nào, để chị tránh những giờ đó ra!”
“Chứ không phải để chị đúng lúc mà về à! Mấy bà mái già là chuyên đố kị”.
Lương lặng ngắt không nói. Cô tiếp tục ngồi ăn. Miếng mì tôm cứ dần ứ lên trong miệng, nhưng cô vẫn cố ăn cho hết. Mì tôm bây giờ cũng rất đắt.
2. Gần những ngày Tết, không khí trong khu trọ tất bật hẳn lên. Câu chuyện thường trực là lịch nghỉ Tết, thưởng thế nào, mua sắm cái gì. Ngay ở xưởng, nơi mà các quản đốc quản rất chặt việc nói chuyện trong giờ làm, Lương vẫn thường nghe mọi người thì thào hỏi nhau về chuyện về quê ăn tết, rồi vé tàu, vé xe.
Về quê. Lương bất giác mỉm cười. Đợt này cô đang cố gắng làm thêm ca, kiếm thêm chút tiền. Cả năm đi mãi, Sáo không khéo đã quên mất cả mẹ nó rồi. Cảm giác nôn nao khiến Lương phấn chấn. Chập tối, hết ca làm, Lương mải miết đạp xe ra thị trấn gần đó, mua sắm chút đồ cho mẹ cô ở nhà, và cho Sáo nữa. Cô cứ mua mấy đồ rộng một chút, phòng cho con bé có lớn thêm thì vẫn còn mặc được. Xong xuôi, Lương chằng cái bọc đồ ở sau xe thật chặt, cứ như sợ đi sẽ làm rơi mất. Giờ thì còn là chuyện lo mua vé tàu xe nữa. Thấy người ta bảo, giờ mua cũng muộn rồi, không cẩn thận mà không mua được thì chẳng biết làm sao! Chắc ngày mai phải nhờ người hỏi xem thế nào.
Lương về nhà, thấy Tân và Ngần đang đứng ngay trước cửa, giằng co chuyện gì đó. Mấy hôm nay, không khí giữa cô và Ngần vẫn rất nặng nề, chẳng ai nói với ai một câu. Thỉnh thoảng, dù không cố ý để tâm, nhưng Lương vẫn nhận ra Ngần đang bồn chồn sốt ruột điều gì đó.
Lương nghĩ cứ tránh đi là hơn, nên quay xe ra, nhưng lại chẳng biết đi đâu. Cô đành lanh quanh đi rồi đứng lại ở vách tường đầu ngõ. Trong đêm, tiếng của Ngần vẫn vọng đến: “Anh mà cũng về thì em ở đây với ma à! Cả khu này về hết, một mình em sợ lắm”
“Thế thì em cũng về đi”
“Anh biết thừa là em không thể về mà. Em mà vác mặt về, cả cái làng em cười em thối mũi”
“Nhưng bố mẹ anh bảo về! Anh cũng đã nói sẽ về rồi!”
“Thì gọi lại bảo là không về nữa!”
“Vớ vẩn”
Ngần hình như đã khóc. Tiếng cô nức nở: “Năm ngoái em đã phải ở đây một mình rồi. Sợ lắm. Anh không biết cái cảm giác tết mà phải ở một mình nó thế nào đâu…”
“Nói gì thì nói thì anh vẫn phải về”
“Anh thế mà cũng là người yêu à… Anh cút đi…”
Tiếng bước chân sầm sập làm Lương lính quýnh, vội cầm xe định quay đi. Nhưng không kịp nữa. Ngần đã đuổi theo đến nơi: “Bảo anh đi là anh đi ngay à, chó chết!”
Rồi Ngần ngơ ra khi thấy Lương. Lương ngại ngần không biết làm thế nào, đành cười gượng gạo, dong xe vào nhà. Khi cô vừa cho vắt mì tôm vào bát, thì Ngần sùng sục đi vào.
“Chị có tin là tôi ném bát mì đi luôn không?”
Lương chưa kịp phản ứng gì, Ngần đã xổ ra một tràng: “Chị thừa biết tôi ghét mùi mì tôm, nhưng hôm nào chị cũng ăn. Chị thừa biết tôi hẹn hò nhưng lúc nào chị cũng phá đám. Đồ gái già lắm chuyện!!!”
Lương nén bực mình, nói nhẹ: “Đừng có mà giận cá chém thớt!”
Cô cầm phích nước, định rót vào bát, nhưng nghĩ sao, lại cầm vắt mì ra bậc cửa ngồi ăn sống: “Thế này thì hết mùi chưa?”
Ngần không đáp. Trong phòng, chỉ còn tiếng nhai mì tôm lạo xạo. Khi Lương quay vào, cô đã thấy Ngần nằm quay mặt vào vách, thỉnh thoảng lại có tiếng xì mũi nho nhỏ. Lương lặng lẽ thở dài. Cô gỡ túi đồ sau xe đạp ra, cô cẩn trọng vuốt ve rồi nhét vào trong một chiếc túi đã đầy dần lên vì đồ đạc. Sắp tết rồi. Sắp về nhà với mẹ và con gái rồi. Mấy những chuyện vụn vặt này, có đáng gì đâu!
Nhìn tấm ảnh cô con gái đã được dán lại trên ngăn tủ, Lương sực nhớ ra, cầm điện thoại, gọi về nhà. Mẹ cô bắt máy. Lương thở phào khi biết bà đã nhận được tiền mình gửi về, rồi dặn dò bà mua ít đồ Tết. Nhưng bà chẳng quan tâm, chỉ hỏi đi hỏi lại Lương bao giờ về, rồi bảo Lương cố thu xếp mà về cho con bé nhà cô đỡ tủi.
“Nói gì nói lắm! Không cho người ta ngủ hả?”
Tiếng Ngần càu nhàu khó chịu. Thấy cũng sắp hết 10 phút khuyến mại, Lương vội dặn dò mẹ cô thêm mấy câu rồi cúp máy. Cô quay sang nhìn Ngần, nghĩ thế nào nói khẽ: “Chị sơ ý. Lần sau sẽ ra ngoài nói. Em ngủ đi”
Dứt lời, cô nằm xuống chiếc giường đơn, cầm chiếc ảnh cô con gái đang cười toe toét, lòng mềm lại, từ từ chìm vào giấc ngủ. Giường bên, Ngần xoay ngang xoay dọc, không sao ngủ được. Cuối cùng cô cầm điện thoại, chạy ra ngoài đầu hồi, bấm nút gọi: “Mẹ à, con Ngần đây!”
“Ngần… Ngần!!!”
Nhưng Ngần đã cúp máy. Cô ngồi khoanh gối, nấc lên từng hồi. Trong đêm chỉ có tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng vẳng lại. Cô thất thểu vào nhà, nhìn Lương đang thở đều, lại nhìn mớ đồ đạc Lương đã chuẩn bị về quê Tết. Hình như là cô đang ghen tị. Ghen tị với tất cả mọi người.
3. Khu nhà trọ dần thưa vắng. Công nhân đã chuẩn bị gói ghém đồ đạc và lên đường về quê hết. Tối hôm sau Ngần bỏ một ca làm, chạy đến khu nhà trọ của Tân. Cô muốn năn nỉ anh một lần nữa.
Nhưng Tân đã xếp hết đồ, nhìn Ngần dửng dưng: “Anh không ở lại được. Mà anh cũng muốn nói cái này. Mình chia tay luôn đi!”
Ngần choáng váng nhìn Tân, như không tin nổi. Cô và anh yêu nhau đã gần năm nay, Tân cũng hứa hẹn đủ đường. Thế mà… chẳng lẽ vì cô muốn giữ anh lại, mà anh đòi chia tay!?
Tân thấy ánh mắt trân trân của Ngần nhìn mình, nói một cách khó khăn: “Cuộc sống thế này bấp bênh quá. Lần này chắc anh sẽ về hẳn, làm ruộng ở quê cũng được. Nói thật với em, ở nhà đã nhắm sẵn cho anh một cô rồi!”
Ngần nghe thế thì điên lên lao vào đánh anh ta. Tân cứ mặc cho Ngần nguyền rủa, đánh đập, chẳng phản ứng gì. Đến khi không còn hơi sức, Ngần lảo đảo đi ra, mặc cho Tân thảng thốt gọi tên mình. Nhưng cô mặc kệ, một mình thất thểu trên đường.
Quãng đường này vắng vẻ, thỉnh thoảng chỉ có vài thanh niên, cũng ở các khu công nghiệp gần đây lai vãng. Thấy Ngần, họ tiện mồm trêu chọc vài câu. Nhưng cái cô gái đang thất thần đó, đột nhiên cầm cục gạch, giơ lên gào rú dữ tợn khiến họ chạy mất. Đến khi cục gạch trong tay dần nặng trĩu, Ngần mới ném đi, rồi ngồi thụp xuống giữa đường, ồ ồ lên khóc.
Một chiếc xe đạp đạp qua Ngần. Vòng xe hơi khựng lại rồi lại đạp tiếp. Cuối cùng Lương không đành lòng, quyết định quay lại, nhìn cô gái vẫn còn run lên vì khóc kia, bảo đứng lên đi, chị đưa về. Ngần ngước lên, thấy Lương thì đâm cáu: “Bảo tôi thèm vào. Chị biến đi.”
Lương nghe vậy, lại ngồi lên xe, thản nhiên đạp đi tiếp. Nhưng được một đoạn thì Ngần đuổi theo, kéo xe Lương lại, ngượng ngập bảo cho tôi về cùng.
Hai người chở nhau về trong đêm lặng lẽ.
Trong căn nhà trọ, Ngần mắt sưng húp nhìn Lương bảo: “Chị không nói đáng đời tôi à?”
Lương thở dài, “Nói thế chị chẳng vui hơn, cũng chẳng béo hơn, nói làm gì!”
Lương lấy ra gói mì tôm, định ăn, nhưng nghĩ thế nào, lại cất đi.
Ngần mới ái ngại, “Thôi chị ăn đi không đói.”
Lương mỉm cười: “Khuya thế này rồi, chẳng có gì ăn nữa đâu, cùng ăn tạm nhé.”
Mùi mì tôm nồng nồng giữa khuya. Ngần nuốt nghẹn một miếng, ngượng ngùng nhìn Lương: “Chị không về Tết à?”
“Chị cũng muốn về, mà xa quá, tiền xe thì đắt, đang tính xem. Về được ba, bốn ngày đã lên, con bé nó lại quấn mẹ thì còn khổ nữa. Còn em, không định về à?”
Ngần im lặng, rồi kể với Lương. Cô ở vùng nông thôn, không học hành gì, mà lại ghét mấy việc đồng áng. Hồi ấy làng cho phong trào xuất khẩu lao động, Ngần cũng muốn đi nhưng nhà cô không cho đi, vả lại cũng chẳng xoay đủ tiền. Bố mẹ cô muốn gả cô cho một anh nông dân gần nhà. Ngần sợ hãi viễn cảnh cả cuộc đời không ra khỏi lũy tre làng, nên mặc bố mẹ phản đối, cô cương quyết từ chối anh chàng cùng làng kia, rồi xách đồ đi lên thành phố. Cô đã thề là không giàu thì không về nhà. Nhưng làm giàu khó quá, cô lay hoay làm đủ thứ, mà cuối cùng chẳng đâu vào đâu, rồi dạt đến khu công nghiệp này. Giờ có muốn về thì cũng chẳng có mặt mũi nào…
Lương nghe xong chuyện chỉ thở dài, rồi khuyên nhủ Ngần nên về nhà. Ngày Tết ở gần gia đình là tốt nhất. Cô bảo: “Em có thể sĩ diện với bất cứ ai, nhưng đừng sĩ diện với người thân trong gia đình mình”.
Ngần nghe vậy, lặng đi rất lâu, cô lăn tăn đủ thứ, nhưng nghĩ về cái Tết lạnh giá năm trước, cô rùng mình, quyết định sẽ nghe theo Lương.
Sau hai tháng căng thẳng, lần đầu tiên, không khí của hai người dịu nhẹ đi rất nhiều. Ngần cũng cũng nói Lương nên về, Tết ở đây một mình buồn tủi lắm. Tết là dịp làm người ta cô đơn nhất. Cô đã bị một năm rồi, rất sợ. Vả lại, Lương còn có con ở nhà, không về thì tội cho nó. Hai người cùng hẹn sáng mai sẽ đi mua vé tàu xe.
4. Nhưng buổi sáng tỉnh dậy, cả hai choáng váng nhận ra, của nả dành dụm của họ bấy lâu, đã bị trộm vào cuỗm sạch. Cả khu trọ vắng ngắt, họ không biết cầu cứu ai. May, chiếc xe đạp được khóa lại, nên vẫn còn, Lương lảo đảo đạp đi báo công an. Nhưng những ngày cuối năm, nơi nào cũng tất bật việc nọ việc kia, hai viên công an đến cũng chỉ xem xét qua loa, có lẽ họ nghĩ là vụ trộm vặt, chẳng bõ bèn gì, nên chẳng nhiệt tình tìm kiếm, và hẳn nhiên là cũng chẳng có kết quả gì. Lương và Ngần ngồi phệt xuống giữa nhà, thất thần lục lọi tất cả đồ đạc, nhưng mỗi người chỉ còn một khoản tiền rất ít ỏi, để ở túi quần khi đi ngủ. Thậm chí, chẳng đủ để về quê. Cả hai nhìn nhau, hoang mang, tuyệt vọng.
Điện thoại của Ngần cũng bị mất, cô đành mượn Lương, cố thử gọi điện cho Tân một lần nữa, nhưng điện thoại không liên lạc được. Khu trọ đã chẳng còn ai để có thể hỏi han, vay mượn. Lương nhìn tài khoản còn lại mấy nghìn lẻ trong máy, bấm số gọi về nhà. Cô cố nói thật nhanh, thật ngắn: “Mẹ à, tết này con không về được. Mẹ với Sáo ăn Tết vui vẻ”. Vừa nói, Lương vừa chảy nước mắt.
Ngần nằm cạnh cũng thẫn thờ. Nằm mãi, cô bật dậy, mượn điện thoại của Lương để gọi về cho nhà. Lương ái ngại nói, điện thoại của cô chẳng còn mấy tiền đâu.
Ngần cười rưng rưng: “Không sao, em chỉ cần nghe tiếng chuông kêu thôi cũng được!!!”
Cả đêm hai người không ngủ, nói chuyện với nhau. Ngần thở dài, trước không định về thì chẳng sao. Đã định về rồi mà không về được, sao mà khổ thế. Lương chợt nghĩ ra, bảo: “Khoản tiền của mình em thì không đủ, nhưng nếu góp cả của chị vào thì đủ cho em về nhà đấy.”
Ngần như không tin nổi, hỏi: “Chị nói thật à?”
Lương gật đầu. Ngần phát khóc vì cảm động. Cô nói ngày mai sẽ ra bến xe ngay, cô nhớ nhà lắm rồi.
Ngần dặn dò Lương ở một mình mấy ngày Tết cẩn thận, bắt Lương giữ lại một ít tiền để tiêu, rồi lưu luyến tạm biệt. Ngần còn hứa sẽ mang thật nhiều quà Tết cho Lương. Lương gượng cười gật đầu giục Ngần mau đi. Ngần đi rồi mà cứ ngoái lại nhìn dáng đứng tựa cửa cô đơn của Lương, nỗi thương cảm bỗng nhiên làm cô cay mắt.
5. Lương đi xuống thị trấn, nhìn không khí Tết tưng bừng, đủ loại cây trái, đào mai đua nở, bánh chưng bánh dày bày bán khắp nơi. Nhưng cô chỉ mua thùng mì tôm khiến người bán hàng ngạc nhiên hỏi: “Sao Tết nhất không mua gì lại chỉ mua mì tôm cho nóng ruột?”.
Lương chỉ gượng cười.
Buổi trưa, khi cô đang ngồi nhìn những sợi mì nở ra trong bát, lần đầu tiên cảm nhận hóa ra mình cũng đã sợ ăn mì tôm lắm rồi. Nhưng sợ thì sợ, ăn vẫn phải ăn, để sống cho qua cái Tết lạnh lẽo này. Nhưng vừa lúc cô định cúi xuống ăn, thì bất ngờ, Ngần xách túi đi vào. Mặc Lương kinh ngạc, Ngần đã chìa ra tấm vé tàu, bảo: “Em đứng canh cả buổi để mua cho chị đấy. Tối là tàu chạy, chị đi đi.”
Lương sững ra, bảo: “Sao em làm thế?”
Ngần cười ngại ngùng, bảo: “Em nghĩ kĩ rồi, chị cần về hơn, chị còn mẹ già cháu bé. Còn em, xa nhà mấy năm rồi, thêm năm nữa chắc bố mẹ cũng chỉ giận thêm một tí thôi.”
Lương không chịu, nhưng Ngần rất cương quyết, nói: “Chị không về thì em xé cái vé này đi đấy.”
Hai chị em ôm nhau, bật khóc.
Chập tối, Ngần chở xe đạp đưa Lương đến tận ga tàu, cô vẫy vẫy với Lương, nhìn tận theo cho đến khi Lương đi vào trong ga. Ga tàu những ngày Tết chật ních người, Ngần nhìn cho đến khi bóng Lương đã khuất sau đám người, mới quay xe về.
Khi nhìn cả khu trọ vắng tanh, lạnh lẽo, tay giữ xe đạp của cô run lên. Ngần đi thẳng vào nhà, ngồi một góc, ôm gối, nước mắt lặng lẽ trào ra. Đêm cuối năm lạnh, và rất dài. Ngần miên man nghĩ mãi, cuối cùng rồi cũng chìm vào giấc ngủ.
Khi Ngần mở mắt ra thì đã là ánh sáng của ngày 30 Tết. Cô nhận ra mùi mì tôm quen thuộc lan ra khắp căn phòng. Ngần bật dậy, nhìn quanh thấy trước cửa là cặp bánh chưng treo lơ lửng giữa nhà, vài nhánh đào bán lẻ được cắm vào một cái lọ, còn Lương đang lọ mọ nấu mì tôm.
Hóa ra, đêm qua Lương không lên tàu mà bán lại vé cho người khác, rồi quay lại. Ngần mắt đỏ lên, đánh Lương, bảo: “Sao chị không về, sao chị làm thế hả?”
Lương mỉm cười nói: “Có người bảo ở một mình mấy ngày Tết đáng sợ lắm nên chị không đành.”
Mặc cho Ngần nằng nặc muốn chở chị ra ga mua vé tiếp, Lương vẫn cương quyết. Cô giữ Ngần lại, nói: “Tết chỉ là một dịp trong năm, để gia đình đoàn tụ. Nhưng nếu muốn đoàn tụ, thì lúc nào mà chẳng là ngày Tết. Đợi khi ra Tết, xe cộ thư thả, chị em cùng có lương tháng mới, lúc ấy, về cũng không muộn.”
Ngần cảm động, siết chặt lấy bàn tay chai sần của Lương, lòng thầm nghĩ: “Đúng thật, khi không cô độc, khi không phải ở một mình, khi mà có một người ở cạnh, thì ngày nào cũng là ngày Tết….”
(Nguyễn Thu Thủy)