Màu hoa đỏ khúc tráng ca đi cùng năm tháng

Với những người lính đã từng trải qua cuộc chiến, khúc tráng ca “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu như một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Với những người chưa từng qua cuộc chiến, bài hát ấy là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh “rực lửa” không được phép quên.

Có người lính
mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
có người lính
mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi
mây ngàn hoá bóng cây che
chiều biên cương trắng trời sương núi
mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Việt Nam ơi! Việt Nam!
núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi! Việt Nam!
ngọn núi nơi anh ngã xuống
rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn…

 Nguyễn Đức Mậu

“Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn”

Màu hoa đỏ được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến vẽ nên bằng những ca từ và giai điệu hết sức sâu lắng và xúc cảm. Đó là hình ảnh của người chiến sĩ từ giã mái tranh nghèo ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”, “mây ngàn” “bóng cây tre”… Màu hoa ấy còn là màu của chiều biên cương trắng trời sương núi, nơi có người mẹ già tóc bạc mỏi mắt chờ con…

Bao năm qua, chiến tranh đã lùi xa, bom đạn đã nằm yên trong quá khứ… nhưng người ta vẫn không thôi ca bài ca “Màu hoa đỏ” mỗi độ tháng 7 về. Bài ca ấy như góp vào tháng 7 linh thiêng tiếng đồng vọng của những ngày đã qua. Và “màu hoa đỏ” ấy từ lâu đã không còn là màu của những người ra đi nữa mà đã hóa thành màu của cả những người ở lại.

Bài hát “Màu hoa đỏ” được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991. Sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến chia sẻ rằng, bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đến với ông như một cái duyên. Thời đó, nhà ông còn ở phố Lý Nam Đế, gần với văn phòng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nên thỉnh thoảng ông lại qua “ôn cố tri tân” với bạn thơ Nguyễn Đức Mậu.

“Hôm đó, hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ còn người đã khuất. Chỉ tiếc rằng, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt những đồng đội chính tay mình chôn cất. Tôi bàn với anh Mậu là tìm tứ thơ, tôi đảm nhiệm phần phổ nhạc như để trả nợ về tinh thần. Đặc biệt lúc đó vào năm 1991, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, hai chúng tôi đều mong bài hát sớm ra đời sẽ góp phần củng cố niềm tin trong quần chúng.

Bài thơ của anh Mậu lúc đầu có tên “Thời hoa đỏ”. Sau khi phổ nhạc, tôi bàn với anh đổi tên thành “Màu hoa đỏ”. Bởi vào năm tháng đó, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng. Nó gợi lên không khí hào hùng, không khí chiến thắng, tác động không ít đến anh em chiến sĩ.

Cùng thời gian đó, tôi dẫn Thanh Lam đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam để thu thanh ca khúc này. Phải nói rằng mới có 21 tuổi, nhưng Lam đã thể hiện ca khúc rất thành công. Lúc Lam hát, tôi đã ngồi lặng đi, cảm thấy dường như tôi đã gặp lại các đồng đội cũ. Đừng hỏi tôi ai thể hiện thành công ca khúc này nhất. Ai cũng thành công khi mang trong mình niềm đam mê”, nhạc sĩ Thuận Yến kể.

Năm 1994, ca khúc “Màu hoa đỏ” đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng.

Bài hát này đã từng được ca sĩ Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương, Hoàng Tôn, Minh Thuỳ… Tuy nhiên, người thực sự làm rực lên được cái “màu hoa đỏ” của bài hát không ai khác ngoài Thanh Lam.

Trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 3/2015, NSƯT Thanh Lam đã khiến nhiều khán giả tại trường quay rơi nước mắt khi thể hiện lại sáng tác nổi tiếng của cha “Màu hoa đỏ”. Giọng hát căng đầy năng lượng cùng những kỷ niệm, sự thấu hiểu về người cha đã khuất giúp Thanh Lam thăng hoa hết mình trong tiết mục này. Ca khúc cũng khiến đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thốt lên rằng: “Thanh Lam đã hát “Màu hoa đỏ”, thể hiện hình ảnh một người mẹ vĩ đại với tầm vóc lớn. Tiết mục là sự hòa hợp giữa người nhạc sĩ phối ca khúc và người nghệ sĩ, giữa những giai điệu và hình ảnh dàn dựng. Đây thực sự là một tiết mục lộng lẫy, rực rỡ và bi tráng”.

Trước đó, trong đám tang của cố nhạc sĩ Thuận Yến, Thanh Lam và Tùng Dương cũng đã hát lại ca khúc này để tiễn cha về bên kia thế giới.

“Sau khi thu âm bài hát về tôi có chút ám ảnh”

Diva Thanh Lam chia sẻ rằng, cho đến bây giờ chị vẫn nhớ cái kỷ niệm lúc ba chị dẫn chị vào Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm ca khúc này. Trước khi hai ba con cùng đi, ông đã cắt nghĩa từng câu chữ và hát mộc cho chị nghe. Thanh Lam thừa nhận rằng, ba mình đã hát ca khúc này ngọt và tình hơn mình. Chất giọng của ông có âm sắc của hát Bài Chòi xứ Quảng quê hương ông.

“Khi nghe ông hát và nghe ông cắt nghĩa về câu chữ cũng như chủ ý của ông trong bài hát tôi đã rất xúc động. Tôi cảm nhận ra được cái không gian mênh mông mà rất đỗi linh thiêng trong bài hát này. Hình ảnh người lính nghèo rời quê vào chiến trường, người mẹ già tóc bạc đứng dưới bóng chiều chờ con… làm tôi không thể kìm được nước mắt. Sự hy sinh của người lính đã cao cả rồi, sự hy sinh của người mẹ còn cao cả hơn. Sau khi thu âm bài hát về tôi có chút ám ảnh. Cứ mỗi chiều hoàng hôn tôi lại nhìn xa xa về phía chân trời rồi lòng lại chùng xuống, từng câu hát của bài “Màu hoa đỏ” cứ thế cất lên trong tâm khảm và nước mắt trào ra…”, NSƯT Thanh Lam xúc động kể.


Nhạc sĩ Thuận Yến lúc sinh thời. Ảnh: TL.

Theo “con gái rượu” của cố nhạc sĩ Thuận Yến thì chị đã từng thể hiện ca khúc này trong rất nhiều sự kiện, trên sân khấu có và ngoài nghĩa trang liệt sỹ cũng có. Tuy nhiên, kỷ niệm khiến chị xúc động nhất chính là lần hát trong chương trình “Giai điệu tự hào” năm ngoái. Tiết mục được dàn dựng với một tinh thần rất đỗi bi tráng và kỳ công. Và khi bắt đầu bước vào hát, bao hình bóng về người cha thân yêu vừa rời xa cõi tạm lại hiện về rất rõ khiến chị có cảm giác như mình đang hát cho cha và những người đồng đội của cha nghe.

Sinh thời, cứ mỗi lần nghe lại gia điệu của “Màu hoa đỏ”, nhạc sĩ Thuận Yến lại ngồi lặng im rồi nhìn ra xa thẳm. Ca từ cuối cùng của bài hát cất lên cũng là lúc hai khóe mắt của ông mọng đầy nước mắt. Những lúc như thế, Thanh Lam thường để cho ba mình một mình. Chị biết, đó là những lúc ông nhớ về đồng đội, những người đừng từng một thời sát cánh kề vai cùng ông trên những chiến trường đầy khói đạn.

“Đất nước Việt Nam giờ đã thanh bình, không còn những cảnh chia li, không còn những giọt nước mắt đau thương… Nhưng ở phía chân trời xa ấy, “màu hoa đỏ” vẫn ngời lên như màu của lửa để nhắc nhớ thế hệ mai sau hiểu hơn về giá trị của bình yên hôm nay.

Những ngày tháng 7, trong không khí linh thiêng của ngày thương binh – liệt sĩ … cất cao bài ca cũng tựa như thắp một nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ liệt sĩ… như một sự tri ân vô bờ bến đối với những người con đã xả thân vì nước vì dân. Và họ chính là “màu hoa đỏ” đang hiện hữu giữa thời bình, tiếp nối cái “màu hoa đỏ” rất đỗi vĩ đại của ngày hôm qua.

sưu tầm

Bình luận Facebook